Sáng ngày 23 tháng 9, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã chính thức chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại cung điện Pharo [Hải Đăng], nơi diễn ra phiên họp cuối cùng của Cuộc Gặp Gỡ Địa Trung Hải. Tại đây, Đức Giáo Hoàng đã đọc một bài diễn văn, trước Tổng thống Pháp và phu nhân, các giám mục, các thị trưởng, cùng các đại diện chính quyền của vùng Địa Trung Hải. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Thưa Tổng thống,
Anh em Giám mục thân mến,
Thưa quí Thị trưởng và Chính quyền đại diện cho các thành phố và vùng lãnh thổ giáp Địa Trung Hải,
Tất cả các bạn thân mến!


Tôi xin gửi lời chào thân ái và biết ơn từng người trong số qúi vị đã chấp nhận lời mời của Đức Hồng Y Aveline tham gia vào các cuộc gặp gỡ này. Cảm ơn Đức Hồng Y vì công việc của ngài và những suy tư có giá trị mà ngài đã chia sẻ. Sau Bari và Florence, hành trình phục vụ các dân tộc Địa Trung Hải đang tiến về phía trước: cũng tại đây, các nhà lãnh đạo Giáo hội và dân sự tụ tập không phải để giải quyết các lợi ích chung, nhưng được thúc đẩy bởi ước muốn chăm sóc mọi người nam nữ. Cảm ơn các quí vị đã lôi kéo giới trẻ, những người là hiện tại và tương lai của Giáo hội và xã hội.

Marseille là một thành phố rất cổ kính. Được thành lập bởi các thủy thủ Hy Lạp đến từ Tiểu Á, truyền thuyết kể về câu chuyện tình yêu giữa một thủy thủ di cư và một công chúa bản xứ. Ngay từ đầu, nó đã thể hiện một đặc điểm đa dạng và có tính quốc tế: nó chào đón sự giàu có của biển khơi và trao quê hương cho những người không còn quê hương. Marseilles nói với chúng ta rằng, dù có khó khăn, việc chung sống vẫn có thể thực hiện được và là nguồn vui. Trên bản đồ, nó gần như vẽ ra một nụ cười giữa Nice và Montpellier. Tôi thích nghĩ về nó theo cách đó: Marseilles là “nụ cười của Địa Trung Hải”. Vì vậy, tôi muốn cung cấp cho quí vị một số suy nghĩ xoay quanh ba khía cạnh đặc trưng của Marseille, ba biểu tượng: biển khơi, bến cảng và ngọn hải đăng.

1. Biển khơi. Một làn sóng các dân tộc đã biến thành phố này thành một bức tranh hy vọng, với truyền thống đa sắc tộc và đa văn hóa vĩ đại, được đại diện bởi hơn sáu mươi Lãnh sự quán trên lãnh thổ của nó. Marseille vừa là một thành phố đa dạng vừa khác biệt, vì chính sự đa dạng của nó, kết quả của cuộc gặp gỡ với thế giới, đã làm cho lịch sử của nó trở nên khác biệt. Ngày nay chúng ta thường nghe nói rằng lịch sử Địa Trung Hải là sự đan xen của những xung đột giữa các nền văn minh, tôn giáo và viễn kiến khác nhau. Chúng ta đừng bỏ qua những vấn đề đang hiện hữu, nhưng cũng đừng để bị lừa dối: những trao đổi diễn ra giữa các dân tộc đã biến Địa Trung Hải thành cái nôi của nền văn minh, một vùng biển tràn ngập kho báu, đến mức, như một sử gia vĩ đại người Pháp đã viết, đó “không phải một cảnh quan mà là vô số cảnh quan. Không phải một biển, mà là hàng loạt biển… trong nhiều thiên niên kỷ, mọi thứ đã chảy vào đó, làm phức tạp và làm phong phú thêm lịch sử của nó” (F. BRAUDEL, La Méditerranée, Paris 1985, 16). Biển của chúng ta (mare nostrum) là nơi gặp gỡ: giữa các tôn giáo Ápraham; giữa tư tưởng Hy Lạp, Latinh và Ả Rập; giữa khoa học, triết học và luật pháp; và trong số nhiều thực tế khác. Nó đã chuyển tải cho thế giới giá trị cao cả của con người, được ban cho tự do, cởi mở với sự thật và cần ơn cứu rỗi, coi thế giới như một kỳ quan cần được khám phá và như một khu vườn để sinh sống, dưới dấu ấn của một Thiên Chúa lập giao ước với con người nam và nữ.

