CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM A: MT 15,21-28

Khi ấy, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái của tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà It-ra-en mà thôi”. Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bấy giờ, Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.




NIỀM HY VỌNG LỚN LAO

Một bé gái 6 tuổi đến ăn tại nhà một người bạn cũng Công Giáo như em. Khi mọi người ngồi vào bàn, cô bé cúi đầu chờ đợi tất cả đọc kinh ăn cơm. Chẳng thấy ai đọc kinh hết, cô bé thẹn thùng nói: “Cả nhà giống con chó của cháu quá, cứ ngồi xuống là ăn!” - Một cụ ông nhà quê vào quán gọi một tô phở. Trước khi ăn, cụ kính cẩn làm dấu Thánh giá. Một thanh niên vô đạo ngồi bên cười mai mỉa: “Ở chốn quê mùa của lão, chắc người ta mới làm như thế!” - “Vâng! Ai cũng làm như thế trước khi ăn cả, chỉ trừ lũ chó thôi!”

Dân Do-thái ngày xưa cũng nghĩ như thế đối với dân ngoại. Theo họ, dân ngoại xét về mặt thiêng liêng cũng giống như loài chó, vì những kẻ này hoàn toàn thiếu nhạy cảm đối với Thiên Chúa. Điều này dẫn chúng ta đi vào chủ điểm của bài Tin Mừng hôm nay.

1. Sứ mệnh giới hạn.

Vào cuối đời mình, Đức Giê-su hay “rút lui”, “chạy trốn” sang vùng dân ngoại. Chắc hẳn có nhiều lý do. Dẫu sao đó là một khúc quanh trong sứ vụ Người. Từ “phép lạ hóa bánh ra nhiều”, Người đã cảm thấy có sự hiểu lầm thê thảm trong nỗi chờ mong của quần chúng. Nay Người xa lánh họ, để dồn sức hơn cho việc huấn luyện nhóm nhỏ môn đồ. Ngoài ra, không thể chối cãi được rằng như chúng ta, Đức Giê-su cũng nếm biết sự mệt mỏi thần kinh và thể lý, Người cảm thấy cần xa hẳn quần chúng để yên tĩnh nghỉ ngơi và cầu nguyện. Thành thử Người đã vượt qua biên giới, đến miền Tia và Xi-đôn, hai thành phố thương cảng lớn với dân cư lai tạp.

Nhưng danh tiếng Đức Giê-su đã vượt qua biên giới. Vì này một phụ nữ Ca-na-an đến gặp Người và bắt đầu cầu khẩn. Lời kêu van của bà mang một dáng dấp hết sức “phụng vụ”: “Lạy Ngài, xin dủ lòng thương tôi”. Còn từ “Con Đa-vít” rõ ràng là một danh hiệu công nhận Người như Đấng Cứu Thế. Thành thử đây là một nghịch lý lạ lùng: Đức Giê-su vừa trải qua một cuộc tranh luận trong đất It-ra-en, với các ký lục và phái Pha-ri-sêu từ Giê-ru-sa-lem đến (x. Mt 15,1-20), thế mà chính giữa đất dân ngoại, do miệng một phụ nữ, Người nhận được một lời cầu nguyện đầy đức tin.

Là Đấng từng phán: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7), Đức Giê-su sẽ đón tiếp lời cầu nguyện đẹp đẽ, chân thành và cảm động này như thế nào? Người chẳng ư hử một tiếng! Lạy Chúa, tại sao Chúa không đáp lại lời van xin của một bà mẹ khốn khổ trong cơn hoạn nạn? Dẫu sao đó là một lời cầu nguyện rất thuần khiết: bà ta xin Chúa “cứu” con gái khỏi quỷ dữ mà! Lạy Chúa, tại sao Chúa hay có vẻ im lặng khi chúng con khẩn nài Chúa giải thoát chúng con và những người chúng con yêu mến?

