TGP Sài Gòn: Hơn 250 người đăng ký tham dự lớp Thần học giáo dân Gioan Phaolô II



SÀI GÒN, VN -- Sau gần 4 tháng chuẩn bị, lớp Thần học giáo dân Gioan Phaolô II đã chính thức khai giảng vào chiều Chuá Nhật 19/03/2006 vừa qua. Hội trường Đỗ Minh Vọng của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình (số 43 Nguyễn Thông, Q.3) không còn một chỗ trống. Ban tổ chức (BTC) đã phải kê thêm nhiều ghế ngoài hành lang cho những ai đến sau không thể vào bên trong hội trường.

Phần lớn học viên thuộc lứa tuổi trung niên, hiện đang tham gia sinh hoạt tại các giáo xứ: thừa tác viên, linh hoạt viên, giáo lý viên, thành viên Hội đồng mục vụ
Chung quanh Bàn Tiệc Thánh
hoặc đang công tác trong các tổ chức, nhóm bác ái xã hội. Các bạn trẻ, dưới 30 tuổi, chiếm khoảng 15%.

Được hỏi tại sao lại chọn thần học, cái vẫn được xem là khá khô khan, ít ra đối với số đông bạn trẻ hôm nay? Bạn gái tên Thư (26 tuổi, gx Hoà Hưng), không hề tỏ ra lúng túng, trả lời ngay cũng bằng một… câu hỏi: “Khi mới nghe thông báo về lớp học này, bản thân tôi cũng hơi ngần ngại, có vẻ ‘cao cấp’ quá, vì trước giờ chỉ nghe nói giáo lý cho giáo dân thôi. Nhưng nhìn xung quanh, tại sao giới trẻ chúng ta nào là cố gắng học cho hết lớp 12, chạy lăng xăng luyện thi vào đại học, rồi nào là bằng hai, bằng ba, cao học, du học v.v… mà lại tỏ ra thờ ơ với việc học hỏi để nâng cao đời sống đức tin? Thế là tôi muốn đi học.” Còn bạn Tuyền (23 tuổi, gx Tân Chí Linh) có gương mặt và nụ cười khá xinh thì bộc bạch: “Em và chị Thư làm chung công ty. Chị Thư rủ em đi học… thần học. Trời, nghe lùng bùng lỗ tai quá, mình có đi tu đâu? Thế nhưng, em tự nhủ, ngay cả thần học là gì mình cũng không biết nữa cơ mà. Vậy có gì mà sợ? Em chỉ học hết cấp Thêm Sức hồi bé ở giáo xứ rồi nghỉ đến bây giờ… Em đăng ký vì muốn hiểu biết thêm về Thiên Chuá và Giáo hội.”

Một bạn trẻ khác, Trần Huy Khoa (23 tuổi, quê Gia Lai) bắt đầu tiếp xúc với thần học từ khá sớm, khi ở trọ trong nhà chung của Đại chủng viện Vinh, nhưng ngày ấy Khoa đọc mà không hiểu gì. Khoảng một năm trở lại đây, Khoa lại có dịp tiếp xúc với Thần học thiêng liêng (tài liệu Khoa mượn được của một người bạn). Anh chàng thường lân la tìm hiểu về vấn đề này qua các linh mục, tu sĩ, rồi thấy mê thần học lúc nào không hay. Khoa nói với một chị bạn rằng: “Thần học kỳ lạ lắm, càng đọc càng thấy thích, giúp mình mở ra nhiều điều mới lạ về Thiên Chúa, về bản thân con người…”. Cũng kể từ đó, Khoa ước ao có dịp được theo học một lớp thần học hẳn hoi nào đó. Và lần này, mặc dù bận rộn việc học hành (em là sinh viên năm cuối khoa dược),và chỉ còn ở lại Sài Gòn một năm nữa, nhưng Huy Khoa vẫn quyết định theo học lớp thần học giáo dân Gioan Phaolô II. Khoa tâm sự: “Đây là cơ hội quý báu giúp em tìm hiểu Lời Chúa để được biết Chúa nhiều hơn…” Khoa còn cho rằng, thần học thì sẽ đòi hỏi phải nghiên cứu ở mức độ sâu hơn, khác với những bài giảng của linh mục trong thánh lễ và các giờ giáo lý, thường dùng ngôn ngữ và đề cập đến các vấn đề phổ thông cho mọi người dễ hiểu. Vì gia đình luôn là nỗi ám ảnh từ khi em có trí khôn. Ba của Khoa, một người ngoại giáo, đã bỏ rơi 6 mẹ con khi em vẫn còn rất nhỏ, để đến với một người đàn bà khác. Khoa cảm thấy cuộc sống thật nặng nề và thiếu niềm tin… nhưng bây giờ, suy nghĩ và nhận thức của em đã thay đổi! Từ khi tiếp xúc với thần học, Khoa nhận ra một điều: tất cả đều là ơn Chúa.