Một thị trưởng vĩ đại đã nhìn thấy ở Địa Trung Hải không phải là vấn đề xung đột mà là phản ứng của hòa bình, thực sự là “sự khởi đầu và nền tảng của hòa bình giữa tất cả các quốc gia trên thế giới” (G. LA PIRA, Nhận xét tại buổi Kết thúc cuộc Hội thảo Địa Trung Hải đầu tiên, ngày 6 tháng 10 năm 1958). Ông nói: “Câu trả lời… có thể thực hiện được nếu chúng ta xem xét ơn gọi chung và có thể nói là vĩnh viễn mà Chúa Quan Phòng đã giao phó trong quá khứ, đã giao phó trong hiện tại và, theo một nghĩa nào đó, sẽ giao phó trong tương lai cho các dân tộc và các quốc gia, những người sống trên bờ Hồ Tiberias mở rộng đầy mầu nhiệm này, tức là Địa Trung Hải” (Diễn văn khai mạc Hội thảo Địa Trung Hải đầu tiên, ngày 3 tháng 10 năm 1958). Vào thời Chúa Kitô, Hồ Tiberias, hay Biển hồ Galilê, là nơi tập trung nhiều quần thể, tín ngưỡng và truyền thống khác nhau. Chính tại đó, tại “Galilê của Dân Ngoại” (x. Mt 4:15), vượt qua được nhờ Đường Biển, phần lớn cuộc đời công khai của Chúa Giêsu đã diễn ra. Một bối cảnh đa diện và không ổn định về nhiều mặt đã là nơi để mọi người công bố các Mối Phúc Thật, nhân danh một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ xấu cũng như người tốt, và làm mưa trên kẻ người công chính và kẻ bất chính” (Mt 5:45). Đây cũng là một lời mời gọi mở rộng biên giới của trái tim, vượt qua các rào cản sắc tộc và văn hóa. Vậy thì đây là câu trả lời đến từ Địa Trung Hải: Biển hồ Galilê lâu năm này kêu gọi chúng ta chống lại tính chia rẽ của các xung đột với “sự cùng tồn tại của những khác biệt” (T. BELLO, Benedette inquietudini, Milan 2001, 73). Biển của chúng ta, ở ngã tư Bắc và Nam, Đông và Tây, hội tụ những thách thức của toàn thế giới, như “năm bờ biển” mà quí vị đã suy tư làm chứng: Bắc Phi, Cận Đông, Biển Đen và Biển Aegean, vùng Balkan và châu Âu Latinh. Đó là tiền đồn của những thách thức mà mọi người đều quan tâm: chúng ta hãy nghĩ đến khí hậu, với Địa Trung Hải là một điểm nóng nơi những thay đổi được cảm nhận nhanh chóng hơn. Điều quan trọng biết bao là bảo vệ sự kết nối của Địa Trung Hải, một kho tàng đa dạng sinh học độc đáo! Nói tóm lại, vùng biển này, một môi trường mang lại một cách tiếp cận độc đáo đối với tính đa phức, là một “tấm gương của thế giới” và mang trong mình một ơn gọi hoàn cầu hướng tới tình huynh đệ, một ơn gọi độc đáo và là cách duy nhất để ngăn chặn và khắc phục xung đột.

Thưa anh chị em, giữa biển cả xung đột ngày nay, chúng ta có mặt ở đây để tăng cường sự đóng góp của Địa Trung Hải, để nó có thể trở lại là một phòng thí nghiệm của hòa bình. Vì đây là thiên chức của nó, trở thành một nơi mà các quốc gia và thực tại khác nhau có thể gặp nhau trên cơ sở nhân tính mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, chứ không phải trên cơ sở những hệ tư tưởng tương phản. Quả thực, Địa Trung Hải nói lên một lối suy nghĩ không độc diện và mang tính hệ tư tưởng, mà đa diện và nhất quán với bản chất của sự việc; một lối suy nghĩ sống động, cởi mở và thích nghi, một lối suy nghĩ mang tính cộng đồng, đó là từ ngữ chính xác. Chúng ta cần điều này biết bao trong thời điểm hiện nay, khi những chủ nghĩa dân tộc cổ hủ và hiếu chiến muốn làm tan biến giấc mơ của cộng đồng các quốc gia! Tuy nhiên – chúng ta hãy nhớ điều này – với vũ khí, chúng ta gây ra chiến tranh chứ không phải hòa bình, và với lòng tham quyền lực, chúng ta luôn quay về quá khứ hơn là xây dựng tương lai.

Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu để hòa bình bén rễ? Trên bờ Biển hồ Galilê, Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc ban niềm hy vọng cho người nghèo và tuyên bố họ là người có phúc: Người lắng nghe những nhu cầu của họ, chữa lành vết thương cho họ và trên hết là loan báo cho họ tin mừng về Nước Trời. Chúng ta cần bắt đầu lại từ đó, từ tiếng kêu thường thầm lặng của những người nhỏ bé nhất trong chúng ta, chứ không phải từ những người may mắn hơn, những người không cần giúp đỡ nhưng vẫn lên tiếng. Chúng ta, Giáo hội và xã hội dân sự, hãy bắt đầu lại bằng cách lắng nghe những người nghèo “cần được ôm ấp chứ không phải được đếm số” (P: MAZZOLARI, La parola ai poveri, Bologna 2016, 39), vì họ là những gương mặt chứ không phải những con số. Sự thay đổi hướng đi trong cộng đồng của chúng ta nằm ở việc đối xử với họ như anh chị em mà chúng ta biết những câu chuyện của họ, chứ không phải là những vấn đề rắc rối hay đuổi họ đi, đuổi họ về nhà; nó nằm ở việc chào đón họ chứ không che giấu họ; trong việc tích hợp họ, không đuổi họ đi; trong việc mang lại cho họ phẩm giá. Tôi muốn nhắc lại rằng Marseilles là thủ đô của sự hội nhập các dân tộc. Anh chị em có thể tự hào về điều này! Ngày nay, biển chung sống của con người bị ô nhiễm bởi sự bất ổn, thậm chí còn tấn công cả Marseille xinh đẹp. Ở đâu có bất ổn ở đó có tội phạm. Nơi nào thiếu việc làm cùng với tình trạng nghèo đói về vật chất, giáo dục, văn hóa và tôn giáo, con đường sẽ mở ra cho các băng đảng và nạn buôn bán bất hợp pháp. Chỉ cam kết của các tổ chức thôi thì chưa đủ, chúng ta cần một cú hích lương tâm để nói “không” với tình trạng vô luật pháp và nói “có” với tình liên đới, đó không phải là một giọt nước trong đại dương, mà là yếu tố không thể thiếu để thanh lọc vùng nước của nó.

Quả thực, tệ nạn xã hội thực sự không phải ở việc gia tăng các vấn đề mà là ở việc giảm bớt sự quan tâm. Ai ngày nay trở thành hàng xóm của những người trẻ bị bỏ rơi, những người dễ trở thành con mồi cho tội ác và mại dâm? Ai đang chăm sóc họ? Ai gần gũi với những người bị nô lệ bởi công việc để giúp họ được tự do hơn? Ai quan tâm đến những gia đình đang sợ hãi, sợ hãi về tương lai và sợ hãi việc đưa con cái vào đời? Ai lắng nghe tiếng than thở của những người anh chị em lớn tuổi bị cô lập của chúng ta, những người thay vì được đánh giá cao lại bị gạt sang một bên, với lý do giả tạo về một cái chết được cho là xứng đáng và “ngọt ngào” nhưng lại “mặn đắng” hơn cả nước biển? Ai nghĩ đến những đứa trẻ chưa chào đời, bị từ chối nhân danh một quyền tiến bộ giả tạo, thay vào đó lại là sự rút lui vào những nhu cầu ích kỷ của cá nhân? Ngày nay chúng ta thấy thảm kịch nhầm lẫn trẻ em với động vật. Thư ký của tôi nói với tôi rằng khi ngài đi ngang qua Quảng trường Thánh Phêrô, ngài nhìn thấy một số phụ nữ đang đẩy trẻ em trong xe đẩy... nhưng chúng không phải là trẻ em mà là những con chó! Sự nhầm lẫn này cho chúng ta biết điều gì đó đáng lo ngại. Ai có lòng trắc ẩn nhìn xa hơn bờ biển của mình để nghe tiếng kêu đau đớn vang lên từ Bắc Phi và Trung Đông? Biết bao người đang sống trong bạo lực và chịu đựng những hoàn cảnh bất công và bách hại! Ở đây tôi đang nghĩ đến nhiều Kitô hữu thường xuyên bị buộc phải rời bỏ quê hương hoặc cư trú tại đó mà không được công nhận các quyền lợi của mình và không được hưởng quyền công dân đầy đủ. Xin chúng ta hãy dấn thân để tất cả mọi người trong xã hội đều có thể trở thành những công dân có đầy đủ quyền lợi. Cuối cùng, có một tiếng kêu đau đớn vang dội hơn hết, và nó đang biến Địa Trung Hải, mare nostrum [biển của chúng ta], từ cái nôi của nền văn minh thành mare mortuum [biển người chết], nghĩa địa của phẩm giá con người: đó là tiếng kêu nghẹn ngào của anh chị em di dân. Tôi muốn dành sự chú ý cho tiếng kêu này bằng cách suy gẫm về hình ảnh thứ hai mà Marseille cống hiến cho chúng ta, đó là hình ảnh bến cảng của nó.

