1. Linh mục Chính Thống Giáo Nga cáo buộc Thượng Phụ Kirill tham dự cuộc họp với các tướng lĩnh Nga

Cha Ioann Koval, một linh mục Chính Thống Giáo, hiện đang coi sóc một giáo xứ Chính Thống Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Thượng Phụ Kirill huyền chức vì chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Putin, đã cáo buộc Thượng Phụ Kirill đang gây ra gương mù thảm hại khi tham gia vào cuộc họp của các tướng lãnh Nga cùng với Vladimir Putin để bàn thảo về các bước tiếp theo trong cuộc xâm lược Ukraine.

Cáo buộc của ngài được chứng minh cụ thể bằng video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Cha Ioann Koval cho rằng việc một giáo sĩ tham gia vào một cuộc bàn thảo chém giết như thế là gương mù thảm hại cho Giáo Hội.

Ngài lưu ý rằng Thượng phụ Kirill đã gọi cuộc xâm lược Ukraine của Nga là “sự kiện hiện tại” và đã tránh sử dụng các thuật ngữ như chiến tranh hoặc xâm lược. Kirill chấp thuận cuộc xâm lược và đã ban phước cho những người lính Nga đang chiến đấu ở đó.

Cha Ioann Koval cho biết vì lý do đó, một số linh mục của Giáo Hội Chính thống Nga ở Ukraine và cả ở Nga đã ngừng nhắc đến tên Kirill trong buổi lễ. Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa coi Ukraine là một phần của “lãnh thổ giáo luật” của họ, và Kirill không ngừng cho rằng quân đội Nga đã chọn một con đường rất đúng đắn.

Trong những ngày sau khi thế giới biết về vụ thảm sát Bucha năm 2022 bởi quân xâm lược Ukraine của Nga, Kirill nói rằng những người trung thành của ông nên sẵn sàng “bảo vệ ngôi nhà của chúng ta” trong mọi trường hợp.

Vào ngày 6 tháng 3 năm 2022 (ngày lễ Chúa nhật Tha thứ), trong phụng vụ tại Nhà thờ Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, ông biện minh cho cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, nói rằng cần phải đứng về phía “Donbas” (tức là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk), nơi ông Kirill cho biết Ukraine đang tiến hành một cuộc “diệt chủng” kéo dài 8 năm.

Mặc dù ngày lễ được dành riêng cho khái niệm về sự tha thứ, Kirill cho biết không thể có sự tha thứ nếu không đưa ra “công lý” trước, nếu không thì đó là sự đầu hàng và sự yếu đuối. Bài phát biểu đã bị cộng đồng quốc tế giám sát chặt chẽ, khi Kirill nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Putin rằng Nga đang chống lại “chủ nghĩa phát xít” ở Ukraine. Trong suốt bài giảng lễ, Kirill không sử dụng thuật ngữ “người Ukraine”, mà gọi đơn giản cả người Nga và người Ukraine là “những người Nga thánh thiện”, đồng thời tuyên bố những người lính Nga ở Ukraine đã “hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu”, khi phân tích Phúc âm Thánh Gioan. Ông ta nói như trên bất kể thực tế là những người lính Nga tàn sát dân lành Ukraine, tấn công vào các hạ tầng cơ sở của Ukraine.

Vào ngày 9 tháng 3 năm 2022, sau phụng vụ, ông tuyên bố rằng Nga có quyền sử dụng vũ lực chống lại Ukraine để bảo đảm an ninh của Nga, rằng người Ukraine và người Nga là một dân tộc, rằng Nga và Ukraine là một quốc gia, rằng phương Tây xúi giục người Ukraine giết người Nga, gieo rắc sự bất hòa giữa người Nga và người Ukraine và cung cấp vũ khí cho người Ukraine vì mục đích cụ thể này, và do đó phương Tây là đối thủ của Nga và của Chúa.

