Trên tạp chí mạng Crisis, Richard A. Spinello, Giáo sư Thực hành Quản lý tại Đại học Boston và là thành viên của ban giảng dạy phụ trợ tại Chủng viện St. John ở Boston, gần đây đã so sánh cuốn sách tục tĩu của Hồng Y Fernandez và cuốn sách nhân vị xuất sắc của Đức Gioan Phaolô II. Ông viết:



Sau sự tiết lộ không đúng lúc về cuốn sách tục tĩu của Đức Hồng Y Fernández, Đam mê Huyền nhiệm: Tâm linh và Tính dục, một số người Công Giáo tiến bộ nổi tiếng đã vội vã bảo vệ vị giám mục đang bị bao vây. Đức Hồng Y, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 9 năm ngoái, đã trở thành nguồn gây bối rối và tranh cãi cho Giáo hội, đặc biệt vì Tuyên bố thiếu hiểu biết và mơ hồ của ngài, Fiducia Supplicans, vốn mở đường cho việc chúc lành cho các cặp sống trong những cuộc kết hợp bất hợp lệ. Khi cuốn Đam mê Huyền nhiệm được phát hiện cách đây vài tuần, nhiều người Công Giáo đã bày tỏ mối quan ngại của họ về khả năng phán đoán kém cỏi và sự thiếu thận trọng của vị Hồng Y.

Cuốn sách này, được sáng tác vào năm 1998, đã gây ra một cơn bão lửa vì nội dung báng bổ và khiêu dâm. Fernández viết về “cực khoái huyền nhiệm”, và trong một chương, ngài mô tả một cuộc gặp gỡ tình ái tưởng tượng với Chúa Giêsu, dựa trên trải nghiệm được một cô gái mười sáu tuổi kể lại cho ngài nghe. Ba chương khác bao gồm tài liệu xúc phạm về cách đạt được cực khoái thoải mái và sự khác biệt giữa cực khoái nam và nữ. Ngài đề cập đến lời khen ngợi của một nhà thần học Hồi giáo đối với Chúa vì đã làm cho cơ quan sinh dục của đàn ông “cứng và thẳng như những ngọn giáo” để “tiến hành chiến tranh” trên âm đạo của phụ nữ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cuốn sách được dán nhãn là “khiêu dâm hạng nặng được bọc trong một tấm khăn giấy mỏng manh của chủ nghĩa huyền nhiệm”.

John Allen, biên tập viên của Crux và phóng viên lâu năm của Vatican, giải thích lời chỉ trích cuốn sách này như một phần của chiến dịch được dàn dựng nhằm mục đích làm suy yếu sức mạnh của Fiducia Supplicans. Allen tiếp tục tuyên bố rằng chúng ta tìm thấy cùng một loại hình ảnh và văn xuôi tình dục sinh động rõ ràng trong một trong những tác phẩm của Karol Wojtyla (Đức Gioan Phaolô II), có tựa đề Tình yêu và Trách nhiệm. Ông chỉ trích những người Công Giáo bảo thủ và lập luận rằng nếu họ lo lắng về nội dung và giọng điệu của Đam mê Huyền nhiệm, thì đáng lẽ họ cũng phải lo lắng như vậy về Tình yêu và Trách nhiệm. Ông nhận xét rằng “Những nhà phê bình mạnh mẽ nhất của Fernández, hầu hết trong số họ tự mô tả mình là những người mộ mến Đức Gioan Phaolô II, không thoải mái khi nhận thức được những điểm tương đồng này và đang cố gắng phủ nhận hoặc giảm thiểu chúng”.

Chính thống. Trung thành. Tự do.

