Chữ quốc-ngữ và chữ nôm

Tự-vị Taberd và di-sản văn-hóa Việt-Nam

Đối với những ai có lòng tha-thiết với văn-hóa dân-tộc, thì cuốn tự-vị Việt-La-tinh do giám-mục Taberd biên soạn và cho in bên Ấn-độ năm 1838, thực là một tài-liệu không thể bỏ qua, vì nó đánh dấu một chặng đường quan-trọng trong lịch-sử hình-thành của nền quốc-học Việt-Nam. Quan-trọng là vì đây là lần đầu tiên chữ quốc-ngữ được đối chiếu với chữ nôm trong một cuốn tự-vị được in ra. Các tự-vị chữ nôm được biên soạn và ấn-hành sau này đều lấy lại cái sáng-kiến đó một như là một việc rất tự-nhiên.

Có lẽ đôi khi, vì nhiều lý-do, người ta ngần-ngại không muốn nhìn nhận tác-phẩm đó là một tài-liệu có tầm-cỡ quan-trọng. Một lý-do chính, có lẽ là vì lẽ nó do một người ngoại-quốc biên-soạn, cho in ở ngoại-quốc, và hơn nữa lại viết bằng tiếng La-tinh. Cũng dễ hiểu : vào thời buổi này, muốn học được khoa-học và kỹ-thuật, muốn hiểu được chính-trị và kinh-tế trong thế-giới, thì cần phải am tường sinh-ngữ. Cho nên ở Việt-Nam chúng ta không thiếu các thứ tự-vị Anh, Pháp, Tàu, Nhật, v.v.. Chứ ngoài một thiểu số người công-giáo, vì lý-do tôn-giáo, thì hỏi có ai nghĩ đến việc học một cổ-ngữ như tiếng la-tinh, không có liên quan gì đến văn-học Việt-Nam ? Một lý-do khác nữa có lẽ là lòng tự-ái.

Nhưng trái lại, cũng chính vì lòng tự-ái dân-tộc, mà tôi trộm nghĩ tự-vị Taberd là một công-trình quan trọng, đáng được chú-ý. Thực vậy, người Việt ta ý-thức rằng mình có một nền văn-hóa riêng, nhiều khi còn bạo-dạn tuyên-bố mình có bốn nghìn năm văn-hiến, nghĩa là không thua gì người Tàu. Nhưng cái ý-thức đó dù sao cũng còn là chủ-quan : chắc gì là người Tàu đã chịu nhận như thế ? Ta biết họ từ xưa vẫn đã có ý-định đồng-hóa, làm cho người Việt thành ra người Tàu. Lần cuối cùng khi họ đô-hộ nước ta, vào thời nhà Hồ, thì quan lại nhà Minh đã tìm cách thu lấy cho hết các sách vở của người Việt, kể cả sách viết bằng chữ Hán. Kho tàng văn-hóa của ta cũng vì thế mà mất-mát đi khá nhiều. Đàng này khác : các giáo-sĩ Tây-phương sang truyền-giáo đã công-nhận và tôn-trọng văn-hóa riêng của ta. Như thế thiết-tưởng không phải là vì ta cũng dùng chữ Hán, cũng có tam-giáo như người Tàu, nhưng chắc-chắn là vì ta có tiếng nói riêng và chữ viết riêng, tức là chữ nôm. Tôi dám chắc rằng nếu trên đất Việt-Nam xưa kia không có chữ nôm, mà chỉ có chữ Hán, thì dĩ-nhiên là người Tây-phương hẳn đã cho rằng người Việt cũng chẳng khác gì người Tàu. Chính vì chưa hiểu rõ như thế cho nên khi đức giáo-tông Alexandre VII gửi tông-huấn cho các giám-mục ở Đàng Ngoài và Đàng Trong thì đã đề cho nó cái tên nghe thật lạ tai : Tông-huấn chỉ đạo cho các vị đại-diện giáo-tông-tòa đang lên đường sang các quốc-gia của người Tàu ở Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659) !

