1. Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Người nghèo năm nay

Ngày Thế giới Người nghèo năm nay sẽ được cử hành vào ngày 17 Tháng Mười Một.

Năm nay, ngày này có chủ đề là “Con đừng ngoảnh mặt đi không nhìn người nghèo” (Tb 4,7), lời nhắn nhủ của ông Tobi dành cho con là Tobia, trong cảnh lưu đày tại Ninive.

Đức Thánh Cha nhận xét: “Ngày Thế giới Người nghèo là một cuộc hẹn mà Giáo hội dần dần đưa vào mục vụ, để ngày càng khám phá hơn nội dung nòng cốt của Tin mừng. Mỗi ngày chúng ta dấn thân trong việc tiếp đón người nghèo. “Nhưng không đủ. Một dòng sông nghèo đói đang chảy qua các thành thị chúng ta và ngày càng rộng lớn hơn, đến độ trào ra ngoài bờ; dòng sông ấy dường như đảo lộn chúng ta, tiếng kêu của bao nhiêu anh chị em đang xin giúp đỡ, hỗ trợ và liên đới ngày càng gióng lên mạnh mẽ hơn. Vì thế, vào Chúa nhật trước lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua vũ trụ, chúng ta lại quây quần quanh Bàn Thánh để lại nhận được từ Chúa hồng ân và sự dấn thân sống cái nghèo và phục vụ người nghèo”.

Trong sứ điệp dài, Đức Thánh Cha nhắc lại tấm gương quảng đại giúp đỡ và phục vụ của ông Tobi dành cho người nghèo, dù ông lâm cảnh mù lòa trong khi giúp đỡ người nghèo. Ngài viết: “Thật là điều ý nghĩa nếu trong ngày Thế giới Người nghèo, mối quan tâm của ông Tobi cũng trở hành quan tâm của chúng ta! Mời gọi người nghèo chia sẻ bữa ăn trưa Chúa nhật, sau khi đã chia sẻ tại Bàn Tiệc Thánh Thể. Thánh Thể đã cử hành sẽ thực sự trở thành tiêu chuẩn hiệp thông. Đàng khác, nếu quanh bàn tiệc của Chúa, chúng ta ý thức tất cả mình là anh chị em với nhau, thì tình huynh đệ này càng trở nên cụ thể hơn khi ta chia sẻ bữa ăn ngày lễ với những người túng thiếu, thiếu những gì cần thiết!”

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha dâng lời cảm tạ Chúa vì bao nhiêu người nam nữ đang tận tụy đối với những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề, chia sẻ với họ; những người thuộc mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội đang thực hành sự đón tiếp và dấn thân cạnh những người đang ở trong tình cảnh bị ở ngoài lề và đau khổ. Họ không phải là những siêu nhân, nhưng là “những người láng giềng gần nhà” mà chúng ta gặp mỗi ngày và trong thinh lặng, họ trở nên nghèo với người nghèo. Họ không phải chỉ cho cái gì: nhưng họ còn lắng nghe, đối thoại, tìm cách hiểu hoàn cảnh và những người đó để mang lại những lời tư vấn thích hợp và đúng đắn...”.

Đức Thánh Cha không quên đề cập tới “những hình thức nghèo đói mới, những dân tộc đang sống tại những nơi chiến tranh, đặc biệt các trẻ em thiếu một hiện tại thanh thản và một tương lai xứng đáng”. Ngài viết: “Không ai có thể trở nên quen thuộc với tình trạng ấy: chúng ta hãy duy trì sinh động mọi cố gắng để hòa bình được củng cố như một hồng ân của Chúa Phục Sinh và là thành quả sự dấn thân cho công lý và đối thoại”.

Đức Thánh Cha đặc biệt tố giác “nạn đầu cơ trong một số lãnh vực làm cho vật giá tăng theo mạnh mẽ, khiến cho nhiều gia đình càng trở nên nghèo hơn. Đồng lương nhận được mau lẹ cạn hết, khiến cho họ phải chịu cảnh thiếu thốn làm thương tổn phẩm giá của mỗi người.”

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Sách ông Tobia dạy chúng ta sự cụ thể trong việc hoạt động với và cho người nghèo. Đó là một vấn đề công bằng, thúc đẩy tất cả chúng ta tìm kiếm, gặp gỡ nhau, để tạo điều kiện dễ dàng cho sự hòa hợp cần thiết, hầu làm cho một cộng đoàn có thể hòa hợp. Vì thế, sự quan tâm đến người nghèo không kết thúc với việc làm phúc bố thí vội vã, nhưng nó còn đòi phải tái lập những tương quan đúng đắn giữa con người với nhau, bị thương tổn vì nghèo đói. Vì thế, lời khuyên “Con đừng ngoảnh mặt đi không nhìn người nghèo” dẫn tới những lợi ích của lòng từ bi thương xót, bác ái, mang lại ý nghĩa và giá trị cho toàn thể đời sống Kitô”.

2. Đức Cha Maurice Taylor: Giám mục Công Giáo lớn tuổi nhất nước Anh qua đời ở tuổi 97

Giám mục Công Giáo lớn tuổi nhất còn sống ở Anh đã qua đời ở tuổi 97.

