1. Giáo sư chủng viện Công Giáo hăng đến mức lái máy bay đưa phụ nữ đi phá thai

Một giáo sư tại một chủng viện Công Giáo ở Louisiana đã mất việc sau khi người ta phát hiện ra rằng ông đã lên mạng xã hội để cung cấp dịch vụ phi công của mình cho những phụ nữ muốn đi du lịch đến các tiểu bang nơi phá thai là hợp pháp. Tờ The Guardian cho biết sau một thời gian không kiếm được công ăn việc làm, ông ta đang định kiện chủng viện.

Greg Williams, cựu giáo sư tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh tại Đại học Chủng viện St. Joseph, đã đăng trên tài khoản Facebook của mình chỉ vài ngày sau khi phán quyết Roe kiện Wade bị lật đổ rằng anh ta sẽ sẵn sàng đưa phụ nữ qua các tiểu bang khác để phá thai.

“Nếu bất kỳ phụ nữ nào cần thực hiện một chuyến đi đột xuất từ miền nam đến, chẳng hạn như Illinois hoặc New Mexico hoặc Virginia vì những lý do không liên quan đến tôi, tôi có thể cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không tư nhân, an toàn để đưa bạn đến nơi bạn cần và trở lại cùng ngày với mức giá phù hợp với bạn,” anh ta viết, theo tờ The Guardian.

Phá thai là hợp pháp ở Illinois, New Mexico và Virginia, nơi Williams đề nghị đưa những người phụ nữ đi máy bay đến đó. Louisiana, nơi có chủng viện, có lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với thủ tục này.

Sau khi nhận được giấy phép phi công vào năm 2009, Williams bắt đầu tình nguyện tham gia nhóm Phi công vì bệnh nhân có trụ sở tại Louisiana, một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp các chuyến bay miễn phí cho bệnh nhân đến các địa điểm điều trị y tế không có sẵn trong khu vực của họ.

Tổ chức bác ái giúp bệnh nhân có thể nhận được sự chăm sóc y tế khẩn cấp mà họ cần, cho dù đó là điều trị tại trung tâm ung thư hay thăm khám với bác sĩ chuyên khoa.

Khi Williams lên Facebook với lời đề nghị vận chuyển phụ nữ ra khỏi tiểu bang, anh ta đang hoạt động độc lập một mình chứ không liên quan đến nhóm Phi công vì bệnh nhân. Tổ chức này nói với Guardian rằng các dịch vụ phá thai nằm ngoài sứ mệnh của nhóm Phi công vì Bệnh nhân. Tuy nhiên, tổ chức này cũng “thừa nhận rằng họ không thể kiểm soát cũng như không có quyền kiểm soát những chuyến đi mà các tình nguyện viên không được trả lương của họ có thể thực hiện trong thời gian riêng của họ”

Vào ngày 5 tháng 7 năm 2022, khoảng một tuần sau khi đăng bài trên Facebook, anh nhận được một lá thư từ giám đốc chủng viện, Cha Gregory Boquet.

“Bài đăng trên Facebook của anh một cách công khai và cố ý ủng hộ một lập trường trái ngược với giáo huấn chính thức của Giáo Hội Công Giáo,” bức thư viết.

“Quyết định chấm dứt công việc của bạn… có hiệu lực ngay lập tức,” bức thư ngày 5 tháng 7 cho biết.

Nhà trường có chính sách bắt buộc nhân viên phải hành động phù hợp với giáo huấn của Giáo hội.

Chính sách liên quan đến việc giảm thiểu xung đột lợi ích của chủng viện nói rõ rằng:

“Là một điều kiện làm việc tại chủng viện, các nhân viên “phải hành động với mức độ liêm chính và tiêu chuẩn đạo đức cao nhất nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho chủng viện và phù hợp với những lời dạy của cả Dòng Thánh Biển Đức và Giáo Hội Công Giáo Rôma”.

Khi được yêu cầu bình luận, chủng viện nói với CNA rằng họ không bình luận về các vấn đề nhân sự. Williams không có tên trong danh sách giảng viên của nhà trường. Theo The Guardian, cựu giáo sư, người theo Anh Giáo, nói với cơ quan truyền thông này rằng anh được chủng viện thuê tạm thời vào năm 2015.

