1. Nhà thần học người Ý nói: Đức Thánh Cha Phanxicô rất ủng hộ chức Phó tế Phụ nữ

Đức Thánh Cha Phanxicô “rất ủng hộ” chức phó tế nữ và đang tìm cách mở rộng cho tất cả những người đã được rửa tội “một số quyền” mà cho đến gần đây chỉ thuộc về các giám mục, linh mục và tu sĩ, một nhà thần học người Ý cho biết như trên.

Trong một loạt phát biểu, Nữ tu Salêdiêng Linda Pocher cho biết vấn đề chức phó tế nữ đã được đưa ra tại một cuộc họp từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 2 mà chị tham dự với Hội đồng Hồng Y, còn được gọi là “C9”, một cơ quan gồm chín thành viên của Đức Thánh Cha Phanxicô được thành lập vào năm 2013 để tư vấn cho ngài về việc quản trị và cải cách Giáo hội.

Theo bài bình luận ngày 8 tháng 2 trên tờ nhật báo tiếng Tây Ban Nha, Sơ Linda cho biết: “Chúng tôi đã biết rằng Đức Thánh Cha rất ủng hộ chức phó tế nữ, nhưng đó vẫn là điều mà chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu để áp dụng vào thực tế”.

Nhà thần học người Ý nói thêm rằng “không có suy nghĩ nào về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo”.

Những nhận xét của Sơ Linda về chức phó tế cho phụ nữ dường như mâu thuẫn với những tuyên bố công khai của Đức Thánh Cha Phanxicô về chủ đề này. Tháng 10 năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn cho một cuốn sách bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Phanxicô đã tái khẳng định việc phụ nữ không thể trở thành linh mục, hoặc thậm chí là phó tế trong Giáo hội hiện đại.

Nhưng mặc dù cho đến nay ngài đã dừng việc cho phép phong phó tế cho phụ nữ, đáng chú ý nhất là trong tông huấn hậu thượng hội đồng năm 2019 sau Thượng hội đồng Amazon, ngài vẫn để ngỏ cánh cửa thảo luận về chủ đề này và tiếp tục nghe những chứng từ và tư vấn từ những người ủng hộ của một sự thay đổi như vậy.

Vấn đề này cũng là một điểm thảo luận tại phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng về tính đồng nghị vào tháng 10 năm ngoái, vốn kêu gọi nghiên cứu thêm về các nữ phó tế sẽ được công bố tại hội nghị tiếp theo vào tháng 10 này. Đức Phanxicô cũng đã thành lập hai ủy ban quốc tế vào năm 2016 và năm 2020 về vấn đề này nhưng không cung cấp thêm hướng dẫn công khai nào.

Tờ Register đã yêu cầu phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni hôm thứ Hai bình luận về việc liệu quan điểm của Đức Giáo Hoàng về chức phó tế cho phụ nữ có thay đổi hay không nhưng ông chưa trả lời trước thời điểm xuất bản.

Cuộc họp gần đây nhất của C9, một phần trong đó được dành để đào sâu suy nghĩ “về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội”, đã gây ra tranh cãi đáng kể khi nổi lên rằng trong số các vị phát biểu có Nữ Giám Mục Ấn Giáo Jo Bailey Wells, người hiện là phó tổng thư ký của Cộng đồng Anh giáo.

Sơ Linda nói rằng Đức Thánh Cha đã yêu cầu sơ “tổ chức cuộc họp suy tư này về thế giới phụ nữ trong Giáo hội và đối với tôi, thật thú vị khi thảo luận về kinh nghiệm của Giáo hội Anh giáo về vấn đề này”.

Nữ tu Salêdiêng tiếp tục: “Điều tôi yêu cầu vị giám mục thực sự là giải thích loại tiến trình nào họ đã tuân theo để đi đến quyết định phong chức cho phụ nữ, và cho biết điều này đã thay đổi cuộc sống trong Giáo hội của họ như thế nào”. “Vì vậy, những gì cô ấy làm là kể lại một kinh nghiệm mà sau đó chúng tôi đã thảo luận với các Hồng Y và Đức Thánh Cha.”

Wells, một trong những thế hệ phụ nữ đầu tiên được thụ phong trong Giáo hội Anh và là người đã vận động cho “bình đẳng giới tính”, phát biểu sau cuộc họp: “Nhiều người cho rằng đây là một thời điểm lịch sử. Chắc chắn, tôi rất vinh dự được mời mô tả hành trình của Anh giáo liên quan đến việc truyền chức cho phụ nữ, cả trong Giáo hội Anh quốc lẫn khắp Hiệp thông Anh Giáo. Đã có sự tham gia sâu sắc và một số cuộc thảo luận tốt.

