1. Tổ chức bác ái Missio của Công Giáo Đức ở thành phố Aachen bày tỏ quan tâm về tương lai các tín hữu Kitô ở Trung Đông.

Trong sứ điệp Phục sinh vừa qua, Chủ tịch tổ chức này, cha Dirk Bingener, nói rằng: “Sự suy sụp kinh tế và bất an về chính trị đang đặt nhiều tín hữu Kitô Trung Đông trước một chọn lựa khó khăn: xuất cư ra nước ngoài hay tiếp tục ở lại trong những hoàn cảnh khó khăn. Các Giáo hội Kitô Trung Đông đang cần sự hỗ trợ của chúng ta, lời cầu nguyện và sự dấn thân chính trị, để họ không mất niềm hy vọng nơi một tương lai nơi quê hương của họ”.

Cha Bingener cho biết mặc dù có đủ thứ khó khăn và xung đột tại những nước, như Li Băng và Iraq, nhiều tín hữu Kitô tiếp tục muốn ở lại quê hương của họ. “Họ cảm thấy có trách nhiệm đối với một miền vốn là chiếc nôi của Kitô giáo”. Mọi người ở Trung Đông có thể được hưởng lợi ích từ những người xây dựng những nhịp cầu đại kết và liên tôn. “Nếu không có sự đóng góp của các Giáo hội ở Trung Đông, ví dụ trong lãnh vực giáo dục và săn sóc sức khỏe, thì viễn tượng tương lai của nhiều người sẽ mờ tối”. Điều này càng áp dụng đối với những hậu quả về lâu về dài của vụ động đất ngày 06 tháng Hai mới đây tại Thổ Nhĩ Kỳ giáp giới với Syria.

Tháng Mười năm nay, các tín hữu Kitô tại Li Băng và Syria sẽ được chọn làm các quốc gia tiêu biểu trong Tháng truyền giáo và vào Chúa nhật-Ngày Thế giới truyền giáo tại Đức.

2. Tại sao Giám mục Alvarez từ chối rời Nicaragua? Một cựu tù nhân chính trị giải thích

Félix Maradiaga, cựu tù nhân chính trị và ứng cử viên tổng thống hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, giải thích lý do tại sao ông tin rằng Đức Giám Mục Rolando Álvarez, người bị kết án 26 năm 4 tháng tù, đã quyết định ở lại Nicaragua và không chịu bị trục xuất đến Hoa Kỳ khi ngài có cơ hội ra đi.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với EWTN và ACI Prensa, đối tác tin tức tiếng Tây Ban Nha của CNA, Maradiaga cho biết ông đã được soi sáng khi “nhìn thấy tấm gương của một giám mục đã hy sinh tất cả mọi thứ vì tự do của người dân của mình.”

Đức Cha Álvarez bị kết án vào ngày 10 tháng 2 sau khi bị buộc tội oan là “kẻ phản bội tổ quốc” do chỉ trích chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và vợ ông, Phó Tổng thống Rosario Murillo.

Trước đó một ngày, vị giám mục đã từ chối trở thành một phần trong số 222 tù nhân chính trị, bao gồm các linh mục và chủng sinh, những người đã bị trục xuất sang Hoa Kỳ.

“Đức Cha Álvarez hoàn toàn có thể đã lên chiếc máy bay đó với tất cả chúng tôi vào ngày 9 tháng 2, khi chúng tôi bị lưu đày, trục xuất khỏi Nicaragua,” Maradiaga kể lại.

“Ngài ấy từ chối làm điều đó vì ngài không thể bỏ đàn chiên của mình ở lại phía sau. Bởi vì ngài phải làm gương, làm chứng hy sinh cho những người vẫn đang ở trong tù.”

Cựu tù nhân chính trị nói rằng vị giám mục đã tuyên bố vào thời điểm đó: “Tôi sẽ không rời đi cho đến khi tất cả các tù nhân được tự do.”