Tạm thời, trong lúc chờ đợi kết cục câu chuyện sẽ soi sáng chúng ta hơn, thiết tưởng nên nhớ Đức Giê-su thường rất ngập ngừng khi làm phép lạ. Người không thích bị coi như một tay phù thủy. Thông thường, Thiên Chúa để cho các định luật vũ trụ diễn tiến mà chẳng làm ngược với chúng mọi lúc. Đức Giê-su nếu có ra tay làm phép lạ thì cũng ít thôi, và trước tiên bao giờ cũng như những “dấu chỉ”. Nhưng mọi dấu chỉ đều hàm hồ và phải được giải thích: lắm tay Pha-ri-sêu đã khinh bỉ các phép lạ của Đức Giê-su bằng cách gán cho quyền lực ma quỷ (x. Mt 12,24)… Phần dân chúng thì luôn đứng ở mức độ coi Người như một lang băm, một thầy pháp, đến nỗi Người thường chạy trốn (x. Mt 14,22) hay buộc họ phải giữ im lặng (x. Mc1, 34-44; 7,36; 8,26; 9,9).

Thấy Thầy im lặng, các môn đệ liền can thiệp, xin Thầy bảo người phụ nữ đi đi. Hiển nhiên, đó là một giải pháp dễ dãi. Nhưng như thế là chấm dứt mọi đối thoại. Tống khứ cho khuất mắt để mình được yên thân, chúng ta cũng có khi như các Tông đồ, “quyết liệt” cắt ngang mọi trao đổi vừa hé. Đức Giê-su mở miệng đáp lại, song để dứt khoát chối từ! Lạy Chúa sao thế? Sao Chúa nói không với người phụ nữ cầu xin? Chúng con vẫn biết Chúa có quả tim nhân hậu, dễ “chạnh lòng” mà! Thoạt tiên, ta chỉ có thể công phẫn vì thái độ cứng cỏi đó. Nhưng khi biết được Đức Giê-su vẫn luôn âu yếm kẻ nghèo, ta không thể nghĩ rằng lời từ chối ấy chẳng mang ý nghĩa. Hãy cố gắng vượt qua cảm tưởng đầu tiên để khám phá ý nghĩa kiểu nói: “Thầy chỉ được sai đến để cứu những con chiên lạc nhà It-ra-en mà thôi”.

Qua công thức này, Đức Giê-su trước hết nói lại cho ta biết Người yêu mến thánh ý Chúa Cha: Người đã được Cha sai vì một nhiệm vụ rõ rệt và giới hạn. Mỗi cuộc đời đều đóng khung trong không gian lẫn thời gian. Ta không thể ở khắp nơi và làm mọi chuyện. Đức Giê-su đâu tự xác định phạm vi hoạt động cho Người… phạm vi duy nhất mà một con người có thể hoàn tất trong một cuộc sống ngắn ngủi. Chúng ta cũng thế, thay vì ngồi mà mơ mộng, hãy chấp nhận “phận người giới hạn và bắt rễ một nơi” của mình để hoàn thành ở đó phận sự riêng biệt của mình, phận sự mà chỉ mình chúng ta mới có thể làm được. Chớ để bị cám dỗ mơ mộng… cuộc sống ở chỗ khác… cuộc sống của người khác, kiểu “đứng núi này trông núi nọ”!

Trong thực tế, ngoại trừ vài cuộc xuất du rất ít oi (nhưng giàu ý nghĩa), Đức Giê-su hiếm khi ra khỏi biên giới Pa-let-ti-na, để chủ yếu dành sứ vụ của mình cho đồng hương Do-thái. Những kẻ khác, các môn đệ Người, sẽ “đi khắp thế gian” (Mt 28,19). Phần Người, sẽ “được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18) nhưng chỉ sau khi chết và sống lại. Trong lúc này, Người bằng lòng đảm nhận cách khiêm tốn phận vụ “nhỏ bé” hạn hẹp đã được giao cho, và Người xác định “sứ mệnh” mình bằng cách tóm tắt sấm ngôn tuyệt diệu trong đó Thiên Chúa tự giới thiệu như Đấng Chăn Lành đích thân đến quy tụ và chữa lành các chiên lạc (x. Ed 34,1-31).