Cô nói thêm rằng sau cuộc gặp, cô “rất ngạc nhiên trước sự quan tâm của người Công Giáo trên toàn thế giới” và cô hy vọng nó sẽ “giúp có thể giúp nhiều phụ nữ hơn khám phá và thực hiện lời kêu gọi mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta”.

Vào năm 2008, khi còn là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp nhất Kitô giáo, Đức Hồng Y Walter Kasper đã đích thân khuyên Hội đồng Lambeth của Hiệp thông Anh giáo rằng quyết định gần đây của một số giáo tỉnh Anh giáo về việc phong chức cho các nữ giám mục “đã ngăn chặn một cách hiệu quả và dứt khoát việc công nhận các Dòng Anh giáo bởi Giáo Hội Công Giáo.”

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 9 tháng 2 với Vida Nueva Digital, Bailey Wells cho biết các Hồng Y “rất niềm nở, chu đáo và tôi thậm chí còn nói là tò mò” và họ “dành nhiều thời gian để lắng nghe hơn là nói chuyện”. Cô ấy nói rằng cô ấy thấy việc được mời là “rất quan trọng”, nhưng cô ấy “sẽ không mô tả tình huống này như một lời yêu cầu lời khuyên” mà đúng hơn là một “hội thảo mà chúng tôi ngồi cùng nhau để lắng nghe”.

Wells nói thêm rằng, theo cô, Cộng đồng Anh giáo “đi trước Giáo Hội Công Giáo” trong việc trao cho phụ nữ những cơ hội bình đẳng như nam giới trong việc lãnh đạo hiệp thông giáo hội của mình, nhưng tin rằng họ còn nhiều việc phải làm. Cô nói: “Chúng ta không nên cho rằng, chỉ vì cánh cửa được mở ra cho phụ nữ theo cách này thì điều này tự động đồng nghĩa với việc có bình đẳng giới tính”.

Cũng đưa ra lời khuyên tại cuộc họp C9 là Giuliva Di Berardino, một trinh nữ thánh hiến, giáo viên nghiên cứu tôn giáo và nhà phụng vụ từ Giáo phận Verona, Ý. Sơ Linda cho biết sơ đã yêu cầu chị cân nhắc về “các mục vụ khả thi dành cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, về những khả năng thực sự khả thi hiện nay trong Giáo Hội Công Giáo”.

Sơ Linda, người cũng đã tham dự cuộc họp C9 trước đó vào đầu tháng 12, cho biết Đức Phanxicô “đang thay đổi cách suy nghĩ và cách sống, sự khác biệt giữa thừa tác vụ thụ phong và chức tư tế chịu phép rửa,” nói thêm rằng ngài đang “mở rộng cho tất cả những người đã được rửa tội một số quyền mà cho đến gần đây vẫn thuộc về các giám mục, linh mục hoặc tu sĩ.”

Có lẽ sơ ấy đang đề cập đến Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, tại phiên họp đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái, đã cho phép phụ nữ và giáo dân có quyền bầu cử lần đầu tiên trong Thượng Hội Đồng Giám Mục.


Source:National Catholic Register

2. Đức Hồng Y Müller: Những nỗ lực giải thích Tuyên ngôn Fiducia Supplicans càng gây thêm nhầm lẫn về tài liệu này

Tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Cardinal Müller: Efforts to Explain ‘Fiducia Supplicans’ Add to Confusion Over Document”, nghĩa là “Đức Hồng Y Müller nhận định rằng những nỗ lực giải thích Tuyên ngôn Fiducia Supplicans càng gây thêm nhầm lẫn về tài liệu này.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cho biết những nỗ lực thường xuyên nhằm cố gắng làm sáng tỏ và giải thích Fiducia Supplicans chỉ làm sâu sắc thêm sự nhầm lẫn và thay vào đó điều cần thiết là quay trở lại “sự rõ ràng của lời Chúa” chứ không phải là “cúi đầu trước những người LGBT hoàn toàn sai lầm này và ý thức hệ thức thời.”

Trong một cuộc phỏng vấn với Register, được thực hiện tại Rôma vào ngày 29 Tháng Giêng, Đức Hồng Y Müller đã trả lời về hậu quả tiếp tục của tuyên bố ngày 18 tháng 12 trong đó cho phép các phép lành phi phụng vụ, “mục vụ” và “tự phát” dành cho những người đồng giới và những người khác giới có “những mối quan hệ bất thường.” Tài liệu này đã vấp phải sự phản đối rộng rãi, đặc biệt là ở Phi Châu.

