Theo Kevin J. Jones của hãng tin CNA, Một sách hướng dẫn đạo đức mới, dành cho ngành kỹ nghệ kỹ thuật và doanh nghiệp lớn được ra mắt với sự cộng tác của cơ quan giáo dục và văn hóa của Vatican, lên tiếng khuyên “đừng xây dựng tương lai một cách tồi tệ”.



Cuốn hướng dẫn dày 140 trang, tựa là “Đạo đức trong thời đại công nghệ gián đoạn: Lộ trình hoạt động” cho biết các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và giám sát kỹ thuật số có những hậu quả đối với toàn xã hội loài người. Điều này có nghĩa là ngành kỹ nghệ kỹ thuật và doanh nghiệp lớn không thể bỏ qua mối quan tâm của con người và lý luận đạo đức về công việc, sản phẩm và dịch vụ của chúng.

Cuốn hướng dẫn được công bố bởi Viện Kỹ thuật, Đạo đức và Văn hóa (ITEC) tại Đại học Santa Clara của tiểu bang California, một học viện Dòng Tên. Nó bao gồm một ghi chú giới thiệu của Đức Cha Paul Tighe, thư ký xuất thân từ Ái Nhĩ Lan của Bộ Văn hóa và Giáo dục.

Đức Cha Tighe đã viết trong cuốn sách, “Đối với một số người, có thể là một ngạc nhiên khi phát hiện ra sự tham gia của Vatican vào dự án này, nhưng cuối cùng nó là kết quả của các cuộc hội ngộ - 'các cuộc gặp gỡ', như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thích gọi - giữa Vatican và thế giới kỹ thuật.”

Thánh bộ của Đức Cha Tighe là cơ quan của Vatican được giao nhiệm vụ khai triển các giá trị nhân bản trong bối cảnh Kitô giáo để thúc đẩy tinh thần môn đệ Kitô giáo.

Ngài cho biết cuốn hướng dẫn này là kết quả của “mong muốn cổ vũ một cuộc đàm luận toàn diện giữa lĩnh vực kỹ thuật và cộng đồng nhân bản rộng lớn hơn mà tương lai của nó sẽ được định hình theo nhiều cách bởi các quyết định của những người đang quản lý sự đổi mới. Đây là một cuộc đàm luận phải bao gồm những người thuộc các quốc tịch khác nhau, các nền văn hóa khác nhau và các tín ngưỡng khác nhau và không có tín ngưỡng nào, để chúng ta cùng nhau học cách xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.”

Cuốn hướng dẫn này dành cho các doanh nghiệp tập đoàn. Nó đưa ra các đề xuất cụ thể về các vấn đề kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo, máy học, mật mã hóa, an toàn, quyền riêng tư dữ kiện và giám sát kỹ thuật số. Nó cũng cung cấp một lộ trình hoạt động để bảo đảm cho các kỹ thuật mới được điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc và thông lệ đạo đức.

Trong một tuyên bố ngày 28 tháng 6, Đại học Santa Clara cho biết cuốn hứơng dẫn đạo đức này là ấn phẩm đầu tiên của Viện Kỹ thuật, Đạo đức và Văn hóa, bản thân nó là một sáng kiến mới của Trung tâm Đạo đức Ứng dụng Markkula của Đại học Santa Clara. Bản thân học viện được phát triển với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa và Giáo dục của Vatican. Cuốn hướng dẫn của ITEC nhằm mục đích thúc đẩy suy nghĩ sâu sắc hơn về việc kỹ thuật tác động ra sao đến nhân loại bằng cách tập hợp các nhà lãnh đạo từ doanh nghiệp, xã hội dân sự, học thuật, chính phủ và các truyền thống tôn giáo.

Cuốn hướng dẫn của ITEC cho biết trong phần giới thiệu “Nếu chúng ta xây dựng tương lai một cách tồi tệ, chúng ta sẽ sống trong một thế giới tồi tệ,”. Nó nhận định rằng nhiều sản phẩm và dịch vụ đang tích hợp các kỹ thuật mới xuất hiện với rủi ro đạo đức cần được giảm thiểu.

Cuốn hướng dẫn nhằm mục đích trở thành tài liệu tham khảo cho nhiều đối tượng độc giả: giám đốc điều hành kinh doanh cấp cao, cố vấn pháp lý doanh nghiệp, người vận động cho đạo đức kỹ thuật, giám đốc điều hành và quản trị viên các nguồn lực con người, giám đốc điều hành và quản trị viên có nhiệm vụ giám sát sản phẩm và chu kỳ phục vụ sự sống.

Các đồng tác giả của cuốn hướng dẫn này là Brian Patrick Green, giám đốc Đạo đức Kỹ thuật tại Trung tâm Markkula; José Roger Flahaux, cựu giám đốc kỹ thuật; và Ann Gregg Skeet, giám đốc cấp cao về đạo đức lãnh đạo tại Trung tâm Markkula.

