Gavin Ashenden, trên Catholic Herald của Anh, ngày 20 tháng 2 năm 2024, nhận định rằng những xáo trộn về những gì nên hay không nên xảy ra trong một nhà thờ đã gây chia rẽ quan điểm Kitô giáo ở Anh.

Phép lạ ở Lanciano


Điều này có lẽ một phần là do sự khác biệt giữa tâm trí người Thệ phản và Công Giáo rất sâu xa. Nó không chỉ bị thúc đẩy bởi sự khác biệt trong nội dung niềm tin mà còn bởi những quan điểm khác nhau: điều mà người ta có thể gọi là những cảnh quan đối lập của tâm trí.

Anh giáo Thệ phản ra đời trong nền văn hóa Khai sáng. Do đó, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi những người Anh giáo hiện nay trông coi các thánh đường thời Trung cổ ở Anh coi chúng chủ yếu là những tòa nhà lớn được sử dụng cho sứ mệnh của nhà thờ của họ. Những thánh đường đó có thể tình cờ đẹp, nhưng mục đích lại trở thành đặc điểm chính của chúng. Về cơ bản chúng rất hữu ích. Mọi việc phải được thực hiện cho chúng và trong chúng.

Người Anh giáo cảm thấy ngạc nhiên khi thấy người Công Giáo muốn hạn chế những cách thức sử dụng chúng hoặc lo ngại về những gì diễn ra trong đó. Với chút thiếu kiên nhẫn, họ đưa ra ví dụ về các sự kiện hoặc cuộc họp khác nhau đã diễn ra thành công trong các thánh đường dưới sự giám hộ của họ, như thể để chứng minh khả năng linh hoạt của họ.

Giả định cơ bản là bất cứ điều gì xảy ra trong nhà thờ đều phục vụ Chúa. Người ta lo sợ rằng nó có thể mất đi mục đích vì trống rỗng và không có hoạt động.

Trong một cuộc phỏng vấn với những người phản đối điều được một số người mô tả là “Rave in the Nave” [nổi sóng ở gian giữa nhà thờ] ở Nhà thờ Canterbury, thánh địa nơi Thánh Thomas Becket tử đạo, Viện trưởng Canterbury nói rằng theo suy nghĩ của ngài, không có sự khác biệt thẩm mỹ giữa các màn trình diễn của nhạc sĩ nhạc rap người Mỹ Eminem và nhà soạn nhạc người Séc Dvořák.

Khi những người Công Giáo phản đối, những người đã yêu cầu gặp ngài, hỏi rằng liệu có điều gì mà ngài cấm diễn ra trong Nhà thờ hay không, thí dụ duy nhất mà ngài đưa ra là nếu ai đó khỏa thân xuất hiện, ngài sẽ phản đối, bởi vì điều đó sẽ phạm luật hình sự.

Đối với người Thệ phản, sự hữu ích là một đức tính cơ bản. Và đằng sau tình yêu hữu ích là cả một nền văn hóa được khai sinh bởi Thời đại Khai sáng. Nó dẫn đến cuộc cách mạng khoa học dựa trên kỹ năng khảo sát, đo lường mọi thứ và khám phá cách chúng hoạt động.

Nhưng tâm trí Công Giáo đã được hình thành khoảng 1,500 năm trước thời kỳ Khai sáng và trong khi bao gồm nó thì nó nhưng không bị hạn chế bởi nó.

Thời kỳ Khai sáng cảm thấy thoải mái nhất với những gì có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, điều này làm nghèo đi và mất cân bằng đối với một người Công Giáo. Nó tạo ra việc chỉ nói một thứ tiếng về mặt triết học. Nó giản lược toàn bộ hiện thực vào chỉ một ngôn ngữ – và một ngôn ngữ khó chịu và không thoải mái với đức tin và mầu nhiệm.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi tâm trí Anh giáo không dễ dàng tính đến tính thánh thiêng của vật chất. Có một kiểu phân nhánh ngộ đạo tách biệt tinh thần khỏi vật chất, đó là hệ quả của dự án Khai sáng. Người ta trở nên mơ hồ hơn về tinh thần là gì thế nào, thì sự tập chú vào vật chất – cũng như cách bạn đo lường và sử dụng nó – ngày càng mãnh liệt hơn thế ấy.