Đức Hồng Y nhắc lại rằng ngài tin rằng Giáo Hội “không cần” Tuyên ngôn này và rằng chúng ta không thể đưa những người có quan hệ đồng tính “đến với Giáo hội bằng cách tương đối hóa sự thật và hạ thấp ân sủng, nhưng bởi Tin Mừng thuần khiết của Chúa Kitô”.

“Làm sao chúng ta, với tư cách là những tín hữu của Chúa Giêsu Kitô, dám làm cho lời dạy này của Thiên Chúa trở nên không rõ ràng bằng sự ngụy biện của con người?” ngài nói.

Đức Hồng Y Müller than thở rằng do hậu quả của Fiducia Supplicans, ngày nay “không còn ai nói về phúc lành cho hôn nhân, con cái, gia đình”, vốn là “bổn phận của chúng ta” và không mấy ai chú ý đến việc “đừng gây chia rẽ trong Giáo hội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng giải thích lại Fiducia Supplicans vào hôm thứ Tư, trong một cuộc phỏng vấn mới được tạp chí Công Giáo Ý Credere đăng tải.

Đức Thánh Cha nói: “Không ai bị xúc phạm nếu tôi chúc lành cho một doanh nhân đang bóc lột người dân, và đó là một tội rất nghiêm trọng. Trong khi đó họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu tôi chúc lành cho một người đồng tính. Đây là đạo đức giả!”

Ngài nói thêm rằng ngài chúc lành cho mọi người trong tòa giải tội: “Tôi không chúc lành cho một 'hôn nhân đồng tính'; Tôi chúc phúc cho hai người yêu nhau [che si vogliono bene].”

Đức Hồng Y Müller được Đức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo về giáo lý của Vatican vào năm 2012, một chức vụ mà ngài giữ cho đến năm 2017.

Edward Pentin của National Catholic Register hỏi ngài: Thưa Đức Hồng Y, tại phiên họp toàn thể gần đây của Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Thánh Cha đã nhắc lại rằng việc chúc lành cho các mối quan hệ bất thường phải mang tính tự phát, phi phụng vụ và không đòi hỏi sự hoàn hảo về mặt đạo đức, đó là việc chúc lành cho các cá nhân, chứ không phải cho sự kết hợp. Nhưng nếu đúng như vậy thì có cần thiết phải có một tài liệu như vậy hay không, vì những phép lành cá nhân như vậy đã được phép rồi?

Không cần đến tài liệu này, nhưng bây giờ những cách giải thích sau này đang tự tương đối hóa và chúng chỉ làm sâu sắc thêm, làm tăng thêm sự nhầm lẫn. Họ không thể giải thích sự khác biệt giữa phép lành phụng vụ và phép lành dành cho cá nhân. Họ đang đưa ra một hàm ý mơ hồ thay vì nói những gì hoàn toàn rõ ràng trong Tin Mừng, trong lời của Chúa Giêsu Kitô, được truyền lại cho chúng ta trong Cựu Ước và Tân Ước. Làm sao chúng ta, với tư cách là tín hữu của Chúa Giêsu Kitô, dám làm cho lời dạy này của Thiên Chúa trở nên không rõ ràng bằng sự ngụy biện của con người?

Thưa Đức Hồng Y, một số nhà bình luận nói rằng tài liệu này là cần thiết để ngăn chặn Giáo hội ở Đức, đặc biệt là việc tiến hành các phép lành phụng vụ đồng tính trên quy mô đầy đủ, rằng điều này sẽ giúp ngăn chặn một điều như vậy xảy ra. Đức Hồng Y nói gì với nó?

Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xung quanh các giám mục Đức bằng những thủ đoạn ngoại giao này. Chúng ta phải nói sự thật: Đó là sự báng bổ; rằng đó là một tội lỗi. Bạn có thể phản bội chính mình, bạn có thể phản bội người khác, nhưng không ai có thể phản bội Chúa. Chúng ta phải nói sự thật, không phải vì chúng ta là thánh và người khác là tội nhân. Nếu tôi rao giảng Phúc Âm, tôi ở dưới sự phán xét của Phúc Âm. Chính người giảng thuyết phải là gương mẫu cho mọi người. Ngài phải nỗ lực rất nhiều để nêu gương tốt, nhấn mạnh đức tin bằng sự đáng tin cậy của các nhà giảng thuyết. Nhưng ngài phải nói lời Thiên Chúa, lời làm cho chúng ta được tự do, chứ không phải tỏ ra mình là người phóng khoáng và cởi mở hơn Thiên Chúa, Đấng đã hiến tế Con của mình để cứu rỗi thế giới.

