1. Người Công Giáo kêu gọi mở án phong thánh cho ông từ nhà thờ bị thánh chiến Hồi Giáo sát hại tại phòng thánh ở Tây Ban Nha

Giáo phận Cádiz và Ceuta ở miền nam Tây Ban Nha đã bắt đầu nhận được yêu cầu từ người Công Giáo yêu cầu giáo phận thúc đẩy quá trình phong thánh cho Diego Valencia, người coi phòng thánh đã bị một kẻ cực đoan Hồi giáo sát hại vào Tháng Giêng năm ngoái.

Valencia bị trọng thương vào ngày 25 Tháng Giêng sau khi bị Yassinne Kanjaa, một công dân Maroc, dùng dao rựa tấn công. Chiến binh thánh chiến đã tiến vào Nhà thờ Đức Mẹ La Palma ở Algeciras và dùng dao rựa tấn công các bức tượng, nến và các đồ vật khác.

Valencia, 65 tuổi, người đã làm ông từ nhà thờ trong 16 năm, đã đối đầu với kẻ tấn công. Tên này mặc chiếc djellaba màu đen là trang phục đặc trưng của Maroc. Sau khi bị Kanjaa tấn công bằng thứ mà một nhân chứng gọi là “một con dao rựa lớn màu xanh” và những người khác mô tả là một “con dao” hay “một loại katana”, một thanh kiếm cong của Nhật Bản, ông từ bỏ chạy ra ngoài nhà thờ, nơi chiến binh thánh chiến đuổi kịp, và kết liễu cuộc sống của ông bằng lưỡi kiếm dài của mình.

Hiệp hội Enraizados en Cristo y la Sociedad đã từng phát động nỗ lực bắt đầu quá trình phong thánh cho Cha Juan José Marina, đã yêu cầu giám mục giáo phận Cádiz và Ceuta, là Đức Cha Rafael Zornoza, mở giai đoạn cấp giáo phận trong tiến trình phong thánh.

Giáo phận cho biết người giữ phòng áo quá cố “được nhiều người yêu mến trong giáo xứ và trong thành phố vì sự cống hiến và niềm nở của ông với mọi người”.

Hiệp hội Enraizados nhấn mạnh trong một tuyên bố trên trang web của mình rằng “Kẻ giết người đã kết liễu cuộc đời Valencia. Chúng ta sẽ không để thời gian chấm dứt ký ức và hành động can đảm phi thường của Valencia, chắc chắn là do Chúa Thánh Thần thúc đẩy.”

Theo điều tra tư pháp, chiều ngày 25/1, Kanjaa đã tấn công hai nhà thờ ở Algeciras với động cơ là hận thù tôn giáo. Lần đầu tiên anh ta đến Nhà thờ Chúa Cứu Thế, nơi anh ta làm bị thương Cha Antonio Rodríguez, dòng Salêdiêng. Vị linh mục sống sót sau vụ tấn công, mặc dù ngài qua đời vài tháng sau đó do một căn bệnh được chẩn đoán là xuất phát từ vụ tấn công.

Tiếp theo, hắn ta đến Giáo xứ Đức Mẹ La Palma, nơi anh ta sát hại Valencia. Cha sở của nhà thờ tình cờ không có mặt vì lúc đó ngài đang làm công việc mục vụ khác. Khi cuộc tấn công xảy ra, Đức Cha Rafael Zornoza, đang ở gần đó trong một chuyến thăm mục vụ và ngài nhanh chóng đến hiện trường sau đó.

Cả Cha Lucena và Ông Valencia đều đã được truy tặng huân chương “Pro Ecclesia Gadilance et Septense” do giáo phận trao tặng.


Source:Catholic News Agency