1. Rabbi Trưởng của Do thái giáo ở Israel lên án các vụ tấn công vào các nơi thờ phượng của Kitô giáo.

Rabbi Trưởng của Do thái giáo ở Israel, ông David Lau, lên án những vụ tấn công các tín hữu và các nơi thờ phượng của Kitô giáo tại nước này.

Theo tờ “Giêrusalem Post”, số ra ngày 07 tháng Chín vừa qua, Rabbi Lau đã gửi thư cho cha Bề trên Đan viện Dòng Cát Minh “Stella Maris”, hay Sao Biển, ở thành phố cảng Haifa, trong đó Rabbi viết rằng gia sản Do thái giáo buộc những người Do Thái càng phải tránh những hành vi bạo lực. Rabbi Trưởng nhắc lại rằng qua dòng lịch sử, Do thái giáo đã chịu nhiều thiệt hại. Một điều tuyệt đối cấm của Do thái giáo là không được gây thiệt hại cho các tài sản cá nhân hoặc cản trở việc hành đạo và các vị lãnh đạo tôn giáo. Có một nghĩa vụ chung là tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của người khác.

Từ nhiều tháng nay, tu viện và nhà thờ “Sao Biển” bị thường những người Do thái cực đoan, đồ đệ của cố Rabbi Eliseo Berland, tấn công, xách nhiễu các tu sĩ và các tín hữu. Họ đột nhập vào nhà thờ, và nói rằng nơi này có mộ của ngôn sứ Elija, nhưng các Kitô hữu hoàn toàn bác bỏ điều đó.

Rabbi Berland đã bị tòa kết án về tội lạm dụng tình dục và lường gạt. Ông thuộc phong trào Chassidim Bratslav ở Israel. Nhóm này thường xâm phạm các đền thánh của Kitô giáo, bất chấp sự chống đối của những người quản trị, và thậm chí họ còn tư nhận có quyền trên Đền thánh.

2. Tòa Thánh chú ý đến Việt Nam sau các thông tin cho biết người Công Giáo Việt Nam sang tận Mông Cổ mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước

Các phương tiện truyền thông thế giới đã nồng nhiệt loan tải tin tức về một phái đoàn Việt Nam sang tận Mông Cổ xa xăm để xin Đức Thánh Cha viếng thăm Việt Nam. Phái đoàn bao gồm 90 vị giáo sĩ và giáo dân, trong đó có cả Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Năng của tổng giáo phận Sàigòn và 6 Giám Mục khác.

Có các ý kiến cho rằng nếu Đức Thánh Cha Phanxicô không thể đến thăm Việt Nam, thì ít nhất Đức Thánh Cha cũng nên tấn phong Hồng Y cho một vị tại Việt Nam để chống lại các đồn thổi ngày càng lan rộng.

Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, có bài tường trình nhan đề “Catholics in Vietnam ask Pope Francis to visit their country next”, nghĩa là “Người Công Giáo Việt Nam mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm đất nước trong chuyến tông du tiếp theo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một phái đoàn gồm 90 người Công Giáo Việt Nam và bảy giám mục đã tới Mông Cổ vào cuối tuần trước để có cơ hội gặp Đức Thánh Cha Phanxicô và đưa ra một thông điệp đặc biệt.

“Chúng tôi đến Mông Cổ để mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam,” Cha Huỳnh Thế Vinh thuộc Giáo phận Phú Cường, Việt Nam nói với CNA vào ngày 3 tháng 9.

Không giống như Mông Cổ, nơi có dân số Công Giáo nhỏ nhất trên thế giới, Việt Nam là quê hương của hàng triệu người Công Giáo, nhưng chưa có vị giáo hoàng nào từng đến thăm quốc gia Đông Nam Á này.

Việt Nam và Tòa Thánh chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ, là điều kiện tiên quyết thông thường cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng, nhưng người Công Giáo Việt Nam vẫn tin rằng chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng có thể có tác động tích cực đến tình hình mà các Kitô hữu ở nước xã hội chủ nghĩa đang phải đối mặt.

