1. Tuyên ngôn Fiducia Supplicans: Tắt một lời, là thảm họa

Cha Gerald E. Murray là một luật sư giáo luật, cha sở của Nhà thờ Thánh Giá ở Thành phố New York. Ngài là tác giả của nhiều cuốn sách Công Giáo nổi tiếng. Cuốn mới nhất có tựa đề “Làm dịu cơn bão: Chèo chống trước các cuộc khủng hoảng Giáo hội và Xã hội Công Giáo phải đối mặt.” Ngài vừa có bài viết nhan đề “In One Word: Disaster”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Vấn đề đầu tiên và nghiêm trọng nhất trong Tuyên ngôn Fiducia Supplicans là việc lựa chọn từ “couple” hay “một cặp” để mô tả hai người cùng giới tính thực hiện hành vi kê gian trong một mối quan hệ tự tuyên bố và công khai đang diễn ra, chẳng hạn như một hôn nhân dân sự. Tôi thất vọng nhận thấy rằng từ sodomy hay kê dâm không được tìm thấy trong Fiducia Supplicans. Các từ đồng tính luyến ái cũng không xuất hiện trong Fiducia Supplicans. Thật vậy, không có đề cập rõ ràng nào về điều gì phân biệt các “cặp” đồng giới với các hình thức hợp tác hoặc liên kết khác giữa hai người cùng giới. Fiducia Supplicans cũng không nêu rõ hành vi nào phân biệt các “cặp” này với các cặp mà Fiducia Supplicans mô tả là đang ở trong “những tình huống bất thường”, hay những người đàn ông và phụ nữ được cho là đã ly hôn và tái hôn dân sự. Từ ngoại tình cũng không có trong Fiducia Supplicans. Fiducia Supplicans tuyên bố rằng cả hai loại cặp đều có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, nhưng Fiducia Supplicans bỏ qua việc đề cập rằng loại cặp thứ nhất làm như vậy một cách không tự nhiên và loại thứ hai là một cách tự nhiên nhưng vô đạo đức, tức là quan hệ ngoại tình với nhau.

Việc sử dụng từ “một cặp” để mô tả hai người cùng giới tính quan hệ tình dục đồng tính không hề có cơ sở kinh thánh, thần học hay kinh điển nào cả. Bộ Giáo lý Đức tin đã tuyên bố trong tài liệu năm 2003 “Những cân nhắc về đề xuất công nhận pháp lý đối với sự kết hợp giữa những người đồng tính” rằng:

Hoàn toàn không có cơ sở nào để coi việc kết hợp đồng giới là tương tự hoặc thậm chí hơi giống với kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hôn nhân và gia đình. Hôn nhân là thánh thiện, trong khi những hành vi đồng tính luyến ái lại đi ngược lại luật luân lý tự nhiên. Các hành vi đồng tính luyến ái đóng kín hành vi tình dục với món quà sự sống. Chúng không xuất phát từ sự bổ sung tình cảm và tình dục đích thực. Trong mọi trường hợp chúng không thể được chấp thuận.

Giáo hội chưa bao giờ (cho đến nay) và không bao giờ nên phân loại hai người trong một cuộc kết hợp đồng tính luyến ái bằng cùng một từ mà Giáo hội dùng để chỉ một người nam và một người nữ đã kết hôn, hoặc sắp đính hôn, hoặc đang hẹn hò.

Hành vi đồng tính luyến ái không phải và không thể là hành vi hôn nhân. Tài liệu năm 2003 nêu rõ:

Sự kết hợp đồng tính hoàn toàn thiếu các yếu tố sinh học và nhân học của hôn nhân và gia đình... Các sự kết hợp đồng tính cũng hoàn toàn thiếu chiều kích vợ chồng, chiều kích tượng trưng cho hình thức tính dục nhân bản và trật tự. Các mối quan hệ tình dục mang tính nhân bản khi và trong chừng mực chúng biểu lộ và cổ võ sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai giới trong hôn nhân và mở ra cho việc truyền sinh sự sống mới.

Kê gian không phải là một cách thay thế để tham gia vào các mối quan hệ tình dục của con người, với con người được Giáo hội hiểu là theo bản chất con người được Thiên Chúa tạo dựng. Nói một cách chính xác, đó không phải là hôn nhân mà chỉ là một hành vi tình dục, nhưng đúng hơn là một sự lạm dụng nghiêm trọng các cơ quan sinh dục. Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ban hành vào năm 1986 một Thư gửi các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo về việc chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính, trong đó nêu rõ giáo huấn của Giáo hội:

Chọn một người cùng giới tính cho hoạt động tình dục của mình là hủy bỏ tính biểu tượng và ý nghĩa phong phú, chưa kể đến các mục tiêu, trong kế hoạch tình dục của Đấng Tạo Hóa. Hoạt động đồng tính luyến ái không phải là một sự kết hợp bổ sung, có khả năng truyền tải sự sống; và như vậy, nó cản trở lời mời gọi sống theo hình thức tự hiến mà Tin Mừng nói là bản chất của đời sống Kitô hữu. Điều này không có nghĩa là những người đồng tính luyến ái không thường xuyên quảng đại và cống hiến hết mình; nhưng khi họ tham gia vào hoạt động đồng tính luyến ái, họ xác nhận trong mình một khuynh hướng tình dục rối loạn mà về cơ bản là buông thả bản thân.

