1. Tư lệnh lực lượng NATO ở Âu Châu kêu gọi Nga rút quân sau khi đã mất Nga mất 200.000 binh sĩ, và 2.000 xe tăng ở Ukraine

Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất 200.000 binh sĩ và hơn 1.800 sĩ quan.

Chỉ huy tối cao của Lực lượng chung NATO ở Âu Châu và Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ ở Âu Châu, Tướng Christopher Cavoli, cho biết như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Die Spiegel của Đức. Ông khuyên người Nga nên dừng cuộc chiến vì thương vong của cả hai bên đã quá cao và không có cơ hội cho người Nga dành được chiến thắng.

Tờ báo cho biết: “Theo ý kiến của Tổng tư lệnh các lực lượng NATO ở Âu Châu, sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, NATO phải thích nghi với thực tế mới. Quy mô của cuộc chiến này là không thể tin được”

Theo Cavoli, Nga đã mất hơn 2.000 xe tăng chiến đấu; hơn 200.000 binh sĩ và hơn 1.800 sĩ quan. Theo tướng Mỹ, trung bình quân đội Nga bắn hơn 23.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

2. Phiên khoáng đại lần thứ 394 của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan

Hội đồng Giám mục Ba Lan sẽ nhóm khóa họp lần thứ 394 trong hai ngày 13 và 14 tháng Ba tới đây, tại thủ đô Warsaw và chủ yếu sẽ bàn về khóa họp mới đây ở cấp đại lục để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới kỳ thứ 16 tại Rôma vào tháng Mười năm nay.

Trong khóa họp này, Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gądecki, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, và Đức Tổng Giám Mục Adrian Galbas, điều hợp viên Công nghị về tính đồng hành trong Giáo Hội Công Giáo Ba Lan, sẽ tường trình cho các giám mục Ba Lan về khóa họp của các đại biểu các Hội đồng Giám mục Âu châu, từ ngày 05 đến ngày 12 tháng Hai vừa qua tại Praha, thủ đô Cộng hòa Tiệp, về việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục thế giới.

Linh mục Leszek Gesiak, phát ngôn viên Hội đồng Giám mục Ba Lan cho biết trong khóa họp sắp tới tại Warsaw, các giám mục cũng sẽ thảo luận về tổng hợp của tiến trình công nghị toàn quốc, qua các giáo phận Ba Lan: “Đây là một văn kiện phong phú và nhiều điểm hay, có thể gợi ý cho mỗi giáo phận tại Ba Lan, và đây là điều đáng thảo luận. Tổng hợp này cũng được gửi tới Văn phòng Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục ở Rôma và là điểm tham chiếu cho phái đoàn Ba Lan tại khóa họp ở Praha. Vì thế, các giám mục có thể xem tổng hợp này trong viễn tượng những tổng hợp của các nước khác được trình bày tại Praha, được soạn thảo tại những nước thường có những bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác biệt”.

Trong khóa họp thứ 394 tới đây, các giám mục Ba Lan cũng bàn tới lễ phong chân phước cho gia đình Ulma, bị Đức quốc xã sát hại trong thời Thế chiến thứ II vì đã giúp đỡ những người Do thái bị bách hại. Đức Cha Adam Szal, Tổng Giám Mục giáo phận Przemysl, nơi có gia đình Ulma, sẽ trình bày kế hoạch chuẩn bị lễ phong chân phước, ngày 10 tháng Chín năm nay tại Markowa, nơi gia đình các vị tôi tớ Chúa bị sát hại như những vị tử đạo.

Đại hội thứ 394 của các giám mục Ba Lan trùng vào kỷ niệm mười năm Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Vì thế, chiều ngày thứ Hai, 13 tháng Ba, các giám mục sẽ đến Đền thờ Chúa Quan Phòng ở ngoại ô Warsaw, để cử hành thánh lễ cầu cho Đức Thánh Cha. Thánh lễ sẽ do Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennacchio, Sứ thần Tòa Thánh tại Ba Lan, chủ sự.

3. Hai giáo phận ở Mỹ vẫn tiếp tục cho phép việc cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống

Hai giáo phận ở Mỹ vẫn tiếp tục các thánh lễ theo nghi thức cũ bằng tiếng Latinh và theo sách lễ năm 1962 bất kể những hạn chế nghiêm ngặt vừa được đưa ra.

Hạn chế này do Đức Thánh Cha ban hành trong Tự Sắc Traditionis Custodes, ngày 16 tháng Bảy năm 2021, và mới đây là Phúc chiếu ngày 21 tháng hai của ngài siết chặt hơn nữa.

