1. Hội đồng Giám mục bắt đầu Hội nghị thường niên kỳ II/ 2023

Hội nghị thường niên kỳ II/2023 của Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức từ ngày 18 đến 22 tháng 9 năm 2023 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn.

Tối hôm qua, 18 tháng 9, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cùng tất cả quý Đức Tổng Giám Mục và Giám mục chủ chăn của 27 giáo phận đã quy tụ trước Chúa Giêsu Thánh Thể để cầu nguyện và cử hành Phụng vụ Giờ Kinh Tối.

Sáng hôm nay, 19 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã chủ sự Thánh lễ và cùng với toàn thể Hội đồng Giám mục Việt Nam cầu xin ơn Chúa Thánh Thần.

Ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị sẽ có 4 phiên họp và cử hành Phụng vụ các Giờ Kinh Sáng, Chiều và Tối.

Xin cộng đoàn dân Chúa hiệp thông và cầu nguyện cho Hội nghị của Hội đồng Giám mục Việt Nam.

2. Máu Thánh Gennaro ‘hoàn toàn hóa lỏng’ trong ngày lễ

Máu của vị tử đạo Thánh Gennaro lại hóa lỏng ở Naples vào hôm thứ Ba.

“Chúng tôi vừa lấy từ két sắt chứa hộp đựng đựng máu của vị thánh bảo trợ của chúng tôi, máu này ngay lập tức hóa lỏng hoàn toàn”, cha sở của Nhà thờ Naples tuyên bố vào ngày 19 tháng 9.

Lời tuyên bố rằng phép lạ đã xảy ra một lần nữa đã được cha sở Vincenzo De Gregorio đưa ra vào đầu Thánh lễ.

Đức Tổng Giám Mục của Naples, Domenico Battaglia, cầm thánh tích máu, di chuyển các ống thủy tinh để chứng minh trạng thái lỏng của máu trước những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, trong khi người dân vẫy một tấm vải trắng.

Vào ngày 19 tháng 9, Giáo Hội Công Giáo cử hành lễ Thánh Gennaro, giám mục, tử đạo và thánh bảo trợ của Naples, Ý. Theo truyền thống, vào ngày này và hai dịp khác trong năm, máu của ngài, được đựng trong ống thủy tinh có hình chiếc bình tròn, sẽ hóa lỏng.

Người ta tin rằng phép lạ đã xảy ra ít nhất từ năm 1389, là trường hợp đầu tiên được ghi nhận.

Quá trình hóa lỏng đôi khi mất hàng giờ, thậm chí vài ngày và đôi khi hoàn toàn không xảy ra. Theo truyền thuyết địa phương, máu không thể hóa lỏng là dấu hiệu của chiến tranh, nạn đói, bệnh tật hoặc thảm họa khác.

Trong Thánh lễ ngày 19 tháng 9, Đức Tổng Giám Mục Battaglia đã nói về phép lạ và nó là gì – và không phải là gì.

“Hàng năm chúng ta tận mắt chứng kiến chứng tá của một người đã quảng đại hiến mạng sống mình cho Tin Mừng cho đến hơi thở cuối cùng, cho đến giọt máu cuối cùng, không phải là chuyện quá khứ, không phải là một sự kiện lịch sử chỉ để viết về một số người cho đầy trang của một cuốn sách,” ông nói.

“Không,” Battaglia tiếp tục, “đó là một chứng tá hiện diện, sống động, hiện tại và có khả năng nói với trái tim của mọi tín hữu, thúc đẩy họ kiên định hơn, vượt lên trên lòng can đảm, đến một cuộc sống cho đi, ngập tràn chia sẻ.”

Ngài nhắc nhở những người có mặt rằng máu của Thánh Gennaro “không phải là một lời tiên tri để tham khảo và thậm chí càng không phải là một lá số tử vi của thành phố có chức năng dự đoán những điều xui xẻo hay vận may cho thành phố. Không, thánh tích mà chúng ta làm phép chỉ là một tấm biển chỉ đường, một ngón tay chỉ cho chúng ta thấy sự cần thiết, sự cấp bách, yêu cầu phải tuân theo Tin Mừng một cách triệt để, bị thu hút một cách hoàn toàn bởi vẻ đẹp giải phóng của Tin Mừng, lắng nghe với một trái tim và tâm trí rộng mở đến lời sự sống và hy vọng của nó.”

