Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “A ‘SYNODAL REFORM’ OF THE PAPAL CONCLAVE?”, nghĩa là “Một “Cải Cách Kiểu Đồng Nghị” cho Cơ Mật Viện Bầu Giáo Hoàng à?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi người Mỹ kỷ niệm Ngày Lễ Tạ ơn vào ngày 23 tháng 11, những đồng bào Công Giáo của tôi có thể dành chút thời gian để cảm ơn về một tông hiến 120 năm tuổi mà hầu như không ai nhớ đến—nhưng tông hiến đó đang khẳng định lại sự liên quan của nó trong thời điểm Công Giáo đầy rắc rối này.

Trong nhiều thế kỷ, các Giáo Hoàng đã thực thi chủ quyền đối với một vùng rộng lớn ở miền trung nước Ý được gọi là Lãnh thổ Giáo Hoàng. Trong số nhiều cách mà sự sắp xếp này cản trở sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo, cần phải đề cập đến việc Đức Giáo Hoàng là người có quyền lực trần thế trên những vùng đất cần phải được bảo vệ chắc chắn, và điều đó đã khiến Giáo hội vướng vào nền chính trị quyền lực của Âu Châu. Sự vướng mắc không đáng có này đã dẫn đến ius exclusivae hay quyền phủ quyết, theo đó các quốc vương Công Giáo ở Tây Ban Nha, Pháp và Áo được phép tuyên bố quyền phủ quyết một ứng cử viên cho chức Giáo Hoàng mà người này, người kia hoặc người nọ không thích.

Ius exclusivae chưa bao giờ được Giáo hội chính thức thừa nhận, nhưng chính trị Âu Châu là như vậy, trong một số trường hợp ở thời hiện đại, mật nghị bầu chọn Giáo Hoàng cảm thấy rằng cần phải chú ý đến bóng đen của chế độ quân chủ. Vì vậy, trong mật nghị năm 1823, được kêu gọi bầu người kế vị Đức Giáo Hoàng Piô Đệ Thất, Hoàng đế Francis Đệ Nhất của Áo đã loại bỏ tư cách ứng viên của Đức Hồng Y Antonio Severoli, dẫn đến việc bầu Đức Hồng Y Annibale della Genga làm Đức Giáo Hoàng Lêô thứ Mười Hai. Bảy năm sau, trong mật nghị kéo dài một tháng rưỡi trong năm 1830 và 1831, Vua Ferdinand Đệ Thất của Tây Ban Nha đã phủ quyết tư cách ứng viên của Đức Hồng Y Giacomo Giustiniani, một cựu sứ thần ở Tây Ban Nha, là người đã có ác cảm với hoàng hậu của Vua Ferdinand, dẫn đến việc bầu chọn Đức Hồng Y Mauro Cappellari, dòng Camaldol và là bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, làm Giáo Hoàng Grêgôriô thứ 16.

Sau đó, vào năm 1903, Đức Hồng Y Jan Puzyna của Cracow tuyên bố Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph có quyền phủ quyết đối với ứng viên hàng đầu, là Đức Hồng Y Mariano Rampolla, người có đường lối mềm dẻo với nền Cộng hòa thứ ba của Pháp mà hoàng đế Habsburg không đánh giá cao, và Pháp đang ở phía bên kia chiến tuyến của hệ thống liên minh Âu Châu vào thời điểm đó. Các Hồng Y đại cử tri không hài lòng, nhưng việc thực hiện ius exclusivae đã khiến Đức Hồng Y Rampolla không thể trở thành Giáo Hoàng và các đại cử tri cuối cùng chuyển sang ủng hộ Đức Hồng Y Giuseppe Sarto của Venice. Vào Tháng Giêng năm 1904, Đức Tân Giáo Hoàng Piô thứ Mười đã bãi bỏ ius exclusivae trong tông hiến Commissum Nobis, trong đó ngài ra vạ tuyệt thông tiền kết đối với bất kỳ ai dám can thiệp vào mật nghị trong tương lai và cảnh báo rằng làm như vậy sẽ gây ra “sự phẫn nộ của Thiên Chúa toàn năng và các Tông đồ của Ngài, Thánh Phêrô và Phaolô.”

Nhiều người ngày nay coi Commissum Nobis là đã lỗi thời. Nhưng không phải thế đâu. Gần đây có đề xuất – và không chỉ ở những khu vực nhạy cảm của giới bình luận Công Giáo – rằng triều Giáo Hoàng hiện nay đang xem xét một “cải cách” thủ tục mật nghị. Người ta suy đoán rằng một cuộc “cải cách” như vậy sẽ loại bỏ các Hồng Y trên 80 tuổi không có quyền bầu cử khỏi bất kỳ vai trò nào trong giai đoạn trống ngôi Giáo Hoàng, cấm các ngài tham gia các Tổng Công Nghị mà các ngài hiện có tiếng nói. Thay vào chỗ của các ngài sẽ là sự kết hợp giữa nam nữ giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ. Các nhóm nhỏ, bao gồm cả các Hồng Y cử tri và những người khác, sau đó sẽ gặp nhau, sử dụng phương pháp “Đối thoại trong Thánh Thần” được hỗ trợ bởi Thượng hội đồng 2023 để “phân định” những gì Giáo hội cần ở một vị Giáo Hoàng mới.

Một số vấn đề nghiêm trọng hiện lên trong đầu tôi ngay lập tức. Mặc dù ngày nay có thể không có các quốc vương Công Giáo quan tâm đến việc gây ảnh hưởng đến mật nghị bằng quyền phủ quyết, nhưng các cường quốc trên thế giới khác chắc chắn sẽ cố gắng thực hiện các hình thức “phủ quyết” khác.

Việc mở ra các cuộc thảo luận trước bầu cử ngoài Hồng Y đoàn chắc chắn sẽ mang lại áp lực từ các phương tiện truyền thông thế giới và mạng xã hội, và những áp lực đó chắc chắn sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình nghị sự. Các chính phủ thù địch với Giáo hội chắc chắn sẽ muốn đưa mái chèo của họ vào vùng nước mật nghị; Trung Quốc, Nga, Cuba và Venezuela là những cái tên được nhắc tới nhiều nhất và có thể còn có những nước khác. Sau đó, có những nhà bác ái tỷ phú hiểu rằng Giáo Hội Công Giáo là tổ chức toàn cầu lớn cuối cùng cản trở chương trình nghị sự cầu vồng về chuyển đổi xã hội thế giới mà họ đã thúc đẩy trong nhiều thập kỷ; những người đàn ông và phụ nữ này đã thấy phù hợp để đổ hàng triệu đô la vào các cuộc trưng cầu dân ý về phá thai ở các nước Công Giáo trong lịch sử, và không có lý do gì để nghĩ rằng họ sẽ nhượng bộ khi cố gắng sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để gây ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận trước cuộc bỏ phiếu trong thời gian trống ngôi Giáo Hoàng, mà về mặt lý thuyết việc hình thành các cuộc thảo luận đó sẽ có ảnh hưởng quyết định đến cuộc bỏ phiếu khi các đại cử tri Hồng Y bị khóa trong mật nghị viện.

Những áp lực này vẫn sẽ hiện diện nếu các quy định hiện hành của mật nghị không bị thay đổi. Nhưng mà, việc mở các cuộc thảo luận trước khi bỏ phiếu cho những người không phải là Hồng Y trong khi bịt miệng tiếng nói của một số trưởng lão khôn ngoan nhất của Giáo hội khiến nhiều khả năng những áp lực đó sẽ có tác dụng thực sự.

Và điều đó thực sự không nên xảy ra.


Source:First Things