1. Các Giám mục Chí Lợi và Peru kêu gọi đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới

Các giám mục của các giáo phận Tacna, Peru và Arica, Chí Lợi, đã kêu gọi chính quyền của cả hai quốc gia tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại cho cuộc khủng hoảng di cư hiện đang diễn ra ở biên giới.

Trong hai tuần qua, hàng trăm người di cư - chủ yếu là người Venezuela nhưng cũng có người Colombia và Haiti - đã cố gắng rời Chí Lợi để vào Peru vì Chí Lợi thắt chặt chính sách nhập cư người nước ngoài nói rằng mục tiêu cuối cùng của Chí Lợi là hồi hương về nước xuất xứ của họ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nội vụ Peru, Vicente Romero, chỉ những người xuất trình thẻ nhập cư, thị thực và hộ chiếu mới được chấp nhận. Những người còn lại vẫn ở lại biên giới giữa hai nước, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của sa mạc, với một số người trong số họ tham gia vào các cuộc đối đầu với cảnh sát.

Trước tình hình đó, chính phủ Peru đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước tại hầu hết các cửa khẩu biên giới để lực lượng vũ trang hỗ trợ cảnh sát. Về phần mình, chính phủ Chí Lợi đã ra lệnh quân sự hóa biên giới phía bắc vào tháng 2 để ngăn chặn nhiều người di cư vào nước này bất hợp pháp.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 29 tháng 4, Giám mục Tacna và Moquegua, Marco Cortez, và Giám mục Arica, Moisés Atisha, đã than phiền về các cuộc đụng độ ở biên giới và nhắc lại lời kêu gọi của các ngài rằng với “cuộc đối thoại chân thành giữa tất cả các bên liên quan”, một giải pháp có thể được đưa ra cho những người di cư, bao gồm cả các gia đình có trẻ em và người lớn tuổi.

Các vị giám chức chỉ ra rằng “tất cả chúng ta đều đồng ý rằng hiện tượng di cư phải được quản lý bởi các cơ quan có thẩm quyền thích hợp,” nhưng điều này “không đồng nghĩa với việc cấm đoán hay coi những người như vậy là tội ác cho xã hội”.

Các giám mục nói rằng việc quân sự hóa biên giới hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp “là những biện pháp cưỡng chế đòi hỏi những giải pháp cân nhắc và công bằng hơn”.

Tuy nhiên, các ngài nói thêm rằng các hành vi bạo lực do một số người di cư gây ra ở các quốc gia đã tiếp nhận họ đã dẫn đến việc người dân chống lại những người tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn.

Các giám mục cho biết những người đang cố gắng vượt biên “là những người đang tìm kiếm một nơi mà họ có cơ hội xây dựng một cuộc sống tử tế”, đồng thời chỉ ra rằng tình trạng nghèo đói cùng cực đã buộc họ phải di cư.

“Vì lý do này, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và dịch vụ đang được thực hiện bởi các cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức xã hội dân sự. Với tư cách là Giáo Hội Công Giáo, chúng tôi không chỉ hiện diện trong những thời điểm khẩn cấp, mà còn đồng hành với họ hàng ngày và tìm cách chào đón họ cũng như hòa nhập họ vào xã hội,” các ngài nói thêm.

Các giám mục của Tacna và Arica lưu ý rằng giải pháp phụ thuộc vào các quyết định chính trị và do đó đã yêu cầu “việc thực hiện đồng trách nhiệm một cách xác thực và chân thành từ phía cộng đồng quốc tế” cũng như của chính quyền quốc gia và khu vực.

Cuối cùng, các vị giám chức kêu gọi sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Coromoto, bổn mạng của Venezuela, và kêu gọi các nhà chức trách tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa để tìm ra “những cách giải quyết vấn đề này để chúng ta không phải thương tiếc các nạn nhân do bạo lực đang bùng phát.”

