LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Chúa Nhật 2 Phục Sinh: Ga 20, 19-31.

Suy niệm

Hoài nghi là điều bình thường khi đứng trước những điều chúng ta nghe, nhất là nghe những điều quá lạ lùng vượt ngoài lý trí. Nhưng phải là sự hoài nghi tích cực, đòi nỗ lực suy tư và tìm cách khám phá về sự thật. Khi nghe các anh em nói Thầy đã sống lại và đã hiện ra thì Tôma đã không tin. Ông không để cho mình dễ dàng bị thuyết phục bởi luận chứng suông như vậy. Ông đòi thấy những dấu chứng để minh chứng về sự thật này.

Đức Giêsu nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây…”. Tôma kinh hoàng thưa lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con”. Như thế, dấu chỉ để người nhận ra Chúa phục sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính dấu đinh. Nếu chính Đấng phục sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang hay quyền lực của mình để khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chứng nào hơn là những vết thương của những thập giá hằng ngày để làm chứng cho Chúa phục sinh.

Các tông đồ cũng đã nhận ra chính Thầy Giêsu nơi năm dấu tích, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Giêsu thực sự là “người” khi “đầu đội vòng gai, mình mặc áo đỏ” nghĩa là khi Ngài bị đánh đập, sỉ nhục; Ngài thực sự là “Chúa” khi bị đóng đinh trên thập giá vì yêu thương con người. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mong cho mình được chễm chệ trên giàu sang danh giá, trên địa vị chức tước, trên sự hưởng thụ an nhàn và thỏa mãn cho bản thân. Tất cả lối sống đó đều đối nghịch với thập giá Đức Kitô và không đưa tới sự phục sinh của Ngài. Lối sống đó chẳng thương xót ai mà chỉ làm thương tổn tha nhân.

Tin mừng Phục Sinh cho chúng ta thấy có hai con đường dẫn tới đức tin: một con đường bằng lý luận với những bằng chứng rõ ràng như tính cách của Tôma; và con đường thứ hai là dựa vào tình yêu, thoạt xem có vẻ tầm thường, nhưng thực ra lại nhanh chóng, nhẹ nhàng và cũng không kém phần vững chắc như Gioan khi ông thấy mộ trống và Đức Giêsu hiện ra bên bờ biển hồ Tibêria. Chúng ta hãy củng cố đức tin của mình bằng cả hai con đường đó. Phải có những suy nghĩ lý luận thật vững chắc về Chúa, mặt khác chúng ta cũng hãy cố gắng yêu mến Chúa ngày càng nhiều hơn, bởi vì cũng như thánh Gioan, nếu có thêm sức mạnh của tình yêu, chúng ta sẽ được mở mắt để nhận biết những gì mà người không yêu Chúa không nhận biết.

Chúa Nhật II phục sinh hôm nay, Giáo hội tuyên xưng và tán dương lòng thương xót Chúa. Thánh Gioan Phaolô II đã thiết lập lễ này đáp lại ý Chúa muốn qua thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại dương hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699). Thánh Gioan Phaolô II qua đời vào đêm cuối tuần Phục Sinh đầu tiên (ngày 2 tháng 4 năm 2005). Lòng thương xót Chúa đã chiếu một luồng ánh sáng vào cái chết của một vị thánh thời đại.

Trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương Xót), Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Điều tối quan trọng đối với Hội Thánh, cũng như để làm cho lời rao giảng của Hội Thánh đáng tin, chính là sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và hành động của Hội Thánh cần phải thông truyền lòng thương xót, để đến với trái tim con người và giúp họ gặp thấy lối đường dẫn về Chúa Cha” (số 12). Đáp lại lời kêu gọi trên, trong Thư gởi cộng đoàn dân Chúa (17.9.2015), HĐGMVN nhấn mạnh: “Mỗi người Công Giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống”.

Người Kitô hữu đôi khi không cần trí tuệ để tin vào những thực tại thiêng liêng; không cần giác quan để kiểm soát những dấu chỉ mầu nhiệm trong đạo, mà cần sống bằng lòng mến. Càng yêu mến nhiều thì càng tin chắc. Càng tin vững thì càng bình an. Như vậy, con đường của lòng tin là con đường của lòng mến. “Ai xót thương người, sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Những ai luôn tin vào sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh đều luôn sống tích cực và khám phá ra điều kỳ diệu qua những điều bình thường. Chính đức tin này kích hoạt lòng mến cao độ, để chúng ta có thể làm chứng cho lòng thương xót của Chúa bằng chính đời sống mình ở giữa mọi người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Cha!
Thương xót là hành động của Cha,
là tiêu chuẩn để biết ai con cái,
là sống với tất cả lòng nhân ái,
nhưng bao hàm công bằng và sự thật.
Thương xót không dung túng điều xấu xa,
nhưng cho con biết kiên nhẫn vượt qua,
để đón nhận những hồng ân cao cả,
xứng đáng với những gì con người “là”.
Thương xót là hành động cao quí nhất,
là phẩm chất sâu nhất của con người,
là hành vi thờ phượng cao hơn cả,
vì điều Chúa muốn không phải là lễ vật,
mà trước tiên là sống với lòng nhân,
không thể nào cân phân theo lý lẽ.
Đức Giê-su đã trở nên người thế,
để thể hiện lòng thương xót của Cha,
trên thập giá Ngài cũng đã thứ tha,
trước lòng dạ bạc ác của con người,
ngay cả ông Tô-ma cứng lòng tin,
Ngài cũng đã hạ mình cho xem thấy.
Chúa muốn con nên hoàn thiện như Cha,
không phải là không còn gì thiếu sót,
mà là sống nhân từ và tha thứ,
không xét đoán và càng không lên án,
luôn bao dung và đại lượng vô vàn,
vì thương xót là tình yêu vô giới hạn.
Xin cho con được đầy lòng thương xót,
dù nhiều khi rất đắng đót trong đời,
nhưng nhờ vậy phát sinh con người mới,
để tình Chúa sáng tỏa khắp muôn nơi,
là niềm vui ơn cứu độ cho đời. Amen.