1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Tư tuần 5 Mùa Chay

THỨ TƯ 20/3/ 2024

Đaniên 3:14-20, 24-25, 28

Đaniên 3:52-56

Ga 8:31-42

Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do (Ga 8:36)

Theo một cách nào đó, tất cả chúng ta đều bị nô lệ cho một điều gì đó, và Tin Mừng hôm nay đề cập đến ước muốn của chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ. Chúa Giêsu đã nói: “Các ngươi sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8:32). Chúa Giêsu đã dùng từ “sự thật” hai lần. Tự do sẽ chỉ thuộc về chúng ta khi chúng ta gắn kết cuộc sống của mình với sự thật. Ví dụ, chúng ta phải đối mặt với sự thật về bản thân mình. Không có cái gì gọi là tự do tuyệt đối - chúng ta không được tự do lựa chọn thời điểm chúng ta sinh ra, cha mẹ, nơi sinh ra hoặc cách chúng ta lớn lên. Những điều có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của chúng ta đã được quyết định bởi ai đó, ở đâu đó mà không cần sự tham khảo ý kiến của chúng ta.

Bây giờ chúng ta có thể tự đưa ra quyết định nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với những hạn chế. Nếu bỏ qua những ranh giới này, chúng ta có thể làm tổn thương chính mình và người khác. Vì vậy, chúng ta cần phải đối mặt với sự thật về bản thân mình, hoàn toàn chấp nhận điểm mạnh và điểm yếu của mình, đồng thời tìm kiếm sự tự do để sống trong khuôn khổ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Một sự cân nhắc khác là lòng trung thành của chúng ta. Mỗi chúng ta đều có một hệ thống giá trị.

Một khi chúng ta đã quyết định những giá trị này, chúng bắt đầu kiểm soát cách chúng ta suy nghĩ và cách chúng ta sống. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã mạnh mẽ nói về tầm quan trọng của việc chọn Người.

Chúng ta thuộc về ai quan trọng hơn những gì thuộc về chúng ta và mỗi người đều thuộc về một thứ gì đó. Mọi người đều phục vụ một số chủ. Người chủ đó là ai hoặc cái gì sẽ quyết định mức độ tự do mà chúng ta được hưởng. Chỉ có một Đấng xứng đáng làm chủ cuộc đời chúng ta, đó là Chúa Kitô. Tự do thực sự không thể tìm thấy ở đâu ngoài Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, xin giúp con biến Ngài thành chủ nhân của cuộc đời con và tận hưởng sự tự do mà Ngài hứa. Amen.

2. Tiến sĩ George Weigel: Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy cờ trắng với Vladimir Putin

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết trên tờ Wall Street Journal với nhan đề “Pope Francis Waves a White Flag at Vladimir Putin”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy cờ trắng với Vladimir Putin” để nêu lên quan ngại về chính sách ngoại giao quá mềm mỏng với các chế độ nơi Giáo Hội đang bị bách hại công khai.Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Các nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine đã đến thăm Washington trong tháng này để đề nghị Mỹ tiếp tục viện trợ cho đất nước đang bị bao vây nhưng không bị bẻ gẫy của các ngài. Các giám mục đã sử dụng những lập luận hợp lý để tự vệ quốc gia dựa trên lý thuyết chiến tranh chính nghĩa, là truyền thống cổ xưa của chủ nghĩa hiện thực đạo đức Kitô giáo lần đầu tiên được hình thành một cách có hệ thống với Thánh Augustinô vào thế kỷ thứ năm. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của địa phận Kyiv-Halyč và Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak—là nhà lãnh đạo Giáo Hội Ukraine và vị giám mục cao cấp của Hoa Kỳ—cũng giải thích tại sao thất bại của Nga ở Ukraine là điều cần thiết cho hòa bình ở Âu Châu và quan trọng đối với lợi ích của Mỹ.

Ngay sau khi những cuộc trò chuyện nghiêm chỉnh dành cho người lớn này diễn ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nổ ra một cuộc phỏng vấn ứng khẩu khác, hướng dẫn Ukraine phải có “can đảm” để giương “cờ trắng” và đàm phán với Nga: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, rằng mọi chuyện đang không ổn thì bạn phải có can đảm để thương lượng.”

Trong cuộc phỏng vấn, rõ ràng là không có lời kêu gọi nào của Đức Giáo Hoàng đối với Nga phải ngừng hành động gây hấn, là hành động đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người Ukraine và gây thiệt hại trị giá hàng ngàn tỷ đô la. Không có yêu cầu nào của Đức Giáo Hoàng rằng người Công Giáo được phép thờ phượng tự do tại các vùng lãnh thổ Ukraine bị Nga tạm chiếm, nơi các nghi lễ Công Giáo hiện bị cấm. Không có sự nhấn mạnh nào của Đức Giáo Hoàng rằng Nga phải thả hàng chục ngàn trẻ em Ukraine bị bắt cóc đang được “cải tạo”. Không có sự lên án nào của Đức Giáo Hoàng đối với tội ác chiến tranh của Nga ở Bucha, Irpin, Mariupol và những nơi khác. Đức Giáo Hoàng cũng không tố cáo chiến dịch xuyên tạc thông tin của Giáo hội Chính thống Nga nhằm ủng hộ cuộc chiến của Vladimir Putin.

