CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B : GA 1,35-42

Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).



LÀM CHỨNG VÀ TÌM KIẾM ĐỨC GIÊ-SU NÀO?

Có một ông lão được nhận vào bệnh viện để điều trị. Sau khi giúp ông cụ được thoải mái, cô y tá hỏi ông vài câu theo lệ thường, để điền vào giấy tờ thủ tục nhập viện. Một trong những câu cô hỏi ông là : “Ông quý chuộng tôn giáo nào hơn cả?” Cụ già nhìn cô y tá và bảo : “Tôi rất vui sướng được cô hỏi câu ấy, tôi luôn muốn là một người Công Giáo, cũng như muốn tế nhị tỏ ra điều đó cho mọi người, nhưng trước đây chưa hề có ai hỏi tôi như vậy. Chính cô là người đầu tiên đã hỏi tôi. Xin cám ơn cô”.

1. Những người làm chứng

Trong chúng ta, có nhiều người do dự khi chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác. Làm như thế, họ chẳng giống tí nào với những chứng nhân mà chúng ta bắt gặp trong bài Tin Mừng hôm nay và trong những câu trước đó nữa. Dựa vào Ga 1,29.35.43 (Hôm sau) và 2,1 (Ngày thứ ba), vài học giả phân chia giai đoạn đầu này trong sứ vụ của Đức Giê-su làm 7 ngày. Đó là tuần lễ đầu tiên của cuộc tạo thành mới (Ga 1,19-2,11), so chiếu với 7 ngày của cuộc tạo thành cũ; mỗi ngày đều có chứng từ về Tác giả cuộc tân sáng tạo. — Ngày thứ nhất (1,19-28) : chứng nhân : Gio-an Tẩy giả trước các tư tế và Lê-vi; chứng từ : Gio-an không phải là Đấng Ki-tô, không phải là Ê-li-a vị ngôn sứ được trông đợi của Ml 3,23, cũng chẳng phải là vị Ngôn sứ của Đnl 18,15.18, mà chỉ là “tiếng của người hô trong hoang địa”; ông tự xét không đáng cởi quai dép cho vị đến sau mình. — Ngày thứ hai (1,29-34) : chứng nhân : Gio-an Tẩy giả khi thấy Đức Giê-su; chứng từ : Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian”; Người trổi hơn Gio-an, được Thần Khí ngự trên mình, làm phép rửa trong Thần Khí, và là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn. — Ngày thứ ba (1,35-39) : chứng nhân : Gio-an Tẩy giả trước hai môn đệ mình, họ đi theo Đức Giê-su lúc 10 giờ và ở lại với Người; chứng từ : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. — Ngày thứ tư (1,40-42) : chứng nhân : An-rê cho Si-môn; chứng từ : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a”. — Ngày thứ năm (1,43-51) : chứng nhân : Phi-lip-phê cho Na-tha-na-en; chứng từ: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp”; chứng nhân: Na-tha-na-en; chứng từ : “Chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en” — Ngày thứ sáu, hiểu ngầm trong 2,1 (ngày thứ ba là ngày thứ bảy trong tuần lễ khai mạc). — Ngày thứ bảy (2,1-11) : chứng nhân : phép lạ của Đức Giê-su ở Cana; chứng từ : “Đức Giê-su …đã bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người”.