Các ngài tuyên bố: “Giải pháp cho bất kỳ vấn đề xã hội nào sẽ chỉ khả thi nếu phẩm giá của mỗi người được công nhận và tôn trọng, vì đây là giá trị không thể chuyển nhượng, không thể bị lợi dụng khi giải quyết vấn đề”.
Source:Catholic World Report

2. Nhật Ký Trừ Tà số 238: Ác Ma Tuyệt Vọng

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #238: Demons of Despair”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 238: Ác Ma Tuyệt Vọng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một trong những linh hồn đau khổ của chúng tôi, “James,” đã liên lạc với tôi. Anh ta tràn ngập sự tuyệt vọng. Anh ấy nói rằng một cảm giác tuyệt vọng bao trùm lấy anh ấy và anh ấy tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi ma quỷ. Chúng tôi ngay lập tức tổ chức một buổi cầu nguyện tự phát qua điện thoại và tôi đã cầu nguyện những lời cầu nguyện giải thoát với anh ấy. Cuối cùng, những cảm giác đen tối hoàn toàn biến mất và hy vọng của anh ấy quay trở lại.

Tôi nói với anh ấy rằng những cảm giác đen tối này rõ ràng là ma quỷ. Chúng áp đảo anh ta khá đột ngột và rời đi ngay lập tức do cầu nguyện. Tôi giải thích rằng ma quỷ chỉ có thể cho đi những gì chúng có và thế giới của chúng là một thế giới dày vò sợ hãi, giận dữ, ngã lòng và tuyệt vọng. Chúng có thể lây nhiễm tâm trí của ai đó và lấp đầy nó bằng sự tuyệt vọng mà người đó không bao giờ nhận thức được sự hiện diện của ma quỷ.

Cùng lúc đó, một trong những “người mang gánh nặng” tâm linh của chúng tôi nói với tôi rằng cô ấy đã trải qua một cơn tuyệt vọng đột ngột, dữ dội tương tự. Cô nghi ngờ rằng đó là linh hồn đen tối của một trong những linh hồn đau khổ của chúng tôi. Tôi nghĩ, “Có lẽ sự đau khổ của cô ấy là vì James”... Chúng tôi biết ơn những linh hồn nạn nhân như vậy. Nhờ ân sủng của Chúa và sự can thiệp của các chiến binh cầu nguyện của chúng tôi, James đang dần khỏe lại.

Tôi không hiểu việc áp dụng ma thuật, phù thủy, Satan và những điều huyền bí thời hiện đại. Họ đang đi xuống một thế giới đen tối. Một số ban đầu thấy những thứ như vậy thật hấp dẫn và việc thao túng sức mạnh của ma quỷ có thể gây nghiện (mặc dù chính họ mới là người thực sự bị thao túng). Nhưng con đường của ma quỷ luôn kết thúc trong sự tuyệt vọng dày vò tăm tối.

Địa ngục được mô tả đúng là một nơi tối tăm. Trái lại, trên trời không cần ánh sáng nhân tạo hay mặt trời, vì Chúa là Thiên Chúa sẽ là ánh sáng của chúng ta (Kh 22:5). Chúa soi sáng các tầng trời, dãi chiếu ánh sáng, niềm vui và bình an đích thực. “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Người không có bóng tối” (1 Ga 1:5).


Source:Catholic Exorcism

3. Tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô chọn Hung Gia Lợi cho bài phát biểu về ‘thực dân ý thức hệ’

Niall Gooch của tạp chí Catholic Herald, Anh quốc, cho hay: một hoặc hai năm trước, ông đã suy đoán về việc liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có ý định coi thường Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán bằng cách chỉ đến thăm đất nước của ông trong một thời gian ngắn. Rõ ràng ký giả này đã lầm vì Đức Thánh Cha đã thăm Hung Gia Lợi dài hơn trong mấy ngày qua.

Một phần trong chương trình nghị sự của ngài là bài phát biểu tại đan viện Carmelite trước đây, hiện là văn phòng của Thủ tướng.

