1. Các chủng viện tại Tây Ban Nha tiếp tục chịu tình trạng giảm sút số chủng sinh.

Theo thống kê của Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, trong niên khóa hiện nay, 2022-2023, lần đầu tiên từ 21 năm nay, số chủng sinh tại Tây Ban Nha xuống dưới mức 1.000 thầy.

Hằng năm vào ngày lễ kính thánh Giuse, Giáo hội tại nước này cử hành Ngày Chủng viện và Hội đồng Giám mục cung cấp thống kê về số chủng sinh mới trên toàn quốc: trong niên khóa hiện thời chỉ có 974 chủng sinh, trong số này số tân chủng sinh xuống dưới mức 200 và chỉ có 172 thầy, và số tân linh mục chỉ có 97 người.

Cách đây 10 năm, trong niên khóa 2002-2003, có 1.700 chủng sinh trên toàn nước Tây Ban Nha, trong số này có hơn 350 tân chủng sinh và có gần 200 tân linh mục.

Tiểu ban Giám mục Tây Ban Nha về chủng viện cho biết sự suy giảm số chủng sinh tại 54 chủng viện toàn quốc có thể được giải thích là do phương pháp mới được áp dụng trong việc thu thập các dữ kiện và do trách nhiệm của Văn phòng về sự minh bạch của Hội đồng Giám mục. Một yếu tố khác là trào lưu tục hóa và sự thiếu dấn thân từ phía nhiều người trẻ. Sự giảm sút này cũng phản ánh qua sự suy giảm con số các cuộc kết hôn, đạo cũng như đời. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng đang gặp vấn đề trầm trọng về dân số: số trẻ em sinh ra ngày càng ít và dân chúng ngày càng già nua.

Mặc dù sự suy giảm các chủng sinh và linh mục, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha khuyến khích các tín hữu hãy ghi ơn vì con số đáng kể những người trẻ dấn thân tìm kiếm ý Chúa, Đấng mời gọi chúng ta đón nhận ơn gọi đẹp đẽ trong Giáo hội.

Hồi tháng Chín năm ngoái, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã phát động chương trình mục vụ ơn gọi, nhắm kiến tạo trong Giáo hội lữ hành tại nước này một nền văn hóa ơn gọi, giúp trẻ em, người trẻ và người lớn cứu xét ơn gọi của họ.

2. Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh bị bắt khi cố gắng xâm nhập vào thủ đô Kyiv

Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh của Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, nguyên Giám Mục của Tulchyn và Bratslav đã bị bắt khi cố gắng xâm nhập vào thủ đô Kyiv. Cảnh sát quốc gia Ukraine đã công bố một đoạn video về việc bắt giữ ông ta khi chiếc xe do ông ta đích thân lái bị cảnh sát chặn lại ở cửa ngõ vào thủ đô và một cảnh sát viên nhận ra ông ta.

Ông ta bị kết tội là phản quốc sau khi tham dự buổi lễ ngày 30 tháng 9 năm ngoái, trong đó Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine vào Nga.

Tưởng cũng nên nhắc lại là 13 vị Giám Mục và Tổng Giám Mục của 6 giáo phận Donetsk, Crimea, Dnipro, Romen, Odesa và Bukovyna đã bị xử phạt theo sắc lệnh số 898/2022 đã được tổng thống ký vào ngày 28 tháng 12 năm 2022.

Đặc biệt hai Tổng Giám Mục Anatoliy Ivanovych Yeletskikh, và Serhiy Leonidovych Anitsoi bị kết tội phản quốc và tài sản bị tịch thu. Ngày 30 tháng 9, Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson vào Nga. Hai vị này đã hồ hởi phấn khởi tham dự và trả lời cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Tass, ngập tràn hy vọng về tương lai.

Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko của Crimea cũng bị kết tội phản quốc. Ngày 27 tháng 5, 2022, Đức Tổng Giám Mục Onufriy Berezovsky của Kyiv và toàn Ukraine quyết định không trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa nữa. Tổng Giám Mục Mykola Mykolayovych Donyenko phản đối quyết định này và đưa các giáo xứ của ông vào Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga.