2. Ơn rỗi phổ quát

Nhưng người mẹ khốn khổ, cho dẫu hiểu rõ viễn ảnh lịch sử đó, vẫn không thể bằng lòng. Bà càng khẩn nài hơn: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Các thử thách bao giờ cũng thanh luyện đức tin, nêu bật sức mạnh của lời cầu nguyện đích thật. Giữa người phụ nữ Ca-na-an và Đức Giê-su, lúc này đây xảy ra một liên hệ lạ lùng và mầu nhiệm: theo dáng vẻ bên ngoài, đây là một tương quan gãy đổ, một sự từ chối, một sự bác bỏ… nhưng bên trong hai tâm hồn, chính khó khăn của hoàn cảnh lịch sử làm nẩy sinh một tương quan còn sâu xa hơn giữa hai. Giống như trên núi, con đập xem ra chặn giòng nước… nhưng để khiến nước dâng cao đến độ tạo nên lắm cái diệu kỳ. Phần chúng ta, có biết giải thích các thử thách của mình không? Thay vì bối rối vì các khó khăn, chúng ta có biết “nâng mức” quan hệ của mình với Thiên Chúa không?

Trước đức kiên nhẫn đáng phục của người phụ nữ ngoại giáo, Đức Giê-su lại càng trả lời cứng cỏi. Lạy Chúa, Chúa mới hóa bánh ra nhiều mà! Sao Chúa xem ra từ chối mẩu bánh tí xíu người phụ nữ khốn khổ van xin. Không! Không thể được!... “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Quyết không để mình chán nản, thất vọng, người đàn bà bắt lấy viên đạn, gần như với sự hài hước, và ném trả lại cho Đức Giê-su. Thật ra, Đức Giê-su đã ném sào cho bà. Gọi người khác “chó” là một nguyền rủa rất nặng ở Đông phương. Tuy nhiên, khi dùng từ giảm nhẹ “chó con”, Đức Giê-su đã gợi lên tính cách gia đình của các con chó, chúng cũng thuộc một nhà như bầy con nhỏ. Từ đó ám chỉ lũ chó cưng nuôi trong nhà, chứ không phải lũ chó hoang chạy ngoài chợ. Đức Giê-su dùng từ ấy một cách thân ái. Nên có lẽ bà ta vừa cười vừa đối đáp Người.

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Câu chuyện rõ rệt muốn dẫn tới kết cục này. Một niềm hy vọng lớn lao mở ra qua trang Tin Mừng hôm nay, nhờ đức tin của người đàn bà ngoại giáo. Nếu Đức Giê-su đã khiêm tốn tự “giới hạn” mình cho các chiên lạc nhà It-ra-en, thì ở đây, Người hé cho thấy sứ điệp và ơn cứu độ của Người đều dành cho tất cả nhân loại. Và cũng qua trang Tin Mừng này, chúng ta phải để mình bị chất vấn. Tại sao tôi gặp cơ may có đức tin? Tại sao tôi được ưu đãi, được cho vào ăn “bánh của con cái Thiên Chúa”? Phải chăng tôi hay quên đám đông bao la đang chờ đợi các mảnh vụn từ bàn ăn thần linh này? Thiên Chúa chọn ai thì cũng vì một sứ mệnh hoàn vũ. Sở dĩ Đức Giê-su chọn “một số người”, thì đó là để sai họ đến với mọi người khác. It-ra-en, dân đặc tuyển, là kẻ đầu tiên được hưởng các lời hứa của Thiên Chúa, nhưng là để góp công thực hiện mục tiêu cuối cùng: hết thảy nhân loài phải được cứu rỗi! “Toàn cõi đất đều là của Ta, Thiên Chúa phán, nhưng Ta đã chọn các ngươi như một vương quốc tư tế”… cho những người khác vậy (x. Xh 19,5-6).