1. Tướng Nga biệt danh “Đồ tể thành Mariupol” bị cách chức

Hôm 24 tháng 9, 2022, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay thế Tướng Dmitry Bulgakov, người đã giữ chức vụ này từ năm 2010.

“Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về hậu cần của Các lực lượng vũ trang”, thông báo chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tố cáo việc đề bạt Mizintsev, gọi ông ta là “đồ tể” và đề cập đến những vai trò khét tiếng của ông ta trong các chiến dịch của Nga ở Syria và Mariupol. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói:

“Vị tướng Nga được gọi là tên đồ tể sát hại người Syria và người dân Mariupol đã được thăng chức. Mikhail Mizintsev hiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Tên đồ tể sẽ xây một lò mổ mới. Hãy nhớ mặt tên tội phạm chiến tranh này, là kẻ sẽ bị kết án bởi tòa án quốc tế.”

Tuy nhiên, hôm nay các nguồn tin tại Nga cho rằng Thượng Tướng Mikhail Mizintsev mới bị Putin cách chức. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Fires 'Butcher of Mariupol' Russian General, Mikhail Mizintsev”, nghĩa là “Putin sa thải Tướng Nga, Mikhail Mizintsev, 'Đồ tể Mariupol'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một phóng viên chiến trường Nga, chỉ huy người Nga được mệnh danh là “Đồ tể của Mariupol” đã bị cách chức.

Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã khét tiếng về sự tàn bạo kinh hoàng trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Anh ta đặc biệt liên quan đến vụ bắn phá thành phố cảng phía nam Mariupol, mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chủ quyền vào tháng 5 năm 2022.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Mizintsev được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần vào cuối tháng 9 năm 2022. “Tên đồ tể sẽ xây một lò mổ mới,” Bộ Quốc phòng Ukraine đã bình luận như trên khi tin tức được đưa ra.

Ông hiện đã bị “sa thải” khỏi vị trí của mình, theo một bài đăng trên Telegram từ Alexander Sladkov, phóng viên của tờ báo nhà nước Izvestia.

“Mikhail Mizintsev đã có một số phận thú vị trong năm nay,” Sladkov viết hôm thứ Năm, mô tả người chỉ huy như một “người bạn” và tìm cách bào chữa rằng Mizintsev “không có liên quan trực tiếp đến việc xông vào thành phố” Mariupol.

Trong một bài đăng tiếp theo, Sladkov cho biết Alexei Kuzmenkov, được cho là phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, sẽ thay thế Mizintsev trong vai trò Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần.

Blogger quân sự người Nga, WarGonzo, cũng đăng trên Telegram về việc Mizintsev bị sa thải.

Trước khi đảm nhận vai trò ở Bộ Quốc phòng, Mizintsev là người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng kể từ tháng 12 năm 2014.

Vào ngày 31 tháng 3 năm 2022, anh ta bị chính phủ Anh trừng phạt vì những hành động “tàn bạo” ở Syria và Ukraine.

“Mizintsev là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Chỉ huy Quốc phòng, nơi mọi hoạt động quân sự của Nga được lên kế hoạch và kiểm soát trên toàn thế giới,” chính phủ Anh cho biết vào thời điểm đó.

“Mizintsev được biết đến với việc sử dụng các chiến thuật tàn bạo, bao gồm pháo kích vào các trung tâm dân sự ở cả Aleppo trong năm 2015-2016 và bây giờ là ở Mariupol — nơi những hành động tàn bạo đang được thực hiện đối với người dân Ukraine.”

Mizintsev sinh năm 1962, theo hãng thông tấn Tass do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, và tốt nghiệp Trường quân sự Kalinin Suvorov năm 1980.

Cho đến tháng 4 năm 2022, Mizintsev vẫn là một nhân vật ít được biết đến, người hầu như “không lộ diện” và bị giới hạn trong các vai trò “điều hành hiệu quả” trong quân đội Nga, The Washington Post đưa tin vào thời điểm đó. Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, thành phố Mariupol, nơi Mizintsev có biệt danh là tên đồ tể, đã phải hứng chịu những đợt oanh tạc dữ dội và những cuộc tấn công chí mạng chẳng hạn như vào một nhà hát và một bệnh viện phụ sản ở thành phố hiện đã bị xâm lược.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email.

