NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ - TƯỜNG THUẬT LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC

Xem Hình

Sau đây là hai bài tường thuật thánh lễ mừng Chúa Hiển Linh ngày 6.1.1999 do thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ sự tại Đền thánh Phêrô. Trong thánh lễ đặc biệt này, thánh Gioan Phaolô II đã tấn phong Giám mục cho Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ cùng 8 vị Giám mục khác của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong bài này, chúng tôi chia là ba số:

- Số 1: Bài tường thuật của Cố Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài, Nguyên Giám đốc Đài phát thanh Chân Lý Á Châu từ Philippines.

- Số 2: Bài tường thuật của Giáo phận Phú Cường.

- Số 3: Vài lời của người viết tri ân Đức Cha Phêrô.

Giờ đây, xin kính mời quý Độc giã cùng sống lại khung cảnh của lễ Hiển Linh - phong chức Giám mục của 25 năm về trước tại Đền thờ thánh Phêrô.

SỐ 1

TƯỜNG THUẬT THÁNH LỄ PHONG CHỨC GIÁM MỤC TRONG ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ NGÀY 6.1.1999

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai Radio Veritas Asia.

Vatican - 06.01.1999 - Lúc 9 giờ Sáng thứ Tư mùng 6 tháng Giêng 1999, đúng ngày Lễ Hiển Linh, trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ĐTC (Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II - chú thích của người biên soạn) chủ sự thánh lễ trọng thể, và trong thánh lễ, ÐTC tôn phong 9 vị linh mục vừa được chọn làm Giám Mục. Hằng năm vào dịp Lễ Chúa Tỏ Mình cho các dân tộc, tức lễ Hiển Linh, ÐTC vẫn tôn phong một số vị được bổ nhiệm làm Giám Mục, nhằm đề cao tính cách hoàn vũ của sứ diệp Kitô gửi cho toàn thể nhân loại, được đại diện cách đây hai ngàn năm bởi Ba Vua, đến từ Ðông Phương, để thờ lạy Chúa Cứu Thế và Vua Hòa Bình.

Chính trong tính cách hoàn vũ này, các vị giám mục mới đến từ các quốc gia khác nhau: ba vị nguời Ý, hai vị người Tây Ban Nha, một vị người Pháp, một vị người Ái Nhĩ Lan, một vị người Ấn Ðộ và một vị người Việt Nam.

Chín vị giám mục mới giữ những chức vụ khác nhau:

- Bốn vị coi sóc giáo phận:

* (Chú thích của người biên soạn - Đức Cha) Cesare Mazzolari (Ý), giám mục giáo phận Rumbek, bên Sudan;

* (Đức Cha) Pierre Trần đình Tứ (Việt nam), giám mục giáo phận Phú Cường, Việt Nam;

* (Đức Cha) Raphael Cob Garcia (Tây Ban Nha), giám mục đại diện Tông Tòa coi sóc giáo phận Puvo, bên Ecuador;

* (Đức Cha) Mattew Moolakkattu (Ấn Ðộ, thuộc Dòng Bénédictin), Giám Mục Phụ Tá giáo phận Kottayam, bên Ấn Ðộ.

- Ba vị thuộc ngành ngoại giao:

* (Đức Cha) Alessandro D'Errico (Ý), sứ thần Tòa Thánh tại Pakistan;

* (Đức Cha) Salvatore Penacchio (Ý), sứ thần Tòa Thánh tại Rwanda;

* (Đức Cha) Alain Lebeaupin (Pháp), sứ thần Tòa Thánh tại Ecuador.

- Hai vị giữ chức vụ tại Giáo Triều:

* (Đức Cha) Diarmuid Martin (Ái Nhĩ Lan), thư ký Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình;

* (Đức Cha) José Luis Redrado Marchite (Tây Ban Nha, thuộc Dòng Thánh Gioan Thiên Chúa), thư ký Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ nhân viên Y Tế.

Về phương diện tuổi tác: vị trẻ hơn cả năm nay 45 tuổi - vị cao niên nhất: 62 tuổi. Với 9 vị giám mục mới, con số các giám mục trên thế giới hiện nay là 4,492 vị, trong số này có 2,676 vị (tức hơn một nửa) do Ðức Gioan Phaolô II bổ nhiệm trong 20 năm làm Giáo Hoàng. Thực sự, ÐTC đã bổ nhiệm 2,859 vị, trong số này có 183 vị đã qua đời.

