SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Vua Hoà Bình, vai mang Thập Giá cứu độ trần gian
(Mc 14,1-5,47)

Trước Đại Lễ Phục Sinh, Giáo hội cử hành Lễ Lá, kết thúc Mùa Chay Thánh, khi mạc Tuần Thánh. Trong tuần này, Giáo hội cử hành cuộc khổ nạn, sự chết và nhất là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Độ trần gian.

Sự kiện Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem được cả Bốn sách Tin Mừng (Máccô 11,1-11, Matthêu 21,1-11; Luca 19,28-44; và Gioan 12, 12-19) kể về việc này.

Chúa Giêsu cưỡi trên con lừa con là con của con vật chở đồ. Theo truyền thống Đông Phương, lừa là một con vật của hòa bình. Việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giê-ru-sa-lem trên con lừa ngụ ý ám chỉ Chúa là Vua Hoà Bình.

Ở nhiều vùng đất trong vùng Cận Đông cổ đại, việc lát gạch con đường của một ai đó đáng kính trọng đã đi là chuyện khá phổ biến. Trong sách Các vua quyển thứ 2 chương 9 câu 13 kể rằng Jehu, con của Jehoshaphat, được tôn vinh theo cách này.

Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)

Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón : “Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: "Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời!” Họ trải áo trên đường để Chúa đi” (Mc 11, 8-10 ).

Cả bốn sách Tin Mừng đều kể rằng dân chúng đã tôn vinh Chúa Giêsu theo cách kiểu trên. Trong bản Nhất Lãm mô tả là dân chúng trải áo và lá trên đường, còn Phúc âm Gioan nói rõ là lá cọ. Theo thông lệ Do Thái, lá cọ là một trong bốn loại thực vật được mang đến cho Lễ Lều Tạm, dùng để mô tả niềm vui và chiến thắng. Những cành lá diễn tả những gì mà người ta sử dụng cho cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu khi tiến vào thành Giê-ru-sa-lem.

Đám đông dân chúng hân hoan, chúc tụng đón rước Chúa. Tất cả mọi người đều hát noi gương các trẻ em Do Thái đồng thanh tung hô Đức Giêsu: “Thánh, thánh, thánh! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồn và tỏ lòng từ bi đối với họ. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.

Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, bỗng sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm. Lời Tiên tri Isaia và bài tường thuật của thánh sử Marcô đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (x. Mt 15, 34).

Vua Giêsu cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng vào Thành Thánh để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm; Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy sự ác và tội lỗi của thế nhân, cùng với Thập giá trên mình. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui ơn cứu độ.

Bước vào Tuần Thánh tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới rằng : “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna! Amen.