1. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ nhận định rằng Nga đang đàn áp tôn giáo tại các vùng lãnh thổ tạm chiếm của Ukraine

Chính quyền xâm lược của Nga đang tiến hành một chiến dịch đàn áp tôn giáo có hệ thống trong các vùng của Ukraine bị tạm chiếm. Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington, cho biết như trên hôm thứ Hai 10 Tháng Tư.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, binh lính Nga hoặc chính quyền xâm lược được tường trình đã thực hiện ít nhất 76 hành vi đàn áp tôn giáo ở Ukraine.

Theo các nhà phân tích của ISW, chính quyền Nga đã đóng cửa, quốc hữu hóa hoặc cưỡng chế chuyển đổi ít nhất 26 nơi thờ tự thành Nhà thờ Chính thống Nga thuộc Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa do Điện Cẩm Linh kiểm soát, giết hoặc bắt giữ ít nhất 29 giáo sĩ hoặc nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời cướp phá, xúc phạm, hoặc cố tình phá hủy ít nhất 13 nơi thờ phượng trong các vùng của Ukraine bị tạm chiếm.

Theo báo cáo, những trường hợp đàn áp tôn giáo này dường như không phải là những sự việc riêng lẻ mà là một phần của chiến dịch có chủ ý nhằm xóa bỏ một cách có hệ thống các tổ chức tôn giáo “không mong muốn” và thúc đẩy sự lệ thuộc vào Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Các nhà phân tích của ISW cho biết các quan chức xâm lược của Nga đã đàn áp các cộng đồng tôn giáo Ukraine ở các nước cộng hòa ủy nhiệm ở miền đông Ukraine và ở Crimea bị xâm lược bất hợp pháp kể từ năm 2014.

Cha Oleksandr Bogomaz, một linh mục của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, ở Melitopol, đã bị Nga trục xuất khỏi giáo xứ của ngài, và hiện đang lang thang tại Zaporizhzhia xác nhận với SIR, cơ quan truyền thông của Hội Đồng Giám Mục Italia rằng ít nhất 20 linh mục tại thành phố Melitopol mà ngài quen biết đang bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, giam giữ, trả tự do, rồi lại giam giữ. Một số vị đã bị chúng trục xuất như ngài. Cho đến nay, ít nhất 2 linh mục Dòng Chúa Cứu Thế của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đang bị giam cầm ở Mariupol.


Source:UkrInform

2. Cảnh sát đã bắt được kẻ phá họai nhà thờ Công Giáo St. Paulinus

Một vụ bắt giữ đã được thực hiện liên quan đến vụ phá hoại Nhà thờ Công Giáo St. Paulinus ở Syracuse, Nebraska, xảy ra vào cuối tuần Chúa Nhật Lễ Lá.

Travis Ross, 32 tuổi, đã bị Văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Otoe bắt giữ vào ngày 6 tháng 4 sau khi các bằng chứng video và nhân chứng khiến nhà chức trách tin chắc anh ta là nghi phạm.

Cha Ryan Salisbury, cha sở của St. Paulinus, nói với CNA ngày 3 tháng 4 rằng khi ngài bước vào nhà thờ vào ngày 1 tháng 4, ngài phát hiện ra rằng bàn thờ đã bị lật, một bức tượng bị mạo phạm và một số đồ vật khác bị hư hại.

Một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng bị hỏng không thể sửa chữa và chân đèn bị hư hỏng cũng như chiếc bàn thờ đá. Ngài cho biết thiệt hại lên tới 5.000 Mỹ Kim. Nhà tạm và Thánh Thể vẫn nguyên vẹn. Đây cũng là một điều khá lạ lùng. Chiếc bàn thờ đá nặng như thế người ta không hiểu làm sao một con người với vóc dáng nhỏ thó như nghi phạm lại có thể lật tung, trong khi hắn ta lại để nguyên nhà tạm, không động tới.

“Chuyện xảy ra trong Tuần Thánh của Chúa chúng ta. Hành trình của chính Chúa Kitô được đánh dấu bằng sự bất công, bởi sự đổ vỡ và bởi sự tổn thương đối với cơ thể của chính Người, và điều đó được phép xảy ra ở đây, ở Syracuse theo một cách nào đó,” Cha Salisbury cho biết vào thời điểm đó.