Trong Thánh Lễ Tấn Phong chín vị giám mục mới, Sau bài Phúc Âm nhắc lại biến cố Ba Vua từ Phương Ðông đến Giêrusalem, rồi Bêlem, để thờ lạy Chúa Hài Nhi mới sinh, thì ca đoàn cất hát bài Veni Creator, Spiritus, Cầu Xin Chúa Thánh Thần cho các vị sắp lãnh nhận trọn vẹn chức tư tế. Sau đó, trước khi tiến hành lễ nghi phong chức Giám Mục, ÐTC giảng về ý nghĩa của ngày lễ Hiển Linh cũng như về ý nghĩa của việc phong chức giám mục trong ngày lễ nầy. Kể từ khi lên kế vị thánh Phêrô trên ngai tòa Roma đến nay, ÐTC Gioan Phaolô II đã trực tiếp phong chức giám mục cho 277 vị giám mục; đó là không kể hàng ngàn vị giám mục đã được ngài bổ nhiệm trong vòng 20 năm qua.

ÐTC đã nhắn nhủ các vị sắp được phong chức giám mục như sau: "Cả anh em nữa, được tấn phong hôm nay đây, anh em được sai đi khắp thế giới, để kêu gọi các dân tộc của Trái đất này hợp thành một gia dình duy nhất".

ÐTC nhấn mạnh thêm rằng: Ánh sáng của Chúa Kitô chiếu dọi cho mọi người và mọi dân tộc, đang ước mong được gặp Thiên Chúa, cũng như chiếu dọi cho các Mục Ðồng và cho Ba Vua xưa kia. Nhắc lại lời của Thông Ðiệp Fides et Ratio, nói về mối liên kết giữa đức tin và lý trí: "Việc liên kết mật thiết giữa lý trí và đức tin, như hai cánh, nhờ đó tâm trí con người bay lên để chiêm ngưỡng chân lý", ÐTC quả quyết rằng Chúa Kitô, không những chỉ là ánh sáng soi đường của con người, nhưng còn là con đường cho con người "tiến thẳng về Thiên Chúa, nguồn mạch của sự sống". Chúa Kitô, đến trong thế gian để làm cho con người biết Chúa Cha, để giải thích cho con người rằng: "Có Thiên Chúa, để mạc khải cho con người khuôn mặt và danh thánh của Thiên Chúa". ÐTC nói: "Giáo Hội tiếp tục trong các thế kỷ sứ mệnh của Chúa mình: sự dấn thân thứ nhất của Giáo Hội là làm cho mọi người biết khuôn mặt của Chúa Cha, bằng việc phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô 'Lumen gentium' ánh sáng muôn dân, ánh sáng của Tình Yêu, của Chân Lý,của Hòa Bình. Vì thế, Thầy Chí Thánh đã sai các Tông Ðồ di khắp thế gian và ngày nay vẫn tiếp tục sai đi trong một Chúa Thánh Thần (sai đi) các giám mục, những người kế vị các Tông Ðồ". Cùng với sự sung mãn của chức linh mục, được lãnh nhận trong lễ nghi tấn phong Giám Mục, các Giám Mục do đó được gọi trở nên những thừa tác viên của việc mạc khải Thiên Chúa nơi con người.