“Đó là một hành động hy sinh cao cả. Tấm gương đó phải được cả thế giới lắng nghe,” Maradiaga nhấn mạnh, đồng thời lưu ý rằng có 37 tù nhân chính trị vẫn đang bị giam giữ trong các nhà tù của đất nước.

Cựu ứng cử viên tổng thống cho biết việc trả tự do cho vị giám mục của giáo phận Matagalpa “là nghĩa vụ của tất cả những người bảo vệ nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên hành tinh Trái đất” và rằng “đó không chỉ là vấn đề tôn giáo.”

“Đó là nghĩa vụ đạo đức và luân lý của tất cả các chính phủ ở Mỹ Latinh và thế giới, không chỉ của Hoa Kỳ mà còn của Âu Châu và của các tổ chức bảo vệ nhân quyền,” ông nói thêm.


Source:Catholic News Agency

3. Lạm dụng danh nghĩa Đức Giáo Hoàng đưa ra các tuyên bố không đúng sự thật ở Nga

“Chưa có ai đưa ra bất kỳ sáng kiến ngừng bắn nào nhân Lễ Phục sinh Chính thống giáo, sẽ diễn ra vào Chúa Nhật ngày 16 tháng 4,” phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết như trên, đồng thời lưu ý rằng trong quá khứ, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào do Mạc Tư Khoa đề xuất đều bị Kyiv phớt lờ.

Ông ta nói: “Ý tưởng này chưa được đề xuất bởi bất kỳ ai. Cho đến nay chưa có sáng kiến nào về vấn đề này. Tuần Thánh của chúng ta đã bắt đầu. Cho đến nay chưa có sáng kiến nào như vậy.”

Peskov nói thêm rằng “Mạc Tư Khoa đã đưa ra các sáng kiến” về lệnh ngừng bắn “và tuân thủ nó, nhưng phải đối mặt với việc Kyiv miễn cưỡng làm điều tương tự”.

Những điều Peskov là không đúng sự thật. Vào dịp Tuần Thánh năm ngoái, khi quân Nga đang bao vây và mở các cuộc tấn công dữ dội vào nhà máy thép Azovtal, Ukraine đã yêu cầu ngưng bắn nhưng chính Nga không chấp nhận. Vào dịp lễ Giáng Sinh, Mạc Tư Khoa yêu cầu ngưng bắn nhưng đúng ngày lễ Giáng Sinh, quân Nga mở cuộc tổng phản công nhằm loại bỏ quyền kiểm soát của quân Ukraine trên xa lộ P66 nối liền Svatove và thành phố Kreminna.

Tuần trước, theo thông tấn xã TASS của Nga, Leonid Sevastianov, chủ tịch Liên minh thế giới của các tín hữu cũ của Nga, cho biết, trích dẫn một cuộc trò chuyện cá nhân với Đức Thánh Cha Phanxicô, rằng Đức Giáo Hoàng đề nghị ngừng bắn trong hai tuần ở vùng chiến sự bắt đầu từ ngày 9 tháng 4 để cử hành lễ Phục sinh của người Công Giáo và Chính thống giáo. Đó không phải là cách hành động của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh. Ở Nga, có Đức Tổng Giám Mục Giovanni d’Aniello là Sứ thần Tòa Thánh. Đức Thánh Cha và Tòa Thánh không cần phải nhờ đến Leonid Sevastianov.

Tưởng cũng nên nhắc lại là nhân kỷ niệm một năm cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, là người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, tuyên bố với các phương tiện truyền thông Nga rằng Đức Thánh Cha giao cho ông ta phổ biến và vận động tại Nga một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Tuyên bố này của Sevastyanov gây kinh ngạc cho nhiều người vì đó hầu chắc không phải là cách Vatican hành động.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Nación được công bố vào Chúa Nhật 12 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với Elisabetta Piqué, một người nhà báo chuyên về Vatican và là phóng viên tại Ý của tờ La Nación rằng “Không có kế hoạch hòa bình nào của Vatican, nhưng có một ‘sứ vụ hòa bình’, trong đó Vatican đang nỗ lực làm việc để chấm dứt cuộc xâm lược tàn bạo của Nga ở Ukraine.