Đông đảo người tham dự Lớp Thần Học Giáo Dân
Thật xúc động khi BTC cho biết có gần 20 anh chị đến từ các tỉnh thành xa xôi như Biên Hoà, Tây Ninh, Miền Tây… “Tôi nghe nói lớp thần học dành cho giáo dân, là đi ngay…” Một trong hai bà cụ tất tả “nhẩy” ôtô buýt (bus) từ Bình Dương vào học, nói.

Đặc biệt nhất là anh Mai Anh Thư, lặn lội từ tận Cà Mau, lên thành phố từ khuya hôm trước để kịp dự ngày khai giảng. Tội nghiệp, anh cứ lo không biết BTC có chấp nhận cho anh tham dự với hình thức “đào tạo từ xa” hay không? Mặc dù có hơi bất ngờ, nhưng các thành viên BTC rất cảm động và trân trọng hoàn cảnh của anh. Anh được chấp nhận đến lớp mỗi tháng một lần, và nhận tài liệu BTC gửi qua đường bưu điện.

Bác sĩ Antôn Vũ Đức Khôi, Trưởng BTC lớp học, cung cấp thêm nhiều thông tin:

- Sau khi lớp Giáo lý cho người trưởng thành khoá 1 với tên gọi lớp Anđrê Phú Yên bế giảng sau 4 năm (2001-2005). Nhóm Đức Tin và Văn Hoá (ĐTVH), dưới sự hỗ trợ của Tu viện Mai Khôi (Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam), lại tiếp tục lên kế hoạch cho khoá 2. Rút tỉa kinh nghiệm từ khoá trước, chương trình và nội dung học lần này được nghiên cứu soạn thảo bài bản, đầy đủ và lấy trọng tâm hơn (Kinh Thánh, Luân lý, Tín lý, Bí tích, Phụng vụ, Kitô học…) gói gọn trong 2 năm. Nhằm mạnh dạn đề xuất việc nâng lên thành lớp Thần học giáo dân – Khoá 2: lớp Gioan Phaolô II. Và đã được các bậc linh hướng đồng ý. Đồng thời, lớp được tổ chức học theo quy chế tín chỉ, có làm kiểm tra sau mỗi học phần (môn học), và sẽ cấp bằng cho học viên nào đạt yêu cầu khi khoá học kết thúc. Ngoài giờ học trên lớp (15h-17h mỗi CN hàng tuần), chúng tôi còn khuyến khích các học viên tham gia vào các hoạt động dấn thân phục vụ đồng bào của nhóm, như một cách “học đi đôi với hành”.

Đến tham dự lễ khai giảng và dâng thánh lễ tạ ơn có Lm Phaolô Nguyễn Thái Hợp - linh hướng nhóm ĐTVH, Lm Giuse Đinh Văn Vũ, bác sĩ Giuse Nguyễn Đăng Phấn - Trưởng nhóm ĐTVH, Giáo sư Lâm Võ Hoàng và thầy Giêrônimô Nguyễn Văn Nội - thuộc ban giảng huấn.

Một tín hiệu vui và đáng để suy nghĩ vào đầu năm mà Giáo Hội Việt Nam chọn là Năm sống Lời Chúa.

QN–BV