Thưa Đức Hồng Y, ngài nói gì với quan điểm cho rằng, trong nền văn hóa tình dục hóa quá mức của chúng ta, với nhiều người bị tổn thương bởi hậu quả bi thảm của cái gọi là cuộc cách mạng tình dục, một tài liệu như vậy là cần thiết vì không có cách nào khác để tiếp cận những người này, để đưa họ trở lại nhà thờ?

Những người này được đưa đến Giáo hội không phải bằng cách tương đối hóa chân lý và ân sủng rẻ tiền, mà bằng Tin Mừng thuần khiết của Chúa Kitô. Trước sự yếu đuối của con người, nhất là trong lĩnh vực tính dục, Chúa Giêsu không hề tỏ ra thông cảm với việc ngoại tình, nhưng nói rằng ai nhìn phụ nữ một cách thèm muốn thì trong lòng đã ngoại tình rồi, tức là đã vi phạm Điều Răn Thứ Sáu của Thiên Chúa trong Mười Điều Răn và do đó từ bỏ sự sống của Thiên Chúa và sự thật của Ngài (Mt 5:28).

Thưa Đức Hồng Y, một lời chỉ trích khác đối với tài liệu không chỉ ở nội dung mà còn ở những gì nó còn thiếu. Chẳng hạn, tài liệu không hề đề cập đến tội lỗi của quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc các hành vi đồng giới, tầm quan trọng của sự ăn năn và mục đích kiên quyết sửa đổi, hoặc khuyến khích người đó đến với Chúa Kitô.

Họ tránh nó. Đối với họ, những người như thế chỉ gặp hoàn cảnh khó khăn vì sự yếu đuối của mình, nên họ phủ nhận sự tồn tại của tội lỗi, sẵn sàng cho phép làm điều sai trái và làm trái với thánh ý Chúa. Họ coi những người ấy chỉ là những người đáng thương, và chúng ta phải giúp đỡ họ.

Nhưng sự giúp đỡ của Chúa Giêsu Kitô là gì? Đó là sự giúp đỡ của ân sủng; đó là sự đổi mới của cuộc sống. Mọi người đều được mời gọi vào Nước Thiên Chúa. Vâng, mọi người đều được gọi. Sự cứu rỗi là cuộc sống mới trong Chúa Giêsu Kitô, được thoát khỏi tội lỗi, và không chỉ tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức như một lý tưởng do giới thượng lưu đặt ra, hay những quy tắc do xã hội đặt ra, mà còn phải làm như vậy theo thánh ý của Chúa Giêsu. Đây là ý nghĩa của sự thánh hóa, và đó là niềm hạnh phúc đích thực khi đi theo con đường của Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc đích thực – và không ngoan cố tái phạm tội lỗi.

Và điều đó không được đề cập trong tài liệu, phải không thưa Đức Hồng Y?

Không. Chưa bao giờ đề cập đến. Không có nhân chủng học rõ ràng, giáo lý rõ ràng: Ân sủng là gì? Tội lỗi là gì? Tội nguyên tổ là gì? Những tội lỗi cá nhân là gì? Phải làm gì với ý chí của chính bạn và sự hợp tác của ý chí tự do của bạn với ân sủng? Trong Công đồng Trentô, chúng ta có tài liệu tuyệt vời này về sự công chính hóa và tội nguyên tổ. Và Công Đồng nói rằng: “Với ân sủng của Chúa, không ai có thể nói rằng tội lỗi là không thể tránh được, không ai có thể nói rằng mình bị nguyền rủa và bị loại khỏi sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội”. Điều cần thiết là thực sự quay lưng lại với tội lỗi và hoán cải hoàn toàn theo Chúa.

Như thế, Đức Hồng Y có nghĩ rằng, với những khuyết điểm và sai sót Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, nên được rút lại và, như một số người đã yêu cầu, Đức Hồng Y Fernández nên từ chức?