Trong một lá thư gửi Hội đồng các Giáo hội Thế giới được gửi vào tháng 3 năm 2022, Kirill biện minh cho cuộc tấn công vào Ukraine để hạn chế sự mở rộng NATO, bảo vệ tiếng Nga và thành lập Giáo hội Chính thống Ukraine.

Sau vụ thảm sát Bucha vào ngày 3 tháng 4, Kirill, phát biểu tại Nhà thờ chính của Lực lượng Vũ trang Nga, đã ca ngợi các lực lượng vũ trang vì những “chiến công” phục vụ, và nói rằng nước Nga là nước “yêu chuộng hòa bình nhất hoàn cầu”.

Nhà thờ St Nicholas Chính thống Nga ở Amsterdam, Hà Lan, đã tuyên bố rằng họ không thể hoạt động trong tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa nữa vì thái độ của Kirill đối với cuộc xâm lược của Nga, và thay vào đó đã yêu cầu gia nhập Tòa thượng phụ Đại kết Constantinople. Giáo Hội Chính thống Nga ở Lithuania đã tuyên bố rằng họ không chia sẻ quan điểm và nhận thức chính trị với Kirill và do đó đang tìm kiếm sự độc lập khỏi Mạc Tư Khoa.

Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Sự Hiệp nhất Kitô giáo, nói rằng việc hợp pháp hóa “cuộc chiến tranh tàn bạo và phi lý” của Đức Thượng Phụ Kirill là luận lý của “một tà giáo”.

Kirill ủng hộ việc huy động công dân ra mặt trận ở Ukraine, ông kêu gọi công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự và nếu họ cống hiến mạng sống cho đất nước của mình, họ sẽ ở bên Chúa trong vương quốc của Ngài bất kể các tội lỗi họ phạm trong đời.

2. Hồng Y Fernández nói ‘Mỗi giám mục có quyền phân định việc áp dụng’ Tuyên ngôn Fiducia supplicans

Trước những chống đối liên quan đến Tuyên ngôn Fiducia supplicans, Hồng Y Víctor Manuel Fernández nói với tờ Pillar Catholic rằng việc áp dụng một tài liệu đã được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn là bắt buộc. Tuy nhiên, trước các chống đối dồn dập hơn, ngài đã thay đổi thái độ.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Fernández: ‘It’s proper for each bishop’ to discern application of Fiducia Supplicans,” nghĩa là “Hồng Y Fernández nói “Việc phân định của mỗi giám mục xem có nên áp dụng Tuyên ngôn Fiducia supplicans hay không là chính đáng.”

Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, đã bình luận về sự miễn cưỡng của từng giám mục và hội đồng giám mục đối với tuyên bố Fiducia Supplicans, và nói rằng “việc mỗi giám mục địa phương phân định về Tuyên ngôn là điều thích hợp”.

Tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin thiết lập sự phân biệt giữa các phép lành phụng vụ và một loại phép lành mới có tính chất không chính thức, đồng thời khuyến khích ban phép lành cho những người trong “các tình huống bất thường” và “các cặp đồng giới”, và cho rằng nếu được thực hiện với một số biện pháp phòng ngừa nhất định, chúng không gây ra nhầm lẫn với việc chấp thuận hành vi hoặc hoàn cảnh trái với tín lý.

Trong một cuộc phỏng vấn đăng trên tờ báo ABC của Tây Ban Nha, Fernández đã trả lời những lời chỉ trích và ý kiến khác nhau được các Hồng Y, giám mục và các hội đồng giám mục đưa ra, đồng thời bảo đảm rằng “nếu văn bản được đọc với thái độ bình thản, có thể thấy rằng nó ủng hộ với sự rõ ràng và đơn giản tuyệt vời của giáo huấn Công Giáo lâu đời về hôn nhân và tính dục.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng những người chỉ trích Fiducia Supplicans “không thể không đồng ý với tín lý đó”, và lưu ý rằng theo cách hiểu của ngài, những phản đối đối với tài liệu này có liên quan đến “việc ban phước lành không phù hợp trong bối cảnh khu vực của họ mà dễ bị nhầm lẫn với sự hợp pháp hóa của một liên minh bất hợp pháp.”

