HƯỚNG TỚI NGÂN KHÁNH GIÁM MỤC ĐỨC CHA PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ

- NGUYÊN GIÁM MỤC CHÁNH TÒA GIÁO PHẬN PHÚ CƯỜNG,

- NGUYÊN CHỦ TỊCH ỦY BAN PHỤNG TỰ HĐGM VIỆT NAM,

- NGUYÊN ĐẶC TRÁCH HỘI THỪA SAI VIỆT NAM,

- GIÁO SƯ PHỤNG VỤ VÀ LUÂN LÝ TẠI ĐCV THÁNH GIUSE SÀI GÒN,

- NGUYÊN ĐẠI BIỂU GIÁO HỘI VIỆT NAM TẠI CÁC ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ,

- NGUYÊN CHỦ TỊCH ỦY BAN NGHỆ THUẬT THÁNH TRỰC THUỘC HĐGM VIỆT NAM,

- NGUYÊN THÀNH VIÊN HỘI DỒNG GIÁO HOÀNG ĐẶC TRÁCH ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN.

Đức cha PHÊRÔ TRẦN ĐÌNH TỨ được chính thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Giám mục Chánh tòa giáo phận Phú Cường ngày 5.11.1998. Thánh nhân tấn phong Giám mục cho ngài tại đền thánh Phêrô, nội thành Vatican ngày 6.1.1999. Khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Phêrô: "Yêu rồi làm".

Cho đến thứ Bảy ngày 6.1.2023 này, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ tròn 25 năm Giám mục. Trong ngày đặc biệt ấy, giáo phận Phú Cường sẽ cùng Đức Cha Phêrô long trọng tạ ơn Chúa trong thánh lễ Tạ ơn mừng Ngân Khánh Giám mục của Đức Cha.

1. Thấy gì nơi Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ?

Là học trò của Đức Cha Phêrô trong nhiều năm, từ khi còn là chú dự tu, rồi chủng sinh, đến khi được chính Đức Cha tấn phong linh mục và thi hành phận vụ của một linh mục dưới sự cai quản của Đức Cha Phêrô cho đến ngày Đức Cha được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chấp nhận đơn nghỉ hưu (25.8.2012), và sau đó chứng kiến sự hiện diện thầm lặng của Đức Cha tại giáo phận nhà, tôi khẳng định, Đức Cha Phêrô rất "truyền thống", rất "sát" với những gì thuộc về giáo huấn của Hội Thánh Công Giáo, rất yêu mến Hội Thánh và giáo phận mà Đức Cha được Chúa mời gọi để phụng sự.

Nhất là những giáo huấn, những bài giảng dành cho các linh, tu sĩ và giáo dân trong giáo phận Phú Cường, Đức Cha Phêrô không những không hề rời xa mà còn bám rất chắc vào Huấn quyền vào Giới luật của Thiên Chúa và Hội Thánh Công Giáo.

Tuy mọi "giáo dục" dành cho dân Chúa tại giáo đoàn mà ngài lãnh trách vụ làm mục tử đều dựa vào mạc khải của Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, và luôn bám vào sức sống của Giáo Luật, của Truyền thống Hội Thánh, lời giảng dạy của Đức Cha Phêrô không thiếu những lý luận, nhất là những tư tưởng sắc bén và mang lại những bổ dưỡng tinh thần qua rất nhiều bài học cao quí cho những ai lắng nghe.

Chẳng hạn, cách đây gần 14 năm, trong một thánh lễ Truyền Dầu, sau khi giải thích ý nghĩa của thứ Năm tuần Thánh và lý do của việc cử hành lễ Dầu và lễ tiệc ly ban chiều, Đức Cha nói đến chức linh mục cộng đồng. Đức Cha nhấn mạnh: "Tất cả các tín hữu, ngay từ lúc được rửa tội, đều được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, nhờ đó họ có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những hy sinh, những của lễ tinh thần và vật chất".

Đến phần nhắn nhủ riêng các linh mục, Đức Cha Phêrô đòi: "Chúng ta hãy đọc đi đọc lại những đoạn Tin Mừng tường thuật những việc Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, đặc biệt khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích truyền chức thánh. Hãy đọc và hãy suy niệm, hãy lắng nghe và đáp trả những tiếng Chúa đang mời gọi chúng ta theo sát bước chân của Người, lăn xả vào việc truyền giáo và tông đồ mục vụ để mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ mọi người, chúng ta cũng phải hy sinh tất cả để tiếp tay với Chúa để hoàn thành công việc Người đã khởi đầu".

Sau đây mời anh chị em đọc lại một trong những bài giảng của Đức Cha Phêrô Trần Đinh Tứ. Đó là bài giảng trong thánh lễ Truyền Dầu năm 2010.

