Niềm tin Việt Nam và Mạng lưới Dũng Lạc

Niềm tin Việt Nam, Nguyễn Trung Tây


Một trong những nét nổi bật của Công đồng Vatican II là Giáo Hội đã kêu gọi người tín hữu hãy diễn tả tình yêu Thiên Chúa trong sắc mầu văn hóa mà Thiên Chúa đã ban tặng cho từng dân tộc trên mặt quả địa cầu. Lắng nghe lời kêu gọi của Công đồng Vatican II, người tín hữu Phi Châu đã chọn lựa diễn tả nhân diện của Ngôi Lời Thiên Chúa qua màu da và góc cạnh của một người thanh niên Phi Châu. Một cách tương tự, người tín hữu Á Châu minh họa những câu chuyện trong Kinh Thánh qua lăng kiếng và dung mạo của người phương Đông. Người Việt Nam, khi thi sĩ Hàn Mặc Tử viết xuống câu thơ “Như song lộc triều nguyên” để diễn tả lời kinh Kính Mừng, nhà thơ có lẽ đã trở thành người tín hữu Việt Nam đầu tiên vung bút ngọc viết xuống những câu thơ lời kinh trong ngôn ngữ và tình tự của chim trắng Lạc Việt và trống đồng Văn Lang.

Nhưng có lẽ có một số nhỏ vẫn còn thắc mắc, không hiểu rõ tại sao Công đồng Vatican II đã đề nghị và khuyến khích những người tín hữu trên khắp năm châu hãy minh họa và diễn tả chiều dài của dòng lịch sử ơn cứu độ qua hương vị quen thuộc của nền văn hóa quê cha đất tổ.

Ngoại trừ linh mục, tu sĩ, thần học gia, và những người học thần học, có lẽ không mấy người để ý đến một chi tiết có liên quan đến chủng tộc và văn hóa của Đức Kitô; đó là, Đức Giêsu là một người Do Thái. Bởi Ngài sinh ra vào những năm đầu tiên của công nguyên, cho nên Ngài nói tiếng Do Thái, ăn bánh mì, cá chiên, và uống rượu. Và cũng bởi Ngôi Hai Thiên Chúa là một người Do Thái, nếu muốn tìm hiểu về thân thế, tư tưởng thần học của Đức Giêsu, và dòng lịch sử ơn cứu độ, tất cả những thần học gia và người Kitô hữu của muôn muôn thế hệ không còn chọn lựa nào khác ngoại trừ chọn lựa đọc lịch sử và ca dao tục ngữ của người Do Thái, mà vào khoảng ba thế kỷ trước công nguyên, sau thời kỳ lưu đày bên Babylon, những thần học gia Do Thái quyết định gom lại, đóng thành một cuốn sách, ngày hôm nay người tín hữu gọi là sách Cựu Ước, hay Sấm Truyền Cũ.

Dựa vào bối cảnh lịch sử của sách Cựu Ước vừa được tóm tắt và trình bày, có bao giờ người tín hữu Việt Nam thắc mắc, đặt câu hỏi, “Nếu Ngôi Hai Thiên Chúa không sinh ra làm người Do Thái, mà lại là người Việt Nam, thì chuyện chi đã có thể xảy ra?” hay không?

Tiền đề thần học, “Nếu Ngôi Hai Thiên Chúa sinh ra làm người Việt Nam”, có thể dẫn đến một số giả thiết như sau,

(1). Sách lịch sử Việt Nam sẽ được cả thế giới học hỏi, nghiên cứu, và gọi là Cựu Ước. Và những câu ca dao và tục ngữ của kho tàng văn học dân gian sẽ nằm trong sách Huấn Ca (Proverbs) của Cựu Ước.

(2). Sách Sáng Thế Ký có thể sẽ bắt đầu với những hàng chữ, “Đế Minh, cháu ba đời của Thần Nông, một hôm đi tuần thú phương Nam, gặp nàng Vụ Tiên. Hai người lấy nhau, sinh ra Lộc Tục. Đế Minh phong Lộc Tục làm vua phương Nam, đế hiệu Kinh Dương Vương, đặt tên nước Xích Quỷ. Lộc Tục lấy Long Nữ sinh ra Lạc Long Quân”.