Một cách đặc biệt, ÐTC nhắc đến tên của từng vị tân chức: các chư huynh Alessandro D`Errico, Salvatore Pennacchio và Alain Lebeaupin, được sai đi như những người đại diện Tòa Thánh tại Pakistan, Rwanda và Ecuador, tại đây các chư huynh sẽ là những chứng nhân của hiệp nhất và của hiêïp thông giữa các Giáo Hội địa phương với Tòa Thánh - Chư Huynh Cesare Mazzolari, giám mục Rumbek tại Sudan, "một dân tộc của miền đất này, từ nhiều năm chịu đau khổ mỗi ngày mỗi gia tăng, và đang chờ đợi một nền hòa bình bền bỉ, trong sự tôn trọng các quyền của mọi người, bắt đầu từ những nguời yếu hèn hơn hết". ÐTC ngỏ lời với Ðức Tân Giám Mục Phú Cường như sau: "Chư Huynh Phêrô Trần Ðình Tứ, chư huynh được gọi trở nên 'sứ giả của hy vọng' trong giáo phận Phú Cường, Việt Nam, giữa những anh chị em cùng đức tin, và đang bị thử thách bởi nhiều khó khăn" - Các chư huynh Diarmuid Martin và José Luis Redrado Marchite, sẽ tiếp tục công việc phục vụ quí giá trong Giáo Triều Roma, và hãy có trước mắt chân trời mênh mông của Giáo Hội. Chư huynh Rafael Cob Garcia, Giám Mục đại diện Tòa Thánh coi sóc giáo phận Puyo tại Ecuador và chư huynh Mattew Moolakkattu, Giám Mục Phụ Tá giáo phận Kottayam của các tín hữu thuộc lễ nghi Siro-Malabaresi, tại Ấn Ðộ. Hai vị này làm cho ÐTC nhớ lại Khóa Họp Thượng Hội Ðồng riêng về Châu Mỹ và Châu Á.

ÐTC mời gọi các vị tân Giám Mục đem đến khắp nơi, bằng lời giảng dạy và bằng việc làm, việc loan truyền vui mừng của Lễ Hiển Linh, trong đó Con Thiên Chúa đã mạc khải cho thế gian khuôn mặt của Chúa Cha, đầy tình thương nhân từ. Rồi ngài thêm: "Thế giới, nay ở trước ngưỡng cửa của Ngàn Năm thứ ba, hơn lúc nào hết, cần cảm nghiệm lòng nhân lành của Thiên Chúa, cần cảm thấy tình yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi một con người". "Có thể nói - vẫn lời của ÐTC - giữa ngàn năm thứ hai và thứ ba Giáo Hội được mời gọi mặc lấy ánh sáng của Chúa Kitô, để chiếu dọi như thành được xây cất trên đỉnh núi: Giáo Hội không thể giấu ẩn, bởi vì con người cần đón nhận sứ điệp của ánh sáng và của hy vọng và cần ca ngợi vinh danh Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Ðây chính là bổn phận tông đồ và truyền giáo của tất cả các tín hữu, nhưng cách riêng của các Giám Mục, những kẻ được mời gọi đón nhận và đem đến cho người khác: Chúa Giêsu, hồng ân của Thiên Chúa cho thế gian".

Lễ nghi phong chức được khởi sự sau bài giảng của ÐTC. Tham dự thánh lễ tấn phong có nhiều Hồng Y, Tổng Giám Mục và Giám Mục thuộc Giáo Triều Roma và các vị khác có liên lạc cách này cách khác với các tân chức. Riêng Ðức tân Giám Mục giáo phận Phú Cường, có Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình và Ðức Cha Bùi Tuần, Giám Mục Long Xuyên từ Việt Nam đến, như thể đại diện cho các giám mục Việt Nam.

Cảm động hơn cả là lễ nghi phủ phục trong lúc hát Kinh Cầu các Thánh và lễ nghi đặt tay trên đầu các tân chức. Tiếp sau là lễ nghi trao Sách Phúc Âm, lễ nghi xức dầu và lễ nghi trao các phù hiệu Giám Mục: nhẫn, biểu hiệu của lòng trung thành - Mũ Giám Mục, biểu hiệu của sự thánh hiện đời sống - Gậy Giám Mục, biểu hiệu thừa tác vụ giám mục - Sách Phúc Âm, biệu hiểu việc rao giảng Lời Chúa, nhiệm vụ chính của Giám Mục. Sau đó, là lễ nghi chúc bình an của ÐTC và của các vị đàn anh trong Hàng Giám Mục cho các tân chức.

Lễ nghi phong chức kết thúc bằng việc "dẫn đưa các tân giám mục lên ngai tòa" bên cạnh ÐTC, trong khi đó cộng đoàn tín hữu vỗ tay chúc mừng thật dài. Các tân giám mục cùng đồng tế thánh lễ với ÐTC. Cuối lễ, trước khi ban phép lành, ca đoàn và cộng đoàn hân hoan hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa. Từ nay các ngài là những người kế vị các tông đồ và là những chủ chăn của dân Chúa.

