Simon Caldwell của tờ The Catholic Herald, ngày 17 tháng 7 năm 2023 đặt câu hỏi như trên. Theo ông:



Một thỏa thuận lịch sử đã đạt được giữa Vatican và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2018 được coi là một bước đột phá trong cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo.

Chắc chắn là các nhà ngoại giao Công Giáo đã hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ chấm dứt tình trạng bế tắc về quyền tự do thờ phượng ở nhà nước chính thức Cộng sản vô thần. Những căng thẳng về quyền tôn giáo đã bám sát mối quan hệ giữa hai bên trong nhiều thập niên, cũng như khiến cuộc sống của 12 triệu người Công Giáo trong tổng số 104 triệu Kitô hữu trong nước trở thành một thử thách đau khổ và khôn nguôi.

Chỉ 5 năm sau, có vẻ như sự lạc quan đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi vì trong thời kỳ đó, Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế đối với quyền của các Kitô hữu, những người đại diện cho khoảng 5% dân số 1.4 tỷ người, đồng thời vi phạm thỏa thuận ban đầu với Tòa thánh, được gia hạn vào năm 2020 và sau đó vào năm 2022.

Thỏa thuận phần lớn là bí mật nhưng điều được biết đến công khai là nó liên quan chủ yếu đến việc bổ nhiệm các giám mục. Thỏa thuận này cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiếng nói đối với các giám mục được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm, đồng thời đưa tất cả các giám mục ở Trung Quốc hiệp thông với Rôma, do đó chấm dứt cả việc tấn phong bất hợp pháp trong Giáo hội và các vụ tấn phong bất hợp pháp dưới pháp luật Trung Quốc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một trong những người giữ vững niềm hy vọng cho rằng thỏa thuận mà ngài đã gia hạn lần thứ hai vào năm ngoái sẽ mang lại kết quả tích cực; ngài nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tháng 7 rằng ngài tin “thỏa thuận đang tiến hành tốt đẹp”.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng bốn tháng, Vatican đã buộc phải thừa nhận rằng trái lại, thỏa thuận này thực sự đang diễn ra rất tồi tệ.

Tòa Thánh đã đi xa đến mức tuyên bố vào cuối tháng 11 rằng Trung Quốc đã vi phạm các điều khoản quy định về việc bổ nhiệm giám mục, lưu ý rằng “rất ngạc nhiên và tiếc nuối” việc Đức Giám Mục John Peng Weizhao đã được bổ nhiệm làm “Giám Mục Phụ Tá của Giang Tây,” một giáo phận không được Vatican công nhận.

Buổi lễ tấn phong của ngài tại Nam Xương “đã không diễn ra theo tinh thần đối thoại… và những gì đã được quy định trong Thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục, vào ngày 22 tháng 9 năm 2018”, một tuyên bố cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng Rôma cũng lo ngại về “áp lực nặng nề và kéo dài từ chính quyền địa phương” trước buổi lễ.

“Tòa Thánh hy vọng rằng các tình tiết tương tự sẽ không bị lặp lại, vẫn đang chờ thông tin liên lạc thích hợp về vấn đề này từ các cơ quan chức năng và tái khẳng định sự sẵn sàng hoàn toàn của mình để tiếp tục đối thoại một cách tôn trọng liên quan đến tất cả các vấn đề cùng quan tâm,” tuyên bố kết luận.

Sự phản bội của Trung Quốc đã gây ra một thời điểm quốc tế chỉ trích cách tiếp cận vấn đề của Vatican bởi những người từ lâu đã phản đối các chính sách như vậy với lý do Đảng Cộng sản Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy.

Và bây giờ nó lại xảy ra một lần nữa, và lần này nó liên quan đến việc thuyên chuyển vào tháng Tư Giám mục Shen Bin của Giáo phận Hải Môn (Giang Tô) đến Giáo phận Thượng Hải, đã bị bỏ trống trong 10 năm, mà Vatican không hề hay biết hoặc chấp thuận.

Tuy nhiên, vào thứ Bảy, Vatican đã thông báo rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã quyết định công nhận việc thuyên chuyển vị giám mục mặc dù các điều khoản của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã bị coi thường một cách công khai.

Đức Hồng Y người Ý Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, gợi ý rằng sự khinh thường rõ ràng mà Trung Quốc đang thể hiện đối với thỏa thuận có thể được khắc phục bằng cách thành lập một “văn phòng liên lạc ổn định” cùng với Tòa thánh.

Ngài nói, một động thái như vậy sẽ “cực kỳ hữu ích” cho cuộc đối thoại đang diễn ra.

