Đức Thánh Cha Phanxicô đề tựa cho cuốn sách “Đối thoại trong Thánh Thần”

Đức Thánh Cha Phanxicô đề tựa cho một cuốn sách mới, có tựa đề “Cuộc đối thoại trong Thánh Thần - Nghệ thuật phân định và thực hành tính đồng nghị,” của các tác giả là hai linh mục Dòng Tên Juan Antonio Guerrero Alves và Óscar Martín López, được Vatican xuất bản ( LEV) ngày 30 tháng 4.

Lời đề tựa như sau: Anh em thân mến, cảm ơn anh em đã chia sẻ cuốn sách này với cha trước khi xuất bản. Từ những gì anh em nói trong phần giới thiệu về nguồn gốc của nó, cha thấy rằng Óscar đã có thể kéo đọc giả của mình ra khỏi thế giới kinh tế đã chôn nhốt Thần khí trong ngôi nhà này, để đưa Ngài trở lại nhân thế qua những chủ đề tâm linh hơn. Thật tuyệt vời khi một cuốn sách về cuộc trò chuyện trong Thánh Thần đã được ra đời qua những cuộc đối thoại thiêng liêng giữa các tác giả với nhau.

Mặc dù các cuộc thảo luận tập trung vào cuộc trò chuyện trong Thánh Thần, vốn là phương pháp được áp dụng trong con đường đồng nghị, nhưng cha đánh giá rất cao việc anh em đã không dừng lại ở phương pháp và sinh động của nó. Cha đánh giá cao việc anh em cung cấp cho người đọc đầy đủ tài liệu tham khảo lịch sử để nắm bắt chiều sâu của phương pháp này và mọi thứ nó mang lại để thực sự đưa nó vào một trải nghiệm lắng nghe Chúa Thánh Thần.

Thánh Thần soi dẫn cho chúng ta biết phương pháp đồng nghị là một trải nghiệm thiêng liêng, trong đó lời nói và sự lắng nghe đảm bảo rằng Chúa Thánh Thần là nhân vật chính yếu. Việc đọc cuốn sách này cho chúng ta cơ hội nhận ra con đường đồng nghị mà chúng ta đã và đang thực hành với tư cách là một Giáo hội kết thành những trải nghiệm tâm linh cá nhân, cộng đồng và Giáo hội, do đó đòi hỏi công việc cá nhân của mỗi người trong chúng ta.

Ý tưởng đàm đạo “đi vào một con đường chung” đáng được phát triển hơn nữa trong tương lai. Trên thực tế, quan niệm đối thoại này cho phép đưa ra những quan điểm khác nhau để làm phong phú thêm sợi dây chung đó. Nhiều cuộc trao đổi hơn trong đời sống cùng nơi chốn và cùng Giáo hội sẽ mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta. Trong cuộc trao đổi trong Thánh Thần, chúng ta tìm thấy một con đường chung hướng tới sự hiệp thông và đổi mới sứ mệnh, khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người và chào đón sự đa dạng lớn lao mà tất cả chúng ta đều đạt được trong sự hiệp thông và hiệp nhất.

Cuộc đối thoại trong Thánh Thần, sự phân định và tính đồng nghị trước hết bao gồm việc lắng nghe. Con đường đồng nghị được Giáo hội thực hiện là con đường lắng nghe sâu sắc. Thái độ mà anh em đề nghị, về “sự lắng nghe cởi mở và mong manh”, là nền tảng và rất cần thiết, trên thực tế, nó cho phép Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta và làm cho chúng ta thay đổi, khiến chúng ta lựa chọn và dẫn chúng ta đến những quyết định cụ thể. Nếu mọi người vẫn bị ràng buộc bởi những không thời gian mà chúng ta đảm trách trước đó, thì sẽ không có cuộc trao đổi thực sự, cũng như không có sự lắng nghe Chúa Thánh Thần. Anh em sẽ không tìm được bất cứ điều gì mà anh em có thể học hoặc tiếp thu từ người khác mà không rung sợ trước bất kỳ quyết định nào liên quan đến những thay đổi. Thực ra, chỉ khi chúng ta thực sự lắng nghe nhau thì chúng ta mới trở nên phong phú và sâu sắc hơn trong sự hiệp thông và trong sứ vụ của mình.

Chương về những khuynh hướng nội tâm, đối với cha là chương rất quan trọng và cần thiết. Như cha đã nói nhiều lần, ý định của chúng ta không phải là triệu tập quốc hội hay tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến. Chúng ta muốn bước đi cùng nhau như anh chị em, lắng nghe Chúa Thánh Thần. Ngài là nhân vật chính thực sự của Thượng Hội đồng. Việc lắng nghe Chúa Thánh Thần đòi hỏi một thái độ nội tâm nào đó. Cuộc đối thoại trong Thánh Thần, sự biện phân và tính đồng nghị chỉ có thể diễn ra nếu chúng ta cố gắng mở lòng để lãnh nhận hồng ân Thánh Thần, nếu chúng ta thực sự tự do vượt thoát khỏi những ràng buộc vật chất, ý thức hệ và cảm xúc, để cho Thánh Thần hướng dẫn chúng ta; nếu chúng ta vun góp cho mình những thái độ khiêm tốn, hiếu khách và đón tiếp, đồng thời chúng ta loại bỏ tính tự mãn và tự quy chiếu. Chỉ bằng cách này, sự hiệp thông và sứ mạng của chúng ta mới có thể được củng cố và triển nở.

Anh em dành chương cuối cùng để nói về những phương cách cụ thể để tiến hành cuộc trò chuyện trong Thánh Thần. Anh em giải thích phương pháp, cách tiến hành, những khía cạnh cần thiết đặc biệt cần chú ý tới. Chương này không nên đọc như là phần kết của cuốn sách vì mọi phương pháp đều là phương tiện để đạt được mục đích chứ không phải là mục đích. Tài liệu làm việc cũng đề cập đến sự cần thiết phải điều chỉnh phương pháp này cho phù hợp với các tình huống khác nhau. Tầm quan trọng của các chương trước chính là việc cho phép chuẩn bị và áp dụng tốt các phương pháp này.

Tài liệu làm việc cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc huấn luyện đối thoại trong Chúa Thánh Thần. Đối với cha cuốn sách mà anh em trình bày cung cấp những tài liệu hữu ích cho mục đích này. Cha xin cảm ơn anh em rất nhiều vì sự dấn thân này và cha đoan chắc cuốn sách sẽ là một sự trợ giúp tuyệt vời trong nhiều môi trường của Giáo hội.

Xin Chúa Giêsu chúc lành cho anh em và Đức Trinh Nữ bảo vệ anh em, và xin đừng quên cầu nguyện cho cha với.

Vatican, ngày 21 tháng 7 năm 2023

Giáo hoàng Phanxicô