Sau thánh lễ, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, Ðức Cha Bùi Tuần, Giám Mục Long Xuyên, Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền Giáo, Ðức Ông Nguyễn Văn Tốt, cố vấn Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Paris, anh chị em Liên Tu Sĩ Roma, các linh mục, nam nữ tu sĩ có liên lạc với Ðức tân Giám Mục và những thân nhân trong gia đình của ngài đến từ Hoa Kỳ, Pháp, Ðức... tụ họp tại Nhà Phát Diệm để dùng bữa cơm thân mật mừng Ðức tân Giám Mục giáo phận Phú Cường.

(Bài viết của Cố Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài - Giám đốc đài phát thanh Chân Lý Á Châu).

SỐ 2

MỘT TƯỜNG THUẬT KHÁC TỪ QUÊ NHÀ

LỄ PHONG CHỨC GIÁM MỤC TẠI ĐỀN THÁNH PHÊRÔ

Ngày 6.1.1999, lễ Hiển Linh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chủ sự thánh lễ và tấn phong 9 vị Giám mục được bổ nhiệm thuộc 6 quốc gia. Trong đó có:

- 3 Tổng Giám mục (2 người Ý, 1 người Pháp) được bổ nhiệm làm sứ thần Tòa Thánh các nước;

- 2 Giám mục Chánh tòa (1 ở Soudan, 1 ở Việt Nam);

- 2 vị là Thư ký thuộc 2 Bộ tại Tòa Thánh;

- 1 vị là Giám Mục Phụ Tá Ấn Độ;

- 1 vị là Đại diện Tông tòa tại Equador.

Hai vị Phụ phong (trong nghi thức phong chức Giám mục) là Đức TGM (Tổng Giám mục - chú thích của người biên soạn) Giovanni Battista Re - Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh; và Đức TGM Francesco Monterini - Tổng Thư ký Bộ Giám mục, Tổng Thư ký Hồng Y đoàn.

Tham dự thánh lễ có khoảng 30 Hồng Y, 80 Giám mục ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, khá đông linh mục, tu sĩ và khoảng 10.000 giáo dân thuộc các phái đoàn từ các nơi tụ về. Riêng phái đoàn Việt Nam, có Đức Tổng Giám Mục Fx. Nguyễn Văn Thuận, Đức Cha J.B. Bùi Tuần, Đức Ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt, cha Đaminh Trần Xuân Thảo, cha Antôn Hà Văn Minh (đang học tại Franfurt, Đức), các Đức Ông, các linh mục, tu sĩ đang sống tại Rôma và khoảng 12 người bà con của Đức Cha Phêrô. Tất cả là gần 100 người.

Thánh lễ dược cử hành cách long trọng và sốt sắng. Trong bài Huấn từ, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ các vị Giám mục được bổ nhiệm:

"Cả Anh em nữa, những vị được tấn phong Giám mục hôm nay, Anh em được sai đi khắp thế giới để kêu gọi các dân tộc của trái đất này hợp thành một gia đình duy nhất...

Thầy Chí Thánh đã sai các Tông đồ đi khắp thế gian, và ngày nay vẫn tiếp tục sai đi. Cũng trong cùng một Chúa Thánh Thần, các Giám mục, những người kế vị các Tông đồ, với sự sung mãn của chức Giám mục nhận được trong lễ nghi tấn phong Giám mục, cũng được mời gọi trở nên những Thừa tác viên mạc khải Thiên Chúa cho con người".

Đặc biệt, Đức Thánh Cha ngỏ lời với từng vị Tân Giám mục và nhắc đến trách vụ đặc thù của mỗi vị. Riêng đối với Đức Tân Giám mục Phú Cường, ngài đã âu yếm căn dặn như sau: "Và Hiền Huynh Phêrô Trần Đình Tứ, Hiền Huynh được mời gọi trở nên 'Sứ giả của hy vọng' trong Giáo phận Phú Cường, Việt Nam, giữa những Anh chị em cùng đức tin, bị thử thách bởi nhiều khó khăn".

Giây phút quan trọng vẫn là lúc Đức Thánh Cha đọc lời tấn phong chức Giám mục cho các Tân chức. Và cử chỉ gây xúc động cũng như mang nhiều ý nghĩa, vẫn là lúc Đức Thánh Cha chúc bình an và trao phù hiệu Giám mục cho các Tân chức:

- Trao nhẫn Giám mục: biểu hiện của lòng trung thành.

