“ĐỀN THỜ” THEO GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU
CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B

Chủ đề ĐỀN THỜ, trong giáo huấn của Chúa Giêsu, là chủ đề rộng lớn. Đền thờ không phải chỉ là ngôi nhà để tế tự, để quy tụ cùng nhau thực hành nghĩa vụ tôn thờ Thiên Chúa.

Đền thờ là biểu trưng cho chính Chúa Giêsu, là nhà của Thiên Chúa, là tâm hồn con người…

I. THỂ HIỆN CỦA CHÚA GIÊSU VỀ ĐỀN THỜ.

Suốt thời gian công khai rao giảng Tin Mừng, ĐỀN THỜ là một trong ba giáo huấn nổi bậc (Đền thờ, Lề luật, Đức tin của Israel vào Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc), đưa tới mâu thuẫn sâu sắc, góp phần làm cho người Dothái nói chung, hàng lãnh đạo trong đạo ngoài đời của Dothái nói riêng, căm ghét và quyết “không đội trời chung” với Chúa Giêsu.

1. Nhất quyết bảo vệ sự thánh thiện Đền thờ.

Đó cũng là một trong những lý do lớn nhất, căn bản nhất, trong nhiều lý do góp phần đưa tới cái chết thương đau của Chúa Giêsu, và quyết tâm tiêu diệt Chúa Giêsu của người Dothái.

Chính thánh Gioan, khi tường thuật việc Chúa đánh đuổi những người xúc phạm đến sự thánh thiện của Đền thờ ra khỏi sân Đền thờ Giêrusalem, cũng cho thấy sự mạo hiểm và nguy hiểm của hành động này.

Đó là cái chết đang chờ đợi Chúa: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi. Nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2, 19); “Đền thờ mà Chúa Giêsu muốn nói đây là chính thân thể Người” (Ga 2, 21).

Nhưng vì tình yêu mến, lòng nhiệt thành cùng Thiên Chúa, Chúa Giêsu bất chấp mọi nguy hiểm: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2, 17).

Những từ hay cụm từ: “phá hủy”, “ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”, “chính thân thể Người”, “phải thiệt thân”… đều loan báo trước và chứa đựng nội dung về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu, cùng lúc cho thấy sự nguy hiểm đang rình sự sống của Chúa.

2. Thể hiện lòng tôn kính đối với Đền thờ.

Như các tiên tri thời Cựu Ước, trong vai trò tiên tri của chính Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu hết lòng tôn kính Đền thờ Giêrusalem. Chẳng hạn: Để giữ trọn Lề luật, bốn mươi ngày sau Giáng sinh, Chúa được cha mẹ tiến dâng trong Đền thờ (Lc, 22-31); Chúa theo cha mẹ viếng Đền thờ hàng năm. Đặc biệt, lần viếng Đền thờ năm mười hai tuổi, Chúa ở lại Đền thờ để nhắc thánh Giuse và Đức Mẹ về nhiệm vụ thiên sai của chính Chúa (Lc 2, 41-49); Suốt thời gian ra đi rao giảng, Chúa cũng bắt nhịp với những lần hành hương Đền thờ: “Chúa Giêsu đi đi lại lại trong Đền thờ, tại hành lang Salômôn…” (Ga 10, 22-23; xem thêm 2, 13-25; 5, 1-18).

Hơn thế, Chúa Giêsu đã nhiều lần sử dụng Đền thờ và Hội đường làm nơi rao giảng phần lớn giáo thuyết: “Tôi hằng giảng dạy trong Hội đường và tại Đền thờ” (Ga 18, 20).

Chúa Giêsu còn nộp thuế Đền thờ như mọi người (Mt 17, 24-27).

Chúa tự đồng hóa mình với Đền thờ khi coi mình là hiện thân của chính Thiên Chúa cư ngụ giữa loài người. Bởi đó, việc Chúa Giêsu bị giết về thể xác, loan báo việc Đền thờ bị phá hủy.

Sự bị phá hủy này cho thấy lịch sử cứu độ bước vào thời đại mới, thời đại tôn thờ Thiên Chúa phải tôn thờ đích thực: “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem nữa… Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật” (Ga 4, 21-23).

3. Nhà của Thiên Chúa và dấu hiệu cánh chung.

Chẳng những tôn kính, Chúa Giêsu còn coi Đền thờ là Nhà Cha, Nhà cầu nguyện. Vì thế, Chúa phẫn nộ với những kẻ lạm dụng Đền thờ để trục lợi, biến Đền thờ thành nơi buôn bán, đổi chác: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2, 15).

Còn thánh Marcô, trích lại lời trong sách tiên tri Isaia (56, 7) và tiên tri Giêrêmia (7, 11) cho biết: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc sao? Còn các ngươi thì đã làm nó thành hang trộm cướp!” (Mc 11, 17).

