1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Lễ Thánh Patrick

THỨ HAI 18/3/2024

Giêrêmia 1:4-9

Thánh Vịnh 116(117)

Công vụ 13:46-49

Lc 10:1-12, 17-20

Nước Thiên Chúa đang đến rất gần. Lc 10:9, 11

Chúa Giêsu chỉ định 72 người khác và sai họ đi trước Ngài để rao giảng tại các thành phố và những nơi mà chính Ngài sẽ đến thăm. Ngài nói rằng bất cứ khi nào anh em đi vào một thành phố và được người ta chào đón, hãy nói với họ, “Vương quốc của Chúa ở rất gần anh em.” Khi một người chào đón Đấng mà Chúa Kitô đã sai đến, họ đang chào đón Chúa Kitô vào đời sống và tâm hồn của họ một cách hiệu quả.

Nhưng rồi, hơi ngạc nhiên một chút, Chúa Giêsu nói tiếp với 72 người rằng khi anh em vào một thành phố nào đó và họ không chào đón anh em, anh em cũng phải nói với họ: “Triều đại Thiên Chúa đã đến rất gần”. Bất kể 72 người có cảm thấy được chào đón ở một thị trấn cụ thể hay không, bất kể thông điệp Tin Mừng có được đón nhận nồng nhiệt hay không, vương quốc của Thiên Chúa vẫn rất gần gũi với mọi người.

Chúa Giêsu đang nói với chúng ta rằng Nước Thiên Chúa đang được mang đến cho mọi người, nó ở gần mọi người, trong tầm tay của chúng ta, nhưng việc chúng ta có muốn đón nhận vương quốc đó hay không là tùy ở chúng ta. Chúng ta có một sự lựa chọn. Chúng ta có quyền và tự do để chào đón Thiên Chúa bước vào cuộc sống của chúng ta, hoặc loại bỏ Thiên Chúa khỏi cuộc sống của chúng ta.

Trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu nói: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, thì Ta sẽ vào cùng họ, dùng bữa với họ và họ với Ta” (Kh 3:20). Lời mời gọi này của Chúa Giêsu được ghi lại trong một bức tranh của William Holman Hunt, có tựa đề “Ánh sáng của thế gian”. Bức tranh vẽ Chúa Giêsu cầm đèn đứng trước cửa chuẩn bị gõ. Nhưng bên ngoài cửa không có tay nắm. Tay cầm chỉ được tìm thấy ở bên trong, cho thấy Chúa Giêsu không thể mở cửa từ bên ngoài. Cánh cửa chỉ có thể mở được từ bên trong. Chúng ta có mở lòng chúng ta cho Chúa và mời Chúa Giêsu vào trong hay không?

Lạy Chúa, xin cho con mở rộng tâm hồn để đón nhận Chúa qua lời cầu nguyện, các bí tích và qua việc mở cửa tâm hồn cho người nghèo: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:40). Amen.

2. Ba nữ tu bị bắt cóc tại Haiti được trả tự do

Ba nữ tu thuộc Dòng thánh Giuse de Cluny, ở Haiti đã được trả tự do hôm mùng 10 tháng Ba vừa qua, sau năm ngày bị bắt cóc từ cô nhi viện La Madeleine ở Croix-des-Bouquets.

Ngoài ra, báo chí địa phương cho biết cùng ngày 10 tháng Ba, bốn trong số sáu thầy thuộc Dòng các Tu huynh Thánh Tâm đã được trả tự do, nhưng cảnh sát quốc gia Haiti không chắc chắn về tin này. Sáu thầy bị bắt ngày 23 tháng Hai vừa rồi, trong khi đi tới cứ điểm truyền giáo là trường thánh Gioan XXIII ở khu Bicentenaire thuộc thủ đô Port-au-Prince.