(3). Câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh sẽ xuất hiện trong chương 6-9 của Sáng Thế Ký, ba chương nói về trận Đại Hồng Thủy đã từng tiêu diệt tất cả mọi sinh vật trên mặt quả địa cầu, ngoại trừ gia đình ông Noah. Và câu chuyện Bánh Dày Bánh Chưng của Hoàng tử Tiết Liêu sẽ xuất hiện trong chương 1 của Sáng Thế Ký, bởi nếu phân tích Sáng Thế Ký 1-2:1-4a và sự tích Bánh Dày Bánh Chưng, người đọc sẽ nhận ra cả hai câu chuyện này đều chia sẻ chung với nhau một mẫu số về vũ trụ quan và về mối liên hệ giữa không gian và trái đất.

(4). Sự tích An Tiêm và Trái Dưa Hấu có lẽ đã xuất hiện trong chương 2-3 của Sáng Thế Ký, hai chương nói về trái cấm và lý do tại sao Adam và Eva bị lưu đày. Và câu chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa đã nằm trong chương 9 của Sáng Thế Ký, chương sách bàn về tháp Babel và lý do tại sao ngọn tháp bỗng dưng trở nên lưng chừng dở dang.

(5). Quan trọng hơn hết, một trong những điều đã xảy ra nếu Ngôi Lời sinh ra làm người Việt Nam là Ngài nói tiếng Việt, và Ngài sẽ không nói, “Ta là Bánh hằng sống nữa”, nhưng “Ta là Cơm hằng sống”, bởi vì Đức Giêsu không ăn bánh mì, nhưng Ngài ăn cơm.

Đã nhiều lần, trong phần hội thảo về ngôn ngữ đức tin, tác giả đã hỏi những người hiện diện trong những buổi cấm phòng về ý nghiã của chữ “Bánh” trong câu nói “Ta là bánh hằng sống” của Đức Giêsu. Gần như đây là một con số tuyệt đối, một trăm phần trăm những người hiện diện trong những buổi cấm phòng và hội thảo đều không biết Bánh ở đây chính là Bánh Mì. Mà tại sao lại là Bánh Mì? Lý do rất đơn giản, bởi vì Đức Giêsu là người Do Thái, một dân tộc lấy bánh mì làm lương thực chính trong những bữa ăn hằng ngày, cho nên, Ngài đã nói, “Ta là Bánh hằng sống”. Tuy nhiên, câu nói “Ta là Bánh hằng sống” sẽ không nói lên được tầm quan trọng và ý nghiã thần học đích thực mà Đức Giêsu muốn trình bày trong văn hóa Việt Nam, chính bởi vì người Việt Nam không ăn bánh mì, mà chúng ta ăn cơm. Cho nên, để hiểu trọn vẹn ý nghiã thần học câu nói của Đức Giêsu, người tín hữu Việt Nam phải chiêm niệm câu nói của Ngài như là, “Ta là Cơm hằng sống”. Nếu không có Manna từ trời cao tuôn đổ cho dân Do Thái làm bánh mì, người Do Thái đã chết trong hoang địa sa mạc. Nếu không có Cơm Trời, người Việt sẽ gục ngã, sẽ chết đói xanh xao như trận đói Ất Dậu 1945 trong lịch sử đã từng lấy đi hơn hai triệu mạng sống của người Việt Nam. Người Việt Nam, đặc biệt những người đang sống trên những vùng đất không còn là Việt Nam, có lẽ sẽ cảm nghiệm được nhiều hơn điều tác giả đang trình bày về tầm quan trọng của cơm trong đời sống hằng ngày của người Việt.

