Trình bầy

Trong Đại hội ngày 15 tháng 3 năm 2019, Bộ Giáo lý Đức tin lúc bấy giờ đã quyết định bắt đầu “việc soạn thảo một văn bản nêu bật bản chất không thể thiếu của phẩm giá con người trong nhân học Kitô giáo và minh họa tầm quan trọng cũng như những tác động có lợi của khái niệm này trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế—đồng thời tính đến những phát triển mới nhất về chủ đề này trong giới học thuật và những cách hiểu trái ngược nhau về khái niệm này ngày nay.” Bản dự thảo ban đầu của văn bản đã được chuẩn bị với sự giúp đỡ của một số chuyên gia vào năm 2019 nhưng một Consulta Ristretta [ban tư vấn hạn chế]của Thánh bộ, được triệu tập vào ngày 8 tháng 10 cùng năm, nhận thấy nó không đạt yêu cầu.



Sau đó, Văn phòng Giáo lý đã chuẩn bị một bản dự thảo khác, dựa trên sự đóng góp của nhiều chuyên gia khác nhau, được trình bày và thảo luận trong Consulta Ristretta được tổ chức vào ngày 4 tháng 10 năm 2021. Vào tháng 1 năm 2022, bản dự thảo mới đã được trình bày trong Phiên họp toàn thể của Bộ, trong đó các Thành viên đã thực hiện các bước để rút ngắn và đơn giản hóa văn bản.

Sau đó, vào ngày 6 tháng 2 năm 2023, phiên bản sửa đổi của dự thảo mới đã được Consulta Ristretta xem xét, trong đó đề xuất một số sửa đổi bổ sung. Sau đó, một phiên bản cập nhật đã được đệ trình để các Thành viên xem xét trong Phiên họp thường kỳ của Bộ (Feria IV) vào ngày 3 tháng 5 năm 2023, trong đó các Thành viên đồng ý rằng tài liệu, với một số điều chỉnh, có thể được công bố. Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê chuẩn các cuộc thảo luận của phiên họp đó trong Buổi tiếp kiến với tôi vào ngày 13 tháng 11 năm 2023. Nhân dịp này, ngài cũng yêu cầu tài liệu nêu bật các chủ đề liên quan chặt chẽ đến chủ đề về phẩm giá, chẳng hạn như tình trạng nghèo đói, tình trạng của người di cư, bạo lực đối với phụ nữ, nạn buôn người, chiến tranh và các chủ đề khác. Để tôn vinh những chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng, Phân Bộ Giáo lý của Bộ đã dành riêng một Phiên họp toàn thể để nghiên cứu sâu về Thông điệp Fratelli Tutti, đưa ra một phân tích độc đáo và xem xét sâu hơn về chủ đề phẩm giá con người “vượt lên trên mọi hoàn cảnh”.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 2024, một phiên bản mới và được sửa đổi đáng kể của văn bản này đã được gửi đến các Thành viên của Bộ trước Phiên họp thường kỳ (Feria IV) vào ngày 28 tháng 2 năm 2024. Bức thư kèm theo bản dự thảo bao gồm phần làm rõ sau: “Bản soạn thảo bổ sung này là cần thiết để đáp ứng một yêu cầu cụ thể của Đức Giáo Hoàng: cụ thể là ngài kêu gọi rõ ràng rằng cần chú ý nhiều hơn đến những vi phạm nghiêm trọng về phẩm giá con người trong thời đại chúng ta, đặc biệt là dưới ánh sáng của Thông điệp Fratelli Tutti. Với điều này, Văn phòng Giáo lý đã thực hiện các bước để giảm bớt phần đầu […] và phát triển chi tiết hơn những gì Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra.” Văn bản của Tuyên bố hiện tại cuối cùng đã được phê chuẩn trong phiên họp Feria IV ngày 28 tháng 2 năm 2024 nói trên. Sau đó, trong buổi tiếp kiến dành cho tôi và Đức ông Armando Matteo, Thư ký Bộ phận Giáo lý, vào ngày 25 tháng 3 năm 2024, Đức Giáo Hoàng đã phê chuẩn Tuyên bố này và ra lệnh công bố nó.

