CHÚA NHẬT 34 THƯỜNG NIÊN NĂM A.
LỄ CHÚA KI-TÔ VUA VŨ TRỤ : MT 25,31-46

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han’. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù mà đến hỏi han đâu?’ Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy’.

Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu hay ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng’. Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy’. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời”.




TÌNH YÊU PHÁN XỬ CHÚNG TA

Cách đây nhiều năm, chính quyền thủ đô nước Ý đã quyết định tặng mẹ Têrêxa Calcutta, vị tông đồ tình thương của thời đại, danh hiệu “Công dân danh dự thành phố Rô-ma” vì bao hoạt động cứu giúp kẻ nghèo thành phố của các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái do Mẹ sáng lập. Trong nghi lễ trao bằng chứng nhận, ông thị trưởng thành phố đại ý đã nói: “Chúng tôi xin hết lòng cảm ơn Mẹ và chị em vì công việc từ thiện vĩ đại và hữu hiệu đã thực hiện. Công việc của quý Dòng đã làm lợi cho thành phố Rô-ma mỗi năm 45 triệu đô-la, nghĩa là chúng tôi phải tốn một số tiền như thế mới đạt được hiệu quả cứu trợ mà chị em đang làm một cách miễn phí và với tất cả tấm lòng”. Đáp lại mẹ Têrêxa nói : “Ông thị trưởng cám ơn chúng tôi, nhưng chúng tôi thì phải cám ơn những người nghèo. Vì chính khi họ vui lòng nhận sự giúp đỡ của chúng tôi, họ đã cho chúng tôi trở thành hữu ích cho người khác và được nên con cái đích thực của Cha trên trời”. Nếu đúng như lời một danh ngôn: “Dưới đất, người có của giúp người nghèo khó. Trên trời, người nghèo khó giúp người có của”, thì Mẹ Têrêxa còn chưa nói đến 1 điểm : kẻ nghèo không chỉ tạo cho ta cơ hội nên tốt lành hữu ích mà còn có điều kiện để vào trong Vương quốc của tình yêu, như bài Tin Mừng hôm nay mặc khải.

1. Một tình yêu mang tính chất đơn sơ, cụ thể.

Trong đại diễn từ sau hết đây, “người thợ mộc nhỏ bé” làng Na-da-rét rốt cục bày tỏ ý thức kỳ lạ của mình về vai trò mình. Hôm nay, chúng ta có lời khẳng định mạnh mẽ nhất về thần tính Đức Giê-su theo nghĩa chặt. Trong vài ngày nữa, Người sẽ đi vào cuộc Khổ nạn (x. Mt 26,1-5) và trở thành “ông vua” bị nhạo báng, bị đội mão gai, bị giết chết như một tên nô lệ tầm thường. Nhưng Người biết mình là ai. Ngày nào đó Người “sẽ đến trong vinh quang để xét xử thế giới”, một đặc quyền mà Cựu Ước đã chỉ dành cho Đức Chúa (Gia-vê). Thành thử Đức Giê-su lấy lại ở đây danh hiệu “Con Người” mà Người đã không ngừng sử dụng để điểm xuyết diễn từ Thời cùng tận. Kể từ sách Đa-ni-en (7,13), “Con Người” là nhân vật bí ẩn, tự trời mà đến, được văn chương khải huyền Do-thái mô tả như Đại phán quan của Thời cùng tận.

Lúc đó, “các dân thiên hạ sẽ tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê”. Thỉnh thoảng ta nên nghĩ tới “Ngày” này, ngày mà ai cũng sẽ gặp. Lúc ấy, mọi chuyện dưới trần sẽ mặc những kích thước mới. Hãy xin Chúa giúp mình phán đoán mọi sự ngay từ bây giờ dưới quan điểm vĩnh cửu, phân biệt cái tầm phào với cái quan trọng. Ngày ấy, tôi cũng sẽ có mặt ở đó. Một đám đông lớn lao chen vai thích cánh chờ đợi cuộc Phán xử. Cũng sẽ có mặt tại đó những người tôi yêu, những người tôi biết, những người tôi đã mang trách nhiệm. Nhưng cũng có bao người khác nữa : Do-thái và phi Do-thái, Ki-tô hữu và phi Ki-tô hữu, kẻ tin và kẻ không tin, đạo hữu Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Vật linh giáo… các nhà thần nghiệm đã cầu nguyện suốt cuộc sống và những kẻ vô thần suốt cuộc sống đã không hề cầu nguyện… tất cả, trước nhan Đức Giê-su, Vua Mục tử, tước hiệu mà văn chương ngôn sứ thường vẫn gán cho Đức Chúa Gia-vê (x. Ed 34,11-22).