Đó là một câu hỏi dành cho Đức Thánh Cha và là trách nhiệm của ngài. Nhưng tôi nghĩ với tất cả những cuộc phỏng vấn và diễn giải cách này cách khác, mọi thứ vẫn không khá hơn chút nào. Hãy quay trở lại với sự rõ ràng của lời Chúa, và những gì được nói trong Sách Giáo lý, chứ không phải cúi đầu trước ý thức hệ LGBT hoàn toàn sai lầm này. Điều đó không phải là hiện đại; nhưng là sự quay trở lại với chủ nghĩa ngoại giáo cũ. Bạn thấy điều đó trong thế giới Đông Phương, Rôma và Ba Tư ngoại giáo cổ xưa: Mọi người, ở mọi nơi đều cho phép các hành vi đồng tính luyến ái và quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên, và họ không có tiêu chuẩn đạo đức cao như được đưa ra trong Mười Điều Răn. Nhưng mặt khác, Thánh Phaolô nói rằng ngay cả những người ngoại đạo, dưới ánh sáng của lý trí và lương tâm, cũng có thể hiểu được những gì được viết trong lòng họ mà chúng ta gọi luật luân lý tự nhiên.


Source:National Catholic Register

3. Giáo hội Ấn Độ cử hành 'Ngày cầu nguyện và ăn chay' trong bối cảnh phân cực tôn giáo ngày càng gia tăng

Giáo Hội Công Giáo ở Ấn Độ đã kêu gọi coi ngày 22 tháng 3 là “ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình và hòa hợp trong nước”.

Một tuyên bố được đưa ra khi kết thúc hội nghị hai năm một lần, lần thứ 36 của Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ, gọi tắt là CBCI, ở Bangalore cho biết: “Có một sự phân cực tôn giáo chưa từng có đang làm tổn hại đến sự hòa hợp xã hội được ấp ủ ở đất nước chúng ta và gây nguy hiểm cho chính nền dân chủ”.

“Người ta lo ngại rằng thái độ chia rẽ, những bài phát biểu căm thù và các phong trào theo trào lưu chính thống đang làm xói mòn đặc tính đa nguyên vốn luôn là đặc trưng của đất nước chúng ta và hiến pháp của nó. Các quyền cơ bản và quyền thiểu số được hiến pháp bảo đảm không bao giờ nên bị suy yếu”, tuyên bố viết.

Tuyên bố với những chỉ trích bất thường của Giáo hội Ấn Độ được coi là lời phê bình chính phủ liên bang do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo. Ông là nhà lãnh đạo BJP, là người mà các nhà quan sát cho rằng đã thúc đẩy chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ giáo kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2014.

Hàng triệu người trong số hơn 1 tỷ người theo đạo Hindu ở Ấn Độ đã dán mắt vào chương trình truyền hình trực tiếp về lễ thánh hiến một ngôi đền lớn dành riêng cho thần Ram – một vị thần Hindu nổi tiếng của miền bắc Ấn Độ – ở Ayodhya, phía bắc Uttar Pradesh vào ngày 22/1.

Ông Modi đã tham gia buổi lễ và gọi đây là “ngày lịch sử”. Ông khuyến khích mọi người tổ chức lễ khánh thành ngôi chùa bằng cách trang trí nhà cửa và thắp đèn dầu, UCA News đưa tin.

Các Kitô hữu và người Hồi giáo đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi những người theo trào lưu chính thống của đạo Hindu xuống đường và treo những lá cờ màu nghệ tây của đạo Hindu trên các nhà thờ và đền thờ Hồi giáo.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương ở Madhya Pradesh do BJP cai trị đã không có hành động chống lại điều mà nhiều người coi là hành động chống Kitô giáo và chống Hồi giáo.

Cảnh sát trưởng quận Jhabua, Agam Jain, khi bị thẩm vấn về một trong những vụ việc tại một nhà thờ đã khai: “Chúng tôi đã yêu cầu ông mục sư khiếu nại để giải quyết vấn đề này, nhưng ông ấy từ chối và nói rằng ông ấy không có gì phải phàn nàn về việc những người cắm cờ trên nóc nhà đều đã quen với ông. Ông ta không muốn phàn nàn gì cả”, tờ New Indian Express đưa tin.

Dân số Ấn Độ có 79,8% theo đạo Hindu, 14,2% theo đạo Hồi và 2,3% theo Kitô giáo. Tại bang Uttar Pradesh – bang đông dân nhất Ấn Độ với 230 triệu dân – chỉ có 0,18% là người theo Kitô giáo.

