Đức Thánh Cha kêu gọi diệt trừ 'cỏ độc' bạo lực đối với phụ nữ

Nhân Ngày Quốc tế Chấm dứt Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em, Đức Thánh Cha nói bệnh dịch này phải được loại trừ tận gốc khỏi xã hội và kêu gọi hành động bằng giáo dục đặt phẩm giá con người làm trung tâm.

(Tin Vatican - Lisa Zengarini)

Trong ngày Thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Chấm dứt Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em (VAWG) của Liên hợp quốc, ngày 25 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi cấp thiết của ngài về hành động cụ thể để xóa bỏ tai họa này, đặc biệt thông qua việc giáo dục.

Một loại cỏ độc

“Bạo lực chống lại phụ nữ là một loại cỏ độc đang hoành hành xã hội, phải được nhổ tận gốc rễ”, Đức Thánh Cha viết trong một bài đăng trên trang X (trước đây là Twitter) vào hôm thứ Bảy (25/11/2023).

ĐTC viết: “Những cội rễ này mọc lên trong cuộc sống là thành kiến và bất công; chúng phải được chống lại bằng hành động giáo dục đặt con người, với phẩm giá của nó, làm trung tâm.”

Kêu gọi hành động toàn cầu để ngăn chặn bạo lực

Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ được tổ chức hàng năm kể từ 1981. Lễ kỷ niệm này đánh dấu sự khởi đầu của 16 ngày hoạt động toàn cầu, kêu gọi hành động toàn cầu nâng cao nhận thức, thúc đẩy vận động chính sách và tạo cơ hội thảo luận về những thách thức và các giải pháp.

Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những hành động vi phạm nhân quyền phổ biến và lan rộng nhất trên thế giới. Nó thường xảy ra trong gia đình; ước tính cho thấy cứ 11 phút lại có một phụ nữ bị người tình hoặc thành viên gia đình sát hại.

Theo dữ liệu gần đây của Liên Hợp Quốc, trên toàn cầu, hơn 700 triệu phụ nữ - gần 1/3 - đã bị bạo lực thể lý hoặc tình dục do người tình gây ra, bạo lực tình dục không phải do người tình hoặc cả hai, xảy ra ít nhất một lần trong đời.

Hiện tượng này ngày càng gia tăng ở nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả nơi làm việc và không gian trực tuyến, đồng thời ngày càng trở nên trầm trọng hơn do các tác động, xung đột và biến đổi khí hậu sau đại dịch.

Phụ nữ và trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột vũ trang, nơi bạo lực tình dục được xử dụng như vũ khí chiến tranh và tràn lan trong các trại tị nạn.

Trách nhiệm mục vụ của Giáo Hội

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Bảy, Chủ tịch Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Đức Hồng Y Kevin Farrell, đã nhắc lại cam kết của Giáo hội trong việc chống lại và ngăn chặn bạo lực tính dục cũng như cung cấp hỗ trợ cho các nạn nhân.

Ngài nói: “Giáo hội có nhiệm vụ gần gũi với những phụ nữ, nạn nhân của bạo lực và bóc lột, và sự gần gũi như vậy có thể được thể hiện bằng nhiều cách: từ việc cung cấp nhà ở an toàn cho các nạn nhân của bạo lực, đến hỗ trợ tâm lý và tinh thần để giúp đỡ các nạn nhân vượt qua những tổn thương và trình báo các hành vi lạm dụng.”

Giáo dục tình cảm và sự tôn trọng

Nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Farrell lưu ý rằng một khía cạnh quan trọng là giáo dục hướng tới sự tôn trọng phụ nữ, “bắt đầu bằng việc nhận ra vấn đề trong gia đình cũng như trong các cộng đồng Kitô giáo.

Ngài nói: “Việc giáo dục mọi người về tình cảm, tình yêu thương, sự tôn trọng người khác và trước hết là cuộc sống của chính họ, là điều rất cần thiết trong việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ, có nguồn gốc mạnh mẽ và sâu sắc từ Tin Mừng”.

Do đó, Đức Hồng Y Farrell kêu gọi tất cả các Giáo hội trên khắp thế giới hãy cùng hành động “để cung cấp cho các gia đình, giới trẻ, các cặp đính hôn và cộng đồng những đường lối giáo dục nhằm ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ”.

Đức Hồng Y kết luận: “Đây là một trách nhiệm mục vụ, trong đó ơn gọi của Giáo hội trở thành công cụ hòa bình được thể hiện”.