Theo như Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, nước Việt Nam xuất hiện trên bản đồ thế giới từ những ngày của năm 2879 trước công nguyên. Nếu lấy đây là một con số mốc để tính chiều dài lịch sử của nước Việt Nam, con cháu của Rồng Lạc Long và Tiên Âu Cơ đã đi qua gần 5000 năm chiều dài của vòng quay trái đất. Gần 5000 năm đã trôi qua, người Việt Nam có trong tay cả một gia tài lịch sử, văn chương, và ca dao tục ngữ, để người tín hữu Việt Nam sử dụng và diễn tả dòng lịch sử ơn cứu độ trong lăng kiếng Việt Nam. Cộng thêm vào kho tàng có chiều dài lịch sử gần 5000 năm, người tín hữu Việt Nam còn có 117 thánh Tử Đạo đã đổ máu đào, đã được phong thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988. Sử dụng những chất liệu của Việt Nam để diễn tả tình yêu Thiên Chúa cho người tín hữu Việt Nam, thí dụ, “Ta là Cơm hằng sống”, người Việt Nam sẽ cảm nghiệm được nhiều hơn, sâu sắc hơn, và thực tế hơn về một niềm tin Việt Nam vào Đức Kitô. Thí dụ, bàn về chữ tôi thiên đàng và chữ tôi hỏa ngục của dòng lịch sử ơn cứu độ, Thánh Gióng, một người con trai của Làng Phù Đổng, Bắc Ninh có thể được so sánh với Thánh Gioan Tiền Hô, bởi cả hai người này không hề có những uẩn khúc về cái tôi của riêng mình. Câu chuyện của người Samarita nhân lành có thể được minh họa qua câu ca dao nổi tiếng, “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Chữ hiếu trong câu tục ngữ, “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu” và chữ hiếu trong điều răn thứ Tư, “Hiếu thảo với cha mẹ” cùng là một chữ hiếu. Và chính chữ hiếu trong nền văn hóa Việt Nam và trong nền văn hóa Do Thái phần nào đã giải thích được lý do tại sao Đức Giêsu trong tiệc cưới Cana cuối cùng lại đổi ý trước lời yêu cầu của mẹ mình. Thánh Dũng Lạc, nữ thánh Đê, và thánh Thiện chết tử vì đạo cho một niềm tin sắt son là những vị thánh Việt Nam đang được nhiều xứ đạo học hỏi về gương sống chứng nhân Tin Mừng.

Vào những ngày của tháng Chín vừa qua, tác giả có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với những người bạn trẻ Việt Nam tại thành phố Sài Gòn về niềm tin của tuổi trẻ trong thiên niên kỷ thứ ba. Trong buổi thảo luận, tác giả đã hỏi những người bạn trẻ, “Theo như bạn, ngôi thánh đường nào trên quê hương Việt Nam là ngôi thánh đường mang nhiều nét Việt Nam nhất?”. Rất tiếc, chỉ có hai người trong khoảng năm mươi người bạn trẻ hiện diện trong buổi hội thảo nhắc đến tên ngôi nhà thờ đá Phát Diệm nổi tiếng của người Việt Nam và có lẽ của cả thế giới. Phần lớn, những người còn lại chỉ nhắc đến tên của Nhà thờ Đức Bà của thành phố Sài Gòn. Một số còn lại hoặc là lúng túng hoặc là yên lặng không có ý kiến.

Từ năm 1533 khi lịch sử ghi tên của nhà truyền giáo Inêkhu dưới thời vua Lê Trang Tôn đặt chân lên lãnh thổ Việt Nam, cho đến nay, gần 500 năm dòng lịch sử ơn cứu độ đã chiếu sáng trên quê hương Việt Nam. Từ năm 1965 khi Công đồng Vatican II bế mạc cho tới ngày hôm nay, người tín hữu Việt Nam đã sử dụng ngôn ngữ Việt Nam, chất liệu Việt Nam như thế nào trong đời sống đức tin hằng ngày? Những Bà Năm trầu tại vùng sông rạch Cà Mau và những anh Cả Thìn tại một thôn làng hẻo lánh xa xôi của Lạng Sơn, nếu cả hai nhân chứng đức tin này biết dạy dỗ con cái của mình trở thành những tín hữu gương mẫu và công dân lương thiện trong xóm đạo và xã hội, những cuộc đời Việt Nam của bà Năm Trầu và anh Cả Thìn, nếu có thể, nên xuất hiện tại trang bià của những tờ nhật báo và nguyệt san Công Giáo Việt Nam, bởi vì người Việt Nam sẽ dễ dàng cảm nghiệm với và học hỏi nơi những bóng hình mang đậm nét Việt Nam như thế này.

Bên cạnh cả một kho tàng Kinh Thánh và truyền thống 2000 năm của Giáo Hội, người tín hữu Việt Nam chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi thêm về Lời Chúa đã được mạc khải qua tổ phụ Abraham trong dòng lịch sử Cựu Ước, qua Đức Giêsu trong dòng lịch sử Tân Ước, và qua cả một kho tàng văn hóa quý giá mà tổ tiên Lộc Tục và Mười Tám Vua Hùng đã để lại cho chúng ta, con cháu của chim trắng Lạc Việt và trống đồng Văn Lang.

(Kỷ niệm Đệ Nhất chu niên của Mạng Lưới Dũng Lạc 4/2/2005-4/2/2006)

www.nguyentrungtay.com