1. Bốn giám mục Trung Quốc đến Bỉ, Hòa Lan và Pháp để nối lại cộng tác

Bốn giám mục Công Giáo Trung Quốc đã đến Âu châu để nối lại những tương quan cộng tác huynh đệ bị đình trệ trong thời đại địch Covid.

Hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin mừng, truyền đi ngày 18 tháng Chín vừa qua cho biết bốn giám mục đó là Đức Cha Giuse Quách Kim Tài, Giám mục Giáo phận Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, tân Giám đốc Đại chủng viện quốc gia ở Thẩm Dương, Đức Cha Lưu Tân Hồng, Giám mục An Huy, Đức Cha Giuse Thôi Khánh Kỳ, Giám mục Hán Khẩu tỉnh Vũ Hán, Đức Cha Bùi Quân Dân, Giám mục Giáo phận Thẩm Dương và có cha Đinh Dương, thuộc Giáo phận Trùng Khánh.

Các vị đến Bỉ theo lời mời của Hội Ferdinand Verbiest ở Louvain, một tổ chức được sự bảo trợ của Tỉnh dòng Thừa sai Khiết tâm Đức Mẹ (CICM), quen gọi là các cha dòng Scheut. Phái đoàn đã tới Louvain bên Bỉ, ngày 07 tháng Chín, bắt đầu cuộc viếng thăm một tuần lễ. Đoàn đã được cha Jeroom Heyndrickx, thừa sai, người bạn thân của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc, cùng với các thành viên khác cũng như các học giả về Trung Quốc đón tiếp.

Trong những ngày lưu lại Bỉ, bốn giám mục Trung Quốc đã thực hiện một khóa huấn luyện ngắn cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ Hoa Lục, cũng như tham gia các cuộc gặp gỡ tại trụ sở hội Linh mục Verbiest và học viện Trung Hoa, để tìm kiếm những phương thức mới hầu khởi động lại những trao đổi và khóa huấn luyện, cộng tác với các giáo phận ở Trung Quốc. Đoàn giám mục Hoa Lục đã được Đức Hồng Y Jozef De Kesel, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bỉ, nguyên Tổng giám mục Giáo phận Malines-Bruxelles, tiếp kiến. Cuộc gặp gỡ kết thúc với thánh lễ đồng tế tại nhà nguyện Tòa Tổng giám mục sở tại, với sự hiện diện của Đức Cha Luc Terlinden, tân Tổng giám mục thủ đô Vương Quốc Bỉ.

Sau nước Bỉ, bốn giám mục Trung Quốc còn sang Hòa Lan viếng thăm Nhà Mẹ của Dòng Ngôi Lời ở Steyl, sau đó các vị sang Pháp, từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Chín để gặp gỡ các vị thuộc Hội thừa sai Paris.

Hội Ferdinand Berbiest được Tỉnh dòng thừa sai Scheut Trung Hoa thành lập năm 1982 với mục đích nghiên cứu học thuật, trao đổi văn hóa, đối thoại và cộng tác giữa các Giáo hội, thăng tiến đối thoại và cộng tác văn hóa với Trung Quốc và với Giáo Hội Công Giáo tại nước này. Hội cũng dấn thân nghiên cứu học thuật cùng với các học viện ở Trung Quốc và Bỉ. Hội cộng tác với Giáo hội tại Trung Quốc trong tinh thần huynh đệ Kitô và hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương. Cộng tác với Trung Quốc, Hội này góp phần đào tạo các linh mục của Giáo hội, qua việc giảng dạy tại các chủng viện, cấp học bổng và dấn thân mục vụ và xã hội.

2. Giáo Hội Công Giáo Đức giúp 673 triệu Euro trong năm 2022

Trong năm ngoái, 2022, tổng cộng Giáo Hội Công Giáo Đức đã tài trợ 673 triệu Euro cho các dự án mục vụ, xã hội và phát triển ở các nước nghèo trên thế giới.

Con số trên đây được trình bày trong phúc trình thường niên tựa đề: “Giáo hội hoàn vũ 2022 (Weltkirche 2022), công bố ngày 15 tháng Chín vừa qua, do Ủy ban đặc biệt của Hội đồng Giám mục Đức, trong đó có đại diện của những tổ chức và cơ quan quan trọng nhất của Giáo hội Đức trên bình diện quốc tế.

Ấn bản năm nay tập trung về những tình trạng chiến tranh và bạo lực, cũng như về vấn đề đời sống và đức tin trong những hoàn cảnh như thế. Ngoài chứng từ của những người bị thương tổn, còn có những tấm gương về công việc hòa giải và ký ức của Giáo hội, đồng hành với những người tị nạn và suy tư về sự có thể dung hợp giữa việc bảo vệ chống bạo lực và sứ điệp hòa bình của Kitô giáo.