Ross đã bị buộc tội phá rối hình sự và xâm phạm hình sự. Cuộc điều tra đang diễn ra, theo văn phòng cảnh sát trưởng. St. Paulinus không phải là Nhà thờ Công Giáo duy nhất bị phá hoại vào cuối tuần Chúa Nhật Lễ Lá.

Tại Corona, California, một bức tượng Đức Mẹ Guadalupe đã bị đập làm đôi tại Nhà thờ Công Giáo Corpus Christi vào ngày 1 tháng Tư.

“Thật đau lòng, đặc biệt là vào đầu Tuần Thánh,” Maria Bravo, quản lý văn phòng giáo xứ, nói với CNA trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

“Rất nhiều giáo dân đã rất xúc động về điều đó. Họ mang hoa đến. Nhiều người đề nghị giúp đỡ bằng mọi cách có thể,” cô nói.

Theo John Andrews, giám đốc truyền thông của Giáo phận San Bernardino, một nam nghi phạm đã bị camera an ninh ghi lại khi đi đến bức tượng và kéo nó xuống.

Trong một tuyên bố trên Twitter, giáo phận viết: “Cuối tuần vừa qua Corpus Christi, Corona, tượng Đức Mẹ Guadalupe của họ đã bị phá hoại. Chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Đấng Bảo trợ của giáo phận chúng ta, Đức Mẹ Guadalupe, ở cùng với cộng đoàn Corpus Christi vào lúc này. Hãy giữ tất cả họ trong lời cầu nguyện của anh chị em”
Source:Catholic News Agency

3. Tiến sĩ George Weigel: Phục sinh và lịch sử

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “EASTER AND HISTORY”, nghĩa là “PHỤC SINH VÀ LỊCH SỬ”.

Ngày xửa ngày xưa, trước khi Nghệ Thuật Xào Nấu của tư duy giáo dục tiên tiến biến lịch sử, địa lý và giáo dục công dân thành những môn “nghiên cứu xã hội” vô vị, câu chuyện về loài người được dạy theo kiểu tuyến tính, và dưới các tiêu đề có nội dung như thế này: Các nền văn minh cổ đại, Hy Lạp và Rôma, Thời kỳ Đen tối, Thời Trung cổ, Phục hưng và Cải cách, Thời đại của Lý trí, Thời đại Cách mạng, Thời đại Dân chủ, Thời đại Không gian, v.v. Những tiêu đề này không phải là không có khuyết điểm: Cái gọi là “Thời kỳ đen tối” chẳng có gì là “đen tối” hết cả; bên cạnh đó, có nhiều thời kỳ “Cải cách,” chứ không chỉ có một; còn “Thời đại của lý trí” thường không hợp lý khi đề cập đến bề rộng khả năng hiểu biết mọi thứ của con người; “Thời đại Dân chủ” đã phải đối mặt với các chế độ toàn trị thuộc loại này hay loại khác, một trong số đó phát triển từ một nền dân chủ sai lầm, Weimar Đức.

Tuy nhiên, việc dạy lịch sử thế giới theo cách đó đã mang lại cho người ta cảm giác về bức tranh toàn cảnh rộng lớn về thành tựu của con người (bên cạnh sự sa đọa của con người) và đã làm như vậy theo cách tạo ra ý nghĩa đáng kể về lý do tại sao mọi thứ lại xảy ra khi chúng xảy ra.

Lịch sử luôn rõ ràng hơn, và thậm chí còn thuận lợi hơn cho một mức độ lạc quan nào đó, khi được nhìn qua gương chiếu hậu; lịch sử khó đọc nhất là lịch sử của Right Now – Ngay Bây Giờ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ít người sẽ phản đối tuyên bố cho rằng, đọc về những gì chúng ta thấy xung quanh chúng ta ngày nay, không có nhiều điều thú vị. Hoa Kỳ dường như đang trên bờ vực của một cuộc chạy đua tổng thống khác giữa hai ông già, không ai trong số họ có những năng lực cần thiết để lãnh đạo có thẩm quyền, và có tầm nhìn xa hơn. Người Pháp đang phát cuồng vì viễn cảnh làm việc đến sáu mươi bốn tuổi. Mễ Tây Cơ đang trở thành một quốc gia thất bại nếu nó chưa đến mức đó. Những tên bạo chúa nhỏ mọn cai trị ở Venezuela và Nicaragua, và Cuba vẫn là một nhà tù trên đảo. Israel đang tự xé nát chính mình vào đúng thời điểm mối đe dọa do các giáo sĩ Hồi giáo ngày tận thế ở Tehran đang ở cường độ mạnh nhất. Con quái vật đạo đức ở Điện Cẩm Linh dường như muốn hủy diệt thêm ở Ukraine, và người bạn thân thiết của anh ta ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình, đang tăng gấp đôi các biện pháp kiểm soát xã hội hà khắc và diệt chủng. Không ai có kế hoạch nghiêm túc để đối phó với các vấn đề toàn cầu như dòng người di cư khổng lồ, biến đổi khí hậu và khủng bố ma túy.

