"Những kỳ công của Thiên Chúa trong Lịch Sử Cứu Rỗi"

VATICAN (Zenit.org).- Bài huấn đức của Đức Biển Đức XVI trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần 16/11, mà ngài dành để giải thích về phần sau của Thánh Vịnh 135(136)

* * *

1. Chúng ta lại suy niệm về thánh thi ca ngợi của Thánh Vịnh 135(136), mà Phụng Vụ Kinh Chiều đề nghị trong hai giai đoạn kế tiếp, theo một sự phân biệt rõ ràng do sự sáng tác cung cấp trên mức độ chủ đề. Trên thực tế, sự cử hành những kỳ công của Đức Chúa đã được phác họa trong hai ranh giới, không gian và thời gian.

Trong phần thứ nhất (x. cc.1-9), đối tượng của bài suy niệm lần trước, những hành xử của Thiên Chúa phô bày trong tạo vật trước mặt chúng ta. Những hành động của Thiên Chúa là ngườn gốc cho những sự kỳ lạ trong vũ trụ. Trong phần này của Thánh Vịnh công bố đức tin trong Thiên Chúa Đấng Sáng tạo, Người mạc khải mình qua những tạo vật vũ trụ. Ngược lại bây giờ bài ca vui mừng của tác giả thánh vịnh, được truyền thống Hy bá gọi là "Hallel cao cả" nghĩa là, bài ca ngợi cao nhất dâng lên Chúa, dẫn chúng ta tới một chân trời khác đó là chân trời lịch sử.

Do đó, phần thứ nhất nói về tạo vật như là phản ảnh vẻ đẹp của Thiên Chúa; phần thứ hai nói về lịch sử và về sự lành Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua dòng thời gian. Chúng ta biết rằng Mặc khải Kinh Thánh luôn công bố rằng sự hiện diện của Thiên Chúa Đấng Cứu Chuộc được bày tỏ cách đặc biệt trong lịch sử cứu rỗi (x. Dnl 26:5-9; St 24:1-13).

2. . Như vậy những hành động giải phóng của Chúa diễn qua trước con mắt tác giả thánh vịnh, những hành động cứu rỗi đó có trung tâm của chúng trong biến cố cơ bản Xuất hành khỏi Ai cập, liên kết sâu xa với biến cố này là cuộc hành trình khó khăn trong sa mạc Sinai, kết thúc trong đất hứa, hồng ân Thiên Chúa mà dân Israel cảm nghiệm trong tất cả các trang Kinh Thánh.

Cuộc đi qua Biển Đỏ lừng danh "được chia thành hai phần," bị chia cắt và bị chế ngự như một quái vật bị chinh phục (x. Tv 135:13), khai sinh dân tộc được giải phóng để thi hành một sứ vụ và một vận mệnh vinh hiển (x. cc.14-15; Xh.15:1-21), vận mệnh đó sẽ có sự giải thích Kitô hữu của nó trong sự giải thoát trọn vẹn khỏi sự dữ nhờ ân sủng rửa tội (x. 1 Cor.10:1-4). Sau đó mở ra cuộc hành trình sa mạc: trong đó Chúa được chứng tỏ như một chiến binh tiếp tục công việc giải phóng đã bắt đầu trong cuộc vượt qua Biển Đỏ, liên kết mình trong sự bảo vệ dân Người bằng cách đánh đổ nhũng kẻ thù của họ. Như vậy, Sa mạc và biển cả chỉ sự vượt qua sự dữ và sự áp bức để nhận lãnh ân huệ tự do và đất hứa (x. Tv. 135[136]:16-20).

Sau cùng, thánh vịnh mặc khải rằng xứ sở mà Kinh Thánh tán dương một cách nhiệt tình như là "một xứ tốt tươi, miền đất có những dòng nước, những suối và những mạch nước ngầm..., miền đất có lúa mì lúa mạch, cây nho, cây vả, cây lưu, cây ô liu và mật ong, miền đất ở đó anh em sẽ ăn bánh mà không bị hạn chế, ở đó anh em sẽ không thiếu thốn gì, miền đất mà đá là sắt, và núi có cánh đồng cho anh em khai thác" (Dnl.8:7-9).