Để chứng minh cho lý lẽ của mình, ông Allen đưa ra những điểm giống nhau giữa hai người đàn ông này và những cuốn sách của họ. Cả hai tác phẩm đều được sáng tác khi những người đàn ông này còn trẻ—Fernández 36 tuổi và Wojtyla 40 tuổi. Cả hai cuốn sách đều chịu ảnh hưởng từ những cuộc trò chuyện với các cặp vợ chồng trẻ. Đức Hồng Y Fernández nói rằng các chủ đề trong cuốn sách của ngài bắt đầu có ý nghĩa nhờ cuộc đối thoại với các cặp vợ chồng trẻ. Các suy tư của Karol Wojtyla về tính dục phần nào dựa trên sự tương tác của ngài với các sinh viên tại Đại học Công Giáo Lublin.

Cả hai cuốn sách đều có nội dung khiêu dâm theo cách có thể được coi là bất thường đối với lối viết của một linh mục độc thân. Như Allen đã chỉ ra, hạn từ “cực khoái” xuất hiện bảy lần trong bản dịch tiếng Anh của Tình yêu và Trách nhiệm, trong khi “đỉnh cao” [climax] xuất hiện mười lần. Do đó, Allen kết luận một cách cộc lốc rằng “nếu viên chức Vatican nào thăm dò động lực cực khoái đương nhiên bị loại khỏi chức vụ, thì tiêu chuẩn như vậy sẽ loại trừ không những Fernández mà còn cả Đức Gioan Phaolô II”.

Nhưng liệu có cơ sở nào cho mối liên kết giữa hai tác phẩm này ngoài những quan sát hời hợt mà ông Allen đưa ra? Hay đây thực sự là một sự so sánh đáng ghê tởm, chỉ vô tình bôi nhọ danh tiếng của Thánh Gioan Phaolô II? Nếu xem xét kỹ lưỡng các sự việc một cách khách quan, chúng ta sẽ thấy rằng những tác phẩm này hoàn toàn không có điểm chung nào ngoại trừ việc cả hai đều đề cập đến các vấn đề về tình dục học.

Đầu tiên, Fernández nói rằng khi viết cuốn sách, mình còn trẻ và sẽ không viết nó ngày nay; ngài cũng tìm cách ngăn chặn việc xuất bản nó và phân phối thêm. Ngược lại, Karol Wojtyla không bao giờ hối hận hay từ bỏ những gì mình đã viết. Những suy tư của ngài đã trở thành nền tảng cho tác phẩm Thần học Thân xác vô cùng nổi tiếng của ngài. Các học giả và nhà thần học Công Giáo cấp tiến không đặc biệt thích Tình yêu và Trách nhiệm vì tính chính thống của nó, nhưng họ chưa bao giờ cho rằng nó mang tính chất khiêu dâm hoặc quá minh nhiên về tình dục.

Tình yêu và Trách nhiệm đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ và được giảng dạy trong các chủng viện và trường đại học Công Giáo trên khắp thế giới. Nó được đánh giá cao như một cách tiếp cận mang tính bản thân xuất sắc đối với đạo đức tình dục, dự đoán trước thái độ phóng túng do cuộc cách mạng tình dục gây ra. Nó vẫn gây được thiện cảm với giới trẻ hơn 60 năm sau lần xuất bản đầu tiên.

Thứ hai, Tình yêu và Trách nhiệm không có nội dung báng bổ. Ông Allen quên nói với chúng tôi rằng rất nhiều sự phẫn nộ đối với đoạn văn dâm ô của Đức Hồng Y Fernández xuất phát từ nội dung báng bổ của nó, chứ không chỉ từ văn xuôi khiêu dâm. Nhưng trong Tình yêu và Trách nhiệm, không có mô tả nào về “cuộc gặp gỡ đầy đam mê” với Chúa Giêsu Kitô khi mẹ Người nhìn với vẻ tán thành.

Cuối cùng, ông Allen chắc chắn đúng khi chỉ ra rằng Wojtyla mô tả sự cực khoái của nam và nữ và đề cập đến cực điểm tình dục. Nhưng tài liệu này xuất hiện trong phần phụ lục của cuốn sách có tên “Tình dục học và Đạo đức”. Trong Lời Nói Đầu, Đức Wojtyla làm sáng tỏ rằng đạo đức tính dục là về con người và về tình yêu, vốn luôn là sự tự hiến cho nhau. Cuộc thảo luận về tình dục học chỉ được thêm vào để bổ sung cho những suy gẫm của ngài về các chủ đề chính của cuốn sách.