Các thống kê tài chánh trong phúc trình cho thấy nguồn gốc và việc sử dụng các ngân khoản giúp Giáo hội trên thế giới. Phần lớn các số tiền đó do các ân nhân đóng góp, qua các cuộc lạc quyên và tiền thuế của Giáo hội. Số tiền những người đóng góp cho các tổ chức bác ái Công Giáo và các dòng tu lên tới gần 425 triệu Euro trong năm ngoái. Ngoài ra, có 29 triệu Euro đến từ các cuộc lạc quyên cho các lý do của Giáo hội hoàn vũ. Hội đồng Giám mục Đức, qua hiệp hội các giáo phận Đức và mỗi giáo phận đều hỗ trợ công việc của các tổ chức bác ái Công Giáo, rút từ tiền thuế các tín hữu đóng cho Giáo hội, ngân khoản này là 47,8 triệu Euro. Ngoài ra, chính phủ cũng hỗ trợ các dự án phát triển của Giáo hội và những can thiệp cứu trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai.

Chủ tịch Hội đồng Ủy ban “Giáo hội hoàn vũ” là Đức Cha Bertram Meier, Giám mục Giáo phận Augsburg, bày tỏ cảm kích vì mức độ dấn thân đối với Giáo hội hoàn cầu. Ngài nói: “Tình liên đới vượt biên giới này hoàn toàn thuộc về sứ mạng của Giáo hội, và chúng tôi muốn bảo đảm trong tương lai. Chúng tôi cám ơn những người đã đóng góp ít nhiều, thực thi tình liên đới đối với những người túng thiếu trên thế giới”.

Đức Cha cũng cám ơn chính quyền Đức vì đã tín nhiệm nơi hoạt động chuyên môn của Giáo hội trong lãnh vực này qua sự đóng góp cho các sứ vụ của Giáo hội. Ngoài ra, cần nhắc đến sự dấn thân của đông đảo người thiện nguyện trong các giáo xứ, các hội đoàn và trường học. Chính sự dấn thân của họ làm cho tầm mức hoạt động của Giáo hội trên bình diện thế giới có thể tiến hành được”.

Hội đồng của tổ chức “Giáo hội hoàn vũ” ở Đức gồm đại diện của Hội đồng Giám mục, các giáo phận, Hội đồng các Bề trên dòng tu, các tổ chức bác ái của Giáo hội Đức hoạt động quốc tế, như Advenia, Caritas quốc tế, tổ chức Nhi đồng truyền giáo, quen gọi là “Các ca viên ngôi sao”, Misereor, Missio Aachen và Munich, Renovabis, Hội thánh Bonifaxio, v.v.

3. Một giám mục Đức phê bình sự tai hại của Tiến trình Công nghị tại Đức

Một giám mục Đức, là Đức Cha Stefan Oster, Giám mục Giáo phận Passau, miền nam Đức, phê bình sự tai hại của Tiến trình Công nghị trong Giáo Hội Công Giáo tại nước này, vì gia tăng những lập trường cực đoan trong Giáo hội, giữa dân Chúa, giữa các giám mục và trong tương quan của Giáo Hội Công Giáo với Tòa Thánh.

Tiến trình Công nghị của Công Giáo Đức là một tiến trình do Hội đồng Giám mục và Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức đề xướng nhắm cải tổ Giáo hội sau những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong những thập niên trước đây: cải tổ trong bốn lãnh vực cũng là bốn diễn đàn của công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Khóa họp toàn thể của công nghị có 230 đại biểu, đa số là giáo dân. Ban đầu, công nghị dự kiến sẽ kết thúc vào tháng Mười năm 2021, nhưng vì đại dịch nên kết thúc vào tháng Hai năm ngoái.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Tuần báo Công Giáo “Die Tagespost”, số ra cuối tuần này, ngày 09 tháng Chín năm 2023, Đức Cha Oster tố giác rằng hồi năm ngoái, khi Tiến trình Công nghị kết thúc với những nghị quyết được thông qua, số người Công Giáo rời bỏ Giáo hội đạt tới mức kỷ lục. Đức Cha nói: Việc xin ra khỏi Giáo hội cao như thế, không nhất thiết là vì Tiến trình Công nghị, nhưng chắc chắn là Con đường này cũng không đưa họ trở về với Giáo hội.

Theo Đức Cha, không phải mọi điều nói về Con đường này đều là tiêu cực, nhưng “tôi xác tín rằng xu hướng chung sẽ đẩy mạnh tiến trình tự tục hóa kéo dài”. Giáo hội không còn thu hút nữa đối với những người trẻ, vì báo chí liên tục nói về những vấn đề gây phẫn nộ, bực tức, như luật độc thân giáo sĩ, truyền chức linh mục cho phụ nữ, tính dục, lý thuyết về giống, gender, hoặc cuộc khủng hoảng vì lạm dụng. Trong khi đó, Giáo hội cống hiến quá ít các lớp huấn giáo đi xa hơn những chuẩn bị cho các em khi xưng tội rước lễ lần đầu hoặc chịu phép Thêm sức. “Giáo hội thường không giải thích về nội dung đức tin và ảnh hưởng của đức tin tới đời sống cụ thể của con người”.

Đức Cha Oster cho biết: Tại giáo phận Passau, chúng tôi tìm cách khơi gợi cho người trẻ về đức tin với kinh nguyện chúc tụng Chúa, những kinh nghiệm cộng đồng trong những quán giải khát và trong tương lai có một trường về việc làm môn đệ Chúa, với sự cộng tác của cộng đoàn Loreto. Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Nếu không có chiều kích cầu nguyện và phụng tự, thì mọi toan tính tái loan báo Tin mừng sẽ không có kết quả”.