Quyết định của Tổng thống Zelenskiy cũng tước quyền công dân của linh mục Viktor Anatoliyovych Gradomskyy, Cha sở nhà thờ chính tòa Alexander Nevsky ở Odessa.

Trong một quyết định khác, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine trừng phạt thêm bảy linh mục của UOC với các bản án khác nhau, bao gồm cả việc trục xuất khỏi Ukraine.

3. Vatican Phần Lớn Im Lặng Khi Trung Quốc Buộc Người Công Giáo ‘Thích Nghi Với Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa’

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register có bài tường trình nhan đề “Vatican Largely Silent as China Forces Catholics to ‘Adapt to Socialist Society’”, nghĩa là “Vatican Phần Lớn Im Lặng Khi Trung Quốc Buộc Người Công Giáo ‘Thích Nghi Với Xã Hội Xã Hội Chủ Nghĩa’”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trong nhiều năm, những tiếng nói hiểu biết đã cảnh báo Vatican về sự nguy hiểm của quá trình Trung quốc hóa đạo Công Giáo.

Nhưng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục thực thi chương trình Trung quốc hóa của mình, đặt các biện pháp kiểm soát tôn giáo ngày càng chặt chẽ hơn và buộc họ quảng bá học thuyết Mác-xít, Vatican phần lớn vẫn im lặng một cách công khai mặc dù chương trình này hoàn toàn không phù hợp với đức tin Công Giáo.

Trong một bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc vào ngày 5 tháng 3, Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khoe khoang về mức độ mà việc Trung quốc hóa các tôn giáo đã được thực hiện, nói rằng nó đã được thực hiện “dần dần” và nhấn mạnh rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải “tích cực hướng dẫn các tôn giáo” để thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa.”

Mục tiêu chung của quá trình Trung quốc hóa là cưỡng bức hội nhập và đồng hóa văn hóa cộng sản Trung Quốc vào xã hội — một chương trình đã dẫn đến cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, cũng như các nhóm thiểu số ở các khu vực khác như Tây Tạng và Nội Mông Cổ.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hà Nam ở miền trung bắc Trung Quốc, nơi có tỷ lệ người theo Kitô giáo cao nhất cả nước, đã ráo riết thực hiện chương trình Trung quốc hóa, buộc tất cả những người theo tôn giáo phải đăng ký để được thờ phượng trong nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo hoặc chùa chiền Phật giáo.

Asia News, ngày 8/3, đưa tin: Thông qua một ứng dụng điện thoại do chính phủ tạo ra, các tín đồ phải cung cấp thông tin cá nhân như tên, số điện thoại, chi tiết chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú, nghề nghiệp và ngày sinh.

Đồng thời, những người theo dõi Trung Quốc cho biết: các cơ quan nhà nước bề ngoài đại diện cho lợi ích của Giáo Hội Công Giáo và các lợi ích xã hội dân sự khác chỉ là vỏ bọc để đóng dấu cao su cho một chính sách như vậy.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đánh dấu tròn một thập niên làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào ngày 14 tháng 3, tiếp tục củng cố quyền lực vào chính ông và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nina Shea, thành viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson cho biết: Ông ta cũng vẫn “hoàn toàn cam kết Trung quốc hóa tất cả các xã hội dân sự, đặc biệt là các nhóm tôn giáo”.

Shea nói với Register: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang theo mô hình đàn áp các Giáo Hội từ những năm 1970 và 80 của Liên Xô bằng các biện pháp giám sát, đồng lựa chọn, quy định và truyền bá. “Điều này nhằm mục đích chấm dứt niềm tin và sự giảng dạy niềm tin và giáo huấn Công Giáo và các Giáo Hội Kitô giáo khác trong khi vẫn duy trì các hình thức công khai của họ nhằm che giấu sự đàn áp của nó và để xâm nhập tốt hơn vào Giáo hội và các giáo huấn của nó.”