Như trong mọi rối loạn luân lý, hoạt động đồng tính luyến ái ngăn cản sự hoàn thiện và hạnh phúc của chính mình bằng cách hành động trái ngược với sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa. Giáo hội, khi bác bỏ những quan điểm sai lầm liên quan đến đồng tính luyến ái, không hạn chế mà còn bảo vệ quyền tự do và phẩm giá cá nhân được hiểu một cách thực tế và xác thực.

Một người nam và một người nữ được kết hợp thành một cặp bằng lời thề hôn nhân và được hoàn thành bằng sự kết hợp thể xác giữa người chồng và người vợ. Hai người đàn ông hoặc hai người phụ nữ không và không thể trở thành một cặp vợ chồng, theo cách sử dụng từ ngữ không thay đổi của Giáo hội (cho đến nay), bằng cách thực hiện một số cam kết chung để kê gian với nhau, và sau đó tuân theo thỏa thuận đó bằng cách tham gia vào hành vi tội lỗi trái tự nhiên.

Việc sử dụng từ “một cặp” trong Tuyên ngôn Fiducia Supplicans trên thực tế là sự đầu hàng trước hệ tư tưởng dị giáo vốn tuyên bố rằng các cặp đồng giới cũng là những cặp giống như các cặp dị tính. Hậu quả tai hại của việc tán thành quan điểm phi Kitô giáo rằng hai người đồng tính sống chung là “một cặp” là một thông báo gây sửng sốt rằng các cặp đồng tính, giống như bất kỳ cặp vợ chồng nào khác, có thể được ban phúc vì họ cũng “cầu xin rằng tất cả những gì là chân thật, tốt đẹp và nhân bản có giá trị trong cuộc sống và các mối quan hệ của họ được phong phú, chữa lành và nâng cao nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.” (FS 31)

Thư Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1986 mang tính tiên tri trong những cảnh báo của nó khi viết rằng:

Tuy nhiên, ngày nay ngày càng có nhiều người, ngay cả trong Giáo hội, đang gây áp lực rất lớn buộc Giáo hội phải chấp nhận tình trạng đồng tính luyến ái như thể nó không bị rối loạn và dung túng cho hoạt động đồng tính luyến ái. Những người trong Giáo hội tranh luận theo kiểu này thường có quan hệ chặt chẽ với những người có quan điểm tương tự bên ngoài Giáo hội. Những nhóm sau này được hướng dẫn bởi một tầm nhìn trái ngược với sự thật về con người, một điều được mạc khải trọn vẹn trong mầu nhiệm Chúa Kitô. Chúng phản ánh, dù không hoàn toàn có ý thức, một hệ tư tưởng duy vật phủ nhận bản chất siêu việt của con người cũng như ơn gọi siêu nhiên của mỗi cá nhân.

Các thừa tác viên của Giáo hội phải bảo đảm rằng những người đồng tính do họ chăm sóc sẽ không bị đánh lừa bởi quan điểm này, một quan điểm hết sức trái ngược với giáo huấn của Giáo hội. Nhưng rủi ro là rất lớn và có nhiều người tìm cách tạo ra sự nhầm lẫn về quan điểm của Giáo hội, rồi lợi dụng sự nhầm lẫn đó để làm lợi cho mình.

Fiducia Supplicans, mặc dù có những tuyên bố mang tính suy đoán rằng đó là sự “phát triển” giáo huấn của Giáo hội về các phước lành, nhưng vẫn đại diện cho một chiến thắng dành cho những ai dung túng cho hoạt động đồng tính luyến ái. Tại sao? Thưa: bởi vì việc cho phép một linh mục ban phước lành cho những cặp đồng tính luyến ái, là những người kết hợp với nhau dưới một hình thức kết hợp nào đó khiến họ trở thành một cặp, tạo ra vẻ ngoài giả tạo rằng Thiên Chúa thực sự ban phước cho tội lỗi, và rằng Thiên Chúa hài lòng khi các linh mục và giám mục cầu xin Ngài chúc lành cho những gì Thiên Chúa đã cấm.

Như Thánh Phaolô đã viết:

Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men. Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.(Rô-ma 1:24-27)

Một mối quan hệ tình dục rối loạn được hình thành bởi những hành vi vô liêm sỉ, buông thả bản thân là điều không thể chúc phúc. Fiducia Supplicans là một tai tiếng và là một thảm họa khi khẳng định có thể làm như thế.