Vào tháng 12, Diễn đàn Kitô giáo thống nhất, gọi tắt là UCF, là diễn đàn đại kết giám sát bạo lực chống Kitô giáo trong quận, đã công bố danh sách 687 vụ bạo lực chống lại các Kitô hữu trong 334 ngày đầu năm 2023. Báo cáo cũng lưu ý rằng các vụ việc lẻ tẻ về bạo lực chống Kitô giáo đã trở nên phổ biến kể từ khi BJP và Modi lên nắm quyền vào năm 2014.

Trong khi chỉ có 147 vụ bạo lực chống lại Kitô hữu được báo cáo vào năm 2014, UCF chỉ ra rằng các vụ việc đã tăng đều đặn kể từ đó lên tới 687 vụ vào năm 2023.

Để đối phó với các vụ đàn áp gia tăng, tuyên bố của các giám mục cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị của chúng tôi thực hiện mọi nỗ lực để bảo vệ cấu trúc cơ bản của hiến pháp, đặc biệt là lời mở đầu, trong đó tuyên bố Ấn Độ là một nhà nước có chủ quyền, là nước cộng hòa dân chủ thế tục cam kết vì công lý, bình đẳng và tình huynh đệ.”

Trong khi đó, đã có một loạt phản đối trên khắp các lĩnh vực chính trị trong bối cảnh các nhà lãnh đạo BJP kêu gọi loại bỏ từ “thế tục” khỏi Hiến pháp Ấn Độ khi những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu đã đưa vấn đề này lên Tòa án Tối cao liên bang.

Các giám mục Ấn Độ than thở: “Có nhận thức rộng rãi rằng các thể chế dân chủ quan trọng của đất nước đang suy yếu, cơ cấu liên bang đang bị căng thẳng và các phương tiện truyền thông không hoàn thành vai trò là trụ cột thứ tư của nền dân chủ”.

Hội đồng giám mục của 174 giáo phận Ấn Độ kêu gọi “tất cả công dân hãy ghi danh làm cử tri và thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình là bỏ phiếu một cách khôn ngoan để chúng ta bầu ra những nhà lãnh đạo cam kết với các giá trị hiến pháp và nâng đỡ người nghèo”.

Theo Ủy ban bầu cử Ấn Độ, ước tính có khoảng 986 triệu người ở Ấn Độ đủ điều kiện bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm nay.

“Với các cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra, tất cả các Kitô hữu đủ điều kiện bỏ phiếu nên được thúc đẩy để bỏ phiếu vì đây là một nghĩa vụ quan trọng”, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Sứ thần Tòa Thánh tại Ấn Độ, đã thúc giục trong bài phát biểu nhậm chức trước hội nghị CBCI vào ngày 31 Tháng Giêng.

Khi bỏ phiếu, Đức Sứ thần nói, “người ta phải bầu cho những người đại diện sẽ tôn trọng tự do tôn giáo, đề cao phẩm giá con người và thúc đẩy tiến trình dân chủ”.

Trong khi Ấn Độ “được thừa nhận là một cường quốc kinh tế mới nổi trên thế giới”, tuyên bố của CBCI chỉ ra, “sự phát triển kinh tế ở nước này dường như chỉ được hưởng lợi một tỷ lệ nhỏ. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên rất nhiều. Sự di cư quy mô lớn đã gây ra vô số đau khổ cho nhiều người.”

Tuyên bố của đại hội CBCI thảo luận về chủ đề “Phản ứng của Giáo hội đối với tình hình chính trị xã hội hiện tại” cho biết: “Sự phát triển khoa học và công nghệ cũng chưa đến được với đa số người dân của chúng tôi, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, dẫn đến sự phân chia kỹ thuật số”. trong nước cũng như những lợi ích và thách thức của trí tuệ nhân tạo.”

Trong khi thừa nhận “những lợi ích to lớn của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, giáo dục và nghiên cứu”, hội đồng cảnh báo rằng “những công nghệ tương tự có thể trở thành công cụ gieo rắc hận thù, bạo lực, thao túng và cố chấp xã hội.

Chỉ ra rằng “dữ liệu con người được thu thập bởi các nền tảng kỹ thuật số và AI có thể bị lạm dụng để làm suy yếu quyền riêng tư của cá nhân và gia đình”, các giám mục Ấn Độ kêu gọi chính phủ “ điều chỉnh việc phát triển và sử dụng AI để khuyến khích các thực hành tốt nhất và ngăn chặn lạm dụng”..”

“Nếu chúng ta không lên tiếng bây giờ thì khi nào chúng ta sẽ làm điều đó?” một tổng giám mục cao cấp đã nói với CNA khi được hỏi về giọng điệu phê phán mạnh mẽ của tuyên bố này.


Source:Catholic News Agency