1. Giám mục Giáo phận Speyer ở Đức yêu cầu các linh mục chúc lành các cặp đồng phái

Giám mục Karl-Heinz Wiesemann, Giám mục giáo phận Speyer bên Đức, công bố thư mục vụ trong đó ngài yêu cầu các linh mục hãy chúc lành cho “những người yêu nhau”, đặc biệt là những cặp đồng tính luyến ái, nhưng Giám mục minh xác rằng đây không phải là bí tích hôn phối.

Thư của Giám mục Wierseman được phổ biến trên trang mạng của giáo phận và ngài viết rằng việc chúc lành này là chữa lành bao nhiêu vết thương gây ra trong các năm qua, và để thay đổi thái độ, chiếu theo Tin mừng.

Giám mục Giáo phận Speyer quyết định không đợi kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười năm tới, trong thư mục vụ, có đoạn Giám mục viết: “Đối với các tín hữu có hôn phối bị tan vỡ và cũng những người ly dị tái hôn, và nhất là những cặp đồng phái, điều cấp thiết là tìm ra một thái độ mục vụ hợp với tinh thần Tin mừng, nhất là đứng trước lịch sử đau khổ lâu dài của họ”.

Để giải thích quyết định trên đây, Đức Giám Mục Giáo phận Speyer nhắc lại rằng trong các nghị quyết của Tiến Trình Công Nghị Đức, hồi tháng Ba năm nay, được thông qua với 93% số phiếu, có nghị quyết về việc có thể chúc lành cho những người yêu nhau. Và Giám mục dặn dò các linh mục rằng: “Chúng ta hãy mang lại cho các tín hữu ấy một dấu chỉ tỏ tường về sự gần gũi của Thiên Chúa trong cộng đoàn Giáo hội”.

Nhưng Giám mục Wierseman minh xác rằng đây không phải là một hôn phối trong Giáo hội, vì những lời nói và dấu hiệu phải khác biệt, không phải là một bí tích. Tuy vậy, việc chúc lành phải củng cố minh bạch, như một hành vi chúc lành, tình thương, sự quyết tâm và trách nhiệm của hai người đối với nhau trong đời sống đôi lứa”.

Giám mục Wierseman cũng thành lập một văn phòng trong giáo phận để các cặp đồng phái có thể liên lạc.

2. Đức Giám Mục Oster không tham dự Ủy ban Tiến trình Công nghị Đức

Đức Cha Stefan Oster, Giám mục Giáo phận Passau ở miền nam Đức không tham dự khóa họp khai mạc Ủy ban Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức, sẽ tiến hành ngày 10 tháng Mười Một tới đây, tại thành phố Essen, bắc Đức.

Nữ Phát ngôn viên của giáo phận Passau xác nhận như trên với hãng tin Công Giáo Đức.

Ủy ban Tiến trình Công nghị này có nhiệm vụ chuẩn bị thành lập một Hội đồng Công nghị, trong đó các giám mục, cùng với giáo dân sẽ bắt đầu, từ năm 2026 tiếp tục thảo luận về việc cải tổ Giáo Hội Công Giáo tại Đức, theo đó trong Hội đồng này giáo dân và giám mục cùng quyết định về tài chánh cũng như việc cai quản Giáo hội tại nước này, trái với giáo luật. Tòa Thánh đã hơn một lần cảnh giác về sự sai trái này.

Ngoài Đức Cha Oster, còn có ba giám mục giáo phận khác tại Đức tỏ ra dè dặt đối với Hội đồng Công nghị này, đó là Đức Hồng Y Rainer Woelki, Tổng giám mục Giáo phận Koeln, Đức Cha Gregor Hanke, Giám mục Giáo phận Eichstaett, và Đức Cha Rudolf Voderholzer, giám mục Giáo phận Regensburg. Vì bốn giám mục không đồng ý việc tham gia, nên chiếu theo quy chế, không thể lấy quỹ của Hội đồng Giám mục Đức để tài trợ việc thành lập và hoạt động của Hội đồng Công nghị.

3. Caritas Liban cảnh giác chống leo thang chiến tranh Trung Đông

Tuyên bố với Đài Vatican, hôm mùng 03 tháng Mười Một vừa qua, cha Michel Abboud, Chủ tịch Caritas Liban, báo động về nguy cơ những căng thẳng tại Trung Đông và nói rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine có ảnh hưởng nghiêm trọng trên Liban, đặc biệt tại miền nam nước này: những căng thẳng gia tăng đến mức độ báo động.

Từ khi xảy ra xung đột giữa Hamas và Israel, hôm mùng 07 tháng Mười vừa qua, dân chúng tại vùng biên giới giữa Liban và Israel đã bắt đầu rời bỏ gia cư của họ để tìm an ninh, đứng trước những đe dọa Israel dội bom để trả đũa những vụ lực lượng Hezbollah thân Iran bắn hỏa tiễn từ miền nam Liban vào Israel, như một phản ứng chống lại các cuộc hành quân của Israel vào miền Gaza. Hơn 29.000 người Liban đã phải di tản lên miền bắc, theo cơ quan di trú của Liên Hiệp Quốc, ngày 27 tháng Mười vừa qua.

Cha Abboud nói rằng “Chiến tranh hiện nay tạo nên nguy cơ nghiệm trọng đối với tình trạng đất nước Liban, như chúng tôi đã thấy trong lịch sử Liban qua những cuộc xung đột trước đây, đặc biệt những căng thẳng đang gia tăng ở biên giới phía nam của Liban”.

Cha Abboud nhấn mạnh rằng cần sẵn sàng các biện pháp cứu trợ nhân đạo, kể cả việc cung cấp các lều tạm trú, trợ giúp về mặt xã hội, lương thực và y tế. Tình trạng nghiêm trọng này cũng được xác nhận qua các phúc trình của Liên Hiệp Quốc, theo đài Vatican. Trong lãnh vực này, cha Abboud cũng kêu gọi các cơ quan Liên Hiệp Quốc hỗ trợ Caritas Liban trong nhiệm vụ cứu trợ.

Linh mục Chủ tịch Caritas Liban cũng đã đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc họp của các Caritas thành viên của Caritas quốc tế. Cha nói thêm rằng “Tình trạng hiện nay khác với hồi năm 2006. Hiện thời, dân chúng tại Liban đã bị khủng hoảng về kinh tế, khiến cho nhiều gia đình nước này không thể đón tiếp các thân nhân, vì họ không có khả năng kinh tế và tài chánh để làm việc này”.