Nhân dịp Đức Cha tròn 25 năm Giám mục (1999 - 6.1 - 2023), người biên soạn bài viết này xin ghi lại bài giảng của Đức Cha, trước là xin kính dâng Đức Cha như món quà tinh thần trong dịp lễ Ngân khánh hết sức quý báu và hiếm hoi, không phải Giám mục nào cũng có thể có được. Sau là tỏ lòng tri ân Đức Cha, người đã dẫn dắt người biên soạn bài viết đi qua nhiều giai đoạn của đời tu, kể từ khi mới chập chững bước vào giai đoạn đầu của ơn gọi sống đời tu ấy. Qua đó tất cả những năm tháng được thụ huấn dưới bàn tay Đức Cha, lối sống, lối thể hiện, nhất là thể hiện của lòng trung thực, thẳng thắn, lòng yêu mến Hội Thánh Chúa Kitô nơi Đức Cha ảnh hưởng không nhỏ trên người viết. Nhân dịp trọng đại này, người biên soạn bài viết muốn tự nhắc nhở mình về lời dạy quý báu mà Đức Cha để lại trong chính cõi lòng suốt nhiều năm.

2. Chúng ta cùng nghe lời dạy của Đức Cha Phêrô.

Bài giảng Lễ Dầu 1.4.2010 tại nhà thờ Lực Điền, hạt Lạc An, giáo phận Phú Cường.

"Quí cha, quí tu sĩ nam nữ và anh chị em tín hữu thân mến,

Hôm nay là thứ Năm Tuần Thánh, ngày Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục. Chiều nay, trong tất cả các nhà thờ xứ sẽ long trọng làm lại nghi thức Chúa đã làm xưa tại nhà Tiệc ly, đặc biệt chú trọng vào việc thiết lập bí tích Thánh Thể.

Sáng nay, mỗi giáo phận, tại nhà thờ chánh tòa hay tại một nhà thờ khác tiêu biểu, (lần này chúng ta chọn nhà thờ Lực Điền thuộc hạt Lạc An của anh chị em đây), trong đó giám mục và các linh mục đại diện cho các miền khác nhau trong giáo phận qui tụ lại trong thánh lễ đồng tế được mệnh danh là lễ Dầu, với mục đích đặc biệt tưởng niệm việc Chúa Giêsu, cũng trong chính ngày thứ Năm Thánh này, đã thiết lập chức linh mục và trao ban cho một số người được hành động nhân danh Chúa Kitô và với tư thế của Chúa Kitô để tiếp tục công cuộc cứu độ nhân loại.

Theo nghi thức, lễ Dầu chỉ được cử hành tại một nhà thờ, và việc Đức Giám Mục đồng tế với các linh mục được coi như là cần thiết và có tính biểu trưng, nói lên sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn trong giáo phận, vì tất cả các ngài cùng được chia sẻ một chức vụ linh mục duy nhất là chức linh mục của Chúa Giêsu Kitô.

Cũng trong thánh lễ này, Giáo Hội làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và hiến thánh Dầu Thánh, là ba thứ dầu được dùng để cử hành các bí tích và những nghi thức khác thuộc thừa tác vụ linh mục.

Dầu Thánh được dùng trong bí tích Rửa tội, Thêm Sức, phong chức giám mục và linh mục, trong nghi thức cung hiến nhà thờ và bàn thờ, với mục đích hiến thánh những người và những sự vật dành riêng cho Thiên Chúa.

Dầu Dự tòng dùng để xức những người sắp được rửa tội hầu sửa soạn và ban cho họ những dự kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích.

Còn dầu bệnh nhân được sử dụng khi ban bí tích xức dầu bệnh nhân, hầu nâng đỡ họ trong những lúc đau yếu bệnh tật, đồng thời xóa bỏ những hệ lụy do tội lỗi còn để lại.

Theo giáo lý của Giáo Hội, tất cả các tín hữu, ngay từ lúc được rửa tội, đều được tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô, nhờ đó họ có thể dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những hy sinh, những của lễ tinh thần và vật chất.

Việc tham dự này được mệnh danh là chức linh mục cộng đồng. Tuy nhiên, khi lập bí tích truyền chức thánh, Chúa Kitô đã muốn tuyển chọn một số người để nâng họ lên, cho họ được hành động nhân danh Người, trong tư thế của Người khi cử hành các bí tích, hầu mang ơn cứu độ đến cho muôn người. Chúng ta gọi các ngài là những linh mục thừa tác, tức những người hành động nhân danh Chúa Kitô, trong tư thế của Chúa Kitô, đại diện Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh là Nhiệm thể của Người. Các vị này được thiết lập lên không vì khả năng cá nhân, nhưng do ơn Chúa chọn gọi; không nhằm lợi ích riêng của cá nhân, nhưng vì lợi ích của cộng đoàn và để phục vụ mọi người.

Vì thế dù được tham dự với tư cách nào vào chức linh mục của Chúa Kitô, chúng ta đều có nhiệm vụ phải ca tụng, ngợi khen và tạ ơn Chúa về ơn trọng đại này. Đó là một trong những ơn quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người. Là giáo dân hay giáo sĩ, tất cả chúng ta cùng được liên kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, vì thế chúng ta cũng phải cộng tác với nhau để việc tham dự này góp phần làm vinh danh Chúa, phát triển Giáo Hội và đem lại lợi ích cho các linh hồn.