3. . Sự cử hành long trọng này, vượt qúa thực tại của miền đất này, nhằm tán dương hồng ân Thiên Chúa, hướng tới sự chờ đợi của chúng ta vào ân huệ cao nhất là sự sống đời đời với Thiên Chúa. Một ân huệ cho phép dân chúng được tự do, một ân huệ được sinh ra-như được lập đi lập lại liên tục trong đối ca đánh dấu mổi câu, từ "hesed" của Chúa, nghĩa là từ "tình thương" của Người, từ lòng trung của Người với sự cam kết đã chấp nhận trong Giao Ước với Israel, từ tình yêu của Người tiếp tục tự mạc khải qua sự "nhớ" (x. Tv.135:23). Trong thời kỳ bị "nhục mạ," tức là bị thử thách và áp chế liên tiếp, Israel sẽ luôn khám phá bàn tay cứu độ của Thiên Chúa tự do và tình yêu. Trong thời gian đói và khổ Chúa cũng sẽ xuất hiện để ban phát thức ăn cho toàn thể nhân loại, củng cố căn tính của mình như là Đấng Sáng Tạo (x. c. 25).

4. Do đó, Trong Thánh Vịnh 135(136) đan chéo hai cách thức của một Mặc Khải thần linh duy nhất, một vũ tru (x. cc,4-9) và một lịch sử (x. cc. 10-25). Dĩ nhiên, Chúa là Đấng siêu việt vì là Đấng Sáng Tạo và là trọng tài của hữu thể; nhưng Người cũng gần các tạo vật của Người, khi đi vào không gian và thời gian. Người không ở xa, trên trời xa. Nhưng ngược lại, sự hiện diện của Người giữa chúng ta đạt tới chóp đỉnh của nó trong mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô.

Đó là điều sự giải thích Kitô hữu của thánh vịnh công bố rõ ràng, như được chứng nhận bởi các Giáo Phụ, các ngài thấy chóp đỉnh của lịch sử cứu rỗi và dấu cao nhất của tình yêu thương xót của Chúa Cha trong ân huệ Chúa Con, như Đấng Cứu độ và Cứu chuộc nhân loại (x. Ga 3:16).

Như vậy, Thánh Cyprian, một vị tử đạo vào thế kỷ thứ ba, khi bắt đầu luận án của ngài về "Những Công Trình Bác Ai và Bố Thí," khâm phục chiêm ngưỡng những công trình Thiên Chúa đã thực hiện trong Chúa Kitô Con của Người vì dân Người, cuối cùng bất thần biểu lộ một sự đền đáp tha thiết cho sự thương xót của Người: " Hỡi anh em yêu quí nhất, những ơn lành của Thiên Chúa thì nhiều và vĩ đại những ơn lành do lòng tốt lành quảng đại và dồi dào của Thiên Chúa Cha và của Chúa Kitô đã hoàn tất và sẽ luôn hoàn tất cho phần rỗi chúng ta; trên thực tế, để bảo vệ chúng ta, để cho chúng ta một sự sống mới và để có khả năng cứu chuộc chúng ta, Chúa Cha đã sai Chúa Con; Chúa Con, đấng được sai, muốn cũng được gọi là Con Người, hầu biến chúng ta thành những đứa con Thiên Chúa:

Người đã hạ mình xuống hầu nâng lên những người trước kia nằm dưới đất. Người bị thương tích đễ chữa lành những vết thương chúng ta, Người đã trở nên một tên nô lệ để dẫn đưa chúng ta, là những tên nô lệ tới sự tự do. Người đã chấp nhận sự chết hầu có khả năng cống hiến sự bất tử cho những kẻ hay chết. Đó là những ân huệ dồi dào và vĩ đại của tình thương xót Chúa" (1: Trattati: Collana de Testi Patristici" [Những luận án: Sự thu tập những Bản văn Giáo Phụ] CLXXV, Rome, 2004, p. 108).