“Tôi thực sự hy vọng rằng một ngày nào đó Đức Thánh Cha có thể đến Việt Nam, bởi vì nếu Đức Thánh Cha đến Việt Nam, điều đó sẽ thay đổi rất nhiều quyền tự do tôn giáo ở nước ta”, cô Ngô Việt Kim nói với CNA.

Phát biểu trong Thánh lễ giáo hoàng ở Ulan Bator, cô Kim mô tả chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang lại hy vọng cho người dân Mông Cổ như thế nào và cho biết cô tin rằng một chuyến đi tương tự đến Việt Nam sẽ “rất có ý nghĩa đối với cả người Việt hải ngoại và người dân ở Việt Nam”.

Nguyễn Hùng, một người Mỹ gốc Việt 20 tuổi đến từ Houston đến gặp Đức Thánh Cha ở Mông Cổ, nói với CNA rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha có thể giúp “củng cố đức tin của các thế hệ trẻ Công Giáo Việt Nam”.

Việt Nam có dân số Công Giáo lớn thứ năm ở Á Châu với ước tính khoảng 7 triệu người Công Giáo. Hiện nay có thêm 700.000 người Công Giáo Việt Nam sống ở Hoa Kỳ, nhiều người trong số họ là người tị nạn hoặc con cháu của những người tị nạn chạy trốn bằng thuyền trong Chiến tranh Việt Nam.

Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cũng chứng kiến số lượng ơn gọi tu sĩ ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Hơn 2.800 chủng sinh đang được đào tạo để lãnh nhận sứ vụ linh mục trên khắp Việt Nam vào năm 2020, gấp 100 lần so với ở Ái Nhĩ Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi về khả năng chuyến tông du đến Việt Nam trong cuộc họp báo trên chuyến bay khi ngài trở về từ Mông Cổ.

Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài “rất tích cực về mối quan hệ với Việt Nam,” bất chấp những vấn đề trong quá khứ trong cuộc đối thoại “chậm” của Tòa Thánh với chính phủ xã hội chủ nghĩa của đất nước, đồng thời nói thêm rằng ngài nghĩ rằng bất kỳ vấn đề nào trong tương lai đều có thể khắc phục được.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói đùa: “Nếu tôi không đến Việt Nam, tôi chắc chắn rằng Giáo hoàng tương lai, Đức Gioan 24 sẽ đi!”

Vị Giáo hoàng 86 tuổi nói thêm: “Thành thật mà nói, việc đi lại đối với tôi không còn dễ dàng như lúc ban đầu”. Ngài nói thêm rằng ngài có một số hạn chế về thể chất khi đi bộ, điều này có thể khiến việc đi lại trở nên khó khăn hơn, nhưng ngài đang xem xét khả năng đến thăm một quốc gia nhỏ ở Âu Châu.

Vatican đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức với Việt Nam từ năm 2009 và đầu năm nay, trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Vatican, chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho phép đại diện thường trực của Giáo hoàng tại Việt Nam.

Đại diện thường trú của Giáo hoàng được coi là bước trung gian trong quan hệ ngoại giao, dưới mức Sứ thần Tòa thánh.

Hiến pháp Việt Nam bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của cá nhân. Tuy nhiên, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, cơ quan tư vấn cho các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, trong báo cáo năm 2023 đã khuyến nghị Việt Nam được chỉ định là “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” do các điều kiện tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ.

Báo cáo trích dẫn sự đàn áp của nhà cầm quyền đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng độc lập chưa ghi danh, bao gồm các cộng đồng Tin lành và Phật giáo. Chính quyền địa phương cũng gây áp lực buộc một số người tham dự các nhà thờ Tin lành do nhà nước kiểm soát phải từ bỏ đức tin của họ.

Theo báo cáo của USCIRF, tình trạng quấy rối đối với các cộng đồng Công Giáo cũng gia tăng vào năm 2022. Tại tỉnh Hòa Bình, các quan chức địa phương đã phá rối Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiện của Hà Nội cử hành. Ngoài ra còn có những tranh chấp đất đai đang tiếp diễn giữa người Công Giáo và chính quyền địa phương.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài tin rằng Việt Nam “xứng đáng” có chuyến viếng thăm của Giáo hoàng vào một ngày nào đó và đó là “một vùng đất xứng đáng được phát triển”.