Riêng với anh em linh mục,

Hôm nay là ngày đặc biệt của chúng ta. Trong thư gởi các linh mục nhân ngày thứ Năm Tuần thánh năm 2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ký bức thư tại chính nhà Tiệc ly, nơi được coi như là nguyên quán của tất cả các linh mục, khi áp dụng câu thánh vịnh nói về Giêrusalem: "Chúa ghi vào sổ bộ các dân: 'Kẻ này người nọ sinh ra tại đó'" (Tv 87, 6).

Chúng ta hãy hình dung mình đang ở trong nhà Tiệc ly để cầu nguyện và tưởng nhớ đến những sự việc đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, trong bầu khí của bữa tối sau hết, giữa bao băn khoăn lo lắng về cuộc tử nạn sắp tới, về tình yêu cao độ: “Yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1), ngõ hầu có thể hiểu được tâm tình của Chúa Kitô và ý nghĩa những việc Người đã làm.

Chúng ta nên suy nghĩ lại về ơn trọng đại này hầu giúp chúng ta biết cử hành cách sốt sắng Thánh lễ mỗi ngày.

Trước hết, chúng ta cần ý thức rằng Chúa lập bí tích Thánh Thể và chức linh mục vì yêu thương chúng ta, đặc biệt khi đọc lại lời dẫn nhập của thánh Gioan trong tường thuật về bữa Tiệc ly, về việc Chúa rửa chân cho các môn đệ và cầu nguyện cho sự hiệp nhất của Giáo Hội. Quả thực, vì yêu thương chúng ta là những người còn ở trần gian, nên Người đã yêu thương tới cùng.

“Tới cùng” ở đây không những có tính thời gian, nghĩa là yêu thương tới lúc chết, yêu thương mãi mãi, nhưng còn chỉ mức độ, nghĩa là yêu thương tới mức chót, tới đỉnh cao nhất.

Chúng ta hãy nhìn vào gương Chúa Kitô để cố sống yêu thương: yêu thương các anh em linh mục và yêu thương đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho chúng ta, yêu thương những người chưa thuộc đoàn chiên của Chúa, để giúp họ cũng được gia nhập đoàn chiên, gia nhập cộng đoàn những người được cứu độ.

Chúng ta hãy suy niệm lại cụm từ quen thuộc đã trở thành châm ngôn: “Sacerdos et Victima”, Linh mục và Của lễ, thì sẽ thấy rằng ý niệm hy sinh gắn liền với sứ vụ linh mục. Thật vậy, trong công thức phong chức mà Chúa Kitô đọc trong bữa tiệc ly: “Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”, đã rõ ràng hàm chứa ý tưởng này. Làm việc này có nghĩa là làm lại những cử chỉ, đọc lại những lời Chúa Kitô đã đọc để truyền phép bánh rượu.

Vậy cả hai lời truyền phép đều nhắc nhở tới hiến tế của Chúa trên đồi Golgotha: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: vì này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con… Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Vì thế, là linh mục chúng ta hãy cố gắng học với Chúa Giêsu cho biết phải hy sinh trong mọi nơi mọi lúc. Chính những hy sinh này sẽ làm cho đời linh mục chúng ta trở thành một của lễ đẹp lòng Chúa và mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

Năm nay cũng là năm Linh mục, chúng ta hãy đọc đi đọc lại những đoạn Tin Mừng tường thuật những việc Chúa đã làm trong bữa Tiệc ly, đặc biệt khi lập bí tích Thánh Thể và bí tích truyền chức thánh.

Hãy đọc và hãy suy niệm, hãy lắng nghe và đáp trả những tiếng Chúa đang mời gọi chúng ta theo sát bước chân của Người, lăn xả vào việc truyền giáo và tông đồ mục vụ để mang ơn cứu độ đến cho mọi người.

Chúa đã yêu thương và muốn cứu độ mọi người, chúng ta cũng phải hy sinh tất cả để tiếp tay với Chúa để hoàn thành công việc Người đã khởi đầu.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Xin Mẹ Maria, Mẹ các linh mục, Mẹ đã theo sát Chúa trên đường khổ giá và can đảm đứng dưới chân thánh giá để nhận những lời trăn trối cuối cùng của Chúa, trong đó có lời nhắn gởi đầy yêu thương dành riêng cho các linh mục: “Đây là con bà … Đây là mẹ con!”.

Xin Mẹ giúp chúng ta có những tâm tình yêu mến, đặc biệt là sự quên mình để phục vụ tha nhân.

Xin tất cả anh chị em tín hữu cũng cầu nguyện cho chúng tôi là giám mục và linh mục của anh chị em, đã được thiết lập để phục vụ anh chị em. Chớ chi chúng ta biết liên kết với nhau để tình thương của Chúa được lan rộng khắp nơi và mọi người được ơn cứu độ. (+ Phêrô Trần Đình Tứ - Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường).

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG (biên soạn)