Cả Thượng Hội đồng cầu nguyện cho hòa bình ở Trung Đông trong khi cuộc chiến sôi xục giữa Israel-Hamas

Thượng Hội đồng đã dành buổi cầu nguyện sáng thứ Năm để cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt ở Thánh địa, Thượng phụ của Giáo Hội Công Giáo Chaldean ở Baghdad chủ sự buổi cầu nguyện cho tất cả những người phải chịu đựng bạo lực và sống trong sợ hãi.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Phiên họp thường kỳ lần thứ 16 của Thượng Hội đồng đã dành giờ cầu nguyện sáng thứ Năm (12/10/2023) để nguyện xin Thiên Chúa ban hòa bình cho thế giới.

Lời cầu nguyện khai mạc cho ngày làm việc được hướng dẫn bởi Đức Hồng Y người Iraq Louis Raphaël Sako, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Chaldean, để cầu nguyện cho tất cả những người đau khổ vì chiến tranh trên khắp thế giới và đang sống trong sợ hãi.

Đức Hồng Y Sako nói: “Sáng nay tôi muốn mời các bạn cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới, đặc biệt ở Thánh Địa, cũng như ở Ukraine, và tình trạng bạo lực ở Iraq, Iran và Lebanon”.

Ngài nói: “Mọi người đang mong chờ với hy vọng được sống trong phẩm giá và tình huynh đệ, chứ không phải trong sợ hãi và lo lắng”.

'Hãy làm cho nhân loại thành một gia đình không có bạo lực'

Thượng Hội Đồng đã dâng những lời cầu nguyện, trong đó có Thánh vịnh 129, "Từ vực sâu, con kêu cầu Chúa, lạy Chúa; xin hãy nghe tiếng con."

Trong buổi cầu nguyện, Đức Hồng Y Sako đã nguyện xin: “Lạy Chúa, Đấng hằng săn xóc hết mọi người, xin cho nhân loại có cùng một nguồn gốc do Chúa dựng nên, biết hợp thành một gia đình, không có bạo lực, không có chiến tranh phi lý, nhưng sống trong tình huynh đệ, hiệp nhất trong hòa bình”. Chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.”

Hòa chung lời cầu nguyện không ngừng của Đức Thánh Cha

Cũng trong buổi cầu nguyện của Thượng Hội đồng, Chủ tịch Phong trào Focolare, bà Margaret Karram, một người Công Giáo Palestine, đã dâng lời cầu nguyện cho hòa bình như sau:

“Lạy Chúa, chúng con cầu xin cho Thánh Địa, cho nhân dân Israel và Palestine đang phải chịu những bạo lực như chưa từng có, cho các nạn nhân, đặc biệt trẻ em, những người bị thương, những người bị bắt làm con tin, cho những người mất tích và cho gia đình của họ."

“Trong những giờ phút thống khổ và căng thẳng này, chúng con hòa tâm tình với Đức Thánh Cha và chung lời nguyện xin của mọi người trên khắp thế giới khấn xin Chúa ban hòa bình.”

Bà Karram cũng nhắc đến các quốc gia khác ở Trung Đông và tất cả các quốc gia đang có chiến tranh khủng bố và hủy diệt điêu tàn như sau:

“Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết dấn thân xây dựng một thế giới huynh đệ để các dân tộc và những ai đang sống trong các hoàn cảnh xung đột, bất ổn và bạo lực có thể tìm ra con đường tôn trọng nhân quyền, trong đó công lý, đối thoại và hòa giải là những khí cụ dựng xây hòa bình.”

ĐTC đã đưa ra vô số lời kêu gọi hòa bình cho Ukraine kể từ khi chiến tranh bùng nổ hơn một năm rưỡi qua.

Đức Thánh Cha cũng đã đích thân viếng thăm Iraq từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 năm 2021, đánh dấu chuyến viếng tông du đầu tiên của ngài tới quốc gia Trung Đông này.