2. Cảng Marseille vốn là cửa ngõ rộng lớn mở ra biển khơi, đi vào Pháp và vào châu Âu trong nhiều thế kỷ. Từ đây nhiều người đã ra đi để tìm việc làm và tương lai ở nước ngoài, và từ đây nhiều người đã đi qua cửa ngõ vào lục địa với hành lý trĩu nặng niềm hy vọng. Marseille có một cảng lớn và là một cửa ngõ lớn không thể đóng lại được. Mặt khác, một số cảng Địa Trung Hải đã đóng cửa. Và có hai từ vang lên, khơi dậy nỗi sợ hãi của mọi người: “xâm lược” và “khẩn cấp”. Vì vậy họ đã đóng cửa các cảng. Tuy nhiên, những người liều mạng sống trên biển không xâm lược, họ tìm kiếm sự chào đón, họ tìm kiếm sự sống. Đối với tình trạng khẩn cấp, hiện tượng di dân không phải là một vấn đề cấp bách ngắn hạn, luôn tốt cho việc thúc đẩy tuyên truyền gây hoang mang, mà là một thực tại của thời đại chúng ta, một quá trình liên quan đến ba lục địa xung quanh Địa Trung Hải và phải được quản lý bằng tầm nhìn xa khôn ngoan, bao gồm cả đáp ứng của châu Âu có khả năng đối phó với những khó khăn khách quan. Ở đây, trên bản đồ này, tôi đang nhìn những bến cảng được người di cư ưa thích: Síp, Hy Lạp, Malta, Ý và Tây Ban Nha... Chúng hướng ra Địa Trung Hải và tiếp nhận những người di cư. Mare nostrum kêu gọi công lý, với bờ biển của nó một mặt toát lên sự sung túc, chủ nghĩa tiêu dùng và lãng phí, mặt khác lại là nghèo đói và bất ổn. Ở đây, Địa Trung Hải cũng phản chiếu thế giới, với miền Nam hướng về phía Bắc, với nhiều nước đang phát triển, bị cản trở bởi sự bất ổn, chế độ, chiến tranh và sa mạc hóa, hướng tới những nước khá giả, trong một thế giới hoàn cầu hóa mà tất cả chúng ta đều kết nối với nhau, nhưng lại có sự chênh lệch chưa bao giờ lớn đến thế. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là điều mới lạ trong những năm gần đây, và vị Giáo hoàng này đến từ bên kia thế giới không phải là người đầu tiên cảnh cáo về nó một cách cấp bách và quan tâm. Giáo hội đã nói về nó với giọng chân thành trong hơn năm mươi năm qua.