Trước lúc thụ nạn, Chúa loan báo Đền thờ sẽ bị hủy không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào (Mt 24, 1-2). Tiên báo như thế, Chúa Giêsu cho thấy thời cánh chung sẽ khởi đầu với cuộc Vượt qua của Chúa.

4. Con người có đón nhận giáo huấn của Chúa Giêsu?

Nhưng những người thù ghét Chúa, chỉ biết nuôi lòng thù hận, chẳng những không nhận lời dạy ấy, mà còn sử dụng lời dạy ấy làm chứng gian tố cáo và lên án tử Chúa: “Chúng tôi có nghe ông ấy nói: Tôi sẽ phá Đền thờ này do tay người phàm xây dựng, và nội ba ngày, tôi sẽ xây một Đền thờ khác, không phải do tay người phàm” (Mt 14, 58).

Đến khi treo Chúa lên thánh giá, trước lúc Chúa tắt thở, họ lại tiếp tục dùng chính lời của Chúa để nhạo cười: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: 'Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!'” (Mt 27, 39-40).

Người Dothái không thể hiểu ý nghĩa phong phú của Đền thờ mà Chúa Giêsu loan báo, càng không thể chấp nhận việc Chúa tự đồng hóa mình với Đền thờ, và là chính Con Thiên Chúa, là chính Đấng Cứu Thế.

Họ cũng không bao giờ hiểu nổi việc Chúa Giêsu đòi họ phải thờ phượng Thiên Chúa ở trong lòng, chứ đừng chỉ thờ ngoài môi miệng.
Hoặc trong cách gọi Đền thờ là “Nhà Cha Ta” và hành động nóng giận của Chúa càng trở nên cớ vấp phạm cho người Dothái.

Vì tất cả những mâu thuẫn ấy, bản án tử hình dành cho Chúa Giêsu chỉ là vấn đề thời gian. Đúng hơn, họ đang treo bản án tử hình ấy ở ngay phía trước của Chúa mà thôi.

II. BÀI HỌC CHO CHÚNG TA

Từ ý nghĩa Đền thờ theo giáo huấn của Chúa Giêsu, chúng ta rút ra bài học thực hành để áp dụng vào đời sống của mình:

1. Cần chỉnh đốn đời sống.

Ngày nay, nhiều nơi xây sửa đền thờ. Có thể điều đó cần, nhưng không đủ. Người Kitô hữu, vì mang chính danh Chúa Kitô, nên họ phải để tâm xây dựng con người mình cho phù hợp với giáo huấn của Chúa bằng cả một đời nỗ lực sống công chính, vượt thắng cám dỗ, vượt lên trên mọi tham lam, đố kỵ, oán thù, khoe khoang, kiêu ngạo… Chỉ có như thế, chúng ta mới xứng đáng là người mang danh Chúa, người có Chúa ở cùng.

2. Nhà thờ, nơi gặp gỡ của yêu thương.

Chúa thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem, Chúa cũng muốn thanh tẩy các nhà thờ của chúng ta. Đừng để bất cứ ai, một khi bước vào nhà thờ mà còn mang theo vết nhơ ngăn cách, não trạng tự tôn nào.

Hãy để nhà thờ trở thành ngôi nhà của tình hiệp nhất, yêu thương.

Đó là nhà gặp gỡ Thiên Chúa, trở nên gắn bó và hiệp nhất sâu xa với Thiên Chúa.

Đó là nhà xiết chặt tình anh em trong cùng một cộng đoàn có chung Lời Chúa làm lề luật sống, có chung bí tích của Chúa làm tăng sự sống, có chung tình yêu của Chúa làm lẽ sống…

Nếu Chúa khẳng định “Đền thờ là chính thân thể Chúa” (Ga 2, 21), thì Chúa cũng muốn biến thân xác mỗi chúng ta thành đền thờ của Chúa.

Không phải chỉ khi đến nhà thờ, nhưng là tất cả mọi ngày, mọi nơi trong đời sống, chúng ta hãy gìn giữ mình vượt thoát tất cả mọi đen tối, xấu xa như chính Lời Chúa dạy: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây” (Ga 2, 16) và đừng biến đền thờ của Chúa thành “hang trộm cướp” (Lc 19, 46; Mt 21, 13).

Như đã từng nổi giận với những người xúc phạm sự thánh thiện của Đền thờ, chắc chắn, Chúa cũng sẽ nổi giận nếu chúng ta làm nhơ nhớp đền thờ là chính thân xác chúng ta bằng đam mê vô độ, bằng những thú vui nhục dục, trác táng, lăn loàn, gây gương mù, gương xấu, ở lỳ trong tội…