Chúa Nhật 22 Tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 29 Mùa Quanh Năm.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu.

Bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê, đến nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?”

Nhưng Đức Giêsu biết họ có ác ý, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình! Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ liền đưa cho Người một quan tiền. Người hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Bấy giờ, Người bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng Phụng Vụ hôm nay kể cho chúng ta về một số người Pharisêu hợp tác với phe Hêrôđê để gài bẫy Chúa Giêsu. Họ luôn cố gài bẫy Ngài. Họ đến gặp Ngài và hỏi: “Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22:17). Đó là một mưu mẹo: nếu Chúa Giêsu hợp pháp hóa việc nộp thuế, Ngài đứng về phía một thế lực chính trị không được người dân ủng hộ, trong khi nếu Ngài bảo không nộp thuế, Ngài có thể bị buộc tội nổi loạn chống lại đế quốc. Một cái bẫy thực sự. Tuy nhiên, Ngài đã thoát khỏi cạm bẫy này. Ngài yêu cầu họ cho Ngài xem một đồng tiền có hình Xêda, và nói với họ: “Của Xêda hãy trả cho Xêda, của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa” (c. 21). Điều đó có nghĩa là gì?

Những lời này của Chúa Giêsu đã trở nên thông thường, nhưng đôi khi chúng được sử dụng không chính xác – hoặc ít nhất là rút gọn – để nói về các mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước, giữa Kitô hữu và chính trị; chúng thường được giải thích như thể Chúa Giêsu muốn tách “Xêda” khỏi “Thiên Chúa”, nghĩa là, trần thế khỏi thực tại tâm linh. Đôi khi chúng ta cũng nghĩ như vậy: đức tin với những thực hành của nó là một chuyện, còn cuộc sống hàng ngày lại là một chuyện khác. Nhưng điều này không đúng. Không. Đây là một dạng “tâm thần phân liệt”, như thể đức tin không liên quan gì đến cuộc sống thực, với những thách đố của xã hội, với công bằng xã hội, với chính trị, v.v.

Trên thực tế, Chúa Giêsu muốn giúp chúng ta đặt “Xêda” và “Thiên Chúa” vào đúng vị trí. Việc chăm sóc trật tự trần thế thuộc về Xêda - nghĩa là chính trị, các tổ chức dân sự, các quá trình kinh tế và xã hội, và chúng ta, những người đắm chìm trong thực tế này, phải trả lại cho xã hội những gì nó mang lại cho chúng ta, thông qua sự đóng góp của chúng ta với tư cách là những công dân có trách nhiệm, chăm sóc những gì được giao phó cho chúng ta, thúc đẩy luật pháp và công lý trong thế giới công ăn việc làm, đóng thuế một cách trung thực, dấn thân vì lợi ích chung, v.v. Tuy nhiên, đồng thời, Chúa Giêsu khẳng định thực tại cơ bản: con người thuộc về Thiên Chúa: tất cả con người và mọi con người. Và điều này có nghĩa là chúng ta không thuộc về bất kỳ thực tại trần thế nào, bất kỳ “Xêda” nào. Chúng ta là của Chúa và chúng ta không được làm nô lệ cho bất kỳ quyền lực trần thế nào. Như vậy, trên đồng tiền có hình vị hoàng đế, nhưng Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta được in dấu hình ảnh của Thiên Chúa, là điều mà không gì và không ai có thể che khuất được. Mọi sự ở thế gian này thuộc về Xêda, nhưng con người và thế giới thuộc về Thiên Chúa: đừng quên điều này!

Vậy, chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu đang khôi phục lại căn tính của mỗi người chúng ta: trên đồng xu của thế giới này có hình ảnh Xêda, nhưng anh chị em – mỗi người chúng ta – anh chị em mang hình ảnh nào trong mình? Chúng ta hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tôi mang trong mình hình ảnh nào? Anh chị em hãy tự hỏi hình ảnh cuộc đời anh chị em là ai? Chúng ta có nhớ rằng chúng ta thuộc về Chúa, hay chúng ta để mình bị uốn nắn bởi luận lý của thế gian và biến công việc, chính trị và tiền bạc thành những thần tượng của chúng ta để được tôn thờ?

Xin Đức Trinh Nữ Rất Thánh giúp chúng ta nhận ra và tôn vinh phẩm giá của chúng ta và của mỗi con người.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa suy nghĩ của tôi hướng về những gì đang xảy ra ở Israel và Palestine. Tôi rất lo lắng, đau buồn. Tôi cầu nguyện và gần gũi với tất cả những người đang đau khổ: các con tin, những người bị thương, các nạn nhân và người thân của họ. Tôi nghĩ đến tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Gaza và tôi rất buồn khi bệnh viện Anh giáo và giáo xứ Chính thống Đông Phương cũng bị tấn công trong những ngày gần đây. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình để mở ra các không gian, để viện trợ nhân đạo tiếp tục đến và để các con tin được giải thoát.

Tôi cũng nghĩ đến Ukraine đang bị dày vò, và khẳng định rằng chiến tranh, bất kỳ cuộc chiến tranh nào xảy ra trên thế giới đều là một thất bại. Chiến tranh luôn là một thất bại; đó là sự hủy hoại tình huynh đệ của con người. Các anh em, dừng lại! Dừng lại!

Tôi nhắc nhở anh chị em rằng Thứ Sáu tới, ngày 27 tháng 10, tôi đã công bố ngày ăn chay, cầu nguyện và sám hối, và tối hôm đó lúc 18 giờ tại Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta sẽ dành một giờ cầu nguyện để cầu xin hòa bình trên thế giới.

Hôm nay chúng ta cử hành Chúa nhật Thế giới Truyền giáo với chủ đề: “Trái tim rực lửa, đôi chân chuyển động”. Hai hình ảnh nói lên tất cả! Tôi kêu gọi mọi người, trong các giáo phận và giáo xứ, hãy tích cực tham gia.

Tôi chào tất cả anh chị em, người Rôma và những người hành hương, đặc biệt là các nữ tu Siervas de los Pobres hijas del Sagrado Corazón de Jesús, đến từ Granada; các thành viên của Centro Académico Romano Fundación, Hiệp hội Señor de los Milagros, của người Peru ở Rôma; và cảm ơn anh chị em, cảm ơn chứng tá của anh chị em! Hãy tiếp tục công việc tốt đẹp với lòng đạo đức cao thượng như vậy.

Tôi chào các thành viên của phong trào truyền giáo giáo dân “Tất cả những người bảo vệ nhân loại”; dàn hợp xướng đa âm “Sant'Antonio Abate” của Cordenons, và các hiệp hội tín hữu từ Naples và Casagiove.

Tôi cũng chào các bạn trẻ của “Casa Giardino”, “Ngôi nhà trong vườn” của Casalmaggiore; nhóm bạn trẻ thuộc Cộng đồng Emmanuel; các giám đốc và giáo viên của Trường Công Giáo “Gioan XXIII” của Toulon, và các học sinh của Trường Trung học “Saint Croix” của Neuilly.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Anh chị em cũng vậy, hỡi những người trẻ của Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana