Catholic World News có bài tường trình nhan đề “Obelisk missing from St. Peter’s Square”, nghĩa là “Tháp bút khổng lồ biến mất khỏi quảng trường Thánh Phêrô.” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tháp tưởng niệm của người Ai Cập cổ đại từng tồn tại ở trung tâm Quảng trường Thánh Phêrô trong nhiều thế kỷ đã bị mất tích vào Thứ Hai Phục sinh, khiến các quan chức Vatican và cảnh sát Rôma không thể giải thích được sự biến mất của nó.

Cấu trúc khổng lồ bằng đá granit màu hồng, cao hơn 80 feet hay 24 mét và nặng khoảng 330 tấn, đã có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày hôm trước, khi hàng chục ngàn người tụ tập để tham dự Thánh lễ Chúa nhật Phục sinh và buổi đọc sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi của Đức Giáo Hoàng. Có vẻ như nó đã bị đánh cắp vào lúc nào đó trong đêm.

Các quan chức Vatican cho biết chưa có kế hoạch di chuyển hoặc thay đổi đài tưởng niệm. Việc loại bỏ nó đã để lại một cái lỗ giống như miệng núi lửa ở trung tâm quảng trường Thánh Phêrô. Các công nhân đã dựng lên các rào chắn xung quanh đống đổ nát để bảo vệ người hành hương và khách du lịch khỏi bị thương do tai nạn.

Tháp tưởng niệm được Hoàng đế Caligula mang đến Rôma và ban đầu được đặt trong Rạp xiếc nơi Thánh Phêrô bị hành quyết. Năm 1586, dưới sự chỉ đạo của Đức Giáo Hoàng Xích tô Đệ Ngũ, nó được chuyển đến vị trí hiện tại, trong một chiến dịch lớn với sự tham gia của 900 người và 140 con ngựa, và mất 5 tháng để hoàn thành. Ban đầu được dành riêng cho “Caesar Augustus thần thánh”, đài tưởng niệm sau đó được thánh hiến lại với dòng chữ: “Christus vincit/Christus regnat/Christus imperat”.

Cảnh sát ở Rôma cho biết không có chuyển động bất thường nào của máy móc hạng nặng trong đêm sau lễ Chúa Nhật Phục Sinh. Nơi ở hiện tại của đài tưởng niệm vẫn chưa được biết.

Tuy nhiên, một nhà báo người Ý lưu ý rằng một thám tử tư nổi tiếng người Mỹ, được xác định là Benedico Blanco, đã ngồi im lặng ở rìa ngoài Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi đọc sứ điệp Phục sinh Urbi et Orbi của Đức Giáo Hoàng vào Chúa Nhật Phục sinh. Khi được liên lạc vào Thứ Hai Phục Sinh, Blanco nói rằng anh ta có mặt vì biết rằng tội ác sẽ xảy ra.

Khi được yêu cầu giải thích linh cảm của mình, Blanco trả lời:

Tôi biết điều gì đó như thế này sẽ xảy ra vì hôm nay là Ngày Cá tháng Tư.

Cũng liên quan đến Ngày Cá tháng Tư, nhiều người dễ tin đã thở phào nhẹ nhõm trước tin cho rằng Putin trúng gió hay bị cái gì đó đã lăn ra, lìa đời rồi. Họ hân hoan trước một viễn tượng tươi sáng trong đó cuộc sống sẽ bình thường trở lại, hàng hóa xuống giá, công ăn việc làm ổn định, và âu lo về vũ khí hạt nhân qua đi.

Nhiều người thắc mắc hỏi chúng tôi tại sao một tin quan trọng như thế lại không đăng tải? Nhưng xin được thưa rằng: Anh chị em hãy chú ý: Tin đó không đúng đâu.

Theo thông tấn xã Tass của nhà nước Nga, chiều ngày 1 tháng Tư, Putin, vẫn còn sống – chắc chắn rồi - và đã có cuộc họp Nội Các, trong đó, ông ta ra lệnh cho chính phủ chuẩn bị dự báo ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2025-2030.

“Chính phủ Liên bang Nga cần đảm bảo xây dựng và phê duyệt dự báo ngân sách của Liên bang Nga trong thời gian dài, bao gồm các thông số về kế hoạch tài chính dự kiến cho giai đoạn 2025-2030 và số tiền tài trợ cho các dự án quốc gia và liên bang,” ông ta nói.

Tin Putin lăn ra chết phản ảnh niềm mơ ước của nhiều người yêu chuộng hòa bình. Nhưng đó là tin “cá tháng Tư”, tiếng Anh gọi là “April Fool's Day”, cũng hệt như tin “Tháp bút khổng lồ biến mất khỏi quảng trường Thánh Phêrô.”

Ngày cá tháng Tư, hay Ngày nói dối là một phong tục hàng năm vào ngày 1 tháng Tư dương lịch bao gồm những trò đùa và trò lừa bịp vô hại, đánh lừa người khác nhằm mục đích mua vui và mọi người mà có thể không chịu những lời chỉ trích, hay tác hại nào. Trong ngày này, những người thích đùa thường cố gắng lừa những người thân, bạn bè của họ tin vào điều gì đó không đúng sự thật, nhưng một cách vô hại và hài hước và không có nghĩa lừa lọc hoặc khiến người khác bực bội. Sau màn đùa và lừa, người đùa thường hét lên “Cá tháng tư” để giải tỏa thắc mắc và tiết lộ trò đùa. Truyền thống về ngày Cá tháng Tư tồn tại ở hầu hết các nước Âu Châu cũng như Bắc Mỹ.

Các phương tiện thông tin đại chúng thường tham gia vào những trò đùa này, với những tin vịt hoặc thông tin phóng đại ra ngoài sự thật, chia sẻ những câu chuyện hài hước vào ngày 1 tháng 4, và thường là đính chính hoặc tiết lộ vào ngày hôm sau.


Source:Catholic World News