CHÚA NHẬT PHỤC SINH NĂM B : MC 16,1-8

Hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.

Các bà bảo nhau : “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói : “Đừng hoảng sợ ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì ! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này ! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.



PHỤC SINH, MẠC KHẢI LINH THÁNH

Một tín hữu Ki-tô giáo đang cùng một tín hữu Hồi giáo trò chuyện. Người Ki-tô hữu nói : “Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi một quyển Kinh thánh vô ngộ”. Người Hồi giáo đối lại : “Ô, chúng tôi cũng tạ ơn Đức Allah (Thiên Chúa theo tiếng Ả-rập) đã ban cho chúng tôi một kinh Coran vô giá” - “Cám ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi một Đấng Cứu Thế là Đức Giê-su” - “Chúng tôi cũng cảm ơn Đức Allah đã ban cho chúng tôi một Ngôn sứ là Ma-hô-mét” - “Tạ ơn Thiên Chúa vì Đức Giê-su đã chịu chết cho muôn người” - “Chúng tôi cảm ơn Đức Allah vì Ma-hô-mét đã xả thân cho nhân loại” - “Tạ ơn Thiên Chúa, vì sau ba ngày nằm trong phần mộ, Đức Giê-su Cứu Thế đã sống lại khải hoàn. Người ngự về trời và hiện đang ngồi bên hữu Thiên Chúa, cầu thay nguyện giúp cho chúng tôi”. Người tín đồ Hồi giáo ngơ ngác : “Ô, chuyện tương tự ấy thì chúng tôi không biết đến, vì từ khi Ma-hô-mét qua đời, chúng tôi chẳng được tin gì nữa !”

Cái độc đáo của Đức Giê-su cũng như của Ki-tô giáo là ở chỗ đó. Mỗi năm, chúng ta lại long trọng nhắc tới điểm độc đáo này qua cả một mùa Phụng vụ mà hôm nay là cao điểm. Tuy nhiên, để thấu hiểu mầu nhiệm này, không phải là một điều dễ dàng.

1. Gây cho con người nỗi sợ hãi

Bài Tin Mừng hôm nay là đoạn kết của Phúc Âm theo thánh Mác-cô. Những gì tiếp theo (Mc 16,9-20), kể ra khá lý thú, là một phụ trương, một phần thêm vào, một miếng vải chắp nối các đoạn cuối của những Tin Mừng khác (vì không thấy trong các bản chép tay cổ nhất cũng như nơi nhiều Giáo phụ). Nhưng ta hãy dừng lại trước sự kiện lạ lùng này : trong bốn Tin Mừng, có một cuốn kết thúc với sự sợ hãi : “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi”.

Tuy nhiên, với các phụ nữ chạy trốn khỏi mộ trong nỗi kinh hoàng thực sự ấy, thiên thần Phục sinh trước đó đã nói : “Đừng hoảng sợ !” Trong Thánh Kinh, đấy luôn luôn là dấu hiệu đi trước một cuộc truyền tin. Thật vậy, thiên thần loan báo, chỉ trong hai từ, điều sắp là đá tảng đức tin Ki-tô giáo : “Đấng bị đóng đinh đã trỗi dậy.” Thiên thần xác định : “Đức Giê-su Na-da-rét” đúng là kẻ đã chết, nhưng Người đã sống lại. Chính vì câu ngắn gọn này : “Đấng bị đóng đinh đã chỗi dậy”, chính vì cú sốc mạnh mẽ của các từ này, mà phụng vụ cho ta đọc đoạn cuối Tin Mừng Mác-cô đêm Vọng Phục sinh năm B. Chúng ta đứng trước mạc khải thẳng thừng nhất về cuộc Phục sinh, thô tháp nhất theo nghĩa không gì đẽo gọt và tô điểm bảng cẩm thạch ghi mấy chữ nói lên tất cả : “Đấng bị đóng đinh đã chỗi dậy”.

