CHONBURI, Thái Lan (UCAN) -- Tối đến, các cậu bé lại lảng vảng quanh bến tàu cũ của Pattaya. Trong khi Sipong, một cậu bé đường phố, và khoảng 20 người bạn đi loanh quanh, một số hít mùi keo trong bóng đêm lờ mờ bên cạnh các cột gỗ dưới bến tàu nhô ra biển, những đứa khác quanh quẩn tìm những gã đàn ông ngoại quốc đến mua dâm.

Thành phố Pattaya không bao giờ ngủ và Sipong đi kiếm tiền tại khu nghỉ mát miền duyên hải này, cách Bangkok 130 kilômét về phía nam. Cậu bé 16 tuổi hơi rụt rè khi nói chuyện, nhưng với giọng thì thào em nói em đến Pattaya cách đây vài năm bởi vì "Em chán đời và bỏ nhà đi bụi. Em ghét bà mẹ ghẻ."

Trường hợp của cậu bé này là rất phổ biến. Thiếu niên đổ về Pattaya rực rỡ ánh đèn để chạy trốn gia đình bị lạm dụng hay có vấn đề. Hàng trăm tửu quán, nhà hàng và hộp đêm nằm dọc dài các con phố nhộn nhịp và mở cửa thâu đêm.

Địa điểm ăn chơi này được nhiều du khách đàn ông ngoại quốc đến mua dâm với các cô cậu làm việc trong các quán bar có múa khỏa thân hay có gái làng chơi. Và ở những nơi tồi tàn hơn như bến tàu, trẻ vị thành niên cũng đợi khách.

Sipong thừa nhận em và các bạn em tại bến tàu muốn kiếm tiền để mua keo hít. Em lấy từ 500-1.000 baht (12,5-25 Mỹ kim) tiền "phục vụ" một khách hàng, và em có thể góp tiền cùng các bạn thuê phòng nghỉ đêm. "Chúng em rất vui và cảm thấy thoải mái với số tiền kiếm thêm này." Hít keo là lối thoát tốt nhất của chúng và với Sipong "keo là người bạn thân nhất."

Với lối sống tự do thoải mái ở Pattaya, những thiếu niên không được bảo vệ như Sipong luôn gặp nguy hiểm. Suchart Suttinak, nhân viên quản lý và là nhà tâm lý học của Trung tâm Thu nhận Trẻ em của dòng Chúa Cứu Thế ở Pattaya, nói thẳng với UCA News: "Pattaya không phải là kinh đô cho trẻ em lớn lên." Trung tâm cố gắng giúp trẻ đường phố như Sipong. Suchart thỉnh thoảng cũng rảo quanh các con phố vào ban đêm, nhưng ông làm thế để tạo cho các cậu bé có cơ hội thay đổi lối sống.

Ông nói tiếp, không khí ở Pattaya giống như địa ngục, "rất tồi tệ, với ma túy, mại dâm và tội phạm." Ai cũng biết thế, đặc biệt là các quan chức chịu trách nhiệm về những việc xấu xa này, nhưng "đây lại là nơi hái ra tiền."

Suchart, một trong các nhân viên Giáo hội đang cố gắng thay đổi, biết bến tàu cũ nơi Sipong lảng vảng là một nơi nổi tiếng "về mua bán tình dục trẻ em." Các nhân viên Giáo hội cho biết, du lịch tình dục trở nên khá phổ biến ở Pattaya trong thập niên qua, nhưng họ nỗ lực hết mình để chống lại xu hướng này, đặc biệt bằng cách mở nhiều trung tâm quanh thành phố này.

Nữ tu Voranut Pranommit của dòng Mến Thánh Giá Chanthaburi điều hành Mái ấm Trẻ Đường phố cùng với dòng Chúa Cứu Thế. Chị nói với UCA News rằng trong số 8 triệu du khách nước ngoài đến Thái Lan mỗi năm, hơn 25% đến Pattaya. Không phải tất cả đều đến mua dâm với trẻ em, nhưng chị lo lắng cho trẻ đường phố.

Nữ tu Voranut nói, các em phải lang thang trên đường phố bởi vì các em bỏ nhà đi bụi, bị bỏ rơi và buộc phải tự kiếm sống, hoặc là bị bố mẹ bỏ rơi. Tại mái ấm chị quản lý, trẻ em từ 6-17 tuổi được cấp thức ăn, chỗ ở, quần áo, trợ giúp thuốc men và được tư vấn, và theo học ở các trường địa phương.

