Cuộc viếng thăm của Đức Phanxicô, đúng như lời ngài phát biểu trên chuyến bay từ Rôma tới Ulan Bator, diễn ra khá âm thầm mặc dù được tiếp đón rất long trọng và thân tình tại Sân Bay Ulan Bator. Quả thực, ngoài bản tin của Vatican News, ít cơ quan truyền thông nào tường thuật chi tiết nghi thức đón tiếp ngài tại Sân Bay.



Tờ Montsame tiếng Anh của Mông Cổ, và dường như của chính phủ (https://montsame.mn/en/read/325709), chỉ đơn giản đưa tin rất vắn tắt rằng: “Vị đứng đầu Tòa Thánh, Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Mông Cổ cho một cuộc viếng thăm cấp nhà nước theo lời mời của Tổng Thống Mông Cổ Khurelsukh Ukhnaa. Ngoại trưởng B. Battsetseg đã nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô lúc ngài đặt chân xuống Phi Trường Quốc Tế Chinggis Khaan, Mông Cổ. Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của vị Đứng Đầu Tòa Thánh tới Mông Cổ và là chuyến tông du thứ 43 của ngài. Trên 150 ký giả khắp thế giới cũng đã tới Mông Cổ để tường trình chuyến viếng thăm”.

Trong một tường trình khác, tựa là ‘Chào Đón ngài tới Mông Cổ, thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, tờ này không cho biết họ chào đón ngài ra sao, chỉ nhắc lại mục đích chuyến viếng thăm dựa vào lời của ngài trong buổi đọc kinh Truyền Tin: “Đây là một chuyến viếng thăm hết lòng mong ước, sẽ là cơ hội để ôm hôn một Giáo Hội tuy nhỏ về số lượng, nhưng sinh động trong đức tin và vĩ đại trong đức ái”; và nhận định của Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh: trọng tâm của toàn bộ chuyến đi là gặp gỡ cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của Mông Cổ, có khoảng 1,500 tín hữu. Ông cũng cho rằng mối liên hệ giữa hai quốc gia có từ thế kỷ 13, mở rộng thành liên hệ ngoại giao năm 1992, và phát triển thâm hậu trong hơn 30 năm nay kể từ khi các nhà truyền giáo Công Giáo đầu tiên được phái đến Mông Cổ. Ông Matteo Bruni cho biết hơn một nghìn tín hữu từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thái Lan, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyzstan, Azerbaijan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sẽ cùng các tín hữu cư trú tại Mông Cổ tham dự Thánh lễ, một cuộc gặp gỡ với cộng đồng Công Giáo, tại Steppe Arena vào ngày 3 tháng 9.

“Cũng vào ngày 3 tháng 9, Đức Giáo Hoàng sẽ chủ trì một sự kiện đại kết và liên tôn tại Nhà hát Hun, trong đó các đại diện của Đạo Shaman, Thần đạo, Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác sẽ tham gia. Sự kiện này đưa ra một dấu hiệu về ơn gọi chung sống hòa bình vốn là nét đặc trưng của người dân Mông Cổ trong nhiều thập niên”, ông Bruni nhấn mạnh. Quan chức chính phủ và đại diện các trường đại học sẽ có mặt tại cuộc họp.

Vào cuối buổi họp báo, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh Matteo Bruni nhắc lại những lời của Đức Giáo Hoàng trong Kinh Truyền tin vừa qua: “Đức Thánh Cha đã nói rất rõ ràng vào Chúa nhật: ngài sẽ đi Mông Cổ, ngài mong muốn cuộc gặp gỡ mà ngài mong chờ với niềm hạnh phúc và sự tôn trọng lớn lao. Ngài rất mong muốn được gặp gỡ mọi người. Tôi sẽ không nói thêm gì nữa. Cuộc hành trình là đến Mông Cổ."

Chỉ có thế, và sau đó, họ cho đăng lịch trình thăm viếng của Đức Phanxicô tại Mông Cổ.



Theo VaticanNews, tại phi trường Chinggis Khaan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đón tiếp bởi Đức Ông Fernando Duarte Barros Reis, Tùy viên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Mông Cổ, và bởi Đại sứ Mông cổ bên cạnh Tòa Thánh, Ms Davaasuren Gerelmaa, và sau đó bởi các viên chức Giáo Hội và chính phủ, đứng đợi ngài tại sân bay. Đội Quân Danh dự của Quốc gia Mông Cổ, dàn hàng trong đồng phục đỏ, lam và vàng, đầu đội mũ sắt, vốn nhắc đến các chiến binh Mông Cổ thời xa xưa, đón rước ngài. Trong nghi lể nghinh đón này, một thiếu nữ Mông Cổ, vận y phục truyền thống, đã dâng Đức Giáo Hoàng một ly “Aaruul”, sữa chua nấu chín, làm từ sữa gia súc, bò Tây Tạng và lạc đà, tượng trưng văn hóa du mục của dân tộc Mông Cổ, vốn là thức uống khi đi du hành của họ. Đức Giáo Hoàng đã vui vẻ nhận ly sữa và uống một chút.