Thiên thần khẳng định điều ấy với các phụ nữ đã thấy Đức Giê-su chết trên thập giá, đã nhìn ngắm tử thi của Người khi nó được đặt vào mồ và nay họ đến để ướp hương liệu ! Họ chẳng đời nào nghĩ đến một cuộc phục sinh, và khoảng cách này giúp chính chúng ta đứng lùi lại, thật xa các trình thuật đã cũ mèm mà nay chẳng còn đánh động chúng ta nữa, để nhìn chúng với một cặp mắt mới.

Hãy tưởng tượng mình cùng với ba phụ nữ ấy đến xem một tử thi, và còn đang đứng trong cái nơi mà một kẻ bị đóng đinh là một kẻ chết. Thì đột nhiên bước vào một thế giới khác : một thiên thần, và thành thử là một sứ điệp của Thiên Chúa xuất hiện. Chính sứ điệp này đã khiến các phụ nữ hãi sợ và cũng phải làm chúng ta sợ hãi. Các thánh sử khác lập tức ném chúng ta vào trong niềm vui : “Alleluia ! Đức Ki-tô đã phục sinh !” Mác-cô thì vẫn ở trong đường hướng của Phúc Âm mình, Phúc Âm về bí mật (bí mật “Mê-si-a”), vì tôn trọng mầu nhiệm, vì sợ khó nói những chuyện của Thiên Chúa. Giáo huấn của ông về sự Phục sinh, đó là một sự thinh lặng do hãi sợ cách linh thánh : “Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi”. Họ cảm thấy khó có sức vâng phục lệnh truyền : “Xin các bà về nói với môn đệ Người rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông”. Đi nói rằng một kẻ chết đã sống lại ư?

2. Khiến con người phải lặng thinh

Sự thinh lặng này, Mác-cô là người duy nhất đề cập đến (theo Lu-ca, các phụ nữ có nói : 24,9-11, nhưng ông đã chẳng đề cập đến sứ mệnh phải nói của họ. Mát-thêu thì bảo họ chạy đi báo tin cho các môn đồ : 28,8, nên cho phép ta giả thiết là họ đã có nói). Nỗi bối rối này, Mác-cô cũng là người đặc biệt nhấn mạnh (nơi Lc 24,9 không có ghi chú nào như thế, trong lúc Mt 28,8 nói các phụ nữ “vừa sợ hãi vừa rất đỗi vui mừng”). Nỗi bối rối này là hiệu quả của một cơn khủng khiếp linh thánh trước sự xuất hiện của cái thần thiêng, hay đúng hơn của Lời Thiên Chúa, lời xác quyết việc sống lại của Đấng bị đóng đinh và như thế soi sáng bí ẩn của ngôi mộ trống.

Thế mà chủ đề “mạc khải mầu nhiệm che giấu” nằm dài suốt Tin Mừng thứ hai, và mầu mhiệm này là mầu nhiệm lai lịch Đức Giê-su, mầu nhiệm Vương quốc Thiên Chúa hay là mầu nhiệm hoàn tất ơn cứu độ nhờ cuộc khổ nạn của Con Người. Đàng khác, theo Mc, việc mạc khải này được thực hiện cách rất đáng ngạc nhiên, nó biểu lộ kế đồ nghịch lý của Thiên Chúa cũng như sự bất lực của con người trước mầu nhiệm : mạc khải âm thầm không chứng nhân về lai lịch Đức Giê-su sau phép rửa (1,9-11); mạc khải bị Đức Giê-su bắt phải giữ kín của các thần dữ đã chọc thủng được bí mật (1,24-25.34; 3,11-12); mạc khải được dành riêng cho một vài người mà dầu sao vẫn không hiểu rõ (4,10-13; 8,30-33; 9,6-10.32). Phải chờ đến khi hoàn tất ý định của Thiên Chúa (x. 8,33), đến khi Đấng bị đóng đinh chết đi thì một con người, một kẻ ngoại đạo mới nhận ra Người là Con Thiên Chúa (15,39). Và khi đến giờ của mạc khải tột đỉnh, giờ của Phục sinh, thì mạc khải này cũng còn bị giữ lại, chẳng phải bởi một ý chí nào đó muốn giới hạn những người được thụ hưởng, nhưng bởi nỗi kinh hãi và hoảng hốt do chính mạc khải gây nên.