2. Nga tiếp tục chịu nhiều thiệt hại trong khu vực Kherson, các cuộc giao tranh bùng phát tại 3 hướng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 27 tháng Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi 54 cuộc tấn công của quân xâm lược ở các hướng Bakhmut, Avdiivka và Marinka trong 24 giờ qua.

Quân đội Nga đã thực hiện 7 cuộc tấn công hỏa tiễn và 39 cuộc không kích, đồng thời khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt 61 lần, cụ thể là nhằm vào các vị trí của lực lượng Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ở hướng Bakhmut, quân đội Nga tiếp tục tiến hành các hành động tấn công. Các trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở thành phố Bakhmut. Đối phương đã tiến hành các hành động tấn công tại Orikhovo,Vasylivka và Ivanivske nhưng đều không thành công.

Ở hướng Avdiivka, quân xâm lược Nga đã tiến hành các hành động tấn công thăm dò và bị nhanh chóng bẻ gẫy.

Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành 11 đợt không kích vào các cụm tập trung quân Nga đang trên đường di tản. Sáu máy bay không người lái của Nga đã bị bắn hạ. Ngoài ra, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng 2 hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương và 2 mục tiêu quân sự quan trọng.

Thứ trưởng Hanna Maliar nhấn mạnh rằng điều kiện thời tiết đã gây ra nhiều trở ngại cho quân Nga đang trên đường rút lui về hướng thành phố Melitopol. Các loại xe thiết giáp bánh xích có thể di chuyển được nhưng các loại bánh lốp thì rất là khó khăn.

Trong 24 giờ qua, 510 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 xe tăng, 16 xe thiết giáp, 10 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 13 xe chuyển quân.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 27 Tháng Tư, Nga đã thiệt mất khoảng 188.920 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.694 xe tăng, 7.178 xe thiết giáp, 2.887 hệ thống pháo, 542 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 293 hệ thống tác chiến phòng không, 308 máy bay, 294 trực thăng, 2.461 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình,18 tàu chiến, 5.805 xe chuyển quân và nhiên liệu và 352 đặc biệt đơn vị thiết bị.

3. Tổng Thư Ký Nato cho biết gần như tất cả các phương tiện chiến đấu đã hứa được giao cho Ukraine

Tổng thư ký liên minh quốc phòng xuyên Đại Tây Dương Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh của NATO đã chuyển giao gần như tất cả các phương tiện chiến đấu như đã hứa cho Ukraine.

“Hơn 98% phương tiện chiến đấu hứa hẹn với Ukraine đã được chuyển giao,” ông Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng Kyiv “hiện có khả năng quân sự cần thiết để tái chiếm lãnh thổ”.

Ông cũng hoan nghênh cuộc điện đàm hôm thứ Tư giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, là cuộc điện đàm đầu tiên của họ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng nói rằng điều đó “không thay đổi thực tế là Trung Quốc vẫn không lên án” cuộc xâm lược của Nga.

Sau những bình luận trước đó của Jens Stoltenberg của Nato rằng gần như tất cả các phương tiện chiến đấu như hứa hẹn đã được chuyển giao cho Ukraine, AFP có thông tin chi tiết về số lượng đã được gửi.

Trong một cuộc họp báo, ông Stoltenberg cho biết tổng số bao gồm 1.550 xe thiết giáp và 230 xe tăng. Điều này tương đương với chín lữ đoàn mới của Ukraine.

“Điều này sẽ đặt Ukraine vào một vị thế vững chắc để tiếp tục chiếm lại lãnh thổ bị xâm lược,” tổng thư ký nói.

Các thành viên NATO đã cung cấp hệ thống phòng không và pháo binh trong khi Ba Lan và Cộng hòa Slovakia cung cấp máy bay MiG-29 do Liên Xô chế tạo.