Có hai giám mục tuyên bố vẫn tuân hành quyết định của Tòa Thánh nhưng tìm cách đáp ứng nhu cầu của các tín hữu.

Trong cuộc phỏng vấn dành Đài truyền hình EWTN, ngày 02 tháng Ba vừa qua, Đức Cha Thomas Paprocki, Giám mục Giáo phận Springfield, một luật sư luật đời và cũng là một luật sư giáo luật, cho biết ngài vẫn tuân hành giáo luật và chỉ thị của Tòa Thánh, theo đó việc giải thích và áp dụng tùy thuộc phán đoán của giám mục giáo phận, dựa theo nguyên tắc phụ đới, những quyết định phải được áp dụng ở cấp địa phương, trừ khi có lý do lật ngược lại.

Cụ thể là giáo phận có hai nơi cử hành thánh lễ cũ bằng tiếng Latinh: một là nhà thờ giáo xứ do Huynh đoàn thánh Phêrô phụ trách, và Huynh đoàn này đã được sự chuẩn chước của Đức Thánh Cha. Tiếp đến là một nhà thờ mà Đức Cha đã tuyên bố không phải là nhà thờ giáo xứ. Có hai giáo xứ được gộp lại: trong đó một thánh đường là nhà thờ giáo xứ, và nhà thờ còn lại không phải là thánh đường giáo xứ và Đức Cha cho cử hành thánh lễ tại đây.

Còn tại Tổng giáo phận Kansas City, cũng có hai nơi cử hành thánh lễ cũ. Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann cho biết: một thánh đường là của Huynh đoàn thánh Phêrô đã được chuẩn chước. Và một thánh đường không phải là nhà thờ giáo xứ.

Đức Tổng Giám Mục Naumann cũng nhấn mạnh rằng “Tôi thấy các tín hữu dự lễ tại hai thánh đường ấy là những người rất chân thành. Họ yêu mến Chúa và yêu mến Giáo hội, yêu mến Thánh Thể. Tôi nghĩ điều mà Đức Giáo Hoàng ban đầu tìm cách sửa sai, là vì có một thái độ của những người nghĩ rằng thánh lễ theo nghi thức Công đồng Tridentino là cao trọng hơn thánh lễ được cải tổ, và tôi nghĩ đó là một sai lầm. Nhưng tôi không nghĩ các tín hữu ở đây có thái độ như vậy. Và tôi nghĩ họ hoang mang vì những giới hạn áp đặt trên cả các giám mục, khi đưa ra những phán đoán thẩm định mục vụ”.

Trong cuốn sách “Không có gì ngoài sự thật”, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, đã dành ra bốn trang của cuốn sách để mô tả tất cả sự cay đắng mà Đức Bênêđictô cảm thấy vào ngày 16 tháng 7 năm 2021, khi “khi lật qua tờ báo Quan Sát Viên Rôma vào chiều hôm đó, ngài khám phá ra rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra tự sắc 'Traditionis custodes' về việc sử dụng phụng vụ Rôma trước cuộc cải cách năm 1970,” theo đó ngài hạn chế gần như đến mức xóa sạch quyền tự do cử hành Thánh lễ theo nghi thức cổ xưa mà chính Đức Bênêđictô đã cho phép vào năm 2007 với tự sắc “Summorum Pontificum.”

Tổng Giám Mục Gänswein kể lại rằng Đức Bênêđíctô “đã đọc tài liệu một cách cẩn thận,” và “khi tôi hỏi ý kiến của ngài” – ngài nói rằng ngài coi đó là “một sự thay đổi tất nhiên mang tính quyết định và đánh giá đó là một sai lầm, vì nó có nguy cơ gây nguy hiểm cho nỗ lực đạt được hòa bình mười bốn năm trước.”

Đức Giáo Hoàng danh dự “đặc biệt cho rằng thật sai lầm khi cấm cử hành Thánh lễ theo nghi thức cũ trong các nhà thờ giáo xứ, vì luôn rất nguy hiểm khi dồn một nhóm tín hữu vào một góc, khiến họ cảm thấy bị bách hại và truyền cảm hứng cho họ cảm giác phải bảo vệ căn tính của mình bằng mọi giá khi đối mặt với 'đối phương'.”

Phản ứng của hai Giám Mục Hoa Kỳ đối với phúc chiếu vừa được ban hành minh họa cho những tiên đoán của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.