Trung quốc hóa tăng cường

Vào tháng 12 năm 2021, Chủ tịch Tập nói rằng tôn giáo và các tổ chức tôn giáo “phải được hướng dẫn tích cực để thích nghi với xã hội xã hội chủ nghĩa,” và những người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách các vấn đề tôn giáo phải coi việc Trung quốc hóa tôn giáo là nhiệm vụ chính của họ. “Các nghiên cứu tôn giáo duy Mácxít” cũng phải được tăng cường, ông nói thêm, đồng thời các thành viên của các tổ chức tôn giáo không nên “can thiệp vào đời sống xã hội” và giáo dục giới trẻ.

Hơn nữa, nhà độc tài cộng sản của Trung Quốc kêu gọi giám sát nhiều hơn và trừng phạt những tín hữu sử dụng mạng xã hội để truyền đạo hoặc chỉ trích chính sách tôn giáo của chính phủ. Ông Tập nói, Trung quốc hóa có nghĩa là tất cả các cộng đồng tôn giáo phải do Đảng lãnh đạo, do Đảng kiểm soát và ủng hộ Đảng.

Ba tháng sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí còn táo bạo hơn về chương trình này. Trong một bài báo trên Study Times, một trong những ấn phẩm chính thức của nó, nó đã vạch ra một đường lối truyền bá có hệ thống về chủ đề “Yêu Đảng, Yêu Tổ quốc, Yêu Chủ nghĩa Xã hội.” Lưu ý một cách đáng ngại rằng một số tôn giáo không thể bị Trung quốc hóa, bài báo nhấn mạnh rằng những người từ chối phục tùng sự kiểm soát của Đảng sẽ bị coi là “các thế lực thù địch nước ngoài […] âm mưu chính trị để đánh bại và lật đổ Trung Quốc.” Bài báo nêu rõ bất cứ tôn giáo nào từ chối tuân theo sự chỉ đạo của đảng trong mọi việc sẽ bị “kiên quyết đàn áp và xóa sổ”.

Nữ tu của Dòng Máu Thánh Hương Cảng, Lương Bích Thúy (Beatrice Leung, 梁碧翠) nhà nghiên cứu danh dự tại Đại học Quốc gia Thành Trì (Chengchi, 成池) của Đài Loan, giải thích: “Đảng Cộng sản Trung Quốc vô thần có chính sách muốn tiêu diệt bất cứ tôn giáo nào có nguồn thẩm quyền giảng dạy khác”.

Nữ tu Lương Bích Thúy nói với tờ Register: “Người lãnh đạo đảng không thể chấp nhận đạo Công Giáo. Đó là lý do tại sao đàn áp tôn giáo bao gồm cả Công Giáo đã là chính sách lâu dài của đảng.”

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Dân số về thỏa thuận gây tranh cãi năm 2018 giữa Trung Quốc và Vatican về việc bổ nhiệm giám mục, trong căn bản, Trung quốc hóa tôn giáo có nghĩa là “thay thế việc thờ phượng Chúa bằng việc thờ phượng Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo của nó. Đây chính xác là những gì Đức Quốc xã đã cố gắng thực hiện vào những năm 1930 với cái gọi là chương trình Quốc xã hóa, cụ thể là biến các Giáo Hội Công Giáo và Tin lành của Đức thành những người ủng hộ nhiệt thành Chủ nghĩa Quốc Xã và những người ủng hộ ý thức hệ của nó.”

Báo cáo, do chủ tịch Viện Nghiên cứu Dân số, Steven Mosher, biên soạn, nêu chi tiết về việc đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, “quốc giáo là chính Trung Quốc”, rằng “'chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc' là giáo lý của nó, các thành viên là chức linh mục của nó và 'nhà lãnh đạo cốt lõi' của nó Tập Cận Bình phục vụ với tư cách là thượng tế tối cao của nó.” Báo cáo cho biết, đó là hậu quả của một “hình thức tự yêu quốc gia mình một cách cực kỳ độc hại”, tuyên truyền để các công dân Trung Quốc nghĩ rằng họ là một phần của “Vương quốc ở Trung tâm Trái đất”, rằng họ “xứng đáng thống trị những người thấp kém hơn ở ngoại vi”