Trong vài ngày nữa, ông “Vua” ấy, “Con Thiên Chúa” ấy sẽ bị đóng đinh. Tuy nhiên, Người ý thức mình biết “dự tính Thiên Chúa từ thuở tạo thiên lập địa” : Người nói Thiên Chúa đã tạo dựng phàm nhân… để một ngày kia sẽ ban cho nó chính Vương quốc thần linh của Người làm gia sản. Nhưng đâu là tiêu chuẩn của cuộc phán xét ấy? Việc lựa lọc dựa trên những quy tắc nào? Thưa chính trên tình yêu, hoàn toàn trên tình yêu, mà chúng ta sẽ bị phán xét. Và là một tình yêu đơn sơ : cho ăn, cho uống, cho mặc, đón tiếp, thăm viếng, chăm nom. Như thế, các hành vi yêu thương khiêm tốn và chân thật nhất của chúng ta có một giá trị vô biên, một giá trị vĩnh cửu. Danh sách các cử chỉ tình yêu được kể ra này không có tính cách giới hạn. Đó chỉ là những ví dụ mà ta có thể kéo dài khi nhìn cuộc sống của mình. Con tôi khóc đêm, và tôi đã thức dậy để chăm sóc an ủi. Mẹ già của tôi không ngồi lên được nữa, và tôi đã nâng bà khỏi giường để đặt trên ghế. Láng giềng chúng ta cần bạn bè, và chúng ta đã lấy tình bằng hữu đối xử với họ. Trong Giáo xứ, Linh mục cần những ông cha bà mẹ làm giảng viên giáo lý, và tôi đã chấp nhận trách nhiệm chiếm nhiều thì giờ này. Đồng nghiệp của tôi cần được bênh vực chở che, và tôi đã nhận lấy những trách nhiệm nghiệp đoàn lẫn trách nhiệm chính trị… Một người bị sách nhiễu tù tội vì dám tố cáo cường quyền, bảo vệ công lý, đòi hỏi tự do, và tôi đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư hay viết một bài đăng mạng để đòi nhân quyền cho đương sự… Nhiều vùng trong nước đang bị lụt lội, và tôi đã tham gia vào các chiến dịch lạc quyên cứu đói…

Và Đức Vua phán : bản thân Người đã được hưởng những việc thiện ấy, khiến các chính nhân hết sức kinh ngạc. Sự ngạc nhiên này của những “người được cứu” là một trong những yếu tố kỳ dị của quang cảnh. Hình như không một ai trong những kẻ “được Cha chúc phúc” thật sự ý thức cái đã âm thầm diễn ra trong đời thường của mình : ý nghĩa cuối cùng của các hành vi họ chỉ được “mạc khải” cho họ vào giờ sau hết. Như thế, cuộc Chung thẩm này, mà chúng ta nghĩ rằng thuộc tương lai, còn lâu mới tới, thật ra là một biến cố thường trực : Ngày Phán xét chính là hôm nay ! Thiên Chúa sẽ chẳng phải “phán xét” con người, họ sẽ “tự phán xét” suốt đời họ. Thiên Chúa sẽ chẳng làm gì hơn là tỏ lộ cho họ thấy cái đã được “ẩn giấu” trong mỗi một ngày sống của họ ở trần gian. Cuộc sống vĩnh cửu đã khởi sự rồi. Nhưng cái gì được “ẩn giấu” cách vô thức thể ấy?