Trình thuật hôm nay bao gồm ngày thứ ba và thứ tư theo lối phân chia nói trên. Nó gồm hai cuộc làm chứng. Trước hết là của Gio-an Tẩy giả, sau đó là của An-rê. Gio-an chứng nhận trước hai môn đệ thân tín rằng Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”. Nhưng xin lưu ý : Tin Mừng thứ tư không hề mô tả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và Gio-an Tẩy giả. Chẳng lời trao đổi nào giữa hai vị được thuật lại. Gio-an nhìn thấy, giới thiệu và nói về Đức Giê-su thôi. Ông không phải là môn đệ mà chỉ là chứng nhân cho Người. Là tiền hô của Đấng phải đến, là bạn của Tân lang, là tiếng nói của Ngôi Lời, là ngọn đèn của Ánh sáng. Điều ông phải nói, ông đã học được từ Đấng sai ông. Sau phép rửa trong nước của ông là phép rửa trong Thánh Thần. Gio-an vừa là kẻ được chiêm ngưỡng cái thực tại mới mẻ, như Mô-sê được nhìn thấy Đất hứa từ xa, vừa là kẻ hướng mọi người về đó, bằng cách giới thiệu Đức Giê-su : “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Lời nói của Gio-an tác động ngay trên các môn đệ. Họ theo Đức Giê-su liền. Gio-an phải có được sức mạnh từ bỏ thật lớn lao mới có thể sẵn sàng gởi chính các môn đệ yêu của mình đến với Đức Giê-su như thế. Ông đã không chỉ dọn đường cho Người, mà còn dọn lòng thế nhân để họ biết và theo Người. Chứng nhân đích thực phải là kẻ biết xóa mình, luôn để mình nhỏ xuống hầu Đức Giê-su được lớn lên.

Hình tượng Gio-an dùng để chỉ Đức Giê-su là một hình tượng giàu ý nghĩa, đã có trong Cựu Ước từ lâu. Chiên (cừu) trước hết là con vật hiền lành, im lặng ngoan ngoãn để người ta xén lông hay dẫn vào lò mổ. Ngôn sứ I-sai-a (53) thành thử đã dùng nó để ám chỉ người công chính bị hành hạ ngược đãi, phải trải qua đau thương và sự chết để xóa tội cho đời, mở ra cho đời một tương lai xán lạn. Ngoài ra, trong các truyền thống Do-thái thời Đức Giê-su, người ta có nói đến một “chiên chúa” mọc sừng cừu đực và ra sức bảo vệ đàn chiên; hình tượng này được Gio-an lấy lại trong Khải huyền, khi ông mô tả Con Chiên bảo vệ anh em mình và tấn công các thù địch (x. Kh 6,16; 7,17; 17,14). Nó húc tung mọi chướng ngại, hất đổ mọi thế lực của sự ác. Sau cùng là con chiên mà người Do-thái bày trên bàn ăn đêm lễ Vượt Qua để kỷ niệm ngày dân tộc họ được giải phóng khỏi nô lệ Ai-cập. Tất cả các hình ảnh ấy đều thích hợp để nói về Đức Giê-su : Người là Tôi Trung đau khổ gánh lấy vào mình mọi khổ đau của nhân loại, là chiến sĩ hòa bình phá tan mọi ngục tù, là thực phẩm được dùng trong lễ Vượt Qua mới mà chúng ta cử hành trên các chặng đường chiến đấu cho tự do đích thực.

2. Những kẻ kiếm tìm

Ngay khi vừa tiếp nhận các môn đệ của Gio-an Tẩy giả, Đức Giê-su khai trương sứ mạng của mình liền : “Các anh tìm gì thế?” Người hỏi Gio-an và An-rê. Đây là tiếng đầu tiên của Người, âm thanh đầu tiên của giọng nói sắp tỏ lộ cho họ lắm chuyện lạ lùng, và dẫn họ đi thật xa. Đức Giê-su thấy họ đang tìm kiếm. Cho đến lúc ấy, họ đã theo Gio-an Tẩy giả; không ngập ngừng, họ bỏ ông để đi theo kẻ lạ mặt này. Đây sẽ là cơ may kỳ diệu của họ, nên Gio-an cẩn thận ghi chú thời điểm : giờ thứ mười (bốn giờ chiều), Đức Giê-su đã lập tức có cảm tình với họ, Người yêu những kẻ có thể vì Người mà bỏ tất cả. Nhưng ngay câu đầu tiên Người hỏi đã muốn đi sâu vào họ rồi : “Các anh tìm gì thế? Các anh sắp đợi chờ gì ở tôi?” Vì đâu phải hễ nghe lời chứng của thầy cũ là đủ. Họ cần ý kiến cá nhân và kinh nghiệm trực tiếp.