Trước hết, ngay từ thế-kỷ XVII, các giáo-sĩ Tây-phương sang Việt-Nam truyền giáo, đã ra công quan-sát phong-tục tập-quán, đồng thời học tiếng nói và chữ viết của ta, để dễ bề chia-sẻ niềm tin của họ với người mình. Họ rất có thiện-cảm với người Việt, và đã viết ra nhiều lời ca-tụng văn-hóa và ngôn-ngữ của chúng ta. Ngay trong đầu thế-kỷ XVII, giáo-sĩ Girolamo Maiorica là người Ý (Italia) đã soạn ra hàng chục cuốn sách đạo bằng chữ nôm. Sau đó giáo-sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc- Lộ) quê ở Avignon (nay thuộc về nước Pháp) đã cho in tại Roma năm 1651 sách giáo-lý bằng chữ quốc-ngữ Việt-Nam và tiếng La-tinh, sách về ngữ-học Việt-Nam bằng tiếng La-tinh và tự-vi Việt-Bồ-đào-nha-La-tinh. Những người đã xướng-xuất ra các công-trình ấy vốn là những người có học-thức, có đầu óc cởi mở, và đã ra công học hỏi được nhiều, nhưng ta không nên quên rằng các vị ấy đã học với người Việt mình. Những người Việt này thường là những thầy giảng đi theo cộng-tác trong việc truyền-giáo. Họ cũng là những người biết chữ thánh-hiền, biết sử-dụng chữ nôm, và hiểu biết phong-tục tập-quán nước ta. Cho nên tuy rằng trong các công-trình ấy không nhắc đến tên tuổi của họ, nhưng ta cũng chắc được rằng những người công-giáo Việt-Nam ấy đã đóng góp vào đó, nếu không phải là về phương pháp thì cũng là về phần tài liệu, một phần không phải là nhỏ. Cho nên khi làm những công-việc đó với người ngoại quốc, họ lại càng ý-thức được cái gì thuộc về văn-hóa nước nhà.

Còn về việc viết bằng tiếng La-tinh, thì ta cũng nên biết rằng vào mươi thế-kỷ trước đây, tiếng La-tinh là ngôn-ngữ dùng trong giáo-hội công-giáo, đồng thời cũng là ngôn ngữ của giới học-giả Âu-châu (cũng như chữ Hán trong miền đông châu Á), Xin đan-cử một ví-dụ : Các triết-gia như Hegel, Feuerbach đều viết luận-văn tiến-sĩ triết-học bằng tiếng La-tinh, còn Karl Marx thì tuy viết luận-văn bằng tiếng Đức nhưng đã tham khảo sách vở bằng tiếng La-tinh và tiếng Hi-lạp. Các giáo-sĩ, cũng như các học-giả thời đó, ngoài tiếng nói nước mình còn biết tiếng La-tinh nữa. Cho nên khi viết sách và tự-vị bằng tiếng La-tinh, không phải chỉ là để cho người công-giáo, mà còn là để cho giới học-giả Âu-châu học biết ngôn-ngữ và văn-hóa Việt-Nam nữa. Có một điều mà có lẽ chưa ai để ý, là những người như Alexandre de Rhodes, Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá-Đa-Lộc) hay Jean-Louis Taberd, là những người nói tiếng Pháp, đều đã soạn tự-vị Việt-La-tinh, chứ không soạn tự-vị Việt-Pháp. Lý-do thật là đơn-giản : họ là người đi giảng đạo Thiên-Chúa, đi chia-sẻ niềm tin công-giáo, chứ không phải là người đi truyền-bá văn-hóa, chính-trị và học-thuật nước Pháp. Về sau này, khi người Pháp can-thiệp vào Việt-Nam và đặt nền thống-trị của họ trên đất nước ta, thì lúc đó mới thấy xuất-hiện nhiều tự-vị Việt-Pháp và Pháp-Việt.

Nếu ta bỏ hẳn phần tiếng La-tinh ra, thì tự-vị Taberd cũng vẫn còn là quan trọng, vì lẽ trong tự-vị vừa dùng chữ quốc-ngữ, vừa dùng chữ nôm. Chữ quốc-ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát-âm, còn chữ nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ ông cha chúng ta cố gắng để tự-lập về văn-hóa đối với người Hán-tộc. Như vừa nói trên đây, các tự-vị chữ nôm ngày nay của ta cũng dùng hai thứ chữ viết như thế.

Chính vì ở phần dẫn-nhập và phần chỉ-dẫn trong Tự-vị, soạn-giả đã viết tới hơn bốn mươi trang lớn bằng tiếng La-tinh, là một cổ-ngữ mà ngày nay cả bên Âu-châu cũng ít người đọc được, cho nên thiết-tưởng cũng cần phải giải-thích tóm tắt nội-dung của các phần đó.