Có thể tha thứ cho người Công Giáo khi đi đến kết luận rằng có một yếu tố mơ tưởng trong lập luận của Hồng Y Parolin và thực sự là trong cách tiếp cận ngoại giao của Vatican đối với Trung Quốc nói chung.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, với các thành viên bị buộc phải là người vô thần, rốt cuộc chưa bao giờ dung thứ cho các Giáo Hội Công Giáo và Thệ phản hầm trú, chỉ cho phép các Kitô hữu Trung Quốc thuộc về Phong trào Tam tự Yêu nước dành cho Thệ phản do nhà nước kiểm soát hoặc Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (CPA) và trừng phạt những người vi phạm các hạn chế bằng hình phạt tù và tiền phạt.

Thỏa thuận với Vatican không chỉ tạo ra một vài dấu hiệu khoan hồng mà dường như còn khuyến khích sự đàn áp lớn hơn bởi vì vào năm 2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu triển khai kế hoạch 5 năm nhằm “Hán hóa” Kitô giáo.

Điều này có nghĩa là “kết hợp các yếu tố Trung Quốc vào các buổi thờ phượng của nhà thờ, các bài thánh ca và bài hát, trang phục của giáo sĩ và phong cách kiến trúc của các tòa nhà Giáo Hội,” đồng thời đề xuất “dịch lại Kinh thánh hoặc viết lại các bài bình luận về Kinh thánh”.

Một thí dụ nghiêm trọng về điều này là việc viết lại vào năm 2021 câu chuyện trong Tin Mừng của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan và người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.

Trong phiên bản của Cộng sản, Chúa Giêsu đợi những người tố cáo người phụ nữ đi rồi chính ngài ném đá bà và nói: “Tôi cũng là một kẻ tội lỗi. Nhưng nếu luật pháp chỉ có thể được chấp hành bởi những người đàn ông không tì vết, thì luật pháp sẽ chết”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã cấm những người dưới 18 tuổi được giáo dục tôn giáo hoặc tham gia các hoạt động tôn giáo, thông qua luật quốc gia ngăn cản các tổ chức hoặc cá nhân can thiệp vào hệ thống giáo dục nhà nước dành cho trẻ vị thành niên.

Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước đã bắt đầu đăng ký các giáo sĩ cho một cơ sở dữ kiện về “nhân viên tôn giáo” và chỉ cấp “thẻ giáo sĩ” cho các thừa tác viên là thành viên của các Giáo Hội được chính phủ phê chuẩn. Tuy nhiên, thậm chí họ bị phạt tiền nếu đi ra nước ngoài mà không được phép để tham gia “các khóa đào tạo tôn giáo, hội nghị, hành hương và các hoạt động khác”.

Đồng thời, các vụ tấn phong giám mục bất hợp pháp của chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp diễn, chẳng hạn như vụ tấn phong vào năm 2020 tại Trương Gia Khẩu, một giáo phận không được Rôma công nhận.

Cùng năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng hạn chế việc tổ chức lễ Giáng sinh, quy định rằng lễ này phải được tổ chức tại nhà riêng hoặc trong các nhà thờ do nhà nước cho phép.

Vào tháng 2 năm sau, chính quyền ra lệnh phá hủy Nhà thờ Thánh Tâm ở Yining, Tân Cương, vì nó “quá phô trương”. Mặc dù đã có tất cả các giấy phép cần thiết từ Cơ quan Quản lý Tôn giáo Nhà nước, Cộng sản đã đục bỏ bốn bức phù điêu ở mặt tiền, dỡ bỏ các bức tượng của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, xé bỏ cây thánh giá trang trí trên đỉnh của bức tượng, và phá hủy hai mái vòm và tháp chuông.

Một Kitô hữu nói với cơ quan Giúp đỡ các Giáo hội Thiếu thốn, tổ chức từ thiện Công Giáo, rằng “đây là sự xác nhận thêm rằng đất nước này không tôn trọng quyền tự do thờ phượng”.

Không có gì ngạc nhiên khi sự phản kháng của Công Giáo trên thực địa vẫn tiếp tục, bằng chứng là vụ bắt giữ vào tháng 5 năm 2021 đối với Giám mục Joseph Zhang Weizhu, 10 linh mục và 10 chủng sinh vì tội tổ chức một chủng viện chui. Các linh mục đã bị đưa đi cải tạo nhưng tung tích của Giám mục Weizhu vẫn chưa được biết.

Các mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Vatican càng trở nên căng thẳng hơn sau vụ bắt giữ Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun (Quân), Giám mục hưu trí của Hồng Kông, vào tháng 5 năm 2022, vì công việc của ngài với Quỹ Cứu trợ Nhân đạo, quỹ đã hỗ trợ tài chính cho những người ủng hộ người biểu tình phò dân chủ. Cách đối xử với ngài không đủ để làm hỏng thỏa thuận giữa hai bên và nó đã được gia hạn một lần nữa vào mùa hè, chỉ vài tháng trước khi Hồng Y Zen bị phạt 4,000 đô la Hồng Kông sau một phiên tòa ngắn.

Đức Tổng Giám Mục Javier Herrera-Corona, đại diện không chính thức của Vatican tại Hồng Kông, đã cảnh cáo các cơ quan truyền giáo Công Giáo của thành phố, rằng bất chấp thỏa thuận được gia hạn, “sự thay đổi đang đến, và bạn nên chuẩn bị tốt hơn”.