Green cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư: “Chúng tôi rất vui mừng được cung cấp tài nguyên này cho các tổ chức đang cố gắng điều chỉnh những tiến bộ kỹ thuật của họ theo các nguyên tắc đạo đức. Ông nói rằng các tổ chức có thể “xây dựng niềm tin, thúc đẩy đổi mới và tạo ra tác động xã hội tích cực” bằng cách tích hợp các xem xét đạo đức.

Lời giới thiệu của Đức Cha Tighe mô tả sách hướng dẫn này như kết quả của “sự hợp tác phần nào khó xảy ra” giữa Trung tâm Markkula, các chuyên gia kỹ thuật và quản trị, và Trung tâm Văn hóa Kỹ thuật số thuộc Bộ Văn hóa và Giáo dục.

Vị giám mục này suy nghĩ về các cuộc gặp của ngài với các đại diện có kinh nghiệm của Thung lũng Silicon, bao gồm cả những người liên quan đến trí tuệ nhân tạo và máy học. Ngài nói rằng ngài có ấn tượng trước “mong muốn duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao cho bản thân và cho ngành của họ.” Nhiều sáng kiến của ngành kỹ nghệ kỹ thuật nhằm mục đích bảo đảm để kỹ thuật phục vụ nhân loại, “lấy con người làm trung tâm”, “cởi mở” và “có đạo đức trong thiết kế”.

Đức Cha Tighe viết: “Mong muốn duy trì các tiêu chuẩn đạo đức này phản ảnh cả cam kết nội tại để làm điều tốt và sự ác cảm thực tiễn đối với nguy cơ thiệt hại về uy tín và tổn hại thương mại lâu dài”.

Ngài nói thêm: “Điều thực sự đáng chú ý là mức độ đồng thuận đã xuất hiện trong việc xác định các giá trị đạo đức sẽ định hướng cho nghiên cứu và phát triển kỹ thuật”. Trong số nhiều tổ chức và công ty khác nhau, ngài nhìn thấy các giá trị chung như “bao gồm, minh bạch, an toàn, công bằng, quyền riêng tư và độ tin cậy” là trọng tâm của cả việc đổi mới kỹ thuật lẫn các tuyên bố về giá trị của tổ chức.

Ngài nói rằng cuốn hướng dẫn này công nhận sự đa dạng về niềm tin và các giá trị của những người làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật và “kêu gọi những lý tưởng và giá trị nhân bản căn bản có thể và đã có được sự chấp nhận chung.”

Theo quan điểm của Đức Cha Tighe, cuốn hướng dẫn đạo đức này xuất phát từ mong muốn giúp “các giám đốc điều hành có động lực cao và có thiện chí” đưa các nguyên tắc chung đó vào nền văn hóa công ty và ngành kỹ nghệ của họ. Nó nhằm nhận diện việc làm cách nào để bảo đảm “việc tập chú nhất quán và có chủ ý vào đạo đức” trong quá trình ra quyết định và hoạt động của công ty. Nó cũng là một công việc đang được tiến hành và sẽ được cập nhật và mở rộng dựa trên phản hồi từ những người tham khảo và sử dụng nó.

Cuốn hướng dẫn cung cấp một khuôn khổ bao quát cho tư tưởng đạo đức.

Nó nêu làm “nguyên tắc nền tảng” ý tưởng cho rằng các hành động của chúng ta là “vì lợi ích chung của nhân loại và môi trường.” Nó phác thảo bảy nguyên tắc hướng dẫn để giúp áp dụng nguyên tắc gốc này: tôn trọng phẩm giá và quyền con người; thúc đẩy hạnh phúc con người; đầu tư cho con người; thúc đẩy công lý, tiếp cận, đa dạng, công bằng và hòa nhập; nhìn nhận rằng “Trái đất là dành cho tất mọi sự sống”; trách nhiệm giải trình; và tính minh bạch và khả thể giải thích được.

Trong phần kết luận, cuốn hướng dẫn của ITEC cho biết, “Đạo đức là theo đuổi điều tốt và tránh làm điều sai trái. Đó là việc phải sống cuộc sống của mình và chung sống với những người khác ra sao theo cách cuối cùng mang lại lợi ích cho mọi người. Đạo đức mang lại lợi ích cho tổ chức, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho mọi người và mang lại lợi ích cho môi trường. Nhưng một lần nữa, đạo đức không thể làm được gì nếu con người không hiện thân nó trong cuộc sống của chính họ.”

Mặc dù các doanh nghiệp không thể tự mình tạo nên một xã hội có đạo đức, nhưng cuốn hướng dẫn này cho biết, “họ cũng không được tự do trốn tránh thực hiện phần của mình.”

Trong số các nội dung khác của cuốn hướng dẫn, có một phụ lục tóm tắt cách Microsoft, IBM và Google tiếp cận các nguyên tắc và đạo đức trí tuệ nhân tạo.

Sổ tay có sẵn trên trang mạng của ITEC [Viện Kỹ thuật, Đạo đức và Văn hóa], https://www.scu.edu/institute-for-technology-ethics-and-culture/.