Tâm trí Công Giáo, vốn tin vào thực tại của vật chất được Thánh Thần biến đổi mà nó gặp trong Thánh lễ, lại nhìn thực tại một cách khác. Về mặt thần học, nó bắt đầu với khái niệm Thiên Chúa (tinh thần) mặc lấy xác thịt (vật chất), sau đó chỉ đơn giản tiếp tục quỹ đạo của nguyên tắc Nhập thể bằng cách biến đổi vật chất (bánh) thành tinh thần (Chúa Giêsu).

Bản thân chủ nghĩa duy nghiệm không đủ linh hoạt để bao hàm bất cứ ý nghĩa nào nằm ngoài các chiều kích của vật chất.

Tom Holland, tác giả cuốn Dominion: The Making of the Western Mind [Thống trị: Việc Tạo nên Tâm trí Phương Tây] về ảnh hưởng của Kitô giáo ở và đối với phương Tây, lập luận rằng một trong những mối nguy hiểm của cuộc cải cách Thệ phản và tư duy đi kèm nó là nó đã dẫn đến sự phụ thuộc hoàn toàn vào duy nghiệm, đồng thời ngày càng trở nên điếc tai trước ý nghĩa: làm nảy sinh sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa vô thần.

Nếu bạn không xử lý bản năng tôn giáo một cách chính xác trong bối cảnh đúng đắn, bạn có thể thấy nó bị xử lý một cách tồi tệ khi nó tái xuất hiện dưới một hình thức khác trong bối cảnh khác.

Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn The Black Swan [Thiên nga đen], phân tích cách các sự kiện không thể đoán trước thay đổi và nhào nặn thế giới của chúng ta đến mức độ mà chúng ta thường không hiểu được, đồng thời tự mô tả mình là “nhà nhận thức luận về tính ngẫu nhiên”, trình bày chi tiết việc yếu tố tái xuất hiện này xảy ra trong thế giới kinh tế và thống kê ra sao.

Ông cảnh báo về nguy cơ mất tiếp xúc với điều thánh thiêng và sự phụ thuộc quá mức vào chủ nghĩa duy nghiệm duy vật: “Những người theo chủ nghĩa duy hiện đại… từ chối tôn giáo trên cơ sở hữu lý, nhưng sau đó lại sa vào phía các nhà dự báo kinh tế, nhà phân tích thị trường chứng khoán và nhà tâm lý học”.

Ông nhắc nhở chúng ta về một sự thật khó chấp nhận này: “chúng ta biết rằng các dự báo kinh tế không có tác dụng tốt hơn chiêm tinh học”, và đổ lỗi cho nền tảng của văn hóa Khai sáng: “một khi tôn giáo thoát khỏi điều thánh thiêng, nó sẽ trở thành đối tượng của những niềm tin nhận thức luận”.

Là một người theo Chính thống giáo Hy Lạp, Taleb cảnh báo Giáo Hội Công Giáo rằng nó sẽ không thoát khỏi việc duy lý hóa và chủ nghĩa duy vật mà đạo Thệ phản đã sa vào, nếu nó tiếp nhận cùng một quan điểm. Ông gợi ý, có lẽ hơi quá thẳng thắn nhưng dù sao cũng có lý do nào đó, rằng Công đồng Vatican II đã bắt đầu thực hiện các bước theo hướng đó:

“Thực tế là, Công Giáo đã mất đi thẩm quyền đạo đức của mình ngay khi nó trộn lẫn niềm tin nhận thức luận và triết học [liên quan đến triết lý nhận thức] – phá vỡ mối liên hệ giữa thánh thiện và phàm tục”, mà Nassim cho rằng đó là điều đã xảy ra với “aggiornamento của Công đồng Vatican II”, vào đầu những năm 1960”, một điều “nhằm 'cập nhật' đạo Công Giáo”.