Huấn luyện cũng đã được trao cho hàng ngàn binh sĩ Ukraine.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh đây là “sự hỗ trợ quân sự chưa từng có đối với Ukraine” nhưng cảnh báo rằng “chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp Nga”.

Mạc Tư Khoa đang huy động thêm lực lượng Lục Quân và “sẵn sàng gửi hàng nghìn binh sĩ bất chấp tỷ lệ thương vong rất cao”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên NATO cần “giữ vững lập trường”.

Ông Stoltenberg nói rằng một hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 7 tại Lithuania sẽ đặt ra các kế hoạch cho một “chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm” cho Ukraine.

4. Các tướng hàng đầu của Hoa Kỳ và Ukraine nói chuyện qua điện thoại

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, đã nói chuyện với chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Ukraine, Valerii Zaluzhny, trong một cuộc điện đàm, chính phủ ở Kyiv cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

Cuộc gọi cũng bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, Andriy Yermak.

Yermak và Zaluzhny “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các đối tác tiếp tục hỗ trợ tích cực cho quân đội Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí và đạn dược,” thông báo của phủ tổng thống Ukraine cho biết như trên.

5. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, được công bố vào chiều 27 Tháng Tư, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Hình ảnh cho thấy vào tháng 3 năm 2023, lực lượng Nga đã thiết lập các vị trí chiến đấu bằng bao cát trên mái của một số trong sáu tòa nhà chứa lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia kể từ tháng 3 năm 2022. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các tòa nhà lò phản ứng thực tế được tích hợp trong kế hoạch phòng thủ chiến thuật. Nga có thể đã xây dựng các vị trí này vì họ ngày càng lo ngại về triển vọng của một cuộc tấn công lớn của Ukraine.

Chuyển biến này rất có thể làm tăng khả năng thiệt hại cho các hệ thống an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nếu giao tranh diễn ra xung quanh nhà máy.

Tuy nhiên, thiệt hại thảm khốc trực tiếp đối với các lò phản ứng khó có thể xảy ra trong hầu hết các tình huống hợp lý liên quan đến vũ khí bộ binh vì các cấu trúc được tăng cường bảo vệ rất kỹ lưỡng.

6. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu giam giữ Binh Nhất Jack Teixeira vì nghi can vẫn có thể phát tán các tài liệu nếu được tại ngoại hầu tra

Nghi phạm rò rỉ tài liệu Ngũ Giác Đài vẫn có thể truy cập vào thông tin mật được cất giấu đâu đó, hồ sơ tòa án cho biết như trên.

Associated Press đưa tin rằng các công tố viên liên bang đang thúc giục một thẩm phán gia hạn việc giam giữ một vệ binh không quân Quốc gia Massachusetts bị cáo buộc làm rò rỉ các tài liệu quân sự tuyệt mật, với lập luận cho rằng anh ta có thể vẫn có thể truy cập vào thông tin quốc phòng bí mật, và từ đó tiếp tục phát tán.

Trong hồ sơ tòa án được đệ trình vào cuối ngày thứ Tư, các luật sư của Bộ Tư pháp cho biết việc phóng thích Jack Teixeira, 21 tuổi, trong khi anh ta đang chờ xét xử sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định liệu anh ta còn giữ bất kỳ bản sao vật lý hoặc kỹ thuật số nào chứa thông tin mật hay không, đặc biệt là các hồ sơ chưa được công khai.

“Đơn giản là không có điều kiện hoặc sự kết hợp các điều kiện nào có thể bảo đảm bị cáo sẽ không tiết lộ thêm thông tin bổ sung mà anh ta biết hoặc sở hữu,” các công tố viên viết. “Thiệt hại mà Bị cáo đã gây ra cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ là vô cùng lớn. Thiệt hại mà bị cáo vẫn có khả năng gây ra là phi thường.”

Các tài liệu mà Teixeira bị cáo buộc rò rỉ cung cấp nhiều thông tin tuyệt mật về các đồng minh và đối phương, bao gồm cả các chi tiết liên quan đến hệ thống phòng không của Ukraine.