Như thế Mác-cô, không chút e dè, đặt độc giả của mình trước sự siêu việt thần linh của Tin Mừng Thiên Chúa và mầu nhiệm được mạc khải trong đó cho đức tin. Các phụ nữ đến viếng mộ đã chịu thử thách của mạc khải này, nhưng không hề trở thành chứng nhân chính thức của mạc khải. Chính nhờ lời rao giảng của các môn đồ mà Tin Mừng đã tiếp tục thi thố quyền năng cứu rỗi của nó trong thế gian. Và chính nhờ các lần hiện ra ở Ga-li-lê, theo Mc, mà các môn đồ đã được đặt làm chứng nhân của Lời. Cũng từ quan điểm đó, Mc thấy cần nhấn mạnh sự thinh lặng của các phụ nữ. Không phải với tư cách loan báo lời mà kỷ niệm về họ đã được nhắc lại, nhưng vì họ đã tiến gần cách thấm thía cái mầu nhiệm mà Lời luôn mạc khải trong Giáo hội.

Chúng ta chắc nói mình không thấm thía và nghĩ mình có thể công bố Đấng chịu đóng đinh đã sống lại. Nhưng như vậy là có lẽ quá nhanh đấy. Để cùng với từ “trỗi dậy” này đi vào trong thế giới của Thiên Chúa, hãy qua con đường của Mác-cô : sợ hãi, im lặng, và vẫn luôn sợ hãi. Sợ khó hiểu, sợ không thể nâng mình lên tới đó. Tới chỗ sờ được chính Thiên Chúa, khi chúng ta nhìn Đức Giêsu-Phục sinh. Đây không phải là mầu nhiệm của một con người đơn thuần trở về từ cõi chết, song là mầu nhiệm của một con người đi vào trong thế giới của Thiên Chúa và mở các cánh cửa của thế giới đó ra cho chúng ta. “Ngày hôm nay, lời nguyện lễ Phục sinh nói, lạy Cha từ ái, Đức Giê-su đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời”.

Lạy Chúa, xin cho con biết im lặng trước mầu nhiệm của Chúa. Con chỉ có thể nói Chúa không là gì chứ khó có thể nói Chúa là gì. Mầu nhiệm của Chúa là đại dương bao la, con được mời nhảy vào bơi trong đó nhưng sẽ chẳng khi nao đạt tới bến bờ. Cho con đừng tầm thường hóa mầu nhiệm vì tự mãn mình có thể nắm bắt nó được, vì trình bày Chúa cách thô thiển trước mặt anh em. Xin cho con biết sợ hãi trước mầu nhiệm của Chúa, là tiếng nói của tình yêu Chúa ngỏ với quả tim chúng con, biết sợ rằng mình chỉ dùng lý trí để tìm hiểu mà không chịu cảm nghiệm với tâm hồn, sợ rằng mình chỉ thỏa mãn với đôi ba ý niệm hay thậm chí với cả một hệ thống thần học mà chẳng đem vào cuộc sống, sợ rằng dù có cố gắng bao nhiêu, con cũng chẳng có thể đáp lại tình yêu Chúa đã tỏ ra qua các công trình và mầu nhiệm cứu rỗi. Nhưng cũng xin Chúa cho con kinh ngạc đến ngây ngất trước mầu nhiệm Phục sinh của Chúa, mầu nhiệm mở ra cho chúng con những chân trời hiểu biết bao la và chân trời sự sống viên mãn, những chân trời tin tưởng mãnh liệt và chân trời hy vọng tuôn tràn.