Đức Cha Galloway Maurice Taylor, lớn lên ở Lanarkshire, được thụ phong linh mục năm 1950.

Ngài được Đức Hồng Y Gordon Gray tấn phong Giám mục Galloway vào năm 1981 và nghỉ hưu vào tháng 5 năm 2004.

Giáo Hội Công Giáo ở Scotland cho biết Đức Cha Taylor - người “có nghị lực mà ít người có thể theo kịp” - đã qua đời tại một viện dưỡng lão ở Kilmarnock hôm thứ Tư.

Một cựu Giám mục khác của Galloway, và Tổng Giám mục hiện tại của Glasgow, Tổng Giám mục William Nolan, đã cử hành các nghi thức tưởng nhớ đến Đức Cha Taylor.

Ngài nói: “Khi là một giám mục đương nhiệm, ngài có một năng lượng mà ít người có thể theo kịp và khi là một giám mục đã nghỉ hưu, ngài đã rất tích cực trong giáo phận cho đến những năm gần đây trong việc đào tạo hàng giáo sĩ”.

“Ngài đã tìm được thời gian để viết bốn cuốn sách, thể hiện đầu óc nhạy bén và khiếu hài hước nhạy bén của ngài. Cầu xin Chúa đón nhận ngài vào vương quốc của ngài”.

https:www.bbc.comuk-scotland-south-scotland-65912712

3. Putin trừng phạt linh mục phản chiến Nga và tuyên bố tín điều mới 'hòa bình chủ nghĩa là dị giáo'

Linh mục người Nga Ioann Burdin đã gặp rắc rối sau khi nói với giáo dân 'chớ giết người', ngài bị mất chức linh mục và bị cầm tù theo luật kiểm duyệt thời chiến

Kinh thánh khá rõ ràng về hòa bình, Phúc âm theo Thánh Matthêu đặc biệt rõ ràng về chủ đề này. Nhưng linh mục Ioann Burdin đã bị huyền chức vì giảng một bài giảng phản đối chiến tranh Ukraine.

Ngài là một trong số các linh mục người Nga đã nhận được những phản ứng tàn bạo của Putin khi lên tiếng phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Ngay cả việc gọi cuộc xâm lược Ukraine là “chiến tranh” cũng là một hành động tội ác.

“Các tín hữu Kitô chúng ta không thể đứng ngoài cuộc trong khi anh em giết anh em,” Cha Ioann Burdin nói trong một bài giảng vào cuối năm ngoái.

Ngài nói thêm: “Máu của người Ukraine không chỉ chảy trên tay các nhà lãnh đạo Liên bang Nga và những người lính thi hành mệnh lệnh của họ.”

“Máu của họ chảy trên tay của mỗi chúng ta, những người tán thành cuộc chiến này, và cả những người im lặng.”

Bài giảng của ngài, trong đó nhấn mạnh đến điều răn “Chớ giết người,” đã được báo cáo cho các nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống.

Ngài nhanh chóng bị kết án theo luật kiểm duyệt thời chiến và bị phạt 35.000 rúp. Ngài cũng bị buộc phải từ chức cha sở giáo xứ.

Giờ đây, một phiên tòa của giáo hội được lên kế hoạch vào ngày 16 tháng 6 để xem xét lại bài giảng của Cha Burdin. Bản án được đưa ra mô tả những lời của Cha Burdin là “làm suy yếu niềm tin của các tín hữu vào Đức Thượng Phụ và các giám mục” và gây tổn hại cho sự hiệp nhất của Chính Thống Giáo Nga.

Thượng phụ Kirill, lãnh đạo giáo hội Chính thống giáo, là một người thân tín của nhà lãnh đạo Nga, bạo chúa Putin, là người đang phải đối mặt với 'sự bắt đầu của tiến trình kết thúc' đến mức có thể gây ra 'sự tan rã của nước Nga'.

Giáo Hội Chính thống Nga thường “chúc lành cho các chiến binh bảo vệ Tổ quốc”, và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Nga nói rằng lập trường hòa bình của vị cựu linh mục rõ ràng là chống Nga, và do đó là “không thể chấp nhận được”.

Thượng phụ Kirill, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc chiến. Ông đổ lỗi cho cuộc xâm lược là do “các cuộc diễn hành của người đồng tính” và tuyên bố rằng người Ukraine đã “tiêu diệt” thường dân Nga ở Donbas.

Kirill, giống như nhiều người ủng hộ Putin nổi tiếng, cực kỳ giàu có. Với 4 tỷ Mỹ Kim tài sản, Thượng Phụ Kirill là “tu sĩ” Kitô Giáo giầu có nhất mọi thời đại.

Thượng Phụ Kirill đã được chụp ảnh đeo chiếc đồng hồ mạ vàng trị giá 30.000 euro, và mặc dù các quan chức Giáo Hội đã vội vàng phủi chiếc đồng hồ ra khỏi bức ảnh, nhưng họ đã bất cẩn quên chỉnh sửa hình ảnh phản chiếu trên một chiếc bàn bóng loáng.


Source:Daily Star