Ông nói thêm: “Nhưng một khi tôn giáo thoát khỏi sự thánh thiêng, nó sẽ trở thành đối tượng của những niềm tin nhận thức luận. Chủ nghĩa vô thần là đứa con của đạo Thệ phản, và Vatican II hóa ra là một cuộc cải cách thứ hai.”

Điều này có thể hơi vụng về và phiến diện, nhưng ông ấy đã đúng khi cảnh báo về quỹ đạo đã đi theo.

Chưa hết, ngay cả khi nền văn hóa của Giáo hội bắt đầu tạm thời mất đi định hướng, nhầm lẫn geist [tinh thần cá nhân hay nhóm] với pneuma [thần khí], Chúa Thánh Thần vẫn không bỏ rơi Giáo hội.

Giáo Hội Công Giáo được định hình và xác định bởi mối quan hệ của nó với điều lạ lùng. Nó đã được định hình bởi cuộc gặp gỡ với những mầu nhiệm này. Và phép lạ là trải nghiệm vật chất được tái cấu hình bởi lòng cảm thương của Chúa Thánh Thần.

Mặc dù thường bị các nhà quan sát thế tục hiểu lầm và đánh giá sai, nhưng trải nghiệm về phép lạ có một lịch sử sâu sắc và nhất quán trong trải nghiệm Công Giáo. Cho dù đó là việc hóa lỏng máu ở Lanciano, hay những bức tượng khóc trên khắp thế giới, vật chất này có những lỗ nhỏ thông với sự hiện diện của Thiên Chúa và có thể và đôi khi được Chúa Thánh Thần tái cấu hình cho các mục đích của Tin Mừng.

Có rất nhiều trò lừa bịp và cả tin là mặt trái của niềm tin bất cẩn, nhưng dù sao cũng có những khoảnh khắc để điều thánh thiêng xuất hiện. Một sự kiện trong lịch sử gần đây mang lại cái nhìn sâu sắc về sự sống động của vật chất (và được Giáo hội xác nhận), đã diễn ra ở Nhật Bản khi một bức tượng bất chấp các định luật vật lý trong cuộc Đức Mẹ hiện ra ở Akita.

Phóng sự về sự kiện này rất hấp dẫn và cảm động. Nó diễn ra vào tháng 5 năm 1974 tại Akita, một thành phố ở bờ biển phía tây đất nước. Cùng với việc tái tạo vết thương trên tay của Sơ Agnes, nữ tu đã chứng kiến sự hiện ra, bức tượng mà qua đó Đức Maria nói chuyện đã thay đổi màu sắc. Mặt, tay và chân của bức tượng chuyển sang màu đỏ sẫm một cách đột ngột. Nhiều người chứng kiến cảnh này đã khóc rất nhiều.

Như đã được tiên đoán trong các lần hiện ra, bệnh điếc của Sơ Agnes đã được chữa khỏi vào ngày 30 tháng 5 năm 1982. Nhưng trọng tâm của sự kiện không phải là việc biến đổi của bức tượng, mà là những thông điệp kêu gọi Giáo hội cầu nguyện, sám hối và hoán cải sâu sắc hơn. Đối với những người coi trọng việc kết hợp vật chất và Tinh thần, các hiện tượng chứng thực đã được quan sát trên khắp thế giới Chính thống giáo, đặc biệt là các biểu tượng về Đức Mẹ đang khóc và tạo ra một chất có mùi thơm như mộc dược.