Trong nhiều năm, Mosher, Hồng Y Joseph Zen Ze-kiun, giám mục hưu trí của Hương Cảng, và những người khác hiểu biết về tình hình đã cảnh báo Vatican về những nguy cơ của việc Trung quốc hóa, bao gồm một khía cạnh chính mà nó đòi hỏi: mọi người phải đăng ký với chính quyền. Vào năm 2018, lệnh đăng ký bắt đầu yêu cầu tất cả các giám mục, linh mục và giáo dân hầm trú, những người trung thành với Rome chứ không phải với Giáo Hội nhà nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành, tức Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc, không chỉ đăng ký với chính phủ, mà còn với Giáo Hội ly giáo do nhà nước điều hành.

Bất chấp những mối đe dọa nghiêm trọng này đối với Giáo Hội Công Giáo và đức tin, quá trình Trung quốc hóa đã có hiệu quả trong việc vượt qua sự kháng cự. Nữ tu Lương Bích Thúy nói: “Chương trình này đã là một vấn đề lớn, đặc biệt là khi việc đào tạo giáo sĩ trong thời kỳ hiện đại hóa ở Trung Quốc kể từ những năm 1980 không được vững chắc về tín lý và linh đạo”.

Về việc thách thức sự truyền bá của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bà cho biết “bên ngoài Trung Quốc, chúng tôi từng nhận được những lời kêu cứu và yêu cầu giúp đỡ, nhưng giờ đây Trung Quốc kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng và mọi phương thức liên lạc.” Ngay trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp cấp nhà nước của Trung Quốc, bà cho biết, “tỷ lệ bỏ phiếu bầu ông Tập làm chủ tịch nước là 100%”.

Nữ tu Lương Bích Thúy hỏi, “Làm sao người dân có thể nói không với chính phủ, khi các quan chức cấp cao không dám chống lại Tập?”.

Phản ứng của Vatican

Về phần Vatican, phần lớn họ im lặng, hoặc thậm chí khen ngợi, về quá trình Trung quốc hóa. Vào năm 2019, Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nói với tờ báo tiếng Anh The Global Times do Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành rằng quá trình Trung quốc hóa có thể được so sánh với thực hành hội nhập văn hóa của các nhà truyền giáo Công Giáo.

Ngài nói, “Hội nhập văn hóa là điều kiện thiết yếu cho việc loan báo Tin Mừng một cách lành mạnh, để sinh hoa trái, một mặt đòi hỏi phải bảo vệ sự trong sạch và toàn vẹn đích thực của Tin Mừng, mặt khác, trình bày Tin Mừng theo kinh nghiệm cụ thể của mỗi dân tộc và văn hóa. Hai thuật ngữ này, ‘hội nhập văn hóa’ và ‘Trung quốc hóa’, tham chiếu lẫn nhau mà không gây nhầm lẫn và không đối lập.”

Về việc đăng ký với chính quyền cộng sản, Mosher cho biết ông đã cảnh báo Hồng Y Parolin về sự phát triển ba tháng sau khi nó có hiệu lực, nhưng theo Mosher, Hồng Y cho biết Vatican “không phản đối việc yêu cầu mọi người phải đăng ký với chính quyền”.

Register đã hỏi Đức Hồng Y Parolin liệu ngài có còn giữ quan điểm này hay không khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đẩy mạnh chương trình Trung quốc hóa vào năm 2021, và liệu Giáo hội có thể cùng tồn tại với một chính sách đòi hỏi toàn quyền kiểm soát Giáo hội như vậy hay không, nhưng ngài đã không trả lời vào thời điểm của bài báo.

Thay vào đó, Đức Hồng Y và Tổng giám mục Paul Gallagher, thư ký quan hệ với các quốc gia của Vatican, đã trả lời phỏng vấn gần đây, trong đó họ tiếp tục nói rằng quan hệ Trung Quốc-Vatican đang được cải thiện và bày tỏ hy vọng họ sẽ tiếp tục làm như vậy trong thời gian dài.