Bước tiếp theo trong việc xây dựng mối quan hệ song phương có thể là chuyến thăm cao cấp đầu tiên của một quan chức ngoại giao Vatican tới Việt Nam.


Source:Catholic News Agency

3. Một chiến tuyến mới trong Giáo hội Đức: Giải pháp Thay thế cho Nước Đức chống lại Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức

Luke Coppen của The Pillar, ngày 7 tháng 9, 2023, tường trình rằng, một nhà lãnh đạo giáo dân nổi tiếng người Đức đã gây ra cuộc tranh luận với lời kêu gọi loại trừ các thành viên của một đảng chính trị cực hữu đang nổi tiếng khỏi việc nắm giữ các chức vụ trong Giáo hội.

Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, gọi tắt là ZdK, đã đưa ra lời kêu gọi trong một cuộc phỏng vấn ngày 15 tháng 8 với tạp chí trực tuyến của Giáo phận Münster Kirche und Leben, nghĩa là Giáo Hội và Cuộc Sống.

Bà nói rằng các thành viên của đảng Giải pháp Thay thế cho nước Đức, gọi tắt là AfD, không được phép giữ các chức vụ giáo dân trong Giáo hội.

Stetter-Karp lập luận rằng đảng đã “ngày càng tiến xa hơn về phía cánh hữu” kể từ khi được thành lập cách đây 10 năm và “rõ ràng là các thái độ và tuyên bố bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, vô nhân đạo không có chỗ đứng trong một tổ chức Công Giáo”.

Bà nói: “Sự ủng hộ tích cực dành cho Giải pháp Thay thế cho nước Đức mâu thuẫn với các giá trị căn bản của Kitô giáo.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện sau khi Giải pháp Thay thế cho nước Đức tăng mức ủng hộ cao lên tới 21% trong các cuộc thăm dò dư luận, có nghĩa đây sẽ là đảng mạnh thứ hai của đất nước, sau Đảng dân chủ Thiên chúa giáo trung hữu, trong trường hợp bầu cử liên bang.

Nhận xét của Stetter-Karp đã nhanh chóng gây ra phản ứng dữ dội từ các thành viên Giải pháp Thay thế cho nước Đức.

Maximilian Krah, một người Công Giáo đại diện cho Giải pháp Thay thế cho nước Đức trong Nghị viện Âu Châu, đã chỉ trích mạnh mẽ Ủy ban Trung ương Người Công Giáo Đức, là nhóm giáo dân có ảnh hưởng nhất ở Đức và là động lực thúc đẩy “đường lối đồng nghị” gây tranh cãi của đất nước.

“'Ủy ban Trung ương của người Công Giáo'... hoàn toàn không xuất hiện từ các cuộc bầu cử, mà là một câu lạc bộ gồm những người hoạt động chủ yếu sống toàn thời gian nhờ thuế nhà thờ, thất nghiệp trên thị trường việc làm đầu tiên, và do đó ghét bản thân, ghét Giáo hội, và ghét đức tin,” Krah viết vào ngày 16 tháng 8 trên X, nền tảng truyền thông xã hội trước đây gọi là Twitter.

Giải pháp Thay thế cho nước Đức được thành lập tại Đức vào tháng 2 năm 2013 để cạnh tranh trong cuộc bầu cử liên bang năm đó trên nền tảng bãi bỏ đồng euro, tiền tệ của 20 quốc gia thành viên Âu Châu. Nó suýt chút nữa đã trượt ngưỡng bầu cử 5% cần thiết để vào Hạ Viện Đức.

Trong cuộc bầu cử liên bang năm 2017, đảng này đã giành được 12.6% số phiếu bầu, giành được 94 ghế trong Hạ viện và trở thành đảng lớn thứ ba, tập trung vào vấn đề nhập cư sau cuộc khủng hoảng di cư ở Âu Châu năm 2015.