Ngay sau khi kết thúc Công đồng Vatican II, Thánh Phaolô VI, trong Thông điệp Populorum Progressio, đã viết: “Các quốc gia đang đói khát trên thế giới đang kêu gọi các dân tộc được ban phước dư thừa. Và Giáo hội, bị đau đớn bởi tiếng kêu này, yêu cầu mỗi người hãy lắng nghe lời van vỉ của anh chị em mình và đáp lại một cách yêu thương” (số 3). Đức Giáo Hoàng Phaolô liệt kê “ba nhiệm vụ” của các quốc gia phát triển hơn, “xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và siêu nhiên của con người… tình liên đới hỗ tương – sự trợ giúp mà các quốc gia giàu có hơn phải dành cho các quốc gia đang phát triển; công bằng xã hội – điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các quốc gia mạnh và yếu; bác ái phổ quát – nỗ lực xây dựng một cộng đồng thế giới nhân bản hơn, nơi tất cả mọi người đều có thể cho và nhận, và sự tiến bộ của một số người không bị mua chuộc bằng sự tổn hại của những người khác” (Số 44). Vào năm 1967, dưới ánh sáng Tin Mừng và những cân nhắc này, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh “bổn phận tiếp đón những người nước ngoài một cách hiếu khách”, một nghĩa vụ mà ngài viết: “chúng ta không thể nhấn mạnh đủ” (Số 67). Mười lăm năm trước, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khuyến khích điều này khi viết rằng “Thánh Gia lưu vong, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse di cư sang Ai Cập… là mẫu mực, gương sáng và sự hỗ trợ cho tất cả những người di cư và hành hương ở mọi thời đại, mọi quốc gia, và của mọi người tị nạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù do bắt bớ hay do thiếu thốn, đều bị buộc phải rời bỏ quê hương và cha mẹ thân yêu của mình… và đi tìm một vùng đất xa lạ” (Tông Hiến Exsul Familia de Spirituali emigrantium cura, 1 tháng 8 năm 1952).



Chắc chắn không ai không nhìn thấy những khó khăn trong việc chào đón. Người di cư phải được chào đón, bảo vệ hoặc đồng hành, thăng tiến hội nhập. Nếu điều này không xảy ra thì người di cư sẽ bị đẩy ra bên lề xã hội. Được chào đón, đồng hành, thăng tiến và hội nhập: đây là phong cách. Đúng là không dễ để có phong cách này hoặc hòa nhập những người bất ngờ, tuy nhiên tiêu chuẩn chính không thể là việc bảo tồn hạnh phúc của chính mình, mà là bảo vệ phẩm giá con người. Chúng ta không nên coi những người nương náu giữa chúng ta như một gánh nặng phải gánh: thay vào đó, nếu chúng ta coi họ như anh chị em, thì trước hết họ sẽ xuất hiện với chúng ta như những hồng phúc. Ngày mai chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn. Xin cho chúng ta cảm động trước câu chuyện của rất nhiều anh chị em bất hạnh, những người có quyền di cư và không di cư, và không khép kín trong lòng thờ ơ. Lịch sử đang thách thức chúng ta thực hiện bước nhảy vọt về lương tâm để ngăn chặn cuộc đắm tầu của nền văn minh. Vì tương lai sẽ không nằm trong sự khép kín, vốn là sự trở về quá khứ, một bước ngoặt trong hành trình lịch sử. Trước tai họa khủng khiếp của việc bóc lột con người, giải pháp không phải là bác bỏ mà là bảo đảm, tùy theo khả năng của mỗi người, một số lượng dồi dào các lối vào hợp pháp và thường xuyên. Điều này sẽ duy trì được với sự chào đón công bằng từ phía lục địa Châu Âu, trong bối cảnh hợp tác với các nước xuất xứ. Trong khi đó, việc kêu “đủ rồi!” là nhắm mắt lại; mưu toan “tự cứu mình” bây giờ sẽ trở thành bi kịch ngày mai. Các thế hệ tương lai sẽ cảm ơn chúng ta nếu chúng ta có thể tạo điều kiện cho sự hội nhập cần thiết. Nếu không, họ sẽ khiển trách chúng ta nếu chúng ta chỉ ủng hộ những hình thức đồng hóa vô sinh. Việc hòa nhập của người di cư là một nỗ lực mệt mỏi nhưng có tầm nhìn xa; một việc đồng hóa không tính đến những khác biệt và vẫn cố định một cách cứng ngắc trong các mô hình riêng của nó chỉ làm cho các ý tưởng chiếm ưu thế hơn thực tại và gây nguy hiểm cho tương lai, gia tăng khoảng cách và kích động sự phân biệt chủng tộc, từ đó gây ra sự thù địch và các hình thức bất khoan dung. Chúng ta cần tình huynh đệ như chúng ta cần bánh mì. Chính chữ “anh em” trong từ nguyên Ấn-Âu của nó bắt nguồn từ một chữ gốc gắn liền với nuôi và dưỡng. Chúng ta sẽ chỉ dưỡng bản thân bằng cách nuôi những người dễ bị tổn thương nhất một cách đầy hy vọng, chấp nhận họ như anh chị em. “Đừng quên tỏ lòng hiếu khách” (Dt 13:2), Kinh thánh dạy chúng ta như thế. Và trong Cựu Ước điều này được lặp lại: góa phụ, trẻ mồ côi và khách lạ. Ba bổn phận bác ái: giúp đỡ người góa bụa, giúp đỡ trẻ mồ côi và giúp đỡ người xa lạ, người di cư.