Mặc dù cho rằng rất khó có khả năng cho một cuộc gặp gỡ giữa Vladimir Putin và Volodimir Zelenskiy ở Vatican có thể diễn ra trong tương lai, nhưng ngài nói rằng việc tổ chức một cuộc họp đại biểu thế giới có thể mang ý nghĩa xoay chuyển cuộc chiến bi thảm này ngay giữa lòng Âu Châu khi nó đã bước sang năm thứ hai. Mặt khác, ngài không loại trừ rằng do đặc điểm của nó, cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine có thể bị coi là một cuộc diệt chủng”.

Hôm 28 tháng 2, tờ Sputnik của Nga đánh đi bản tin nhan đề “Pope's peace plan for Ukraine puts inclusivity first – Cleric”, nghĩa là “Giáo sĩ nói: Kế hoạch hòa bình của Đức Giáo Hoàng dành cho Ukraine ưu tiên cho việc hội nhập.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ bài báo của tờ Sputnik qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vạch ra tầm nhìn của mình để chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đặt sự bao gồm và tôn trọng tất cả các ngôn ngữ và văn hóa là cốt lõi của nỗ lực hòa bình, một giáo sĩ quen thuộc với văn bản nói với Sputnik.

Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng đã đề nghị hòa giải giữa Nga và Ukraine. Leonid Sevastyanov, lãnh đạo của một giáo phái người Nga, người thường xuyên giao tiếp với Đức Giáo Hoàng, nói với Sputnik hồi đầu tháng này rằng Đức Giáo Hoàng 86 tuổi đã sẵn sàng tới Mạc Tư Khoa và Kiev để giúp họ chấm dứt cuộc xung đột.

Sevastyanov nói với Sputnik hôm thứ Hai 27 tháng Hai rằng:

“Sự hòa giải và sự tha thứ lẫn nhau là đức tính chính yếu của Kitô giáo. Vatican là một nền tảng đàm phán cho tất cả các mục tiêu của các cuộc đàm phán nhắm đến một nền hòa bình lâu dài và công bằng cho tất cả mọi người”.

Sevastyanov, người đứng đầu Liên minh các tín hữu quốc tế, là một giáo phái của những người không phải tín hữu chính thống Nga, cho biết kế hoạch của Đức Giáo Hoàng đã mô tả các cuộc đàm phán là một phương tiện để đạt được hòa bình, và bao gồm và hợp tác là mục tiêu cuối cùng của nó.

“Nga, Ukraine và Âu Châu là một phần của một thế giới toàn diện cho tất cả mọi người! Thay vì chiến tranh, cần có sự hợp tác và nỗ lực để tạo ra một không gian kinh tế xã hội công bằng chung. Bất kỳ văn hóa, ngôn ngữ, dân tộc và tôn giáo nào cũng phải được bảo vệ và tôn trọng,” Sevastyanov trích dẫn kế hoạch nói.

Giáo sĩ Nga nói rằng các bên tham gia cuộc xung đột sẽ ngừng sự tấn công và ngồi xuống bàn đàm phán để tìm một giải pháp có lợi sẽ khiến mọi người cảm thấy được tôn trọng. Kế hoạch cũng gợi ý rằng việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại.

Bản tin của Sputnik đến đây là hết, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh với quý vị cụm từ “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại”. Đó chính là thâm ý của người Nga. “việc giao vũ khí cho tất cả các bên nên dừng lại” chắc chắn sẽ chấm dứt chiến tranh, ít ai hồ nghi về điều này, vì một khi người Ukraine không có vũ khí trong tay, họ còn biết làm gì hơn là đầu hàng trước đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo, chiến tranh sẽ chấm dứt ở Ukraine, nhưng sẽ bùng lên ở Moldova, Estonia, Lithuania, Latvia và cả ở Ba Lan.


Source:Corriere Della Sera