1. Giáo hội Nga tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine bây giờ là 'Thánh chiến'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Now 'Holy War,' Russian Church Declares”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Giáo hội Chính thống Nga đã thông qua một tài liệu coi cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine là một “Thánh chiến”.

Tuyên bố được đưa ra trong một đại hội của Hội đồng Nhân dân Thế giới Nga, trong đó các nhân vật tôn giáo, chính trị và văn hóa trong nước gặp nhau tại địa điểm Nhà thờ Chúa Kitô Cứu thế ở Mạc Tư Khoa, một tâm điểm của đức tin Chính thống giáo ở Nga.

Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, cũng là nhà lãnh đạo hội đồng và là đồng minh của Putin. Ông đã bị chỉ trích vì đưa ra lời biện minh mang tính tôn giáo cho cuộc chiến và không lên án một cách dứt khoát việc giết hại người dân ở Ukraine.

Vào tháng 2 năm 2022, Thượng phụ Kirill nói rằng Ukraine và Belarus là một phần của “thế giới Nga” và gọi những người Ukraine đang tự vệ trước sự xâm lược của Nga là “thế lực của tà ác”, coi cuộc chiến như một cuộc chiến vì tương lai của Kitô giáo.

“Từ quan điểm tinh thần và đạo đức, hoạt động quân sự đặc biệt là một cuộc Thánh chiến, trong đó Nga và người dân nước này đang bảo vệ không gian tinh thần duy nhất của nước Nga thần thánh”, tài liệu công bố hôm thứ Tư cho biết dưới tiêu đề “hoạt động quân sự đặc biệt”, đó là thuật ngữ chính thức của Điện Cẩm Linh để chỉ cuộc xâm lược.

Tài liệu nói tiếp rằng rằng cuộc chiến có mục tiêu “bảo vệ thế giới khỏi sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa toàn cầu hóa và chiến thắng của phương Tây, vốn đã rơi vào tay Satan”.

Sau chiến tranh, “toàn bộ lãnh thổ của Ukraine hiện đại sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng độc quyền của Nga”, tài liệu nói.

“Khả năng tồn tại của một chế độ chính trị bài Nga thù địch với Nga và người dân nước này trên lãnh thổ này, cũng như một chế độ chính trị được kiểm soát từ một trung tâm bên ngoài thù địch với Nga, cần phải được loại trừ hoàn toàn”, tài liệu nói thêm.

Các đại diện của Giáo Hội Chính thống giáo trên toàn cầu, chẳng hạn như Ủy ban Công vụ Chính thống giáo, gọi tắt là OPAC, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã lên án chiến tranh. Sau khi bắt đầu cuộc xâm lược của Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Giáo hội Chính thống Ukraine đã cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống Nga.

Trong tháng này, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, Sviatoslav Shevchuk, nói với Newsweek rằng ở những nơi Nga đến Ukraine, “họ tiêu diệt tất cả các tôn giáo khác ngoài Giáo hội Chính thống Nga được kiểm soát tốt và được trang bị vũ khí”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Đối với quân xâm lược Nga, việc vũ khí hóa tôn giáo là một điều gì đó mới mẻ, là một học thuyết mới. Đó là lý do tại sao chính phủ Ukraine và xã hội tôn giáo Ukraine buộc phải tìm ra những cách khác nhau để bảo vệ chúng ta khỏi việc vũ khí hóa tôn giáo”.

Giáo hội mà ngài đứng đầu có sự hiệp thông hoàn toàn với Vatican và là giáo hội lớn thứ hai về đức tin Công Giáo sau Giáo hội Latinh. Ngài đã đến thăm Washington, DC trong tháng này để mô tả cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ, những người đang cân nhắc việc cung cấp viện trợ thêm cho Kyiv, về mức độ phá hủy các tòa nhà tôn giáo do chiến tranh gây ra.

Viện Tự do Tôn giáo có trụ sở tại Kyiv cho biết vào tháng 2 năm 2023 rằng quân đội Nga đã phá hủy, làm hư hại hoặc cướp bóc ít nhất 494 tòa nhà tôn giáo, với con số ước tính ngày nay còn cao hơn nhiều.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Đó cũng là một thách thức đối với giáo hội của tôi, không trở thành chiến binh”, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu là “không rơi vào sự cám dỗ giống như Giáo hội Chính thống Nga đã rơi vào và trở thành một công cụ của hận thù.