Sáng nay, ngay sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XI, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã trả lời phỏng vấn VnExpress. Theo Chủ tịch, trong năm tới, nhiều vụ án có tính chất tham nhũng điển hình sẽ tiếp tục được điều tra, làm rõ, xét xử.

- Pháp lệnh chống tham nhũng có cách đây ba năm nhưng vẫn chưa được báo cáo toàn diện. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch có thể cho biết trong thời gian tới công việc này sẽ được chỉ đạo thực hiện như thế nào?

- Trong Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của trung ương, Chương trình công tác của Chính phủ và kể cả của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, đều rất coi trọng các biện pháp chống tham nhũng. Trong năm 2002, chúng ta bước đầu thực hiện tích cực. Những gì làm được vừa qua cho thấy rằng Đảng và Nhà nước đang và sẽ quyết tâm thực hiện việc chống tham nhũng một cách triệt để. Năm 2003, các ngành, các cấp cần phối hợp chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng để làm tấm gương giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức trong cả nước. Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ các vụ án chống tham nhũng, chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ không chỉ giỏi về trình độ mà còn phải có phẩm chất trong sạch, chí công vô tư.

- Kỳ họp Quốc hội nào cũng có dân đến khiếu kiện vượt cấp. Vậy công tác giải quyết khiếu nại tố cáo hiện cần chú trọng vào những vấn đề gì?

- Công tác khiếu nại tố cáo của công dân đang có những chuyển biến tích cực ở tuyến khiếu nại tố cáo hành chính. Tuy nhiên, như Thủ tướng Phan Văn Khải vừa báo cáo trước Quốc hội, vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; nhiều vụ khiếu kiện đông người, gay gắt vượt cấp lên trung ương.

Thông qua việc xem xét các khiếu kiện của dân có thể thấy cần đẩy mạnh việc đổi mới chính sách, đặc biệt là về đất đai với các phương án đền bù giải toả; kiên quyết xử lý những cán bộ, tập thể không thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước, sách nhiễu nhân dân; tăng cường giáo dục pháp luật và xử lý kịp thời những người cố tình cưỡng lại, xúi giục người khác khiếu kiện không đúng.

Ngoài ra, tôi được biết còn một tuyến khiếu nại tố cáo khác liên quan đến công tác tư pháp. Hiện nay có nhiều vụ việc phức tạp, vì vậy Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đang tập trung hướng công tác tư pháp hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Theo báo cáo gần đây nhất, các ngành có liên quan đang tiếp cận những khiếu nại tố cáo tuyến này để phân loại. Tôi tin rằng, sang năm 2003 sẽ có những giải quyết thích hợp và công tác tư pháp sẽ hoạt động tốt hơn.

- Tình hình phát triển kinh tế xã hội được Thủ tướng Chính Phủ đánh giá là rất khả quan. Tuy nhiên, hai năm liền (2001-2002) tăng trưởng GDP đều thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch và số hộ nghèo ở vùng nông thôn vẫn còn cao. Chính sách công nghiệp hoá nông thôn của Nhà nước tới đây sẽ được thực hiện thế nào?

- Nhân dân ta đã đồng tình rất cao trong công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nên đã đạt được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp đã dành được những kết quả rất tiêu biểu. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, đều hết sức quan tâm đến sự thay đổi của đất nước ta. Tôi khẳng định được điều này vì tôi vừa có dịp đi thăm đối ngoại một số nước và dự hội nghị quốc tế, tất cả đại diện các nước đều khen ngợi về lĩnh vực xoá đỏi giảm nghèo của VN.

Tuy nhiên, về phía chúng ta thì không thể coi đó để bằng lòng, vì cuộc sống của bà con ở các vùng nông thôn vẫn còn khó khăn. Tới đây, Nhà nước chủ trương chú trọng cho công nghiệp hoá nông thôn, vạch ra những mục tiêu, những chương trình hành động để thúc đẩy việc xoá đói giảm nghèo. Vấn đề quan trọng bậc nhất là làm thế nào để giúp bà con nông dân ở vùng sâu, từ Tây Nguyên đến miền núi phía bắc, phát huy nội lực, sự sáng tạo để nâng cao cuộc sống. Tôi tin là những chính sách được nêu trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ sẽ được thực hiện tốt để VN có những tiến bộ mới.

- Gắn liền với công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước là công nghệ thông tin. Nhà nước sẽ đầu tư cho ngành này như thế nào?

- Theo tôi, công nghệ thông tin là đặc trưng của thế giới hiện đại vì nó tiêu biểu cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới trong thế kỷ này, và nó chứa đựng những tiềm năng, triển vọng rất lớn. Cho nên mỗi quốc gia có theo kịp đà tiến chung của khu vực và thế giới hay không, liên quan rất chặt chẽ đến việc có nhìn nhận đúng vai trò của công nghệ thông tin. Cái khó của VN hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin, đây là cơ sở cho việc ứng dụng tất cả các tiến bộ mới nhất của thế giới vào trong đời sống xã hội. Nước ta đang bước đầu đi vào quá trình này và còn ở mức rất thấp. Muốn đạt được mục tiêu trên, chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ. Trước hết VN coi trọng việc đào tạo để có được nguồn nhân lực cùng với việc tìm cách để tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, bao gồm cả các cơ quan của Nhà nước, cùng được áp dụng công nghệ tiên tiến này.

Nhà nước đã chỉ đạo các ngành tập trung đầu tư cho các khu công nghiệp chuyên về công nghệ thông tin ở Hà Nội và TP HCM. Những dự án này đã được Chính phủ dành cho nhiều ưu đãi về đất đai, cơ sở hạ tầng, vốn liếng, mở đường hướng hợp tác với bên ngoài, cho tiếp nhận những hỗ trợ công nghệ của thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế là việc thực hiện chủ trương này vẫn chưa đạt hiệu quả, rất trì trệ. Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc là một điển hình cho sự chậm chạp. Thực tế đó có lỗi của cả chính quyền trung ương và địa phương, các ngành, các cấp, ví dụ như việc giải toả mặt bằng, quy hoạch. Các vấn đề khác như vốn đầu tư và các biện pháp tổ chức hành động cũng chưa kịp thời. Trách nhiệm thuộc về các ngành có liên quan như Bộ Khoa học và công nghệ; Kế hoạch và đầu tư. Tại kỳ họp quốc hội này, việc thực hiện các dự án công nghệ thông tin sẽ được các bộ này báo cáo tình hình thực hiện và đưa ra giải pháp để các dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. (Hoài Thương -Tin Nhanh)