Người phải hỏi như thế, bởi lẽ thiên hạ lầm lẫn rất nhiều về Người. Cũng một câu hỏi tương tự như thế sẽ là lời đầu tiên Đấng Phục Sinh sau này ngỏ với Ma-ri-a Mác-đa-la : “Bà tìm ai?” (tìm Đấng Sống hay kẻ chết?). Câu hỏi ấy đã gợi lên cho hai môn đệ ý thức rõ điều họ thực sự đang tìm kiếm, đồng thời mời gọi chính chúng ta là những độc giả Tin Mừng hôm nay biết đặt mình trước mặt Đức Giê-su để làm sáng tỏ ý nghĩa sau cùng của cuộc hành trình nội tâm của chúng ta. Vì lúc này đây, Người cũng bảo chúng ta : “Bạn tìm gì? Bạn tìm ai khi bạn tới với tôi?”

Có lẽ cảm thấy khá mơ hồ, nên Gio-an và An-rê hỏi lại : “Thầy ở đâu?” Câu hỏi này vượt xa chuyện chỉ đơn giản liên can đến nơi ăn chốn ở của Đức Giê-su, nó đã hướng tới đời sống thân mật của Đức Giê-su với Cha Người (“Con Một là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” Ga 1,18). Và chính Đức Giê-su mời gọi các ông : “Đến mà xem”. Lời mời không chỉ là tới tham quan cho biết chỗ Người chọn làm nhà ở, mà là đi vào một cuộc gặp gỡ thiết thân với Người, là biết Người một cách thâm sâu hơn, là kiểm nghiệm bằng mắt thấy tai nghe, bằng con người xương thịt, cái thực tại lịch sử sẽ làm nền tảng cho đức tin mình. Vì thế chúng ta đã đọc thấy nơi 1Ga 1,1-3: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã đụng chạm… Chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi”. Chúng ta hôm nay cũng hỏi như vậy : “Thầy ở đâu?” Bởi lẽ chúng ta tìm Người trong Tin Mừng nhưng chẳng còn tiếng nói lẫn đôi mắt của Người. Đối với chúng ta, Người sẽ mãi mãi là một mầu nhiệm hiện diện-khiếm diện gây bối rối.

Chúng ta biết Người có đó, Người đang tác động lên thế giới và Người muốn tác động lên cuộc đời chúng ta, nhưng phải có sức mạnh đức tin biết bao (chỗ bám duy nhất của ta !) để tiếp xúc với Người và duy trì việc tiếp xúc ấy. Chúng ta bị cám dỗ chỉ nghĩ đến con người hôm qua. Người đã nói, và chúng ta dễ coi Người như một bậc thầy khôn ngoan, sử dụng Người để hỗ trợ các ý tưởng hay nhất của chúng ta về công lý, mở Tin Mừng như mở một hòm châu báu để tìm trong đó những lời vàng ngọc.

Nhưng phần Người thì sao? Người hằng sống ! Người chờ đợi bước chân chúng ta để quay lại mà bảo : “Bạn muốn gì?” Trước câu hỏi này, chỉ có một câu đáp, câu thay đổi cuộc đời, ân sủng của mọi ân sủng, khi nó xuất phát từ tất cả bản thân ta : “Cái con muốn, chính là Chúa”. Chính là Chúa như Đấng Cứu độ duy nhất, Đấng Giải phóng đích thực, chứ không chỉ là lẽ khôn ngoan của Ngài, và càng không phải là những ân huệ vật chất của Ngài. Chính là Chúa như tình yêu tuyệt đối của con, sự sống viên mãn của con, hạnh phúc vĩnh cửu của con, ý nghĩa tối hậu của đời con !.