Chủng viện St. Joseph của dòng Biển Đức nằm ở Saint Benedict, Louisiana, ở phía đông nam của tiểu bang.
Source:Catholic News Agency

2. Chuyến tông du thứ 41 của Đức Thánh Cha: Giới thiệu Giáo Hội Hung Gia Lợi

Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Eurobarometer, 62% người Hung Gia Lợi xưng mình là người Công Giáo. Giáo Hội Công Giáo ở Hung Gia Lợi (tiếng Hung Gia Lợi là Magyar Katolikus Egyptház) được chia thành 17 giáo phận trong đó có 4 tổng giáo phận. Ngoài ra, còn có một lãnh thổ tu viện và một giáo phận Công Giáo Đông phương dành cho anh chị em theo Nghi thức Byzantine. Lãnh thổ tu viện - territorial abbacy - là một miền tài phán cụ thể của Giáo Hội Công Giáo bao gồm một lãnh thổ xác định, không thuộc về một giáo phận nhưng bao quanh một tu viện mà tu viện trưởng ở đó không chỉ có quyền tài phán trong phạm vi tu viện của mình mà thôi, nhưng có quyền hạn như một Giám Mục bản quyền đối với tất cả người Công Giáo và giáo xứ trong lãnh thổ này.

Theo Niên Giám mới nhất của Tòa Thánh, Hung Gia Lợi có 2.048 giáo xứ và 168 trung tâm mục vụ, do 37 giám mục và 1.967 linh mục coi sóc, trong đó có 1.644 linh mục triều và 323 linh mục dòng. Giáo hội cũng có 287 đại chủng sinh, 62 tu huynh, 579 nữ tu và 97 thành viên tu hội đời, 2.302 giáo lý viên. Giáo hội quản lý và điều hành 565 cơ sở giáo dục với 156.194 học sinh và 228 cơ sở bác ái và xã hội.

Hung Gia Lợi có một vị Hồng Y là Đức Hồng Y Péter Erdő, sinh ngày 25 tháng Sáu năm 1952. Ngài cũng là Giáo Chủ Công Giáo Hung Gia Lợi. Bên cạnh đó, Hung Gia Lợi còn có 33 vị Giám Mục, trong đó cao niên nhất là Đức Cha István Katona, Giám Mục Hiệu Tòa Brescello, năm nay 95 tuổi.

Lịch sử Giáo hội ở Hung Gia Lợi gắn chặt với lịch sử của Nhà nước Hung Gia Lợi được Thánh vương Stêphanô I của Hung Gia Lợi (969 - 1038), một nhà truyền giáo và bổn mạng của Hung Gia Lợi, với tước hiệu “Vua Tông đồ” thành lập. Được thánh hiến ngày 25/12/1000, Vua Stêphanô không chỉ tổ chức đời sống chính trị của dân tộc khi hợp nhất 39 quận thành một vương quốc duy nhất, nhưng cả đời sống tôn giáo khi đặt nền móng cho nền văn hoá Kitô giáo vững chắc của quốc gia. Dưới triều đại của ngài, nhiều nhà thờ và đan viện đã được xây cất, trong đó có đan viện thánh Martino nổi tiếng của dòng Biển Đức ở Pannonhalma và 10 giáo phận được thành lập, trong đó có giáo phận Esztergom, trụ sở của Tổng Giám mục và Giáo chủ Hung Gia Lợi.

Khi Vua Stêphanô qua đời, Hung Gia Lợi đứng giữa cuộc chiến giữa Đế chế Roma và Giáo hoàng về việc bổ nhiệm các chức sắc cao cấp của Giáo hội và cả chính Đức Giáo Hoàng. Hung Gia Lợi đã đứng về phía Đức Giáo Hoàng. Vào thời gian này, Nhà nước và Giáo hội được hợp nhất và dưới triều Vua Thánh Louis Cả, vào thế kỷ XIV, Hung Gia Lợi có thêm các giáo phận mới như Nagyvárad, Nitra (ngày nay thuộc Slovakia), Csanád e Nagyszeben (ngày nay là Sibiu, ở Rumani).