Giáo hội có lý khi nghi ngờ tất cả những hiện tượng như vậy cho đến khi một cuộc điều tra diễn ra. Nhưng xét đến số lượng các sự kiện như vậy đã được chứng thực – đặc biệt là các phép lạ Thánh Thể kể từ năm 1994 – thì hiệu quả là làm sâu sắc thêm nhận thức của Công Giáo rằng vật chất có những lỗ nhỏ thông với tinh thần. Hơn thế nữa, dưới sự giám hộ của lời cầu nguyện và sự sám hối của chúng ta, vật chất có mục đích cộng hưởng với sự hiện diện của Thiên Chúa.

Kinh thánh chứa đầy những tài liệu tham khảo đầy chất thơ về việc tạo vật ca ngợi Thiên Chúa như thể nó có sẵn một khả năng đáp ứng tiềm ẩn. Nhưng chiều kích Kitô học của đức tin đưa chúng ta đi xa hơn. Trong thư Cô-lô-sê 1:17, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Trong Chúa Kitô, mọi sự đều tồn tại”.

Người Công Giáo bác bỏ chủ nghĩa phiếm thần ngoại giáo, nhưng sửa đổi nó thành chủ nghĩa phiếm tại [panentheism= mọi sự đều ở trong Thiên Chúa] được bản vị hóa sâu sắc hơn. Vật chất chỉ tồn tại bởi vì nó được truyền dẫn sự hiện diện của Thiên Chúa và có đặc tính do mục đích của Chúa ấn định.

Vật chất không bao giờ có thể thiếu ý nghĩa thần học. Nếu vật chất có lỗ thông hoặc có khả năng có lỗ thông (porous) với Chúa Thánh Thần, thì việc vật chất được cấu hình lại một cách cụ thể và có mục đích để phục vụ Thiên Chúa sẽ có được tiếng vang, mục đích và ý nghĩa sâu sắc hơn trong động lực của Vương quốc Thiên đàng.

Tuy nhiên, những người Thệ phản có xu hướng nổi loạn vì các thánh tích. Nhưng thánh tích đối với tâm trí Công Giáo và trong kinh nghiệm Công Giáo là sự kết hợp của vật chất được chiếu sáng bởi mục đích nhân ái và sự hiện diện chữa lành của Thiên Chúa.

Các thánh đường và nhiều nhà thờ được tạo hình theo hình hài của Chúa Kitô trên thập giá. Đi qua cổng đá là thực hiện một cuộc hành trình sâu hơn vào sự hiện diện của Chúa Kitô về mặt địa hình cũng như về mặt tâm linh. Đó là cố tình đưa cả vật chất của tòa nhà và vật chất của cơ thể mình vào một thao tác song hành và gắn kết giữa tinh thần và linh hồn.

Chỉ có một hình thức phân biệt chủng tộc thần học làm đá và các tòa nhà mất hết ý nghĩa thần học và tiềm năng thần khí mới có thể nhìn một thánh đường theo những thuật ngữ thực dụng nghiêm ngặt và miễn nhiễm với sự không hòa hợp về mặt tinh thần khi sử dụng nó cho chủ nghĩa khoái lạc và sự tự thỏa mãn bị thế tục hóa.

Có lẽ một phần của sự không hòa hợp được tạo ra ở Canterbury bởi dự án kinh doanh của Cha Sở vào ngành giải trí không chỉ dừng lại ở sở thích và tiền bạc. Đó cũng là hậu quả của sự xung đột giữa quan điểm Công Giáo về sự hợp nhất giữa vật chất và tinh thần đã mang lại cho thế giới một thánh đường thời Trung cổ - một biểu hiện của tình yêu, đức tin và mục đích mà vẻ đẹp của nó khiến người ta nghẹt thở - và một cách nhìn rất khác về thế giới. Thậm chí có lẽ một cách khác để trải nghiệm Thiên Chúa.

Tiện ích và mục đích bị tước đi vẻ đẹp và mầu nhiệm đã mang lại cho chúng ta những công viên bán lẻ. Chúng ta phải có khả năng nhận ra sự khác biệt.