Về phương diện này, cảng Marseille cũng là “cánh cửa đức tin”. Theo truyền thống, chính tại đây các Thánh Mácta, Maria và Ladarô đã đặt chân tới và gieo hạt giống Tin Mừng tại những vùng đất này. Đức tin đến từ biển cả, khi chúng ta được nhắc nhở bởi truyền thống Lễ Nến ở Marseille và cuộc rước hàng hải của nó. Trong Tin Mừng, Ladarô là bạn của Chúa Giêsu, nhưng cũng là tên của nhân vật chính trong một trong những dụ ngôn hợp thời nhất của Người, một dụ ngôn mở mắt chúng ta trước sự bất bình đẳng làm xói mòn tình huynh đệ và nói với chúng ta về việc Chúa dành ưu tiên cho người nghèo. Là những Kitô hữu, những người tin vào Thiên Chúa làm người, vào Con Người duy nhất không thể bắt chước được, Đấng trên bờ Địa Trung Hải tự gọi mình là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6), chúng ta không thể chấp nhận rằng những con đường gặp gỡ phải bị đóng cửa. Làm ơn, chúng ta đừng đóng những con đường gặp gỡ! Chúng ta không thể chấp nhận điều này: sự thật về tiền tài lấn át phẩm giá con người, sự sống sẽ biến thành cái chết! Giáo hội tuyên bố rằng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô “cách nào đó đã hiệp nhất với mọi người nam nữ” (Gaudium et Spes, 22) và cùng với Thánh Gioan Phaolô II tin rằng nhân loại là con đường của mình (x. Thông điệp Redemptor Hominis, 14). Hãy thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất, đó là kho báu của Người. Hãy tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đó mới là điều quan trọng: không phải tầm quan trọng xã hội hay con số rộng lớn, mà là lòng trung thành với Chúa và với nhân loại!

Đây là chứng tá Kitô giáo, và thường thì nó còn có tính anh hùng: chẳng hạn tôi nghĩ đến Thánh Charles de Foucauld, “người anh em phổ quát”, các vị tử đạo ở Algeria, nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những tác nhân bác ái trong thời đại chúng ta. Trong lối sống Tin Mừng gây xôn xao này, Giáo Hội khám phá ra bến cảng chắc chắn để cập bến và khởi hành để thắt chặt mối liên kết với người dân của mọi quốc gia, tìm kiếm khắp mọi nơi dấu vết của Chúa Thánh Thần và cống hiến tất cả những gì Giáo Hội đã nhận được nhờ ân sủng. Đây là thực tại thuần khiết nhất của Giáo hội, như Bernanos đã viết, đây là “Giáo hội của các vị thánh”, đồng thời nói thêm rằng “bộ máy vĩ đại của sự khôn ngoan, sức mạnh, kỷ luật mềm dẻo, sự tráng lệ và uy nghi này tự nó chẳng là gì cả, trừ khi được truyền cảm hứng từ đức ái” (Jeanne, relapse et sainte, Paris, 1994, 74). Tôi vui mừng ca ngợi cái nhìn sâu sắc đặc biệt của người Pháp này, thiên tài sáng tạo Kitô giáo này đã tái khẳng định rất nhiều sự thật thông qua vô số hành động và bài viết. Thánh Caesarius thành Arles đã nói: “Nếu bạn có đức ái, bạn có Thiên Chúa; và nếu bạn có Thiên Chúa, thì bạn còn thiếu điều gì?” (Bài giảng 22, 2). Pascal thừa nhận rằng “đối tượng duy nhất của Kinh thánh là đức ái” (Pensées, số 301) và “sự thật ngoài đức ái không phải là Thiên Chúa mà là hình ảnh của Người và một ngẫu tượng mà người ta không được yêu mến hay tôn thờ” (ibid., số 767). Do đó, Thánh John Cassian, người đã qua đời ở đây, đã viết rằng “Mọi thứ, ngay cả những gì chúng ta coi là hữu ích và cần thiết, đều có giá trị thấp hơn sự tốt lành vốn là hòa bình và bác ái” (Collationes, XVI, 6).