"Tất cả các em này đều rất cần tình thương và trợ giúp." Các nhân viên xã hội có bằng cấp làm việc tại mái ấm cố gắng giúp các em đổi đời. Nữ tu Voranut nói, họ khuyến khích tình thương và tán thưởng các em để giúp chúng đáp lại, hy vọng chúng mong muốn "từ bỏ cuộc sống lang thang trên phố để thường trú trong mái ấm."

Điều đó không dễ chút nào. Nữ tu dòng Mục Tử Nhân Lành là Jiemjit Thamphichai nói với UCA News: "Cho dù bố mẹ có giáo dục đạo đức cho con cái tốt mấy đi nữa, thì cách suy nghĩ của con cái vẫn bị ảnh hưởng bởi những điều chúng thấy xung quanh." Nữ tu quản lý Trung tâm Nguồn sống Trẻ em giúp thanh thiếu niên ở Pattaya.

Nhiều gia đình ở vùng nghèo nhất Thái Lan, vùng đông bắc, đến Pattaya để tìm một cuộc sống tốt hơn nhưng thực tế cuối cùng phải đi bán rong trên phố hay lượm rác. Phần lớn là nghiện ma túy và rượu. Nữ tu Jiemjit nói: "Nhiều em không được cung cấp thông tin và không có quyền công dân, và thiếu chăm sóc."

Trung tâm của chị nhận trẻ đến 15 tuổi đến từ các vùng nghèo đói của Thái Lan. Nhiều em đã bị lạm dụng hay hít khói keo. Trung tâm cho các em học hành và có các hoạt động khác như thế để giúp đưa các em trở lại cuộc sống bình thường chừng nào hay chừng đó.

Giống như trường hợp của Sipong, "Pla" 16 tuổi cho biết em đã bỏ nhà đi bụi đời. Em nói với UCA News rằng mẹ em mắng chửi em luôn và bố mẹ em thường hay cãi nhau. Đau khổ trước tình cảnh đó, em đã bỏ nhà đến làm việc ở Pattaya, nhưng Suchart và trung tâm của ông đã giúp đỡ em trước khi em sa vào cái mà Suchart gọi là "bóng đêm cuộc đời" của thành phố. Em đã ở lại trung tâm của Suchart được hai tháng nay.

Suppakorn Nonja, quản lý Mái ấm Trẻ Đường phố, nói rằng Pattaya là một trong những chốn ăn chơi nổi tiếng nhất Thái Lan, "Bangkok, Chiang Mai và các thành phố du lịch khác cũng có thương mại tình dục."

Theo tổ chức Chấm dứt Mại dâm Trẻ em trong Du lịch châu Á (ECPAT) có trụ sở tại Bangkok, thu nhập hàng năm của Thái Lan từ thương mại tình dục ước tính cách dè dặt là gần 54 tỷ baht (1,35 tỷ Mỹ kim). Suppakorn nói với UCA News, ước tính khoảng 200.000 trong số 63 triệu dân của quốc gia này hành nghề mại dâm, và "25% là trẻ em."

Theo ông, không riêng gì người nghèo. Nhiều người trẻ theo nghề mại dâm bởi vì họ "muốn hợp thời, đến vũ trường, và bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa hưởng thụ."

Đối với các thanh thiếu niên như Sipong, không chỉ là vì muốn kiếm thêm tiền để mua điện thoại di động hay áo hàng hiệu. Các em cần tiền để sinh sống. Theo Suchart, hầu hết trẻ em hành nghề mại dâm ở Pattaya là nam giống như Sipong, và "người nhỏ nhất chỉ mới chín tuổi."

Suchart cho biết, các em đến nhà chứa để làm tình với đàn ông nước ngoài."Nhiều người ngoại quốc muốn làm tình với trẻ em. Họ tìm các bé gái, bé trai hay cả hai." Tuy nhiên, Suchart đồng ý rằng những người ham muốn tình dục trẻ em khó mà kiểm soát được hành vi của mình bởi vì "đó là một loại bệnh." Cho dù đứa trẻ đó là chín tuổi hay 16 tuổi đi nữa, thì Suchart đều quan tâm như nhau. "Chúng tôi phải giúp các em tìm ra ánh sáng trong cuộc đời."

Sipong không nhận được chăm sóc và hướng dẫn từ các nhân viên xã hội. Cuộc đời của em chỉ là cuộc sống lang thang trên phố không ổn định với các bạn cùng trang lứa đã thực sự thay thế gia đình mình. Trong một lần kể chuyện bên chân cầu, em nhớ lại cảnh bố mẹ đánh đập em. Em nói, nhưng những vết thâm tím trên người em không sánh được với "nỗi đau trong lòng."