Với những lời này, Thánh Tiến Sĩ Giáo Hội phát triển thánh vịnh với một kinh cầu về những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, bằng cách thêm cho điều mà tác giả thánh vịnh còn chưa biết, nhưng vẫn hy vọng, đó là ân huệ thật Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: ân huệ người Con, ân huệ Nhập Thể, trong đó Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta và với ân huệ đó Người vẫn ở với chúng ta, trong Thanh Thể và trong : Lời Người, mỗi ngày cho đến cuối lịch sử.

Chúng ta có nguy cơ này là nhớ đến sự dữ, những sự đau khổ do sự dữ, thường mạnh hơn là nhớ đến sự lành. Thánh vịnh giúp thức tỉnh trong chúng ta nhớ đến sự lành, đến tất cả sự lành Chúa đã làm và đang làm cho chúng ta, và để chúng ta có thể thấy nếu lòng chúng ta có chăm chú hay không: Điều thật sự là, lòng thương xót của Thiên Chúa thì đời đời, hiện diện ngày này qua ngày khác.

Cuối buổi triều yết, Đức Thánh Cha đọc bản tóm tắt sau đây bằng tiếng Anh:

Anh Chị Em thân mến,

Thánh Vịnh 135 là thành phần của một bài hát vui mừng được biết trong truyền thống Hy bá như là "Hallel cao cả" Tác giả Thánh vịnh chiêm ngắm hai chiều kích của mặc khải Thiên Chúa, một vũ trụ, một lịch sử. Phần thứ nhất của thánh vịnh, mà chúng ta đã xem xét hôm Thứ Tư lần trước là ngợi khen Chúa vì những kỳ công lớn của Người trong tạo vật.

Hôm nay, trong phần thứ hai của thánh vịnh, chúng ta nghe những kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi: sự xuất hành của dân Israel khỏi Aicập, sự qua Biển Đỏ, và cuộc hành trình qua sa mạc. Những biến cố này biểu thị cách tượng trưng sự đi ngang qua sự dữ tới ân huệ tự do trong đất hứa.

Do đó thánh vịnh là một cử hành lòng thương xót đầy yêu thương, tích cực và trung tín của Thiên Chúa (được gọi là "hesed" trong tiếng Hy Bá). Sự Thiên Chúa tham gia trong lịch sử loài người đạt tới tột đỉnh trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thánh Cyprian, chiêm nhắm những việc vĩ đại Thiên Chúa đã hoàn tất trong Chúa Kitô, mời những người Kitô hữu ngợi khen ngợi Chúa vì "những lợi ích dồi dào và vĩ đại của lòng thương xót Chúa." Sư kêu gọi này là một tiếng vang trung thực của những lời của thánh vịnh: "Hãy tạ ơn Thiên Chúa cửu trùng, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương."

Sau đó Đức Giáo Hoàng chào những người hành hương bằng nhiều thứ tiếng. Qua tiếng Anh, ngài nói:

Tôi dâng một lời chào nồng nhiệt cho tất cả những khách thăm viếng và những người hành hương nói tiếng Anh hiện diện trong buổi tiếp kiến chung hôm nay. Tôi gởi lời chào đặc biệt tới những thành viên của Ủy Ban Quản Trị Caritas Quốc tế. Tôi cũng vui mừng chào các nhóm từ Anh Quốc, Tây Ban Nha, Nam Phi và Hoa Kỳ. Mong sao cuộc hành hương của anh chị em tăng cường đức tin của anh chị em và đổi mới tình yêu của anh chị em đối với Chúa và xin Thiên Chúa chúc lành tất cả anh chị em!