7. Ai đứng đằng sau những chiếc máy bay không người lái được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa? Truyền thông Nga cho rằng Ukraine muốn lấy mạng Putin bằng máy bay không người lái.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Who's Behind the Drones Found Near Moscow?”, nghĩa là “Ai đứng đằng sau những chiếc máy bay không người lái được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Truyền thông nhà nước Nga trong những ngày gần đây đã đưa tin rằng ba máy bay không người lái bị bắn rơi đã được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa.

Các hãng tin do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn nói rằng một trong những máy bay không người lái này là UJ-22 Airborne do Ukraine sản xuất, được cho là đã trang bị chất nổ khi nó được tìm thấy hôm Chúa Nhật trong một khu rừng cách Mạc Tư Khoa khoảng 19 dặm.

Một ngày sau, Tass đưa tin rằng các quan chức thực thi pháp luật cho biết họ đã tìm thấy thêm hai máy bay không người lái được trang bị camera gần Mạc Tư Khoa. Ba phát hiện bị cáo buộc về máy bay không người lái sau một báo cáo vào tháng trước từ chính quyền Nga về sự hiện diện của một máy bay không người lái cách Mạc Tư Khoa khoảng 9 dặm về phía đông bắc mà họ nghi ngờ đến từ Ukraine.

Ukraine đã không nhận trách nhiệm cho bất kỳ máy bay không người lái nào trong số này và sự hiện diện của máy bay không người lái gần thủ đô của Nga chưa được xác minh độc lập.

Tuy nhiên, những khám phá này được đưa ra khi người đứng đầu thành phố cảng Sevastopol ở Crimea do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm đã nhiều lần đưa ra tuyên bố về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong khu vực của ông. Đồng thời, đồn đoán về một cuộc phản công sắp tới của Ukraine tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, thực tế là các báo cáo về máy bay không người lái chỉ đến từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã dẫn đến một số hoài nghi. Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek rằng ông không “đặt nhiều giá trị vào các báo cáo này” vì thời điểm của các câu chuyện.

“Thật quá thuận tiện để tuyên bố rằng Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vào đúng thời điểm mà tài liệu rò rỉ mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả cách người Ukraine muốn tấn công sâu vào lãnh thổ Nga trong khi các quan chức Mỹ cố gắng thuyết phục họ đừng làm điều đó”. Reno nói.

Vụ rò rỉ mà Reno đề cập đã tung các tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ lên các nền tảng mạng xã hội. Một số tài liệu tiết lộ rằng các quan chức Ukraine ủng hộ các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Bất chấp yêu cầu từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, chính quyền Biden đã không cung cấp cho Ukraine hệ thống hỏa tiễn tầm xa hoặc máy bay chiến đấu tiên tiến. Một phần lý do đằng sau sự do dự này được cho là do lo ngại về sự leo thang chiến tranh nếu Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Guy McCardle, chủ biên tờ Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, hay SOFREP, nói với Newsweek rằng ông cũng nghi ngờ các báo cáo của phương tiện truyền thông Nga.

“Điều này có vẻ giống như tuyên truyền thuần túy điển hình của Nga. Nếu Ukraine tấn công Nga, họ sẽ không làm điều đó bằng cách phóng máy bay không người lái kỳ lạ ở đây và ở đó”, ông nói.

McCardle lưu ý rằng các máy bay không người lái “4 cánh quạt” nhỏ hơn được đề cập trong các câu chuyện có thể được mua trực tuyến hoặc tại các cửa hàng bán đồ sở thích.

Ông nói: “Nhìn thấy một chiếc máy bay không người lái quanh một thành phố lớn cũng giống như nói rằng bạn nhìn thấy một chiếc xe hơi trên đường cao tốc. Điều đó không có nghĩa là nó chứa đầy chất nổ và thực hiện sứ mệnh cho nổ tung Điện Cẩm Linh.”

Cho đến nay, các cuộc tấn công ở Nga mà các nhà quan sát bên ngoài tin rằng do Ukraine tiến hành đều nhằm vào “các mục tiêu quân sự có chủ ý”, Thiếu tá Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu John Spencer nói với Newsweek.