2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein cử hành lễ giỗ đầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Hôm Chúa nhật, 31 tháng Mười Hai, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, cựu thư ký riêng của Đức Cố Giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã chủ sự lễ giỗ đầu của người, lúc 8 giờ sáng tại Đền thờ thánh Phêrô ở Vatican.

Sau đó, tại Học viện Teutonicum của Đức, cạnh Đền thờ, Đức Tổng Giám Mục sẽ chia sẻ những kỷ niệm trong những năm cuối cùng của Đức Cố Giáo hoàng.

Thứ Bảy và Chúa nhật 30 và 31 tháng Mười Hai, cũng tại Học viện này, đã có một hội nghị quốc tế về giáo huấn và di sản của Đức Bênêđíctô XVI - Joseph Ratzinger, với các bài thuyết trình của các bạn hữu cũng như chuyên gia về giáo huấn của người, trong đó có cha Federico Lombardi, Dòng Tên, cựu Tổng giám đốc Đài Vatican, cũng như Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, và Đức Hồng Y Gerhard Müller, Cựu Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, và là người đặc trách ấn hành toàn bộ các sách của Đức Cố Giáo hoàng.

Đức Bênêđíctô XVI qua đời ngày 31 tháng Mười Hai năm 2022, hưởng thọ 95 tuổi, tại Đan viện Mater Ecclesiae, hay Mẹ Giáo hội, ở nội thành Vatican. Ngài kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngày 19 tháng Tư năm 2005 cho đến khi từ nhiệm hồi năm 2013. Ngài cũng là người Đức đầu tiên làm Giáo hoàng, kể từ Đức Giáo Hoàng Victor II, hồi năm 1055 đến năm 1057.

3. Tiết lộ của Peter Seewald, người viết tiểu sử Đức Bênêđictô 16

Ký giả Wimmer thuộc Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “‘Benedict trusted Francis. But he was bitterly disappointed,’ biographer says in new interview” nghĩa là “Peter Seewald, người viết tiểu sử Đức Bênêđictô 16: ‘Đức Bênêđictô tin tưởng Đức Phanxicô. Nhưng ngài đã thất vọng cay đắng’”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Trước ngày kỷ niệm một năm ngày mất của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, người viết tiểu sử của ngài, Peter Seewald, đã nêu lên những quan ngại sâu xa về cách Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang quản lý di sản của người tiền nhiệm.

“Đức Bênêđictô tin tưởng Đức Phanxicô. Nhưng nhiều lần ngài đã thất vọng cay đắng,” Seewald nói trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 27/12.

Seewald nói với tờ New Daily Compass rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể đã viết “những bức thư tốt đẹp” cho người tiền nhiệm và mô tả ngài như một “vị giáo hoàng vĩ đại”. Tuy nhiên, trên thực tế, ông nói, Đức Phanxicô đã “xóa bỏ phần lớn những gì quý giá và thân thương đối với Ratzinger”.

Seewald nói, “Nếu bạn thực sự nói về một ‘giáo hoàng vĩ đại’ do xác tín, há bạn lại không nên làm mọi sự có thể làm để trau chuốt di sản của vị này hay sao? Giống như Đức Bênêđíctô XVI đã làm với Đức Gioan Phaolô II? Như chúng ta có thể thấy ngày nay, trên thực tế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã làm rất ít để duy trì sự tiếp nối với những vị tiền nhiệm của ngài.”

Thay vào đó, vị giáo hoàng Nam Mỹ và Dòng Tên muốn xóa bỏ phần lớn “những gì thân thương đối với Ratzinger,” theo người viết tiểu sử của Đức Bênêđíctô.

‘Đâm vào tim’

Seewald chỉ ra những hạn chế chặt chẽ đối với Thánh lễ Latinh truyền thống của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đảo ngược tông thư Summorum Pontificum năm 2007 của Đức Bênêđíctô XVI, vốn thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ sử dụng Sách lễ Rôma năm 1962, bằng tiếng Latinh.

Seewald nói: “Ratzinger muốn bình định Giáo hội mà không đặt câu hỏi về tính hợp lệ của Thánh lễ theo Sách lễ Rôma năm 1969. ‘Cách chúng ta đối xử với phụng vụ’, ông giải thích, ‘quyết định vận mệnh của đức tin và của Giáo hội.’”

Người viết tiểu sử đặt câu hỏi về tính xác thực của “tuyên bố rằng đa số các giám mục đã bỏ phiếu ủng hộ việc bãi bỏ Tông huấn Summorum Pontificum của Đức Bênêđíctô trong một cuộc khảo sát trên toàn thế giới”.