Trước đó, ngày 18 tháng Hai, Đức Cha Pierre André Dumas, Giám mục Giáo phận Anse-à-Veau Miragoâne, đã bị thương nặng trong một vụ nổ ở Port-au-Prince. Không có nhóm nào tự nhận là tác giả vụ tấn công Đức Cha. Ngài cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti và cảnh sát quốc gia không tìm ra thủ phạm. Hiện nay, Đức Cha Dumas đang được điều trị tại Florida bên Mỹ và đang trên đường bình phục.

Hồi tháng Giêng năm nay, Đức Cha đã tình nguyện làm con tin thay cho sáu nữ tu Dòng thánh Anna, bị bắt cóc cũng ở thủ đô Port-au-Prince. Trong vụ này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi trả tự do cho các chị.

Đức Cha Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti luôn phê bình và góp phần bài trừ các băng đảng bất lương hoạt động tại nước này, nhất là ngài chống lại nạn bắt cóc người. Đức Cha gọi đây là một tệ đoan vô nhân đạo và đáng kinh tởm. Ngài cũng tỏ ra nghiêm khắc đối với các giới chính trị tại Haiti và không ngừng kêu gọi họ hãy từ bỏ chủ nghĩa cá nhân để vượt thắng cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, và xã hội đang đảo lộn đất nước này.

Mới đây, Đức Cha Dumas đã kêu gọi chuyển giao quyền bính một cách ôn hòa, và nói rằng “xã hội bị tê liệt vì sợ hãi và điều này là một biểu tượng thất bại”.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa ngày 10 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện cho dân Haiti và nói rằng: “Tội lo âu và đau buồn theo dõi cuộc khủng hoảng trầm trọng đang đè trên Haiti và những vụ bạo động xảy ra trong những ngày gần đây. Tôi gần gũi với Giáo hội và nhân dân Haiti yêu quý, từ nhiều năm nay bị thử thách vì nhiều đau khổ. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, để mọi thứ bạo lực được chấm dứt và tất cả mọi người góp phần làm tăng trưởng hòa bình và hòa giải tại nước này, với sự tái hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.

3. Các giám mục Hoa Kỳ kêu gọi tiếp tục dấn thân chống phá thai

Các giám mục Hoa Kỳ kêu gọi các tín hữu tiếp tục dấn thân và nỗ lực bảo vệ các trẻ em và người mẹ trước thảm họa phá thai.

Trong tuyên ngôn trước chiến dịch tuần cửu nhật cầu nguyện cho sự sống và bảo vệ trẻ em chưa sinh ra về phương diện pháp luật, bắt đầu từ ngày 16 tháng Giêng tới đây, các giám mục Mỹ cũng kêu gọi hoàn toàn bãi bỏ phá thai tại nước này.

Chiến dịch cầu nguyện bảo vệ sự sống chống phá thai được tiến hành tại Mỹ kể từ năm 2013, là năm kỷ niệm 40 năm Tối cao Pháp viện Mỹ công bố phán quyết gọi là “Roe chống Wade”, cho phép phá thai trên toàn quốc. Trong chiến dịch này, trên các mạng xã hội, ban tổ chức kêu gọi các tín hữu chia sẻ chứng từ của mình về việc bảo vệ sự sống. Năm nay, cuộc tuần hành bênh vực sự sống sẽ diễn ra ngày 19 tháng Giêng tại thủ đô Washington và nhiều nơi khác trong nước.

Đã có nhiều thay đổi từ khi Tối cao Pháp viện Mỹ lật ngược phán quyết “Roe chống Wade”, ngày 22 tháng Giêng năm 1973 bằng phán quyết hồi tháng Sáu năm 2022, đặt trách nhiệm pháp lý vào mỗi bang. Từ đó, có 14 bang đã thông qua luật hầu như hoàn toàn cấm phá thai, 2 bang cấm phá thai đến tháng thứ sáu của bào thai. Tuy nhiên, có bảy bang thông qua luật cho phá thai, trong khi các bang khác đang tìm cách thay đổi hiến pháp tiểu bang về quyền phá thai, qua cuộc trưng cầu dân ý trong năm nay.