“Sẽ là một bất lợi lớn cho người Ukraine nếu tấn công Mạc Tư Khoa và gây ảnh hưởng đến người dân Nga tham gia cuộc chiến ở Ukraine,” Spencer, chủ tịch Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, cho biết.

Spencer thừa nhận rằng “đây là chiến tranh...thật khó để nói ai đứng đằng sau cái gì.” Nhưng ông nói rằng Ukraine có nhiều khả năng sẽ tấn công những thứ như trung tâm huấn luyện hoặc bất kỳ loại mục tiêu quân sự nào hơn là Điện Cẩm Linh.

“ Họ không tìm cách giết Putin, đó là điều chắc chắn.”

Một khả năng khác là các cá nhân hoặc nhóm ở Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine có thể đứng đằng sau các máy bay không người lái, Spencer nói.

Spencer không đơn độc trong quan điểm này. Mark Katz, giáo sư Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason, cũng cho biết máy bay không người lái có thể đến từ Nga.

Katz nói với Newsweek: “Các phương tiện truyền thông Nga muốn công chúng Nga sợ hãi về máy bay không người lái của Ukraine cho dù những chiếc cụ thể này có thực sự đến từ Ukraine hay không. “Nhưng có một khả năng khác ngoài việc chúng là máy bay không người lái thực sự của Ukraine hoặc câu chuyện là sai sự thật: Máy bay không người lái có thể được vận hành bởi các nhóm đối lập nội bộ của Nga, những nhóm này có thể nhận hoặc không nhận được sự giúp đỡ từ Ukraine”.

Katz nói thêm rằng truyền thông nhà nước Nga đưa tin về máy bay không người lái có thể phản tác dụng với họ.

“Tôi nhận ra rằng có một mối nguy hiểm đối với Mạc Tư Khoa khi thổi phồng câu chuyện về máy bay không người lái, dù chúng có thật hay không: Tại một số thời điểm, câu hỏi sẽ được đặt ra là tại sao hệ thống phòng thủ của Nga lại để những thứ này hoạt động trên không phận của Nga, anh ấy nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

8. Kế hoạch bí mật của Nga đối với các quốc gia vùng Baltic bị rò rỉ ra ngoài

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Secret Plans for Baltic States Exposed”, nghĩa là “Kế hoạch bí mật của Nga đối với các quốc gia vùng Baltic bị lộ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một cuộc điều tra đã tiết lộ rằng Điện Cẩm Linh đã vạch ra một loạt kế hoạch phác thảo cách thức họ có thể phát huy ảnh hưởng của mình ở các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania trong những năm tới.

Các tài liệu bị rò rỉ từ chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa đã được hãng tin Thụy Điển Expressen, Yahoo News và những hãng tin khác thu được.

Trước cuộc xâm lược Ukraine toàn diện của Putin, các quốc gia vùng Baltic đã cảnh báo trong nhiều năm về một cuộc chiến tranh có thể do Nga khơi mào.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hồi Tháng Giêng đã gọi Ba Lan và ba quốc gia Baltic là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu là “những đại diện có khuynh hướng cực đoan” của Âu Châu.

Các chiến lược được tạo ra bởi Ban Giám đốc Hợp tác xuyên biên giới của Chính quyền Tổng thống Nga, trước đó đã soạn thảo một tài liệu khác tiết lộ Điện Cẩm Linh đã lên kế hoạch sáp nhập Belarus thành một “Quốc gia Liên minh” với Nga vào năm 2030.

Theo Yahoo News, khoảng 300.000 người dân tộc Nga sống ở Estonia, chiếm khoảng 24% dân số. Khoảng 471.000 người dân tộc Nga sống ở Latvia, chiếm khoảng 25% dân số và Lithuania là nơi sinh sống của khoảng 140.000 người, chiếm 5% dân số.

Vấn đề then chốt đối với Điện Cẩm Linh là giảm sự hiện diện của liên minh quân sự NATO tại các nước thuộc Liên Xô cũ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng và văn hóa Nga, theo cuộc điều tra chung của Expressen, Trung tâm hồ sơ có trụ sở tại London, Kyiv Independent, Süddeutsche Zeitung, Yahoo News, đài truyền hình Lithuania LRT và những cơ quan truyền thông khác.