Đức Hồng Y Parolin nói với các phóng viên vào ngày 14 tháng Ba rằng có một “thái độ hy vọng” hiện hữu giữa hai bên, và Giáo hội “chỉ yêu cầu [các] người Công Giáo được là người Công Giáo với mối liên hệ với Giáo hội Hoàn vũ.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher thừa nhận với Colm Flynn của EWTN News rằng thỏa thuận năm 2018 “không phải là thỏa thuận tốt nhất có thể” nhưng nói thêm rằng các viên chức Vatican đang đàm phán để cải thiện thỏa thuận và hiện đã có “sự hiểu biết nhiều hơn, sự tôn trọng lớn hơn giữa hai bên.” Tháng 11 năm ngoái, vài tuần sau khi Vatican và Bắc Kinh gia hạn thỏa thuận lần thứ hai, Trung Quốc đã vi phạm hiệp ước bằng cách bổ nhiệm một giám mục không được Tòa thánh công nhận.

Vatican có thể đang nêu lên những lo ngại về quá trình Trung quốc hóa đối với chính quyền Trung Quốc một cách riêng tư thông qua nhiều kênh khác nhau. Tháng tới, Giám mục Stephen Chow của Hương Cảng sẽ đến thăm Bắc Kinh để gặp chủ tịch Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc — đây là lần đầu tiên một chuyến thăm như vậy diễn ra trong gần 30 năm, nhưng ít người kỳ vọng sẽ đạt được nhiều điều từ cuộc gặp.

Nữ tu Lương Bích Thúy nói: “Chuyến viếng thăm Trung Quốc của Đức Giám Mục Chow không phải do chính ngài khởi xướng, mà là do Bắc Kinh. Đó là não trạng cũ về việc bày tỏ lòng kính trọng đối với hoàng đế của quốc gia phụ thuộc nhỏ gần đó. Mỗi giám mục Hương Cảng phải bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo Bắc Kinh kể từ khi Hương Cảng được Trung Quốc lấy lại trong tư cách một đặc khu hành chính [năm 1997].”

Cách tiếp cận ngây thơ?

Những người chỉ trích cách tiếp cận ngoại giao của Tòa thánh đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 10 năm qua, cùng với việc nước này loại bỏ những người chỉ trích một chính sách như thế như Đức Hồng Y Zen, coi cách tiếp cận này là ngây thơ và phản bội người Công Giáo ở Trung Quốc.

Mosher cho biết: Khi họ ký và sau đó hai lần gia hạn Thỏa thuận tạm thời năm 2018 với Bắc Kinh, “Các nhà ngoại giao của Vatican dường như không nhận ra rằng họ đang đối phó với một chế độ độc tài độc đảng tàn bạo hơn nhiều và ít khoan dung hơn đối với bất cứ biểu hiện nào của đức tin tôn giáo, so với Mexico trong những năm 1990 hay Việt Nam trong những năm 2000”.

Nữ tu Lương Bích Thúy tin rằng, nếu họ chưa làm như vậy, thì các viên chức Vatican sẽ mở to đôi mắt trước những tệ nạn của việc Trung quốc hóa khi cuối cùng họ nhận ra rằng Bắc Kinh sẽ không tuân thủ hiệp ước năm 2018, và việc bổ nhiệm giám mục của họ vào tháng 11 năm ngoái đã đánh dấu bước đầu của việc Trung Quốc công khai vi phạm các điều khoản của nó. Bà nói: “Trung Quốc làm ngơ trước vấn đề này mà không có bất cứ phản hồi công khai nào. Trung Quốc chỉ làm những gì họ thích trong các giao dịch đối ngoại thông thường mà không tôn trọng bất cứ trật tự quốc tế hay luật pháp quốc tế nào.”

Nữ tu Lương Bích Thúy, người thấy những dấu hiệu điều này có thể xảy ra, cho biết, “Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc là cách để đạt được tự do bao gồm cả tự do tôn giáo”. Bà nói thêm, ngoài ra, “Giáo Hội Công Giáo hầm trú vẫn còn mạnh mẽ. Chúng ta có hy vọng vào nhóm người Công Giáo trung thành và đau khổ này.”