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như hoàn toàn không biết về tuyên bố được suy luận cẩn thận, đúng đắn về chiến tranh mà hàng giám mục Ukraine đã đưa ra vài ngày trước lễ kỷ niệm lần thứ hai ngày Nga xâm lược, trong đó các giám mục kêu gọi người dân của các ngài tiếp tục hy sinh để bảo vệ tự do và chủ quyền của họ. Các giám mục cũng lưu ý rằng việc Nga vi phạm Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 mà Điện Cẩm Linh đã ký – trong đó Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm về sự toàn vẹn lãnh thổ của mình – đã khiến bất kỳ ý nghĩ nào về “các cuộc đàm phán” với chế độ của Putin trở nên nguy hiểm. Ngược lại, Đức Giáo Hoàng dường như đặt toàn bộ gánh nặng tìm kiếm con đường hòa bình lên nạn nhân chứ không phải kẻ xâm lược.

Sự thiển cận về mặt đạo đức ở mức độ nghiêm trọng như vậy sẽ không xứng đáng với phẩm giá của giáo hoàng. Tuy nhiên, sự thiếu cẩn trọng mà Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đối với Ukraine có liên quan đến việc ngài giương cờ trắng khi đối phó với các chế độ côn đồ. Điểm yếu đó được thể hiện rõ nhất trong cách ứng xử của Đức Giáo Hoàng với “người bạn thân” của Putin, là Tập Cận Bình. Nhờ thỏa thuận năm 2018 của Vatican với Bắc Kinh và các phần mở rộng tiếp theo, Đảng Cộng sản thực hiện quyền kiểm soát trên thực tế đối với việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc.

Trong suốt triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, những người Công Giáo cấp tiến đã vận động hành lang để Đức Giáo Hoàng bác bỏ truyền thống chiến tranh chính nghĩa như một phương pháp phân tích đạo đức tiêu chuẩn của Công Giáo khi đối mặt với những thách thức đạo đức của chính trị quốc tế. Việc từ chối như vậy là không thể được. Truyền thống chiến tranh chính nghĩa đã ăn sâu vào cả lý trí và chuẩn mực đạo đức đến mức việc bác bỏ thẳng thừng nó sẽ giống như dị giáo.

Chắc chắn là truyền thống này đòi hỏi sự phát triển để ứng phó với các công nghệ vũ khí mới – bao gồm cả chiến tranh không người lái – chiến tranh mạng, chủ nghĩa khủng bố và những kẻ xâm lược phi nhà nước. Thật không may, Vatican đã lỏng lẻo trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển lý luận đạo đức về việc sử dụng vũ lực hợp pháp, mà thích tham gia “đối thoại” với những người kêu gọi loại bỏ các phần về chiến tranh chính nghĩa khỏi Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo. Một chuỗi những sai lầm của Đức Giáo Hoàng trong thập kỷ qua cũng khiến cho các chính khách ít có khả năng trông cậy vào Vatican để được hướng dẫn trong việc điều hướng tình trạng hỗn loạn của thế giới mới.

Triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô đi song song với sự suy thoái của lý luận đạo đức về chính trị thế giới trong suốt sự lãnh đạo của các giáo phái Tin lành chính thống. Một năm trước lễ kỷ niệm 80 năm ngày tử đạo của Dietrich Bonhoeffer, người bị sát hại theo phán quyết vì chống lại sự gây ra và hành động của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, các nhà lãnh đạo Kitô giáo trên khắp phương Tây đắm mình trong chủ nghĩa quốc tế tự do sền sệt: họ không thể nhận ra sự cấp thiết của việc ngăn chặn quân sự các chế độ hung hãn, bị mê hoặc bởi quan điểm cho rằng vũ khí gây ra chiến tranh, không có khả năng hiểu rằng các chế độ toàn trị tiến lên với mục đích diệt chủng.

Các giám mục Công Giáo Đông Phương Ukraine là một ngoại lệ. Các ngài đứng trong một đường lối thần học liên tục với Thánh Augustinô, Thánh Aquinas, Bonhoeffer và những người theo chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo khác khi, trong một phản ứng ngày 10 tháng 3 trước lời kêu gọi giương cờ trắng của Đức Giáo Hoàng, các ngài tuyên bố rằng “Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với cái chết.”

Các ngài viết: “Người Ukraine sẽ tiếp tục tự vệ vì lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào cả”. Bất kỳ thỏa thuận nào với một nhà độc tài đã từ chối quyền độc lập của Ukraine sẽ không có giá trị cho bằng tờ giấy viết ra”. Mục tiêu của Nga, như Putin đã tuyên bố, là xóa bỏ Ukraine. Mục tiêu của Ukraine, các giám mục tuyên bố, là bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng”.

Đó là phản ứng luân lý thích hợp của Kitô giáo đối với sự gây hấn làm chết người. Việc vẫy cờ trắng trước cái ác không chỉ gây thêm cái ác; trong quá trình này nó đã phản bội truyền thống Kitô giáo kéo dài một thiên niên kỷ rưỡi.


Source:Wall Street Journal