1. Kinh cầu hòa bình của Đức Thánh Cha lên Mẹ Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa: “Giải thoát chúng con khỏi bạo lực, lau khô nước mắt của các phụ nữ và các bà mẹ, bảo vệ những người đang bị đè nén vì bất công, nghèo đói, chiến tranh”. Ngài đặc biệt cầu cho hòa bình tại Ukraine, Palestine và Israel đang ở trong vòng xoáy của bạo lực.

Đức Thánh Cha bày tỏ lời khẩn xin trên đây, trước tượng đài Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Quảng trường Tây Ban Nha ở Roma, chiều ngày 08 tháng Mười Hai vừa qua, trong cuộc kính viếng theo truyền thống.

Khi đến đây lúc quá 4 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã được ông Thị trưởng Gualtieri của Roma, Đức Hồng Y giám quản Angelo de Donatis và đông đảo các tín hữu, đón tiếp.

Sau khi đặt vòng hoa hồng màu trắng trước bệ chân tượng đài, Đức Thánh Cha đọc lời nguyện:

“Lạy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm! Chúng con đến cùng Mẹ với tâm hồn bị phân chia giữa hy vọng và lo âu. Chúng con cần đến Mẹ, là Mẹ chúng con! Nhưng trước hết chúng con muốn cảm tạ Mẹ, vì trong thinh lặng, như lối sống của Mẹ, Mẹ canh giữ trên thành phố này, hôm nay đang dâng Mẹ những đóa hoa để biểu lộ lòng kính mến Mẹ. Trong thinh lặng, ngày và đêm, Mẹ canh giữ cho chúng con: trên các gia đình, với những vui mừng và âu lo - Mẹ biết rõ -; trên những nơi học hành và làm việc; trên các tổ chức và công sở; trên các bệnh viện và nhà thương; trên các nhà tù; trên những người sống trên đường phố, trên các giáo xứ và mọi cộng đoàn của Giáo hội tại Roma.

“Cảm tạ Mẹ vì sự hiện diện kín đáo và liên lỷ, mang lại cho chúng con an ủi và hy vọng.

“Lạy Mẹ, Mẹ biết chúng con cần đến Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Vô Nhiễm. Bản thân Mẹ, chính sự hiện hữu của Me nhắc nhở chúng con rằng sự ác không có tiếng nói đầu tiên và cuối cùng; định mệnh của chúng con không phải là sự chết nhưng là sự sống, không phải là oán thù nhưng là tình huynh đệ, không phải là xung đột nhưng là hòa hợp, không phải là chiến tranh nhưng là hòa bình.

“Khi nhìn Mẹ, chúng con cảm thấy được củng cố trong niềm tin nhiều khi bị những bị thử thách cam go vì các biến cố. Và Mẹ, hướng mắt từ bi nhìn tất cả các dân tộc đang bị đè nén vì bất công và nghèo đói, bị thử thách vì chiến tranh, dân tộc Ukraine và dân tộc Palestine, bị hút trở lại trong vòng xoáy của bạo lực.

“Ngày hôm nay, lạy Mẹ thánh, chúng con mang đến đây, dưới cái nhìn của Mẹ, bao nhiêu bà mẹ đang đau khổ, như đã xảy ra cho Mẹ. Những bà mẹ khóc con bị giết vì chiến tranh và khủng bố. Những bà mẹ nhìn các con ra đi trong hành trình tuyệt vọng. Và cả những bà mẹ đang tìm cách gỡ các nút nghiện ngập, những bà mẹ đang canh thức con bị bệnh tật lâu dài và cam go.

“Ngày hôm nay, lạy Mẹ, chúng con đang cần Mẹ như một phụ nữ để phó thác cho Mẹ tất cả các bà mẹ đã chịu đau khổ vì bạo lực và những bà mẹ còn là nạn nhân của bạo lực, tại thành phố này, ở Ý và các nơi trên thế giới. Mẹ biết từng người trong họ, biết khuôn mặt của họ. Chúng con xin Mẹ lau khô nước mặt của họ và của những người thân yêu của họ.

“Và xin Mẹ giúp chúng con thực hiện một con đường giáo dục và thanh tẩy, nhìn nhận và chống lại bạo lực tiềm ẩn trong tâm trí chúng con, và xin Thiên Chúa giải thoát cho họ. Lạy Mẹ, xin tỏ cho chúng con một lần nữa con đường hoán cải, vì không có hòa bình nếu không có tha thứ và không có tha thứ nếu không có thống hối. Thế giới thay đổi nếu con tim thay đổi; và mỗi người phải nói: bắt đầu từ con tim tôi. Nhưng con tim nhân loại chỉ có Thiên Chúa mới có thể thay đổi bằng ơn thánh của Ngài: ơn thánh mà trong đó Mẹ được tràn đầy ngay từ giây phút đầu tiên. Ơn thánh của Đức Giêsu, Chúa chúng con, Đấng mà Mẹ đã sinh ra trong thể xác, đã chết và sống lại vì chúng con và Mẹ luôn chỉ cho chúng con. Chúa là ơn cứu độ, cho mỗi người và toàn thế giới.

“Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! Xin cho nước Chúa trị đến, nước tình thương, công lý và hòa bình! Amen.

Kính viếng Đền thờ Đức Bà Cả

Trước khi đến Quảng trường Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Đền thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma. Đây là lần thứ 115 ngài kính viếng tại đây và lần này ngài dâng kính Mẹ Thiên Chúa cành hoa hồng vàng đặt giữa hai bình hoa hồng trắng trước ảnh Đức Mẹ.

Trước khi rời Quảng trường Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha còn đến gần chào thăm anh chị em bệnh nhân ngồi trên xe lăn được những người thiện nguyện thuộc tổ chức Unitalsi săn sóc.

2. Cựu thư ký của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI làm tân Sứ thần tại Maroc

Hôm mùng 08 tháng Mười Hai vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Alfred Xuereb làm tân Sứ thần Tòa Thánh tại Vương quốc Maroc.

Đức Tổng Giám Mục Xuereb người Malta, năm nay 65 tuổi (1958), từng phục vụ tại Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh, trước khi được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI chọn làm thư ký thứ hai của ngài từ năm 2007, phụ tá cho Đức ông Gaeswein người Đức. Sau đó ngài tiếp tục nhiệm vụ này với Đức Thánh Cha Phanxicô trong thời gian ngắn trước khi được bổ nhiệm tổng thư ký Bộ kinh tế của Tòa Thánh vào năm 2014.

Bốn năm sau đó, Đức ông Xuereb được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn và Mông Cổ. Nay ngài được chuyển sang làm Sứ thần Tòa Thánh tại Vương quốc Maroc. Trong số gần 34 triệu dân cư tại đây, hầu hết theo Hồi giáo và chỉ có 1%, khoảng 30.000 tín hữu Công Giáo. Tuy bé nhỏ, nhưng Công Giáo tại đây cũng có một vị Hồng Y là Cristobal Lopez Romero, Dòng Don Bosco, Tổng giám mục Giáo phận Rabat.

3. Công Giáo Ukraine Đông phương bị Nga cấm hoạt động

Nhà cầm quyền tại miền Zaporizhia, mạn đông của Ukraine bị Nga xâm lược, đã ra lệnh cấm các hoạt động của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cũng như Hội Hiệp sĩ Colombo và Caritas dấn thân phục vụ xã hội tại miền này.

Ban thông tin của Giáo hội này cho biết nhà cầm quyền ở Zaporizhizia, - một miền rộng hơn 10.000 cây số vuông, giáp giới với Nga, và có khoảng một triệu 600.000 dân cư trước chiến tranh, - viện cớ rằng có những “chất nổ và võ khí được tích chứa trong các cơ sở tôn giáo và những nhà phụ cận, cũng như vì các hoạt động của Công Giáo Ukraine Đông phương vi phạm luật lệ về tôn giáo và các tổ chức công cộng của Liên bang Nga”. Cụ thể là vì các giáo dân Công Giáo đã tham gia cuộc nổi loạn và các cuộc biểu tình chống Nga trong tháng Ba và tháng Tư năm ngoái (2022), phân phát các truyền đơn xách động vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga, sự tích cực tham gia của các cộng đoàn Công Giáo Ukraine Đông phương vào các hoạt động của những tổ chức cực đoàn và tuyên truyền tân quốc xã...”

Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói thêm rằng ngoài việc cấm các hoạt động trên đây, nhà cầm quyền Nga xâm lược lãnh thổ Ukraine cũng ra lệnh:

- chuyển giao các động sản và bất động sản cũng như các khu đất của Giáo Hội Công Giáo Ukraine cho chính quyền quân sự và dân sự tại miền Zaporizhizia.

- chấm dứt việc ghi danh các cộng đoàn Công Giáo Ukraine Đông phương tại miền này;

- cấm những người giữ các vai trò lãnh đạo và hành chánh trong Giáo hội này không được nhận ghi danh cc tổ chức công cộng và tôn giáo tại miền Zaporizhizia;

Ngoài ra, nhà cầm quyền cũng cấm các hoạt động của các tổ chức bác ái như hiệp sĩ Colombo, và các tổ chức Caritas từ Canada, Mỹ, Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Caritas Donetsk và Caritas Melitopol.

Qua thông cáo trên đây, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương kêu gọi các tổ chức tôn giáo quốc tế hãy làm tất cả những gì có thể để bảo đảm tự do tôn giáo tại những lãnh thổ của Ukraine bị tạm chiếm.

Giáo Hội Công Giáo Ukraine có khoảng 5 triệu người trên thế giới, trong số này có hơn bốn triệu ở Ukraine. Ngoài Giáo hội này, tại Ukraine còn có khoảng 800.000 tín hữu Công Giáo Latinh.