Như thế, điều đúng đắn là các Kitô hữu không nên thua ai về lòng bác ái; và Tin Mừng về lòng bác ái là một đại hiến chương của mọi công việc mục vụ. Chúng ta không được kêu gọi đau buồn về thời đã qua, hoặc xác định lại vai trò của Giáo hội trong xã hội; chúng ta được kêu gọi làm chứng, không thêu dệt Tin Mừng bằng lời nói, nhưng làm cho Tin Mừng thành xác thịt; đừng lo lắng về tính hiển thị của chúng ta nhưng hãy tận hiến một cách nhưng không, tin rằng “thước đo của Chúa Giêsu là tình yêu không thước đo” (Bài giảng, ngày 23 tháng 2 năm 2020). Thánh Phaolô, vị tông đồ của các dân tộc, người đã dành phần lớn cuộc đời của mình băng qua Địa Trung Hải từ cảng này sang cảng khác, đã dạy rằng để chu toàn luật Chúa Kitô, cần phải mang gánh nặng cho nhau (x. Gl 6:2). Anh em Giám mục thân mến, chúng ta đừng tạo gánh nặng cho người khác, nhưng nhân danh Tin Mừng về lòng thương xót, làm nhẹ bớt gánh nặng của họ, để hân hoan loan truyền niềm an ủi của Chúa Giêsu cho nhân loại đang mệt mỏi và bị tổn thương. Cầu mong Giáo hội không phải là một danh sách các quy định mà là trái tim! Ước gì Giáo hội trở thành một bến cảng tươi mát, nơi mọi người cảm thấy được khuyến khích dấn thân vào cuộc sống với sức mạnh vô song phát sinh từ niềm vui Kitô giáo. Ước gì Giáo hội không phải là một nhà hải quan. Chúng ta hãy nhớ những gì Chúa đã nói với chúng ta: mọi người, mọi người, mọi người đều được mời gọi.

3. Bây giờ, nói ngắn gọn, tôi đến với hình ảnh cuối cùng của mình, hình ảnh ngọn hải đăng, chiếu tia sáng xuống biển và giúp người ta có thể nhìn thấy bến cảng. Những ngọn đèn hiệu sáng chói nào có thể hướng dẫn lộ trình của các Giáo hội Địa Trung Hải? Nghĩ về biển cả, nơi kết hợp rất nhiều cộng đồng tín hữu khác nhau, tôi tin rằng người ta có thể suy nghĩ về những cách hợp tác hơn nữa, có lẽ cũng nên xem xét sự hữu ích của một hội nghị giáo hội Địa Trung Hải, như Đức Hồng Y Aveline đã đề cập, có thể mang lại những khả năng lớn hơn cho đối thoại khu vực và đại diện. Ngoài ra, khi nghĩ đến các bến cảng và chủ đề di cư, sẽ rất hữu ích nếu hướng tới một kế hoạch mục vụ cụ thể thậm chí còn liên kết chặt chẽ hơn, để những giáo phận dễ bị ảnh hưởng nhất có thể cung cấp sự trợ giúp tốt nhất về tinh thần và nhân bản cho các anh chị em của chúng ta, những người đến đó với nhu cầu rất lớn.