- Trao mũ Giám mục: biểu hiện của sự thánh thiện.

- Trao gậy Giám mục: biểu hiện thừa tác vụ Giám mục.

- Và trao Sách Phúc âm: biểu hiện của việc rao giảng Lời Chúa, nhiệm vụ chính của Giám mục.

*** Gặp gỡ - Viếng thăm - Trở lại quê nhà:

@ Lễ xong, Liên Tu sĩ Rôma tổ chức chào mừng Đức Tân Giám mục tại Foyer Phát Diệm và liên hoan trong bữa cơm thân mật do Đức Tân Giám mục khoản đãi.

@ Ngày hôm sau (07.01.1999), Phái đoàn của Đức Cha Phêrô được Đức Thánh Cha tiếp đón, an ủi, khích lệ và chúc lành.

@ Ngày 08.01.1999, Đức Tân Giám mục bay sang Hoa Kỳ để viếng thăm bà con thân nhân.

@ Ngày 21.01.1999, ngài trở về Việt Nam, chuẩn bị ra mắt giáo phận.

(Bài viết của Giáo phận Phú Cường).

*** Người biên soạn ghi chú thêm:

9 giờ 00 ngày 26.1.1999, tức sau khi lãnh chức Giám mục tròn 20 ngày, Đức Tân Giám mục Phêrô Trần Đình Tứ chính thức nhậm chức Giám mục Chánh tòa giáo phận Phú Cường trong thánh lễ Tạ ơn long trọng tại nhà thờ Chánh Tòa giáo phận Phú Cường...

SỐ 3

ĐÂU CHỈ LÀ KỶ NIỆM!

Thưa Đức Cha Phêrô kính mến, tất cả những diễn biến bên trên đã đi qua tròn 25 năm. Nghĩa là mọi sự cứ dần trôi xa. Thời gian cứ lớn lên theo tuổi Giám mục cũng như tuổi đời của Đức Cha.

Bây giờ nhìn lại những sự kiện mầu nhiệm do ơn Chúa của một phần tư thế kỷ, chúng con thấy quý biết bao nhiêu những khoảnh khắc lịch sử ấy.

Tìm lại tư liệu cũ và nhắc lại cả một dấu ấn lớn lao mà Thiên Chúa đã thể hiện nơi Đức Cha cho từng người chúng con, cho Giáo phận và Giáo Hội, chúng con không chỉ đơn giản là ôn lại kỷ niệm, không chỉ là làm sống lại lịch sử, nhưng quan trọng hơn, cần thiết hơn, ích lợi hơn, cao quí hơn, chúng con muốn cùng Đức Cha cảm tạ Thiên Chúa không phải chỉ bằng lời, mà bằng tấm lòng biết ơn Thiên Chúa vì những gì Người đã ban cho mỗi chúng con, qua sự hiện diện của Đức Cha, qua chính con người Đức Cha, dù khi còn lãnh đạo Giáo phận hay khi đã được nghỉ ngơi.

Những dấu mốc lịch sử cũng sẽ củng cố đức tin của chúng con. Vì hơn bất cứ điều gì đã và vẫn diễn ra trong đời sống nhân gian, những dấu mốc lịch sử thuộc về lãnh vực thánh được nhắc đến bên trên, rõ ràng là ân ban của Thiên Chúa, là sự sắp đặt nhiệm mầu của Thiên Chúa và là công trình thể hiện và ban phát tìnhyêu của Thiên Chúa.

Mỗi ngày đi qua, nếu không có những khoảnh khắc, không có những điểm dừng để nhìn lại, chắc chắn mọi sự chỉ là biến chuyển như bao biến chuyển của cuộc sống, cứ trôi, cứ trôi, mải miết trôi...

Nhưng cám ơn Chúa, chặng dừng của một phần tư thế kỷ trong thánh chức Giám mục của Đức Cha, khiến những ngày này, ngoài biết bao nhiêu tổ chức rộn ràng cho cuộc lễ, cho sự tiếp đón các khách quý xa gần, trong đạo, ngoài đời..., còn là cơ hội để chúng con nhìn lại, để thấy thật thẳm sâu và xác tín mạnh hơn, về phương diện con người, tất cả chúng ta đều tài hèn sức bé. Nhưng với Thiên Chúa, thì con người có bất toàn đến đâu, nếu Chúa muốn, đều có thể trở thành vĩ đại, mạnh mẽ, tươi sáng và tốt đẹp.