Các tài liệu nêu rõ rằng các hiệp hội và tổ chức nên được thành lập để có thể ngấm ngầm thúc đẩy các câu chuyện thân Nga và truyền bá văn hóa Nga. Các tuyên truyền viên cáo buộc phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga và sinh viên nói tiếng Nga nên được mời đến Nga. Trong khi đó, cần ngăn chặn việc phá hủy hoặc di dời các di tích thời Liên Xô trong Thế chiến II.

Một tài liệu nêu rõ rằng ở Estonia, các hợp đồng kinh doanh béo bở nên được cung cấp cho các doanh nhân.

“Làm việc với các doanh nhân Estonia để giải thích sự sẵn sàng của Liên bang Nga trong việc mở cửa thị trường Nga cho họ, với điều kiện là Tallinn thay đổi chính sách đối ngoại của mình để thân Mạc Tư Khoa hơn”.

Theo Expressen, một tài liệu chiến lược cho thấy Nga dự định sử dụng sự phụ thuộc của các quốc gia vùng Baltic vào lưới điện của mình làm đòn bẩy bằng cách chỉ ra nguy cơ Estonia, Latvia và Lithuania bị ngắt kết nối với lưới điện của Nga.

Các quốc gia vùng Baltic là một phần của BRELL, một mạng lưới điện do Mạc Tư Khoa kiểm soát. Tuy nhiên, các quốc gia đang chuẩn bị đồng bộ hóa hệ thống của họ với lục địa Âu Châu vào đầu năm 2026.

Một tài liệu về Lithuania tuyên bố rằng Nga sẽ tạo ra “các điều kiện theo đó giới lãnh đạo Lithuania sẽ buộc phải nhận ra những thiệt hại tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của nước này từ việc xây dựng sự hiện diện quân sự của NATO trong khu vực”.

Tài liệu nêu rõ Lithuania nên bị ngăn chặn nhận các hệ thống phòng không có liên kết với NATO, trong khi “số lượng và phạm vi các hoạt động huấn luyện chiến đấu và tác chiến của NATO” tại nước này phải bị giảm bớt.

Darius Jauniškis, người đứng đầu cơ quan an ninh của Lithuania, nói với Expressen rằng Nga thường cố gắng sử dụng sức mạnh quân sự của mình để gây áp lực với các quốc gia khác.

Jauniškis nói: “Mục tiêu của Nga là thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng họ sẵn sàng đối đầu quân sự, nếu yêu cầu của họ không được chú ý”.

Các kế hoạch của Điện Cẩm Linh ở Latvia đề cập đến việc “ngăn chặn NATO” và thành lập một trường học tại cơ sở giáo dục của Nga ở thủ đô Riga, “nơi sẽ trở thành trung tâm củng cố vị thế của ngôn ngữ, văn học và văn hóa Nga” vào năm 2025.

Nó nói rằng đến năm 2030, tiếng Nga sẽ phải được xem là ngôn ngữ nhà nước.

Yahoo News lưu ý rằng cả Estonia và Latvia gần đây đã áp dụng các cải cách ngôn ngữ mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc cấm dạy tiếng Nga ở các trường mẫu giáo và trường học.

Vào tháng 2, cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia cho biết họ tin rằng Nga có thể gây “áp lực quân sự đáng kể” đối với các quốc gia vùng Baltic. Cơ quan an ninh này đánh giá rằng Nga coi họ là “phần dễ bị tổn thương nhất của NATO.”

Cơ quan tình báo cho biết điều này “sẽ khiến họ trở thành tâm điểm của áp lực quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột NATO-Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

9. Cố vấn Zelenskiy đổ lỗi cho Mỹ gây ra 'cuộc chiến lớn' ở Âu Châu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Adviser Blames U.S. for Unleashing 'Major War' in Europe”, nghĩa là “Cố vấn Zelenskiy đổ lỗi cho Mỹ gây ra 'cuộc chiến lớn' ở Âu Châu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Mỹ đã theo đuổi một chính sách hạt nhân “sai lầm” dẫn đến chiến tranh ở Âu Châu.