Trước tuần cửu nhật sắp bắt đầu, các giám mục Mỹ cũng cùng với Đức Thánh Cha lên án việc mang thai mướn, như ngài bày tỏ trong diễn văn trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, hôm thứ Hai, ngày 08 tháng Giêng vừa qua. Ngài gọi việc mang thai muốn là vi phạm trầm trọng đối với phẩm giá phụ nữ và trẻ em và kêu gọi cấm việc làm này trên thế giới. Các giám mục Mỹ cũng khẳng định rằng mang thai mướn là điều trái ngược với luân lý. Thay vào đó, điều quan trọng là hoạt động để tiến tới một thế giới bảo tồn phẩm giá sâu xa của mỗi người, trong mọi giai đoạn của cuộc sống”.

4. Phil Lawler: Khi Đức Thánh Cha Phanxicô ứng khẩu

Phil Lawler của Catholic World News có bài nhận định nhan đề “When Pope Francis goes off script”, nghĩa là “Khi Đức Thánh Cha Phanxicô ứng khẩu”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Hồi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio lúc bấy giờ đã từ chối yêu cầu phỏng vấn sâu rộng của một nhà báo. Ngài giải thích rằng ngài không cảm thấy thoải mái khi thể hiện bản thân trong một hình thức phỏng vấn; ngài đề nghị bất cứ ai muốn hiểu suy nghĩ của ngài sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách đọc các tác phẩm do ngài viết.

Nhưng chuyện đó xưa lắm rồi. Kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô không hề tỏ ra ác cảm với những cuộc trò chuyện không có kịch bản. Ngài chắc chắn là vị Giáo hoàng được phỏng vấn nhiều nhất trong lịch sử, với hàng chục cuộc trò chuyện sâu sắc được công bố trong triều đại giáo hoàng của ngài. Cùng với những cuộc phỏng vấn chính thức xuất hiện trên báo và tạp chí, ngài còn tham gia vào các cuộc trao đổi hỏi đáp với đủ loại khán giả. Trên thực tế, các chuyến đi nước ngoài của giáo hoàng hiện nay thường bao gồm các buổi hỏi đáp với các thành viên của cộng đồng Dòng Tên địa phương.

Một số phát biểu đáng nhớ nhất—và gây tranh cãi—của Đức Giáo Hoàng đã được đưa ra trong những cuộc trao đổi ngẫu hứng như vậy. Các cuộc họp báo trên không của ngài (một đặc điểm thường xuyên khác trong các chuyến đi nước ngoài của ngài) đã tạo ra nhiều tiêu đề giật gân. Nhiều cuộc trò chuyện thân thiện của ngài với Eugenio Scalfari quá cố—mà nhà báo vô thần đã sao chép lại từ trí nhớ, không có bản ghi âm hoặc viết tay—đã nhiều lần khiến văn phòng báo chí Vatican rơi vào tình trạng phải kiểm soát thiệt hại. Có lẽ tuyên bố nổi tiếng nhất trong toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài là câu trả lời cho câu hỏi của phóng viên: “Tôi là ai mà phán xét?”

Thông thường, khi một Giáo hoàng—bất kỳ Giáo hoàng nào—phát biểu, ngài sẽ nói từ một văn bản soạn sẵn. Với vô số hàng triệu người đang đọc lời của ngài, độ chính xác là điều quan trọng; ứng khẩu có thể coi là thiếu thận trọng.