Do đó, Wojtyla dành gần 300 trang để mô tả mục đích sinh sản của ham muốn tình dục, bản chất của tình yêu, sự kết hợp vợ chồng và đức khiết tịnh, trước khi viết một vài trang về sinh lý học của tình dục. Như ngài giải thích, chỉ khi chúng ta hiểu được mục đích sinh sản của ham muốn tình dục và bản chất của tình yêu vợ chồng thì chúng ta mới có thể thu được lợi ích từ kiến thức của nhà tình dục học. Mục đích duy nhất của ngài khi đưa nội dung này vào là giúp các cặp vợ chồng “trải nghiệm hành vi vợ chồng một cách trưởng thành hoàn toàn, với sự cam kết trọn vẹn tư cách nhân vị của mỗi người”.

Sợi chỉ xuyên suốt có tính thống nhất trong tác phẩm của Wojtyla là quy tắc nhân vị, thừa nhận giá trị nội tại của nhân vị, vốn luôn phải được đối xử như một ai đó hơn là một thứ gì đó. Nguyên tắc này cấm việc sử dụng người khác chỉ vì lợi ích của chính mình và điều này bao gồm việc sử dụng ai đó như một đối tượng tình dục hoàn toàn chỉ nhằm mục đích thỏa mãn bản thân. Với tiêu chuẩn này, Wojtyla trình bày rõ ràng ba chủ đề đóng vai trò trụ cột trung tâm của đạo đức tính dục của ngài: ý nghĩa hiện sinh của ham muốn tính dục, quan điểm toàn diện về tình yêu lãng mạn hoặc tình yêu vợ chồng, và quan điểm nhân vị về đức khiết tịnh.

Ngài lập luận một cách thuyết phục rằng ham muốn tình dục có một ý nghĩa hiện sinh bởi vì mục đích hoặc mục đích chính của ham muốn này là sự tồn tại kéo dài muôn thuở của loài người. Tuy nhiên, ham muốn tình dục cũng là nguồn gốc của tình yêu vợ chồng dẫn đến hôn nhân. Vì vậy, ham muốn tình dục là nền tảng cho cả tình yêu lẫn sinh sản.

Nhờ tính hỗ tương tình dục, động lực này mở đường cho người nam và người nữ yêu nhau trọn vẹn, và sự kết hợp tình dục được hình thành bởi tình yêu đó tự nhiên mở ra cho cuộc sống mới. Tình yêu hôn nhân phải luôn hòa hợp với mục đích sinh sản của nỗ lực này, nếu không việc tự thỏa mãn lẫn nhau sẽ bắt đầu thay thế sự kết hợp trọn vẹn và hữu hiệu giữa con người với nhau. Hơn nữa, nhờ ý nghĩa sinh sản này, hoạt động tình dục không có gì là tầm phào hay tầm thường. Ngược lại, chúng ta phải thừa nhận “sự vĩ đại thực sự” gắn liền với ham muốn tình dục.

Nhưng bản chất của tình yêu giữa một người đàn ông và một người đàn bà thường được thúc đẩy bởi ham muốn tình dục là gì? Ngài mô tả các yếu tố chung của tình yêu con người bao gồm sự ham thích (fondness, hoặc sự hấp dẫn), khao khát người khác và lòng nhân mở đường cho sự kết hợp tinh thần và sự cam kết của tình bạn được tăng cường bởi sự đồng cảm ấm áp. Hình thức triệt để nhất của tình yêu là tình yêu vợ chồng, một tình yêu không chỉ mong muốn điều tốt cho người khác mà còn “cho đi chính mình, cho đi cái tôi của mình”. Việc tự hiến hỗ tương này trở thành một sự kết hợp toàn diện và độc quyền của hai người, được thể hiện và được hiện thực hóa thông qua hành vi tình dục. Tình yêu vợ chồng là con đường dẫn đến sự hoàn thiện của bản thân con người, xuất phát từ việc trao tặng vô điều kiện bản thân mình cho người khác.