Cuối cùng, ngọn hải đăng, trong cung điện danh giá mang tên nó, khiến tôi đặc biệt nghĩ đến giới trẻ. Họ là ánh sáng chỉ đường cho tương lai. Marseille là một thành phố đại học lớn, nơi có bốn cơ sở; trong số 35,000 sinh viên của trường, có 5,000 người nước ngoài. Chúng ta bắt đầu dệt nên mối quan hệ giữa các nền văn hóa từ đâu, nếu không phải từ các trường đại học? Ở đó, người trẻ không bị thu hút bởi sự cám dỗ của quyền lực mà bởi ước mơ xây dựng tương lai. Ước gì các trường đại học Địa Trung Hải trở thành những phòng thí nghiệm của những giấc mơ và những buổi hội thảo trong tương lai, nơi những người trẻ trưởng thành bằng cách gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau và khám phá những nền văn hóa và bối cảnh vừa gần gũi vừa đa dạng. Bằng cách này, những thành kiến được dỡ bỏ, những vết thương được chữa lành và những luận điệu theo trào lưu chính thống cực đoan bị bác bỏ. Hãy lưu ý đến việc rao giảng của rất nhiều trào lưu chính thống cực đoan đang thịnh hành ngày nay! Những người trẻ, được chuẩn bị tốt và quen với việc giao tiếp xã hội, sẽ có thể mở ra những cánh cửa đối thoại bất ngờ. Nếu chúng ta muốn họ cống hiến hết mình cho Tin Mừng và phục vụ chính trị cao cả, trước tiên chúng ta cần phải đáng tin cậy: quên mình, không quy chiếu về mình, tận tâm cống hiến không mệt mỏi cho người khác. Tuy nhiên, thách thức chính của giáo dục liên quan đến mọi lứa tuổi: bắt đầu từ trẻ em, bằng cách “hòa nhập” với những người khác, chúng có thể vượt qua những rào cản, vượt qua những định kiến và phát triển bản sắc riêng của mình trong bối cảnh cùng làm giàu cho nhau. Giáo hội chắc chắn có thể đóng góp vào việc này bằng cách cung cấp mạng lưới giáo dục của mình và khuyến khích “sự sáng tạo của tình huynh đệ”.

Thưa anh chị em, thách đố cũng là một thách đố của thần học Địa Trung Hải – thần học phải bắt nguồn từ cuộc sống, thần học trong phòng thí nghiệm không hữu dụng – có khả năng phát triển những lối suy nghĩ bắt nguồn từ thực tại, là “ngôi nhà” cho con người chứ không chỉ là dữ kiện kỹ thuật, sẵn sàng hợp nhất các thế hệ bằng cách liên kết ký ức và tương lai, đồng thời thúc đẩy một cách độc đáo hành trình đại kết của các Kitô hữu và cuộc đối thoại giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau. Có thể rất hứng thú khi bắt đầu cuộc tìm kiếm phiêu lưu này, cả triết học lẫn thần học, một cuộc tìm kiếm, bằng cách rút ra từ các nguồn văn hóa Địa Trung Hải, có thể khôi phục lại niềm hy vọng cho con người nam nữ, một mầu nhiệm tự do, cần đến Thiên Chúa và những người khác để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Cũng cần phải suy gẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng mà không ai có thể chiếm hữu hoặc kiểm soát được, và thay vào đó, Đấng phải được bảo vệ khỏi mọi lạm dụng bạo lực và công cụ, với ý thức rằng việc tuyên xưng sự cao cả của Ngườii đòi hỏi nơi chúng ta lòng khiêm nhường của những người tìm kiếm.

Anh chị em thân mến, tôi vui mừng được đến đây, ở Marseilles! Tổng thống đã mời tôi đến thăm Pháp, nhưng ông nói: “Điều quan trọng là ngài phải đến Marseilles!” Vậy là tôi đã tới đây! Tôi cám ơn quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe tôi và vì mọi nỗ lực của quí vị. Hãy tiếp tục công việc tốt đẹp đầy can đảm của quí vị! Hãy là một biển cả của điều tốt đẹp, để đương đầu với tình trạng nghèo đói ngày nay trong tình liên đới và hợp tác; hãy là một bến cảng chào đón, để đón nhận tất cả những ai đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn; hãy là ngọn hải đăng của hòa bình, để chọc thủng, qua nền văn hóa gặp gỡ, những vực thẳm tối tăm của bạo lực và chiến tranh. Cảm ơn quí vị rất nhiều!