Sau đây xin có mấy lời về : 1- Thân thế và sự-nghiệp của soạn-giả; 2- Nội-dung cuốn tự-vị; 3- Tự-vị và nền quốc-học; 4- Vấn-đề quốc-ngữ.

1- Thân-thế và sự-nghiệp của soạn-giả

Jean-Baptiste Louis TABERD (tên Việt là Từ) sinh tại Saint-Étienne, quận Loire (Pháp) ngày 18-6-1794, gia-nhập Hội Truyền-Giáo Nước Ngoài, trụ-sở tại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris), thụ phong linh-mục ngày 27-7-1817. Ngày 7-11-1820, rời Pháp, trên tàu Maison Saget, sang Việt-Nam truyền giáo. Vào những năm 1825, 1827, theo lệnh vua Minh-Mạng, các giáo-sĩ người Pháp bị đưa về Dinh Cung-Quán ở Huế quản-thúc, trong số này có linh-mục Taberd; nhưng nhờ tổng-trấn Lê Văn Duyệt can-thiệp, nên linh-mục được tự-do lui về Saigon. Ngày 30-5-1830, tại Bangkok linh-mục Taberd được tấn-phong làm giám-mục, với hiệu tòa Isauropolis, và được lãnh trách-nhiệm coi sóc địa-phận Đàng Trong, nhưng vì hoàn-cảnh khó-khăn nên chỉ ở miền nam chứ không ra ngoài Huế được.

Giám-mục Taberd đang ở Thị-Nghè, thì lại bị vua Minh-Mạng ra dụ ngày 6-1-1833, triệu về Huế trình diện, nên cùng với ba giáo-sĩ Pháp và mười lăm chủng-sinh ở Lái-Thiêu trốn ra khỏi Thị-Nghè, qua ngả Châu-Đốc, Hà-Tiên, Campuchia, tới Chanthaburi ngày 21-3, rồi tới Bangkok sau hơn một tháng trời. Hành trình hết sức mệt nhọc.

Tại Bangkok nhà vua nước Xiêm (Thái-lan) muốn lợi-dụng và lôi-cuốn giám-mục về phía nước Xiêm để chống lại Việt-Nam, nhưng bị từ chối. Để khỏi vướng mắc về chính-trị, mùa hè năm 1834, giám-mục trốn xuống Penang, Singapore, rồi sang xứ Bengale bên Ấn-độ. Nhận thấy không thể trở lại Việt-Nam được, nên giám-mục Taberd đã xin Tòa Thánh bổ-nhiệm phó giám-mục ở Đàng Trong, để làm việc thay cho mình. Vì thế năm 1835, linh-mục Étienne Théodore Cuénot (tên Việt là Thể) được cử vào chức-vụ này. Năm 1838 giám-mục Taberd xin từ chức giám-mục Đàng Trong, và được cử làm giám-mục ở xứ Bengale. Cũng năm ấy ngài cho xuất-bản tại nhà in J. C. Marshman ở Serampore cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium Anamitico-Latinum. Ngài mất tại Calcutta ngày 31-7-1840.

Cuốn tự-vị này được hoàn-thành, ít nhất đã có sự cộng tác của chủng-sinh Philiphê Phan Văn Minh, vì khi ông này còn đang học tại đại chủng-viện Penang, đã được giám-mục Taberd mời sang Calcutta để cộng-tác vào việc biên-soạn. Sau này Phan Văn Minh đã được thụ-phong linh-mục. Thực ra các soạn-giả đã dùng làm căn-bản bổ-sung khá rộng cuốn tự-vị chép tay Dictionarium anamitico-Latinum của giám-mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa soạn xong hẳn.

Ngoài cuốn tự-vị nổi tiếng đó, giám-mục Taberd còn cho xuất-bản :

Tabula geographica imperii annamitici, Bengale, 1838.

Documenta rectae rationis, Pondichéry, 1838 (Sách này dùng vào việc huấn-luyện các chủng-sinh Việt-Nam và Trung-hoa. Sách được tái-bản lần thứ ba tại Hương-cảng năm 1914).

Giáo-lý Đàng Trong, 1838. (Theo soạn-giả Trương Bá Cần dẫn chiếu cuốn Bibliotheca Missionum. Xin coi : Công giáo Đàng Trong thời giám-mục Pigneau, Tủ sách Đại Kết, 1992, trang 40).

Ngay mai: Nội dung cuốn Tự Vị

Nguồn: www.dunglac.net