Cột trụ thứ ba trong đạo đức tính dục của Wojtyla là tầm nhìn độc đáo của ngài về nhân đức khiết tịnh. Nhiều người hiểu sai đức khiết tịnh là sự cả thẹn [prudishness], và các triết gia có xu hướng đồng nhất đức khiết tịnh với nhân đức tiết độ. Nhưng đối với Wojtyla, khiết tịnh là thói quen đạo đức để có thể nhìn một con người khác giới với một chiều sâu đạo đức và sự minh bạch nhất định để người ta luôn nhìn nhận cá nhân đó như một ngôi vị chứ không phải là một đối tượng để sử dụng.

Tình yêu đòi hỏi sự hỗ trợ của khiết tịnh để đảm bảo rằng các mối quan hệ tình dục không bao giờ bị mất tư cách bản vị. Chỉ người trong sạch, người khẳng định phẩm giá của người khác, mới thoát ly khỏi dục vọng hoặc nhục dục bừa bãi để chân thành hiến dâng chính mình cho người khác. Chỉ sau khi làm sáng tỏ rằng quan hệ tình dục là đặc quyền duy nhất của hôn nhân như một dấu hiệu và một phương tiện cho sự hiến dâng hoàn toàn của cặp vợ chồng đó và tất cả những người khác đều được kêu gọi sống khiết tịnh để không lợi dụng người khác để làm thú vui mà Đức Gioan Phaolô II mới xem xét đến các khía cạnh sinh lý của quan hệ tình dục trong chương bổ sung cuối cùng đó.

Mặt khác, bối cảnh phong phú này được Wojtyla trình bày làm cơ sở cho cuộc thảo luận ngắn gọn của ngài về cực khoái của nam và nữ không được tìm thấy trong Đam mê Huyền nhiệm. Cùng với những suy nghĩ ngẫu nhiên về quan hệ tình dục, cuốn sách của Fernández chỉ kể lại những cuộc phiêu lưu tình dục khác nhau cùng với một số bình luận thần học mỏng manh. Không giống như Wojtyla, vị Hồng Y không nhấn mạnh rằng hành vi tình dục phải luôn nhằm mục đích sinh sản, diễn tả sự kết hợp liên bản vị đầy đủ của một cặp vợ chồng.

Thay vào đó, ngài nhấn mạnh một cách không chính đáng vào niềm vui chung của một cặp đôi, vốn có “sự cao quý đặc biệt”. Hơn nữa, có rất ít đề cập đến cách hiểu của Công Giáo về hôn nhân là một vợ một chồng và không thể hủy tiêu và không có nỗ lực giải thích bản chất của tình yêu vợ chồng như một sự hiến dâng toàn bộ thân xác của một người cho người phối ngẫu của mình. Cũng thiếu bất cứ cuộc thảo luận nào về các nhân đức khiết tịnh và trong sạch không thể nào thiếu được.

Do đó, Đam mê Huyền nhiệm là một cuốn sách nông cạn, hầu như không có những phẩm chất cứu chuộc và một tầm nhìn xa lạ và bất đồng về tình dục con người. Nhưng Tình yêu và Trách nhiệm, được ủ men với những chân lý sâu sắc và những hiểu biết sâu sắc về mặt triết học, là một luận thuyết được soạn thảo cẩn thận, bắt nguồn sâu xa từ nền tảng nhân học Kitô giáo, trình bày một sự chứng minh mang tính nhân vị của sứ điệp Tin Mừng về luân lý tính dục. Bất cứ ai nhận ra sự tương đồng dù chỉ là xa vời giữa hai cuốn sách này đều chưa đọc Tình yêu và Trách nhiệm hoặc chưa hiểu rõ về nó.