Trong thời kỳ Cải cách Tin lành, phần lớn người Hung Gia Lợi đã từ bỏ Công Giáo, nhưng nhiều người cũng đã quay trở lại sau khi Hung Gia Lợi bị sáp nhập vào Đế quốc Áo, vào thế kỷ 17, nhờ hoạt động của các nhà truyền giáo tại các vùng lãnh thổ mà Áo chiếm được. Nhân vật chính của cuộc Cải cách Công Giáo trong nước là Đức Hồng Y Péter Pázmány (1570-1637), Dòng Tên, Tổng Giám mục của Esztergom và người sáng lập Đại học Nagyszombat, đại học Công Giáo Hung Gia Lợi đầu tiên, ngày nay là Trnava ở Slovakia. Vào thế kỷ XVIII, Nữ hoàng Maria Theresa và con trai, Joseph II của Áo đã trục xuất nhiều dòng tu khỏi lãnh thổ của Đế quốc Áo, bao gồm cả Hung Gia Lợi.

3. Các giám mục Biển Đức đầu tiên của Hung Gia Lợi

Từ ngày 28 đến 30 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Hung Gia Lợi. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “The great saints who built Hungary : Meet a ‘holy dynasty’ of martyrs, kings, princesses, and bishops -- Hungary's great national saints,” nghĩa là “Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi: Gặp gỡ một ‘vương triều thánh thiện’ gồm các vị tử đạo, các vị vua, các công chúa và giám mục -- những vị thánh quốc gia vĩ đại của Hung Gia Lợi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ phần thứ ba nói về các vị thánh Giám Mục dòng Biển Đức của Hung Gia Lợi qua phần trình bày của Túy Vân.

Trước hết, Túy Vân xin giới thiệu hai Thánh Astrik, và Adalbert. Xuất thân từ Bohemia, Astrik và Adalbert đã đến thăm Hung Gia Lợi để truyền giáo cho nước này. Adalbert thành lập tu viện Brevnov ở Praha, và Astrik, mở tu viện ở Pannonhalma, tổ chức giáo hội đầu tiên ở Hung Gia Lợi, nơi ông trở thành tu viện trưởng đầu tiên. Sau khi trở thành giám mục của Praha, Adalbert đã rửa tội cho Vua Stêphanô của Hung Gia Lợi, và sau đó tiếp tục hành trình truyền giáo đến Đông Phổ, nơi ông bị sát hại bởi một đám đông ngoại giáo. Thánh Astrik được bổ nhiệm làm giám mục của Esztergom, và do đó là giám mục đầu tiên của đất nước.

Là một tu sĩ tại tu viện Pannonhalma, Thánh Maurus là một trong những người ủng hộ tinh thần quan trọng nhất của Vua Stêphanô. Ngài trở thành tu viện trưởng của Pannonhalma và được bổ nhiệm làm giám mục của Pécs, nơi ngài xây dựng thánh đường đầu tiên vào năm 1036. Con người trí thức và tâm linh vĩ đại này đã nổi bật nhờ hành động vì hòa bình ở đất nước của ngài, lúc đó đang trải qua những cuộc xung đột rất dữ dội.

Bên cạnh đó còn có các thánh Giêrađô thành Csanád, thánh Bőd và thánh Bystrík thành Nitra: những vị tử đạo đầu tiên của Hung Gia Lợi

Sinh ra ở Venice vào cuối thế kỷ thứ 10, Gerard Sagredo trở thành một tu sĩ Biển Đức. Để đến Thánh Địa, ngài đã đi qua Hung Gia Lợi, nơi Vua Stêphanô ra lệnh cho ngài trở thành gia sư của con trai mình là Emeric. Ban đầu là một ẩn sĩ, ngài được bổ nhiệm làm giám mục của giáo phận Csanád, do nhà vua thành lập, và được giao nhiệm vụ truyền giáo cho một nhóm dân cư hoàn toàn ngoại giáo. Cùng với ba giám mục khác là Bőd, Bystrik và Beneta, ngài bị một đám đông ngoại đạo tấn công. Bőd và Gerard đã chết như những người tử vì đạo, bị giáo và đá quật ngã trên Đồi Buda khi đang trên đường đến lễ đăng quang của Vua Andrew vào năm 1046. Bystrik và Beneta đã tìm cách chạy trốn qua sông Danube. Ở bờ bên kia, ở Pest, Bystrik đã bị giết bởi một kẻ ngoại giáo cầm kiếm. Chỉ có Beneta trốn thoát, được cứu bởi quân đội của Vua Andrew.