2. Một tình yêu có đối tượng cao cả khôn lường.

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Cái được “tỏ lộ”, thành thử là một sự hiện diện không ngờ của Đức Giê-su ! Khi tất cả lịch sử kết thúc, Đức Giê-su sẽ chỉ nói về “mình” như thể trong muôn tỷ người nam nữ, chỉ duy “mình Người” đã hiện hữu, cách bao la và bí mật : “Ta từng đói… Ta từng khát… Ta từng ở tù… Ta từng ngụ cư… Ta từng đau yếu…”. Như thế, việc “đến” trong vinh quang, lần sau hết và cách chớp nhoáng của Người trên mây trời sẽ là bằng chứng cho một việc “đến” khác, kín đáo và che giấu, nhưng triền miên bất tận. Sự hiện diện huy hoàng của Người vào ngày Cánh chung sẽ rõ ràng và hiển nhiên cho thấy Người đã không ngừng đến và không ngừng hiện diện… trong mỗi một anh em đang cần đến ta.

“Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”. Lạy Chúa Giê-su, Mạc khải tình yêu của Chúa Cha, chính Chúa đã nói lên câu kinh khủng nầy. Con nghe rõ lắm, nhưng không thể loại bỏ cái gây phiền nhiễu cho con như vậy. Thật thế, Tin Mừng đâu phải là một ý thức hệ mơ hồ và tình cảm, song là một lời mời gọi có tính chất đòi hỏi hết sức. Từ chối yêu mến… đâu có giống mến yêu ! Ích kỷ ghen ghét không thể có chỗ bên Thiên Chúa tình yêu được. Giáo lý về hỏa ngục như thế đã không được Giáo hội phát minh song do chính miệng Đức Giê-su công bố. Nhưng phải hiểu giáo lý đó như thế này : Thiên Chúa quá cao cả trong tình yêu nên đã ban cho thiên thần và loài người một tự do đích thực, kể cả tự do nói “không” với Người ngay trước mặt Người. Dĩ nhiên Thiên Chúa đâu muốn có hỏa ngục. Vì nếu sự hiện hữu của một kẻ trầm luân duy nhất có thể khiến chúng ta công phẫn, thì đối với Thiên Chúa còn đáng công phẫn hơn nhiều. Giữa Hỏa ngục “có thể” và Hỏa ngục thật sự, Thiên Chúa luôn đứng với tất cả sức mạnh của Tình yêu Người, và đó là nơi dựng lên cây Thập giá của Đức Giê-su. Thiên Chúa đã làm tất cả để chẳng có ai trong cái nơi mà nhiều tạo vật tự do sẽ nói “không” với Người mãi mãi. “Thiên Chúa đã không sai Con đến trong thế gian để phán xét thế gian, nhưng để thế gian nhờ Người Con ấy mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Ta đến kêu gọi không phải người công chính nhưng là người tội lỗi” (Mt 9,13). “Chính khi chúng ta còn là tội nhân mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,9). “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Thành thử hỏa ngục, xét như việc tuyệt đối từ chối Tình yêu, bao giờ cũng chỉ hiện hữu từ một phía… phía của kẻ tự tạo nó cho mình. Nhưng chắc chắn Thiên Chúa không thể tự tay cộng tác vào sự lệch lạc ấy chút nào cả. Nếu ngày nào đó chỉ có một người ở trong nơi chối từ ấy, thì Thiên Chúa thấy mình như thể bị dí một dấu sắt nung đỏ, và ta đã đoán được, dấu sắt đó có hình thập giá !

Hai cảnh của cuộc Phán xét vậy là hoàn toàn tương đồng và đối nghịch : cái mà một bên đã làm thì bên kia bỏ quên. Mọi con người, có đạo hay không có đạo, biết Đức Giê-su hay không biết Đức Giê-su, sẽ bị phán xét trên cùng một tiêu chuẩn : không phải trên số lần cầu nguyện hay số buổi cử hành phụng vụ, nhưng trên tình yêu cụ thể đối với anh em. Thành ra tránh ác đâu có đủ. Còn phải hành thiện. Ai nấy đều bị phán xét ngay hôm nay bởi sự thiện mình không làm cho người cần. Vậy hôm nay, ai chờ tôi cái gì đó?