Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 27 tháng 7 năm 2023


Theo Kevin J. Jones của CNA, Tòa thánh và chính phủ Việt Nam đã công bố một thỏa thuận cho phép Vatican có một đại diện giáo hoàng thường trú tại quốc gia cộng sản này.

Thông báo được đưa ra hôm thứ Năm trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Vatican. Ông đã hội đàm với cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Quốc vụ khanh Tòa thánh, Hồng Y Pietro Parolin.

Theo bản tin ngày 27 tháng 7 của Văn phòng Báo chí Tòa thánh, “hai bên bày tỏ sự đánh giá cao về những tiến triển đáng chú ý trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh, cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công Giáo Việt Nam cho đến nay.”

Một đại diện giáo hoàng thường trú được coi là một bước trung gian trong quan hệ ngoại giao, bên dưới một sứ thần tòa thánh.

Tòa Thánh và Việt Nam chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ nhưng đã tham gia vào các cuộc thảo luận song phương chính thức kể từ năm 2009. Kể từ năm 2011, Tòa Thánh đã có một đại diện giáo hoàng không thường trú tại Việt Nam. Tại một cuộc họp năm 2018 tại Hà Nội, Vatican và các phái đoàn Việt Nam đã đồng ý nâng cấp đại diện này lên thành thường trú nhân. Như CNA đã đưa tin trước đây, các cuộc thảo luận tiếp theo đã được tổ chức tại Vatican vào tháng 8 năm 2019.

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng gặp Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa thánh Pietro Parolin tại Vatican vào ngày 27 tháng 7 năm 2023. Ảnh: Vatican Media


Hai bên bày tỏ sự tin tưởng rằng vị đại diện của Giáo hoàng sẽ hỗ trợ những nỗ lực của cộng đồng Công Giáo Việt Nam “theo tinh thần thượng tôn pháp luật” để đồng hành cùng dân tộc, để trở thành “người Công Giáo tốt và công dân tốt” và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Họ nhất trí đại diện của Giáo hoàng thường trú sẽ là “cầu nối để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh.”

Người Công Giáo chiếm khoảng 7,5% trong tổng số 97 triệu dân của Việt Nam, theo ước tính vào tháng 7 năm 2018 của chính phủ Hoa Kỳ. Hầu hết người Việt Nam thực hành các tôn giáo dân gian, tiếp theo là Phật giáo.

Hiến pháp Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và tự do tôn giáo của cá nhân. Tuy nhiên, luật cũng cho phép chính phủ kiểm soát đáng kể hoạt động tôn giáo và tự do tôn giáo có thể bị hạn chế vì lợi ích an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội, theo Báo cáo năm 2022 về Tự do Tôn giáo Quốc tế từ Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Các cộng đồng Công Giáo ở Việt Nam đã trải qua một số hạn chế dưới chế độ cộng sản lên nắm quyền vào năm 1976.

Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF), cơ quan cố vấn cho các chi nhánh của chính phủ Hoa Kỳ, trong báo cáo năm 2023 của mình khuyến nghị rằng Việt Nam nên được chỉ định là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” do các điều kiện tự do tôn giáo ngày càng tồi tệ.

Báo cáo trích dẫn cuộc đàn áp của chính phủ đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng độc lập chưa đăng ký, bao gồm các cộng đồng Thệ phản và Phật giáo. Chính quyền địa phương cũng đã gây áp lực buộc một số người tham dự các nhà thờ Tin lành do nhà nước kiểm soát phải từ bỏ đức tin của họ.

Theo báo cáo của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tình trạng quấy rối các cộng đồng Công Giáo gia tăng vào năm 2022. Tại tỉnh Hòa Bình, các quan chức địa phương đã phá rối Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên của Hà Nội cử hành. Ngoài ra còn có những tranh chấp đất đai tiếp diễn giữa người Công Giáo và chính quyền địa phương