Đức Tổng Giám Mục Battaglia cho biết máu của Thánh Gennaro khiến ngài nghĩ đến vụ đổ máu bất công xảy ra hàng ngày “bất cứ khi nào một người bị thương, bị sỉ nhục, không được tôn trọng phẩm giá của mình”.

“Tôi tin rằng phép lạ thực sự sẽ xảy ra vào ngày kính Thánh Gennaro mãi mãi. Vâng, tôi tin rằng phép lạ thực sự sẽ xảy ra khi công lý hôn hòa bình, khi cái thiện mãi mãi chiến thắng cái ác, khi tin mừng về Chúa Giêsu Kitô lau khô những giọt lệ, xua tan đi nỗi đau của thế giới, soi sáng bóng tối cho điều thiện, hoàn thành mọi sự, bước vào và đi sâu vào trái tim con người đến nỗi lời nói, hành động, suy nghĩ của họ sẽ không là gì khác ngoài lòng tốt, lòng nhân ái, vẻ đẹp.”

Sau Thánh lễ, thánh tích máu của Thánh Gennaro được trưng bày để tôn kính tại Nhà thờ Chính tòa Naples cho đến ngày 26 tháng 9 để tạ ơn về phép lạ.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Pháp sẽ tham dự Thánh Lễ trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Marseille

Dù Đức Phanxicô nhấn mạnh ngài chỉ đến Marseille chứ không đến thăm nước Pháp, ngầm cho thấy đây không phải là chuyến viếng thăm cấp nhà nước, nhưng theo chương trình chính thức, do Tòa Thánh công bố, thì Đức Giáo Hoàng sẽ được Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp đón tiếp khi ngài đặt chân xuống phi trường Marseille ngày 22 tháng 9. Sau đó, ngày 23 tháng 9, lúc 11 giờ 30, ngài lại gặp Tổng thống Pháp một lần nữa tại Dinh Pharo, có chụp hình chính thức, trao quà, và dĩ nhiên thảo luận.

Điều gây xôn xao trong công luận Pháp là việc gần đây, Điện Élysée chính thức thông báo Tổng Thống Macron sẽ tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại vận động trường Vélodrome.

Khi nghe tin trên, ngay lập tức, giới chính trị có phản ứng. Dân biểu Alexis Corbière của đơn vị Seine-Saint-Denis cho đây là ‘một sai lầm, không phù hợp với sự kiện một dân cử, nhất là Tổng thống Cộng hòa, tham dự trong tư cách ấy một lễ nghi tôn giáo”. Tổng thư ký Đảng cộng sản Pháp, Fabien Roussel, nhận định: “đâu có buộc Tổng thống Công Hòa phải tham dự một thánh lễ”. Nữ dân biểu Danièle Obono thì cho rằng làm thế không còn gì là chuyện tôn trọng nguyên tắc tách biệt đạo và đời.

Trước các chỉ trích ấy, Điện Élysée bồi thêm bằng cách thông báo cả Brigitte Macron cũng sẽ tham dự Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng. Điện này cho hay: “tổng thống có những mối liên hệ vớ mọi tín phái”. Vả lại, theo Élysée, “Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ ngỏ lời với người dân Marseille nhưng cũng ngỏ lời với cả người dân Pháp nữa và với tất cả mọi người của Địa Trung Hải”.

Élysée cũng thông báo, Tổng Thống Macron còn đích thân tiễn Đức Giáo Hoàng trở lại Rôma tại phi trường Marignane.

Ngày 15 tháng 9, chính Tổng thống Macron tuyên bố tại Semur-en-Auxois rằng “tôi coi vị thế của tôi phải đến đó. Tôi sẽ không đến như một người Công Giáo, tôi đến trong tư cách Tổng thống Cộng hòa, người vốn là một người thế tục”. Ông cho hay tham dự Thánh lễ là “để tôn trọng và lịch sự”.