Đặc biệt là ở Phi Châu, nơi “có luật trừng phạt đến mức bỏ tù những ai chỉ cần tuyên bố mình là người đồng tính, hãy tưởng tượng xem một một phép lành như thế sẽ làm được điều gì,” nhà lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin nói và nói thêm rằng “điều đó phù hợp với từng địa phương”. Giám mục đưa ra sự phân định đó trong giáo phận của mình hoặc trong bất kỳ trường hợp nào, để đưa ra hướng dẫn thêm”.

Sau ấn bản ngày 18 tháng 12 của Fiducia Supplicans, đã có những tuyên bố từ nhiều giám mục hoặc hội đồng giám mục trên khắp thế giới bày tỏ những ý kiến khác nhau.

Các giám mục từ một số quốc gia như Đức, Áo và Pháp đã bày tỏ sự hài lòng với tuyên bố này, và một số người trong số họ thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng các linh mục không thể từ chối ban những phép lành phi nghi lễ này cho những người trong hoàn cảnh trái luật.

Tại các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Ukraine, Ghana, Kenya và Mễ Tây Cơ, các giám mục đã thể hiện sự ủng hộ của mình đồng thời cảnh báo về khó khăn trong việc bảo đảm rằng những cử chỉ mục vụ này không khiến người dân bối rối về sự thay đổi trong giáo lý về hôn nhân và tính dục trong Giáo Hội Công Giáo.

Theo xu hướng đó, giám mục của Orihuela-Alicante ở Tây Ban Nha, Đức Cha José Ignacio Munilla, lưu ý rằng mặc dù tuyên bố này không phải là “dị giáo” nhưng việc áp dụng nó có thể “hỗn loạn”.

Các giám mục của ít nhất 4 quốc gia đã cấm áp dụng Fiducia Supplicans: là Kazakhstan, Malawi, Zambia và Cameroon.

Hồng Y Fernández nói với ABC rằng trong trường hợp của những người đồng tính luyến ái, phép lành không chính thức hoặc “mục vụ” được Fiducia Supplicans cho phép không có nghĩa là, “chấp nhận một cuộc hôn nhân, cũng không phải là sự phê chuẩn cuộc sống mà họ đang sống, cũng không phải là một sự xá tội. Đó là một cử chỉ đơn giản của sự gần gũi mục vụ không có cùng những yêu cầu của một bí tích.”

Đức Hồng Y nói thêm: “Chúng ta sẽ phải làm quen với việc hiểu rằng nếu một linh mục ban phép lành đơn giản này thì ông ấy không phải là một kẻ dị giáo, ông ấy không phê chuẩn bất cứ điều gì, ông ấy cũng không phủ nhận giáo lý Công Giáo về hôn nhân”.

Khi được hỏi liệu tuyên bố này có phải là bước đầu tiên hướng tới việc chấp nhận hành vi đồng tính luyến ái hay coi hôn nhân là sự kết hợp giữa những người cùng giới hay không.

Đức Hồng Y nói: “Nhận thức đó hoàn toàn không chính xác, và bất cứ ai nói rằng chưa đọc văn bản hoặc đang 'có tâm trạng tồi tệ', hãy cho phép tôi diễn đạt. Tuyên bố nêu rõ ràng và không ngừng rằng đây là những lời chúc phúc không mang tính nghi thức, do đó chúng không được hiểu là hôn nhân.”

Bộ Giáo Lý Đức Tin là cơ quan của Giáo triều Rôma nhằm bảo đảm sự hiệp nhất trong đức tin của Giáo Hội. Tuyên bố của ngài nói rằng “việc mỗi giám mục địa phương phân định về Tuyên ngôn là điều thích hợp” gây ra lo ngại là thay vì cổ vũ hiệp nhất vào bảo vệ đạo lý của Giáo Hội, Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới thời Hồng Y Víctor Manuel Fernández đang khuyến khích tình trạng trăm hoa đua nở và phân mảnh.


Source:Catholic News Agency