Tuy nhiên, ứng khẩu là một đặc điểm nổi bật trong triều đại giáo hoàng của ngài, và Đức Thánh Cha Phanxicô không hề nản lòng trước những làn sóng phẫn nộ mà ngài đã tạo ra bởi những nhận xét công khai thiếu kiểm soát của mình. Vì vậy, khi viết, ngài thường viết một cách bốc đồng. Các quan chức Vatican phàn nàn rằng họ đã bị bất ngờ trước những thông báo quan trọng được đưa ra mà không có sự tham vấn. Ngay cả trong vai trò là nhà lập pháp kinh điển, ngài cũng có thể hấp tấp. Andrea Gagliarducci lưu ý rằng ngài đã ban hành 70 tự sắc đáng kinh ngạc, bổ sung hoặc sửa đổi giáo luật, trong thập kỷ của ngài trên Ngai Thánh Phêrô. Trong một số trường hợp, một tự sắc đã sửa chữa những thiếu sót của một tự sắc khác.

Tất cả chúng ta đều dễ mắc lỗi khi nói quá nhanh. May mắn thay, hầu hết chúng ta không dựa quá nhiều vào những gì mình nói. Ở Buenos Aires, Đức Hồng Y Bergoglio có thể đã có thể phát biểu một cách tự nhiên mà không gây ra nhiều sự tò mò. Ở Rôma, dưới sự giám sát liên tục của giới báo chí, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.

Cuối Tháng Giêng vừa qua, chính trong buổi tiếp kiến riêng với các thành viên của đoàn báo chí Vatican, Đức Thánh Cha đã đưa ra câu nói gây ấn tượng mạnh mới nhất của mình. Chắc chắn rồi, điều đó đã đến khi ngài gác lại những nhận xét đã chuẩn bị sẵn của mình và cảm ơn các nhà báo tập hợp vì “sự tinh tế mà các bạn thường thể hiện khi nói về những vụ tai tiếng của Giáo hội”.

Đức Thánh Cha có ý gì khi nói đến sự “tinh tế” trong việc đưa tin về các vụ tai tiếng? Ngài giải thích rằng “có rất nhiều, và tôi thấy ở anh chị em một sự tế nhị tuyệt vời, một sự tôn trọng, một sự im lặng gần như xấu hổ.” (Ở đây “xấu hổ” có thể được dịch là “bối rối.”)

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha cám ơn các phóng viên vì đã không đào sâu vào những chi tiết vụn vặt của các vụ tai tiếng. Và điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải quốc gia nào cũng chứng kiến mức độ đưa tin bão hòa về các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục mà truyền thông Mỹ đã đưa tin trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, những nhận xét của Đức Giáo Hoàng - giống như rất nhiều nhận xét ngoài kịch bản của ngài - chắc chắn sẽ gây cho ngài một số khó khăn thực sự.

Đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đang khuyến khích các nhà báo không đưa tin về các vụ tai tiếng ở Vatican. Thông điệp đó - dù có được truyền tải có chủ ý hay không - khác 180 độ so với cam kết thường được tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về tính minh bạch và tiết lộ đầy đủ.

Thứ hai, Đức Thánh Cha dường như cảm ơn các thành viên được công nhận của đoàn báo chí Vatican – những phóng viên mà công việc của họ đòi hỏi phải tiếp cận thường xuyên với các quan chức Vatican – vì đã duy trì sự im lặng kín đáo liên quan đến các vụ tai tiếng. Phải chăng ngài đang ngầm thừa nhận rằng cho đến nay các nhà báo vẫn chưa gay gắt đặt câu hỏi về sự liên quan của cá nhân ngài trong vụ Zanchetta, vụ bê bối Rupnik, vụ thất bại bất động sản ở Luân Đôn? Phải chăng ngài thậm chí còn ám chỉ rằng trong thời gian còn lại của triều đại giáo hoàng này, những phóng viên giải quyết những vấn đề này một cách “tinh tế” và thậm chí có thể với “sự im lặng xấu hổ/ngượng ngùng” sẽ được đối xử ưu ái chăng?

Đây là một điều khác mà chúng tôi đã học được trong triều đại giáo hoàng này: Khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói ứng khẩu, cả ngài lẫn văn phòng báo chí Vatican đều không buồn làm rõ. Thế là những câu hỏi cứ kéo dài hoài.


Source:Catholic World News