Mykhailo Podolyak cho biết Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã khuyến khích Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân khi Liên Xô cũ sụp đổ, đổi lại họ sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ. Điều này đã bị Nga diễn dịch sai lầm, dẫn đến xung đột.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Kyiv sở hữu một kho dự trữ vũ khí hạt nhân còn sót lại từ thời là thành viên của Liên Xô. Năm 1994, Ukraine đồng ý giao nộp tất cả những vũ khí hạt nhân này, mặc dù Kyiv có quyền kiểm soát không thể tranh cãi đối với các kho dự trữ của Liên Xô.

Washington, Mạc Tư Khoa và Kyiv đã ký cái được gọi là Tuyên bố ba bên vào năm 1994, với Bản ghi nhớ Budapest cùng năm hứa hẹn bảo đảm an ninh cho Ukraine để đổi lấy việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi nước này.

Luận điệu hạt nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, với việc Điện Cẩm Linh ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi các nước phương Tây cung cấp viện trợ cho Kyiv. Hôm thứ Ba, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân đang “tăng lên mỗi ngày”.

Hôm thứ Ba, theo đại sứ Ukraine tại Mỹ, Oksana Markarova, một nghị quyết mới của lưỡng đảng tại Hạ viện Hoa Kỳ đã được đưa ra để tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ rằng Ukraine nên được “khôi phục lại các đường biên giới năm 1991 được quốc tế công nhận”. Năm 1991 là năm đánh dấu sự tan rã chính thức của Liên bang Xô viết, và sự thành lập của một Ukraine độc lập bao gồm các vùng lãnh thổ hiện đã được sáp nhập của Crimea, Donbas, và các vùng phía nam Kherson và Zaporizhzhia.

Cô Markarova cho biết dự thảo nghị quyết nêu rõ rằng Hoa Kỳ “phải làm việc với các đồng minh và đối tác của mình” để bảo đảm Mạc Tư Khoa trả tiền bồi thường thiệt hại cho Ukraine, cũng như “sự hỗ trợ của cộng đồng thế giới trong việc khôi phục Ukraine.”

“Chúng ta không được lặp lại sai lầm của ngày 1 tháng 9 năm 1939,” Dân biểu Đảng Cộng hòa Joe Wilson của Nam Carolina nói với Yahoo News, đề cập đến thời điểm Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan và đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến II ở Âu Châu.

Podolyak cho biết hôm thứ Tư: “Cần rất can đảm để công khai nhận ra những sai lầm trong quá khứ. Nghị quyết của Hạ viện là rõ ràng: Thật không may, Hoa Kỳ cùng với các nước phương Tây khác đã khuyến khích Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác để bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực theo các biện pháp bảo vệ. Đây là một chính sách sai lầm đã bị kẻ xâm lược diễn dịch sai và dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn ở Âu Châu.”

Trả lại lãnh thổ bị Nga xâm lược, tôn trọng luật pháp quốc tế, truy tố tội phạm chiến tranh và kết nạp Ukraine vào NATO là “cách duy nhất để bảo đảm an ninh ở Âu Châu hiện nay”, Podolyak nói. “Quan điểm này hoàn toàn rõ ràng và nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của lưỡng đảng.”

Đầu tháng này, cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết ông cảm thấy “bản thân có lỗi” trong cuộc chiến Ukraine vì vai trò của ông trong việc thuyết phục Kyiv từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Clinton nói với đài truyền hình RTÉ của Ireland: “Tôi cảm thấy bản thân mình có lỗi vì tôi đã khiến người Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Không ai trong số họ tin rằng Nga sẽ thực hiện trò này nếu Ukraine vẫn còn vũ khí của họ,” ông nói thêm, đồng thời nói rằng lúc đó Ukraine đã “sợ phải từ bỏ các vũ khí ấy”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và văn phòng tổng thống Ukraine để bình luận qua email.