Vậy hy vọng được tìm thấy ở đâu?

Thưa: Nó được tìm thấy trong việc đọc lịch sử theo cách khác, như những tín hữu Kitô thường làm.

Sự hiểu biết của Kitô hữu về “lịch sử thế giới” mở ra dưới một tập hợp các tiêu đề khác với những tiêu đề đã được lưu ý ở trên. Theo quan điểm của Kitô giáo về sự vật, câu chuyện của con người mở ra dưới các tiêu đề sau: Sáng tạo, Sa ngã, Lời hứa, Lời tiên tri, Nhập thể, Cứu chuộc, Thánh hóa, Vương quốc của Thiên Chúa (hoặc, nếu bạn thích, Tiệc cưới của Chiên Con). Hơn nữa, Kitô hữu hiểu—hoặc phải hiểu—rằng lịch sử này, lịch sử cứu rỗi, không chạy song song với “lịch sử thế giới” như các chủ đề đã từng được dạy. Không, lịch sử cứu rỗi là những gì đang xảy ra bên trong “lịch sử thế giới” từ vụ nổ Big Bang cho đến bây giờ—và cho đến tương lai, chừng nào còn có “thời gian” như chúng ta nhận thức được. Lịch sử cứu rỗi là động lực bên trong của “lịch sử thế giới”, được đọc ở chiều sâu thực sự của nó và dựa trên chân trời rộng rãi thích hợp của nó.

Lịch sử cứu độ đó xoay quanh điều mà người Công Giáo gọi là Tam Nhật Vượt Qua của Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh và Đêm Vọng Phục Sinh: một hành động phụng vụ liên tục với đỉnh cao là lời công bố Sự Phục Sinh của Chúa, là sự mặc khải dứt khoát về ý nghĩa và mục đích của lịch sử. Vào lễ Phục sinh, những tín hữu Kitô tuyên bố với thế giới rằng những gì chúng ta nhìn thấy trên bề mặt lịch sử không phải là tất cả. Bên trong lịch sử đó, hướng lịch sử đó tới sự hoàn thành mà Thiên Chúa đã định cho việc tạo dựng của Người ngay từ đầu, là Ngôi Lời, Đấng nhờ đó mà vạn vật được hình thành; Ngôi Lời nhập thể của Đức Trinh Nữ Maria; Ngôi Lời nhập thể rao giảng, chữa lành và đau khổ; Ngôi Lời trở thành Chúa Phục Sinh, Đấng, bằng cách bày tỏ cho những người bạn của mình một dạng sống mới và dồi dào dành cho tất cả những ai tán thành chính nghĩa của Ngài, đã truyền cảm hứng cho những người bạn đó ra đi và hoán cải thế giới.

Nhìn vào Chúa Kitô bị đóng đinh và sống lại từ cõi chết, nhìn thấy nơi Người là Ánh sáng của thế giới, các Kitô hữu biết lịch sử - câu chuyện cá nhân của chúng ta và câu chuyện của thế giới - sẽ diễn ra như thế nào. Nó sẽ không kết thúc ở sự tan vỡ của vũ trụ hay một lỗ đen khổng lồ (bất kể “vũ trụ” mà chúng ta biết kết thúc như thế nào). Nó sẽ kết thúc trong Lễ Cưới Chiên Con, nơi tạo vật được cứu chuộc vui hưởng sự sống đời đời với Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Đó là nơi lịch sử đang diễn ra.

Biết được điều đó, chúng ta có thể thực hiện nhiệm vụ của mình tại đây và ngay bây giờ với niềm hy vọng, bất kể những cơn bão đang tập trung ở phía chân trời có đen tối đến mức nào đi nữa.
Source:First Things