Ngài nói thêm: “Hồng Kông không phải là đầu cầu đổ bộ tuyệt vời của Công Giáo như trước đây”.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Công Giáo, đã nói rõ sự thay đổi đó cho đến nay xem ra như thế nào, nói rằng kể từ năm 2018, “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ giáo hội hầm trú Công Giáo, và thắt chặt sự tuân thủ những lời dạy của nó đối với Giáo Hội yêu nước”.

Bà nói rằng sáu cuộc bổ nhiệm giám mục mới được Rôma sử dụng để biện minh cho thỏa thuận Bắc Kinh là không đáng kể vì chúng “được bù đắp bởi việc giam giữ, bắt giữ hoặc biến mất của sáu giám mục Công Giáo được Vatican công nhận”.

Bà nói thêm, “Trẻ em hiện bị cấm đến nhà thờ và tiếp xúc với tôn giáo, Kinh thánh bị hạn chế và kiểm duyệt chặt chẽ trên Internet và trong các cửa hàng ứng dụng, nhà thờ bị bao phủ bởi sự giám sát của nhà nước bằng kỹ thuật cao, các linh mục và nhà lãnh đạo Kitô giáo bị buộc tham dự việc nhồi sọ suốt đời về Kitô giáo phù hợp với tư tưởng cộng sản và được yêu cầu tích cực ủng hộ các hoạt động, sự lãnh đạo và các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong các bài giảng của họ”.

Đức Giám Mục Paul Lei Shiyin của Lạc Sơn, một giám mục Trung Quốc được tấn phong bất hợp pháp đã được dỡ bỏ vạ tuyệt thông theo thỏa thuận, là một giáo sĩ rõ ràng vẫn là Cộng sản, đã chọn tổ chức lễ khai sinh của Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc tại nhà thờ chính tòa của mình vào Lễ trọng thể của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, và kêu gọi các tín hữu “nghe lời Đảng, cảm ơn Đảng, đi theo Đảng”.

Reggie Littlejohn, chủ tịch của Women's Rights Without Frontiers, đồng ý rằng kể từ năm 2018, “mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn đối với người Công Giáo ở Trung Quốc” và cho biết “bí mật của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã được sử dụng để đánh đập những người Công Giáo Trung Quốc trung thành”.

Bà nói với các nhà báo: “Những người Công Giáo trung thành không thể tự bảo vệ mình hoặc Giáo hội của họ vì họ không có quyền tiếp cận với thỏa thuận bí mật này.

“Thật khó để thấy làm thế nào Đức Giáo Hoàng có thể thành công trong nghệ thuật ngoại giao khi đối phó với một thế lực tà ác như Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tôi nghĩ Vatican nên mạnh mẽ củng cố giáo hội hầm trú và lên tiếng cho nhân quyền, không nên thỏa hiệp với Đảng Cộng sản Trung Quốc và tự kiểm duyệt các vấn đề đạo đức quan trọng.”

Bất chấp việc bị kết án vào tháng 9, Đức Hồng Y Quân, 91 tuổi, đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép bay đến Rôma vào tháng 1 để dự tang lễ của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, vị giáo hoàng đã nâng ngài lên hàng Hồng Y đoàn vào năm 2006.

Trong một blog hai ngày trước Trong Thánh Lễ Cầu Hồn, Đức Hồng Y Quân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công việc mà cố giáo hoàng đã đảm nhận thay mặt cho người Công Giáo Trung Quốc, gọi Lá thư năm 2007 của Đức Bênêđictô gửi Trung Quốc là “một kiệt tác về sự cân bằng giữa tính sáng suốt của giáo lý giáo hội học Công Giáo và sự hiểu biết khiêm tốn đối với chính quyền dân sự”.

“Mặc dù đã có những nỗ lực to lớn, nhưng Đức Bênêđictô XVI đã thất bại trong việc cải thiện tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc. Ngài không thể chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào,” vị Hồng Y sinh ra ở Thượng Hải nói như vậy.

Là một nhà phê bình nhất quán đối với thỏa thuận năm 2018, ngài nói rằng ngài “tin chắc rằng mọi nỗ lực để cải thiện tình hình của Giáo hội ở Trung Quốc sẽ cần phải được thực hiện phù hợp với bức thư năm 2007”.

Sau tang lễ, ngài đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Casa Santa Marta và mô tả cuộc nói chuyện của họ là “thân thiện”. Thông tin chi tiết về cuộc trò chuyện của họ vẫn được giữ bí mật.

Tuy nhiên, thật hợp lý khi khẳng định rằng hai người chắc chắn đã thảo luận về hoàn cảnh khó khăn của Giáo hội Trung Quốc và thậm chí có lẽ đã đề cập đến giá trị của một thỏa thuận được một bên tôn trọng và bên kia phớt lờ một cách chế diễu.