1. Putin nói về quan hệ với Âu Châu và Mỹ

Putin cho biết ông sẵn sàng sửa chữa quan hệ với Âu Châu và Mỹ nhưng cũng nói rằng Nga không làm gì sai trong việc xâm lược Ukraine và đổ lỗi cho phương Tây đã “làm hỏng mối quan hệ” với Nga.

“Chúng tôi không hủy hoại mối quan hệ với phương Tây,” ông nói, bắt đầu một bài giảng dài về quan điểm của Điện Cẩm Linh về lịch sử Ukraine. “Họ đã hủy hoại mối quan hệ với chúng tôi và họ luôn cố gắng đẩy chúng tôi xuống vị trí thứ hai hoặc thứ ba mà phớt lờ lợi ích của chúng tôi”.

Có lúc, ông kể lại lịch sử của cuộc cách mạng Ukraine năm 2014, “họ khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào trong hành động của mình”.

Putin không đưa ra nhiều tin tức ngày hôm nay nhưng nhà lãnh đạo Nga đã có đường lối hung hăng, nói nhiều về cuộc chiến và không làm gì nhiều để chứng tỏ rằng ông đang rút lui khỏi các mục tiêu theo chủ nghĩa tối đa của Nga.

Ông cũng dành lời khen ngợi cho nhà lãnh đạo Hung Gia Lợi, Victor Orbán, và thủ tướng dân túy của Slovakia, Robert Fico. Đặc biệt, Orban đã từ chối viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine khi ông thúc đẩy Brussels giải phóng cho Hung Gia Lợi hàng tỷ euro viện trợ bị giữ lại do lo ngại về quy định pháp luật.

“Họ không phải là những chính trị gia thân Nga,” ông nói về Orbán và Fico. “Họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc.”

Chỉ trích hành vi “đế quốc” của Mỹ, ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng sắp xếp quan hệ với họ… Chúng tôi cho rằng Mỹ là một quốc gia quan trọng, cần thiết trên thế giới. Nhưng nền chính trị đế quốc của họ đã cản trở họ.”

2. Vladimir Putin tiết lộ số lính Nga đang chiến đấu ở Ukraine

Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết tổng cộng 617.000 binh sĩ Nga hiện đang chiến đấu ở Ukraine. Theo ông, khoảng 244.000 người trong số họ là những người lính được triệu tập để chiến đấu bên cạnh quân đội chuyên nghiệp của Nga.

Chi tiết hiếm hoi về hoạt động quân sự của Mạc Tư Khoa ở Ukraine được đưa ra trong cuộc họp báo cuối năm của Putin hôm thứ Năm 14 Tháng Mười Hai.

Putin đặc biệt nhấn mạnh rằng Điện Cẩm Linh không cần đợt huy động quân dự bị thứ hai.

Ông cho biết mỗi ngày có 1.500 người được tuyển mộ vào quân đội trên khắp đất nước. Tính đến tối thứ Tư, ông cho biết tổng cộng 486.000 binh sĩ đã ký hợp đồng với quân đội Nga.

3. Kyiv tố cáo Nga tấn công miền nam Ukraine bằng 42 máy bay không người lái chỉ trong đêm

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 15 Tháng Mười Hai,Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ hàng chục máy bay không người lái do Iran thiết kế do lực lượng Nga phóng nhằm vào thành phố phía nam Odesa, trong cuộc tấn công qua đêm mới nhất của Mạc Tư Khoa khiến 11 người bị thương.

“Tổng cộng, quân xâm lược đã phóng 42 máy bay không người lái tấn công chúng ta”, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết và nhấn mạnh rằng 41 máy bay không người lái Shahed đã bị bắn hạ. Chúng được triển khai từ lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập vào năm 2014.

Các mảnh vỡ rơi xuống đã làm hư hỏng một ký túc xá ở Odesa, AFP đưa tin.

Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết 11 người trong đó có 3 trẻ em bị thương. Cô nói thêm: “Quỷ Nga bắt đầu buổi tối thứ hai liên tiếp bằng cuộc tấn công vào Odesa.”

Sáng thứ Sáu 15 Tháng Mười Hai, Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ 9 máy bay không người lái của Ukraine đang tiến về thủ đô, vài giờ trước cuộc họp báo rất được mong đợi của Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi phát động cuộc tấn công Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

“Các đơn vị phòng không đang làm nhiệm vụ đã phá hủy và đánh chặn 9 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ khu vực Kaluga và Mạc Tư Khoa”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời đổ lỗi cho Kyiv về vụ tấn công.

4. Thủ tướng Estonia mô tả cuộc họp căng thẳng tại Liên Hiệp Âu Châu

Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, hôm thứ Năm cho biết Liên Hiệp Âu Châu đã đạt được thỏa thuận về việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Cô cho biết Thủ tướng Hung Gia Lợi, Victor Orbán, đã nói với cô rằng ông ta không đồng ý việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

“Tôi đã nói chuyện với Viktor Orbán, và tìm cách thuyết phục ông ta. Nhưng, ông ấy nói rằng hiện tại ông ấy không thấy có một lý do nào để đồng ý.”

Orbán nói với các phóng viên báo chí rằng: “Xem xét các con số, phân tích kinh tế và xem xét nghiêm chỉnh rằng các cuộc đàm phán với Ukraine sẽ nhằm mục đích cấp tư cách thành viên - chúng ta không được sử dụng nó như một động thái chính trị - vì tư cách thành viên không nhằm mục đích đó… vì thế, chúng tôi phải nói rằng suy nghĩ như thế là vô lý, lố bịch và không nghiêm chỉnh.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Estonia cho biết Ukraine đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để mở các cuộc đàm phán gia nhập vốn sẽ mất vài năm.

Cô cho biết cuộc họp đã diễn ra hết sức căng thẳng. Sau vài giờ thảo luận khó khăn về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine và Moldova, trước thái độ khăng khăng một cách vô lý của Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán, là người quyết liệt cản trở với quyền phủ quyết của mình, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu “mất kiên nhẫn”.

Kallas cho biết Scholz đã nói với Orbán trước mặt các nhà lãnh đạo khác rằng nếu ông thực sự không sẵn lòng đồng ý, ông có thể rời khỏi phòng để các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu có thể đưa ra quyết định đồng thanh về việc mở rộng khi ông vắng mặt.

Orbán hậm hực bước ra, mặc dù ông ta có thể cứ ngồi đó và tiếp tục phủ quyết.

Kallas nhận xét rằng việc bỏ ra ngoài của Orbán có thể coi là bỏ phiếu trắng. Những người còn lại đã đồng thanh đồng ý việc mở cuộc đàm phán cho Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu.

Cô nói cô cảm thấy bất ngờ vì mọi chuyện trở nên dễ dàng như thế.