Một biến cố cần thiết để mỗi chúng con tích lũy thêm cho đức tin của mình, học nhiều hơn về những bài học giá trị của ơn thánh cho lý tưởng ơn gọi và sẽ càng nhìn nhận mãnh liệt hơn rằng: Chúa là Chủ của mọi trật tự. Chúa là chủ của mọi biến cố lịch sử. Chúa là chủ của mọi cuộc đời con người. Chúa là chủ của tất cả vinh quang và danh dự mà con người có được. Chúa là chủ của tất cả mọi vận mệnh trên toàn bộ cuộc đời. Chúa là chủ tất cả, và không có ai khác ngoài Chúa...

Chúng con không chỉ có nụ cười trên môi, không chỉ có những cái bắt tay trong ngày mừng Ngân khánh hồng phúc Giám mục của Đức Cha, không chỉ có những lời chúc mừng suông, không chỉ là một hộp quà hay một lẳng hoa để tạ mừng rồi hết...

Chúng con tin rằng, một khi mang theo trong tâm tư đời mình trọn vẹn dấu ấn lịch sử là chúng con đang thể hiện sự trân quý một cách mạnh mẽ, lòng biết ơn tuy âm thầm nhưng sâu lắng, tình yêu của bản thân tuy không thể hiện dữ dội nhưng luôn dâng trào, luôn thắm đầy đối với Đấng là Chủ Lịch Sử, Đấng có quyền năng thánh hóa mọi biến cố lịch sử của từng con người, của xã hội loài người và của toàn hội Thánh.

Không quên lịch sử, nhất là những mốc lịch sử của Giáo phận và Giáo Hội có liên quan đến Đức Cha, hoặc do chính Đức Cha trong tinh thần vâng phục Thánh ý mà góp phần làm nên, là chúng con cũng muốn dâng lên Đức Cha lòng quý mến và biết ơn của chúng con thay cho lời "cám ơn" mà chúng con có thể thốt ra trên môi miệng.

Chúng con cũng xác tín rằng, không chỉ nhắc đến góc lịch sử của một phần tư thế kỷ có liên quan đến Đức Cha, đúng hơn, mọi giây phút của lịch sử, nếu chúng con biết trân trọng, biết quí yêu, chắc chắn chúng con sẽ sống chết hết mình cho lý tưởng ơn gọi của mình, cho Giáo phận là Giáo Hội địa phương mà chúng con đang nhập cuộc từng ngày đây, cho sự trưởng thành ngày một hơn khi xả thân phục vụ Nước Chúa, phục vụ các linh hồn.

Đó là niềm ý thức, là những vang vọng, là sự chất chứa trong cõi hồn chúng con. Chúng con không muốn chỉ dâng lên Đức Cha những gì có thể thấy được, cầm nắm được. Bởi tin rằng, trên đời này, có những điều phi thể lý, những điều khó có thể đong đếm, luôn có những giá trị cao cả, những giá trị vượt thời gian, vượt cả tầm nhìn, thậm chí còn có thể vượt qua sự nhận biết.

Vì thế, chúng con muốn tìm lại những khoảnh khắc lịch sử, tuy không đầy đủ, tuy chỉ có thể xem là một trong những mảnh ghép, nhưng chúng con muốn có một món quà tinh thần nhất có thể, để kính dâng lên Đức Cha. Kính xin Đức Cha vui nhận tấm lòng sâu kín này. Xin Đức Cha ngày càng tận dụng thật nhiều ơn Chúa để có thể sống thêm với Giáo phận và với mỗi chúng con. Chúng con nguyện xin Chúa luôn đồng hành cùng Đức Cha để Đức Cha luôn bình an trong tâm hồn và mạnh mẽ nơi thể xác. Chúng con nguyện dâng lên Đức Cha lòng quý mến và biết ơn của chúng con. Xin Đức Cha cũng thêm lời cầu nguyện cho Giáo phận và cho mỗi chúng con trong các giờ kinh nguyện hằng ngày của Đức Cha.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG (biên soạn)