Quá trình chuẩn bị bản văn này kéo dài 5 năm giúp chúng ta hiểu rằng tài liệu trước mắt chúng ta phản ảnh tầm quan trọng và tính trung tâm của chủ đề về phẩm giá trong tư tưởng Kitô giáo. Văn bản này đòi hỏi một quá trình hoàn thiện đáng kể để có được phiên bản cuối cùng mà chúng tôi công bố ngày hôm nay.

Trong ba phần đầu tiên, Tuyên bố nhắc lại các nguyên tắc cơ bản và tiền đề lý thuyết, với mục tiêu đưa ra những giải thích quan trọng có thể giúp tránh nhầm lẫn thường xuyên xung quanh việc sử dụng thuật ngữ “phẩm giá”. Phần thứ tư trình bày một số tình huống hiện tại và có vấn đề trong đó phẩm giá to lớn và bất khả nhượng của mỗi con người không được nhìn nhận một cách đầy đủ. Giáo hội coi việc lên án những vi phạm nhân phẩm nghiêm trọng và hiện tại này là một biện pháp cần thiết, vì Giáo hội duy trì niềm xác tín sâu sắc rằng chúng ta không thể tách đức tin ra khỏi việc bảo vệ phẩm giá con người, truyền giáo khỏi việc cổ vũ một cuộc sống xứng đáng, và linh đạo khỏi một cam kết đối với phẩm giá của mỗi con người.

Phẩm giá này của mỗi con người có thể được hiểu là “vô hạn” (dignitas infinita), như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định trong một cuộc gặp gỡ dành cho những người đang sống với nhiều hạn chế hoặc khuyết tật khác nhau.[1] Ngài nói điều này để cho thấy phẩm giá con người vượt lên trên mọi vẻ bề ngoài và các khía cạnh cụ thể của đời sống con người như thế nào.

Trong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhấn mạnh rằng phẩm giá này tồn tại “vượt qua mọi hoàn cảnh”. Với điều này, ngài kêu gọi tất cả mọi người bảo vệ phẩm giá con người trong mọi bối cảnh văn hóa và mọi khoảnh khắc của cuộc sống con người, bất kể những khiếm khuyết về thể chất, tâm lý, xã hội hay thậm chí đạo đức. Tuyên bố cố gắng chứng tỏ rằng đây là một sự thật phổ quát mà tất cả chúng ta được kêu gọi thừa nhận như một điều kiện cơ bản để xã hội của chúng ta thực sự công bằng, hòa bình, lành mạnh và nhân bản đích thực.

Mặc dù không toàn diện, các chủ điểm được thảo luận trong Tuyên bố này được lựa chọn để làm sáng tỏ các khía cạnh khác nhau của phẩm giá con người có thể bị che khuất trong nhận thức của nhiều người. Một số chủ điểm có thể gây được tiếng vang lớn hơn với một số lĩnh vực của xã hội so với những chủ điểm khác. Tuy nhiên, tất cả những điều đó đối với chúng ta đều là cần thiết bởi vì, khi gộp lại, chúng giúp chúng ta nhận ra sự hài hòa và phong phú của tư tưởng về phẩm giá con người bắt nguồn từ Tin Mừng.

Tuyên bố này không nhằm mục đích khai thác hết một chủ đề phong phú và quan trọng như vậy. Thay vào đó, mục đích của nó là đưa ra một số điểm để suy gẫm có thể giúp chúng ta duy trì nhận thức về phẩm giá con người giữa thời điểm lịch sử phức tạp mà chúng ta đang sống. Điều này là để chúng ta không lạc lối và tự mở ra cho mình nhiều vết thương và đau khổ sâu xa hơn giữa muôn vàn mối bận tâm và lo lắng của thời đại chúng ta.

Hồng Y Víctor Manuel Fernández
Bộ trưởng


Còn tiếp