Đức Phanxicô đã mượn dịp này để chỉ trích điều mà ngài gọi là “thực dân ý thức hệ”, theo đó ngài muốn nói đến nỗ lực của các nước phương Tây giàu có hơn nhằm sử dụng sức mạnh kinh tế và văn hóa của họ để khuynh đảo các xã hội truyền thống hơn.

Ví dụ, điều này được thực hiện bởi Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu, bao gồm cả việc cung cấp dịch vụ phá thai trong việc xây dựng các cơ sở y tế ở các nước đang phát triển, hoặc bằng việc viện trợ phụ thuộc vào các cách tiếp cận tự do đối với các vấn đề liên quan đến tình dục và giới tính. Trong một lĩnh vực khác, nó đạt được thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, phim ảnh và chương trình truyền hình, đặc biệt là những chương trình nhắm đến trẻ em, những người có trí tưởng tượng đang chờ được hình thành. Đôi khi trên báo chí xuất hiện hình ảnh các đại sứ quán Mỹ treo cờ tự hào, với nhiều cách lặp lại khác nhau, bên cạnh hoặc thậm chí thay cho cờ ngôi sao và sọc.

Hung Gia Lợi là một nơi thích hợp để Đức Phanxicô đưa ra lập luận này vì chính phủ ở Budapest đã là mục tiêu của hình thức chủ nghĩa đế quốc mềm này. Chẳng hạn, Bộ Ngoại giao ở Washington DC tài trợ cho các nhóm “xã hội dân sự” ở Hung Gia Lợi. Những nhóm như vậy đang tích cực tìm cách lật ngược những hạn chế nặng nề của Orbán đối với chiến dịch và vận động LGBT, đồng thời gây ra những kiểu tấn công tương tự vào hôn nhân, gia đình và thái độ tình dục lành mạnh tàn phá các quốc gia phương Tây khác.

Brussels cũng vậy, đã tìm cách gây áp lực lên Orbán, bằng cách liên tục đe dọa rút các hình thức tài trợ cụ thể khỏi Hung Gia Lợi trừ khi họ tuân thủ các vấn đề về chuyển giới và đồng tính. Đáng chú ý, Orbán đã làm tương đối ít để hạn chế phá thai ở Hung Gia Lợi, mặc dù ông tập trung vào việc tăng tỷ lệ sinh và duy trì xã hội Hung Gia Lợi truyền thống.

Hơn bao giờ hết, không có gì đơn giản bằng việc nói rằng các quốc gia riêng lẻ hoặc các tổ chức xuyên quốc gia không bao giờ nên tìm cách truyền bá các giá trị và lý tưởng đạo đức trên khắp thế giới. Dù sao, Giáo Hội Công Giáo là một tổ chức xuyên quốc gia, và người Công Giáo chúng ta khó có thể tránh khỏi trách nhiệm tìm cách cải đạo cho một thế giới quan cụ thể.

Như mọi khi, đây là chuyện nói về nội dung. Thật tốt cho các Kitô hữu khi truyền bá khắp thế giới những lời dạy của Chúa Kitô vì những lời dạy đó là chân thật và đúng đắn. Từ bản chất, chúng hòa hợp với bản chất nền tảng của thế giới. Loại ý thức hệ mà Đức Phanxicô đang đề cập đến thì hoàn toàn ngược lại – chúng sai lầm và tai hại. Chúng sẽ không mang lại sự đoàn kết và lành mạnh cho các xã hội chấp nhận chúng, mà là xung đột, bất hòa và tan rã. Cứ nhìn vào những gì đã xảy ra trong các xã hội Tây phương trong nửa thế kỷ qua: ly dị, phá thai, cuồng loạn giới tính, và cuộc chiến hôn nhân thực sự đã tạo ra hàng triệu con người lạc lối, khốn khổ, bị xa lánh.

Đức Giáo Hoàng đúng khi chỉ ra sự kiêu ngạo và ngu xuẩn ẩn sau cơ cấu xã hội của giới tinh hoa thế tục. Nhiệm vụ của chúng ta là vạch ra một giải pháp thay thế – điều mà một linh mục già quen gọi là “nền văn minh của tình yêu”.