“Điều tôi thấy đặc biệt đáng xấu hổ là vị giáo hoàng danh dự thậm chí còn không được thông báo về hành động này mà phải tìm hiểu về nó từ báo chí. Ngài đã bị đâm vào tim.”

Đức Bênêđíctô đã xây dựng “một cây cầu nhỏ dẫn đến một hòn đảo kho báu gần như bị lãng quên, mà cho đến lúc đó chỉ có thể tiếp cận được qua địa hình khó khăn. Đó là vấn đề được Đức Giáo Hoàng quan tâm và thực sự không có lý do gì để phá bỏ cây cầu này một lần nữa”.

Thanh trừng nhân viên

Seewald cho biết “cuộc thanh trừng nhân viên” đã hoàn tất bức tranh: “Nhiều người ủng hộ đường lối của Ratzinger và học thuyết Công Giáo đã bị ‘lên máy chém’”.

Seewald đặc biệt quan tâm đến cách đối xử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người vừa là thư ký lâu năm của Đức Bênêđíctô vừa là nhà lãnh đạo Phủ Giáo hoàng của Vatican cho cả hai giáo hoàng trong vài năm.

“Đó là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Giáo hội khi Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người cộng tác thân cận nhất của một vị giáo hoàng rất xứng đáng, một nhà thần học vĩ đại nhất từng ngồi trên Ngai Tòa Thánh Phêrô, đã bị tống ra khỏi Vatican một cách đáng xấu hổ. Thậm chí, ngài còn không nhận được một lời cảm ơn chiếu lệ nào cho công việc của mình.”

Seewald lưu ý rằng Gänswein không phải là một trường hợp cá biệt: “Khi một người ủng hộ Ratzinger như Đức Hồng Y [Raymond] Burke, 75 tuổi, bị tước nhà và lương chỉ sau một đêm mà không có bất cứ lời giải thích nào, thật khó để nhận ra tình huynh đệ Kitô giáo trong tất cả những điều này. “

Cái chết của Đức Bênêđíctô ‘bị công cụ hóa’

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Bênêđíctô XVI qua đời ở tuổi 95 vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Phát biểu với các nhà báo trên chuyến bay trở lại Rôma hai tháng sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cáo buộc người ta lợi dụng cái chết của vị giáo hoàng người Bavaria theo những cách ích kỷ. Ngài nhấn mạnh, Đức Bênêđíctô XVI “không phải là một người cay đắng”.

“Tôi nghĩ cái chết của Đức Bênêđíctô đã bị công cụ hóa bởi những người muốn phục vụ lợi ích riêng của họ,” Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong cuộc họp báo trên chuyến bay vào ngày 5 tháng 2. Đức Phanxicô nói thêm rằng những người đã lợi dụng một con người tốt lành và thánh thiện như vậy là những người có óc đảng phái và vô đạo đức.

4. Số tín hữu Chính thống Nga tại Ukraine giảm sút mạnh

Hiện nay số tín hữu Chính thống Nga, thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa ở Ukraine giảm sút mạnh so với trước chiến tranh.

Theo phúc trình của Trung tâm Ukraine nghiên cứu kinh tế chính trị, hiện nay có 42% dân Ukraine tuyên bố mình thuộc Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập và chỉ có 5,6% thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống ở Mạc Tư Khoa bên Nga. Từ sau cuộc tấn công xâm lăng của Nga chống Ukraine cách đây gần hai năm, tỷ lệ tín hữu Chính thống Nga tại Ukraine suy giảm mau lẹ.

Theo trung tâm Razumkov, trước khi Nga tấn công Ukraine, hồi tháng Hai năm 2021, có 13,6% dân Ukraine tuyên bố mình thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, nhưng đến cuối năm nay chỉ còn lại 5,6%, tức là giảm hơn một nửa. Còn Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập khỏi Chính thống Nga, hồi năm 2021, có 20% tuyên bố mình thuộc Giáo hội này, nhưng nay con số đó tăng lên gối đôi, tức là 42%.

Trong số các tín hữu Chính thống tại Ukraine, 69.4% tuyên bố mình có liên hệ với Giáo hội Chính thống Ukraine, 9.2% liên hệ với Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa, và 20,7% nói là mình theo Chính thống giáo, nhưng không thuộc Tòa Thượng phụ nào.

55,5% dân Ukraine tin rằng cần phải cấm đoán các hoạt động của Giáo hội Chính thống thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, vì họ tin là có sự liên kết chặt chẽ của Giáo hội này với Giáo hội Chính thống Nga, và do đó có trách nhiệm về cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine.

Cũng theo trung tâm nghiên cứu Razumkov, có 11% dân Ukraine cho biết mình thuộc Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, 1.2% thuộc Công Giáo Latinh, và 1,4% là tín hữu các Giáo hội Tin lành. 0,1% theo Do thái giáo và con số tương tự là tín hữu Hồi giáo.