5,000 cảnh sát viên và 1,000 nhân viên an ninh tư sẽ được khai triển trong các ngày Đức Phanxicô ở Marseille, quanh các địa điểm ngài lui tới và tại các tuyến giao thông chung, để, theo lời cảnh sát trưởng của khu vực, “ngăn ngừa mọi đe dọa khủng bố, các hành vi quấy phá biến cố và các hành vi du đãng”. Trang mạng coi việc sắp xếp này là “ngoại thường, vượt qui chuẩn”. Cơ quan cảnh sát cũng cho hay mọi nơi Đức Giáo Hoàng tới và mọi xe cộ được sử dụng đều sẽ được rà mìn. Các địa điểm này đều sẽ được rào. Nhà thờ Notre-Dame-de-la-Garde sẽ đóng cửa từ ngày 20 tới ngày 24 tháng 9. Từ thứ sáu lúc 15 giờ tới thứ bẩy lúc 20 giờ việc cấm qua lại ở khu vực này sẽ được thiết lập, cư dân muốn ra vào phải có chứng minh thư cư ngụ.

Ngoại trừ đường đi của giáo hoàng xa tại khu vực Prado, tất cả các biến cố của ngày thứ bẩy (23/9) chỉ dành cho những người được mời và những người này, ngoài giấy mời, còn phải trình một loại căn cước. Ngoài ra họ còn bị rà máy an ninh nữa. Mọi thiện nguyện viên và nhân viên phục vụ, khoảng 6,000 người, đều bị điều tra lý lịch (có người đạ bị loại).

Cả trên không, việc giám sát cũng ở mức tối đa: không một drone hay máy bay nào được bay trên khu vực có Đức Giáo Hoàng vào những lúc này. Ngoài biển cũng thế, an ninh nghiêm ngặt ở vùng Vieux-Port, công viên Prado...

4. 300 tấn viện trợ nhân đạo của Caritas thế giới bị Nga phá hủy ở Lviv

Hơn 300 tấn hàng hóa nhân đạo đã bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào Lviv. Andriy Sadovoy, thị trưởng thành phố phía tây Ukraine, đã tuyên bố điều này trên Telegram, theo CNN. Trước đó, đã có thông tin về cái chết của một người đàn ông làm việc trong tòa nhà bị ảnh hưởng.

Thị trưởng báo cáo rằng “một nhà kho của tổ chức phi chính phủ Caritas International đã bị tấn công, khiến một công nhân thiệt mạng và hàng hóa nhân đạo bị phá hủy” và nhà kho chứa “khoảng 300 tấn hàng hóa nhân đạo”. Sadovoy cho biết số hàng này trị giá hàng triệu Mỹ Kim.

“Tôi vừa nói chuyện với nhà lãnh đạo Caritas: họ vừa nhận được viện trợ nhân đạo, quần áo, giày dép, máy phát điện để gửi từ Lviv đến các vùng khác của Ukraine. Bây giờ mọi thứ đang cháy. Rất nhiều thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nhẹ đang bị đốt cháy”, thị trưởng thành phố nhấn mạnh.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine đang đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu.

Mạc Tư Khoa đã tấn công vào cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ tháng 7, khi nước này rút khỏi thỏa thuận cho phép các tàu Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga đối với các cảng Hắc Hải của Ukraine và di chuyển an toàn qua tuyến đường thủy tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp cận thị trường toàn cầu.

Austin cáo buộc rằng Điện Cẩm Linh đã tiêu hủy “ít nhất 280.000 tấn ngũ cốc. Số lương thực đó đủ để nuôi sống tới 10,5 triệu người trong một năm.”

“Nga càng kéo dài chiến tranh thì sự tàn ác của họ càng trở nên rõ ràng. Các cuộc tấn công của Nga đã vượt xa chiến trường và gây ra những đau khổ không thể kể xiết cho con người”, ông Austin nói. “Lịch sử sẽ cho thấy sự điên rồ tột độ của cuộc xâm lược liều lĩnh, tàn ác và vô cớ của Putin đối với người hàng xóm hòa bình của mình.”


Source:ragusanews.com/